Tạo chuyển biến về thi đua khen thưởng trong Thanh tra các Bộ khối ngành kinh tế
Nhiều kết quả tích cực
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Việt Long - Chánh Thanh tra Bộ Công Thương đánh giá công tác thi đua, khen thưởng của Thanh tra các Bộ Khối kinh tế ngành trong những năm qua đã có chuyển biến tích cực góp phần đem lại hiệu quả cao trong các lĩnh vực công tác. Qua các phong trào thi đua, nhiều tấm gương người tốt, việc tốt đã được nhân rộng, những thiếu sót, hạn chế từng bước được khắc phục.
Cụ thể, triển khai thực hiện kế hoạch số 128/KH-TTCP ngày 29/1/2019 của Thanh tra Chính phủ về việc phát động phong trào thi đua năm 2019, Thanh tra Bộ Công Thương với vai trò là khối trưởng đã chủ trì, phối hợp với Thanh tra Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, các đơn vị trong khối xây dựng các nội dung và tổ chức ký kết giao ước thi đua, các tiêu chí, thang điểm thi đua năm 2019; xây dựng kế hoạch triển khai theo các nội dung chuyên đề và tổ chức kiểm tra đánh giá, sơ kết, tổng kết công tác thi đua đúng theo quy định. “Ngoài ra, công tác phát triển, nhân rộng điển hình tiên tiến, tuyên truyền, phổ biến đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về thi đua khen thưởng luôn được quan tâm, tạo bước chuyển biến về nhận thức trong mỗi cán bộ, Đảng viên, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức Thanh tra”- ông Lê Việt Long chia sẻ.
Ông Lê Việt Long - Chánh Thanh tra Bộ Công Thương phát biểu tại buổi lễ |
Đáng chú ý, thực hiện chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2019, Thanh tra Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 127/2015/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động Thanh tra ngành Công Thương. Xây dựng Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 15/2016/TT-BCT hướng dẫn một số nội dung về thanh tra chuyên ngành Công Thương đã được Vụ pháp chế Bộ Công Thương thẩm định.
Cũng trong năm 2019, Thanh tra Bộ Công Thương đã thực hiện và bảo vệ thành công đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2019: “Nghiên cứu đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả trong hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo tại Thanh tra Bộ Công Thương”. Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu Bộ đánh giá đạt loại “Xuất sắc”.
Ông Bùi Dũng Thế - Trưởng phòng Kinh tế xã hội (Thanh tra Bộ Công Thương) báo cáo về công tác thanh tra, kiểm tra năm 2019 |
Theo ông Bùi Dũng Thế - Trưởng phòng Kinh tế xã hội (Thanh tra Bộ Công Thương), năm 2019, Thanh tra Bộ Công Thương thực hiện 5 cuộc thanh tra hành chính theo kế hoạch. Qua công tác thanh tra đã phát hiện một số sai phạm của một số đơn vị, trình Bộ trưởng chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra Bộ Công an tiếp tục điều tra làm rõ về các sai phạm liên quan đến việc quản lý kinh tế tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp. Tiếp đó, kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước số tiền là 2.955.250.000 đồng; kiến nghị nộp bổ sung thuế số tiền 427.131.636 đồng; kiến nghị thu hồi các khoản tạm ứng số tiền 1.047.226.600 đồng.
Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ Công Thương thực hiện 1 cuộc thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về hóa chất và 1 cuộc thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về điện lực. “Thanh tra Bộ còn tiến hành 6 cuộc kiểm tra về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tại 6 đơn vị thuộc Bộ; 2 cuộc kiểm tra về công tác thanh tra tại 2 Cục có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ và 12 cuộc kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về hóa chất và điện lực”- ông Bùi Dũng Thế thông tin thêm.
Tập trung cho các mục tiêu trọng tâm
Dù công tác thanh tra, kiểm tra đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng vẫn còn tồn tại những hạn chế. Theo đó, cán bộ làm công tác thi đua khen thưởng còn kiêm nhiệm, chưa được bồi dưỡng tập huấn nâng cao nghiệp vụ thường xuyên, lại thường thay đổi nên kỹ năng và kinh nghiệm hoạt động bị hạn chế. Khối lượng công việc của các đơn vị quá lớn, trong khi đó biên chế được giao chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Tại hội nghị tổng kết công tác thi đua khen thưởng năm 2019 và thống nhất thông qua việc đánh giá, nhất trí đổi mới nội dung, hình thức thi đua khen thưởng, ông Lê Việt Long cho rằng, tổ chức các phong trào thi đua phải thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Đồng thời gắn với việc đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong các tổ chức; khơi dậy ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm, phát huy tính năng động sáng tạo của các tập thể, cá nhân trong các phong trào thi đua; kịp thời tổng kết, đánh giá, phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua để nhân rộng làm nòng cốt trong phong trào thi đua tiếp theo.