Tạo môi trường và điều kiện tốt hơn cho hoạt động nghiên cứu khoa học
Đóng góp ngày càng hiệu quả vào nâng cao năng suất, chất lượng
Sáng 28/12, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tham dự hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại hội nghị |
Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa rất quan trọng, tạo động lực đối với việc hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.
Trong bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế có những thuận lợi và khó khăn, thách thức, được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội; sự lãnh đạo, chỉ đạo, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự đồng hành, chia sẻ, ủng hộ của các bộ, ngành, địa phương, viện, trường, doanh nghiệp... ngành khoa học và công nghệ đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng góp ngày càng hiệu quả vào nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.
Theo Báo cáo GII 2023 do WIPO công bố ngày 27/9/2023, Việt Nam xếp thứ 46/132 quốc gia/nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022, đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á, duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm 36 nền kinh tế thu nhập trung bình thấp; là một trong 07 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua.
Việt Nam cũng là một trong 3 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp (bên cạnh Ấn Độ và Cộng hòa Moldova). Trong 13 năm liền, Việt Nam luôn có kết quả đổi mới sáng tạo cao hơn so với mức độ phát triển, cho thấy hiệu quả trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra đổi mới sáng tạo.
Trong các ngành, lĩnh vực, hoạt động khoa học và công nghệ cũng đạt một số kết quả nổi bật như: Trong lĩnh vực khoa học tự nhiên: Đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng giai đoạn 2017-2025 trong các lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh và nhu cầu để vươn lên đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới như toán học, vật lý, hóa học, khoa học sự sống, khoa học trái đất và khoa học biển; góp phần triển khai hiệu quả các Chiến lược quốc gia đến năm 2030.
Trong lĩnh vực công nghiệp, đã làm chủ công nghệ, chế tạo thành công nhiều sản phẩm công nghiệp với tỷ lệ nội địa hóa cao góp phần chủ động nguồn cung trong nước, giảm giá thành sản phẩm nhập khẩu cùng loại; hệ thống kiểm tra, giám sát vận hành và cảnh báo sớm sự cố của các thiết bị và đường dây tải điện 110 kV trên cơ sở ứng dụng trí tuệ nhân tạo và xử lý dữ liệu lớn; xây dựng được giải pháp tăng hệ số thu hồi dầu cho tác nhân hóa học tại mỏ (tầng chứa Miocen hạ, mỏ Bạch Hổ). Hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp trong nước nghiên cứu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, làm chủ công nghệ, chế tạo thành công một số sản phẩm cơ khí có giá trị kinh tế cao.
Hay trong lĩnh vực công nghệ sinh học, hầu hết các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được triển khai theo định hướng nghiên cứu ứng dụng, các công nghệ đạt trình độ các nước tiên tiến trong khu vực, một số lĩnh vực đạt trình độ các nước phát triển trên thế giới. Các công trình nghiên cứu đã đạt được nhiều thành công trong việc ứng dụng các công nghệ vi sinh, công nghệ enzyme, protein để sản xuất, chế biến thực phẩm.
Ở lĩnh vực nông nghiệp, tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng và từng bước làm chủ được công nghệ chọn tạo các giống cây trồng, vật nuôi chủ lực có năng suất cao, chất lượng tốt, kháng bệnh và chống chịu với điều kiện bất thuận và ứng dụng vào sản xuất; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới và thân thiện với môi trường trong nuôi trồng, chăm sóc, canh tác, quản lý dịch bệnh, bảo quản và chế biến nông sản góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy và ổn định sản xuất ở nhiều địa phương cũng như tăng cường xuất khẩu.
Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hoặc làm chủ được công nghệ thiết kế chế tạo một số loại máy móc, công nghệ để ứng dụng vào sản xuất, nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm. Bảo tồn, khai thác và phát triển được một số nguồn gen cây trồng, vật nuôi, dược liệu, vi sinh vật quý, hiếm có giá trị ứng dụng để phát triển phục vụ nông nghiệp, công nghiệp, y - dược, văn hóa, bảo vệ môi trường và an ninh - quốc phòng...
Kiên trì theo đuổi giấc mơ lớn và niềm đam mê khoa học
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, trong năm qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự chung tay ủng hộ và chia sẻ, hợp tác của các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, sự quan tâm sâu sắc của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, ngành khoa học và công nghệ đã nỗ lực hoàn thành kế hoạch công tác năm 2023 với nhiều kết quả tích cực, góp phần thiết thực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng và an ninh quốc gia, cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân, đóng góp vào các mục tiêu tăng trưởng của đất nước trong năm 2023.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho rằng, cũng như cuộc sống, khoa học và công nghệ vận động không ngừng, đòi hỏi các cơ chế, chính sách quản lý khoa học và công nghệ luôn cần được rà soát để điều chỉnh kịp thời mới theo kịp và đáp ứng được, hỗ trợ được hoạt động khoa học và công nghệ một cách hiệu quả.
Do đó, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng nhận thức được rằng, vẫn còn đó các vướng mắc, bất cập trong quản lý khoa học và công nghệ mà vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, chúng ta chưa tháo gỡ được và cần sớm có giải pháp trong thời gian tới.
"Bối cảnh mới với các diễn biến phức tạp, khó đoán định của thế giới hiện đại và sự thay đổi chưa từng có tiền lệ trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi chúng ta phải luôn chủ động, sáng tạo và linh hoạt thích ứng để ứng phó kịp thời" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành đột phá chiến lược và động lực chính cho phát triển kinh tế - xã hội, đưa nước ta nhanh chóng trở thành một nước có nền công nghiệp hiện đại vào năm 2030, nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 như Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ, trong năm 2024 và những năm tiếp theo, chúng ta cần tiếp tục kiên trì đổi mới tư duy, thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp lớn về phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; đổi mới cơ chế quản lý khoa học và công nghệ; nâng cao tiềm lực và trình độ khoa học và công nghệ; thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Để làm được điều đó, bên cạnh sự ủng hộ, chung tay của các cấp, các ngành và toàn xã hội, cần sự quyết tâm và nỗ lực lớn hơn nữa của lực lượng khoa học và công nghệ cả nước.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt khẳng định, với vai trò đầu mối quản lý hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tham mưu với Chính phủ tạo môi trường và điều kiện tốt hơn nữa cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, từ đó, động viên đội ngũ cán Bộ Khoa học và Công nghệ kiên trì theo đuổi giấc mơ lớn và niềm đam mê khoa học, vượt lên các khó khăn, thách thức để tạo ra nhiều thành quả khoa học và công nghệ thiết thực, mang lại lợi ích cho đất nước, người dân và xã hội, đóng góp cho kho tàng tri thức của nhân loại.