Tạo chính sách để doanh nghiệp nhà nước phát triển bền vững
Thực tiễn thời gian qua cho thấy, các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, ngân hàng thương mại nhà nước trong Khối Doanh nghiệp Trung ương luôn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, như: Tài chính - ngân hàng, dầu khí, điện, than, khai khoáng, viễn thông, giao thông vận tải, cung ứng xăng dầu, lương thực,... vừa bảo đảm nền tảng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, các ngành kinh tế khác, vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và xuất khẩu.
Trong các thời điểm đất nước gặp khó khăn do các biến động từ môi trường quốc tế hay do thiên tai, dịch bệnh, các doanh nghiệp nhà nước luôn là công cụ mạnh để Nhà nước, Chính phủ điều tiết, giảm thiểu các tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế, xã hội trong nước.
Đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương |
“Trong năm 2020, cùng cả nước chống đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp nhà nước trong Khối đã thực hiện các nhiệm vụ giải cứu đồng bào từ các vùng dịch trên thế giới, cung cấp hoá chất, vật tư, thiết bị phòng chống dịch, đặc biệt đã thực hiện miễn, giảm các loại phí, giá dịch vụ, sản phẩm để ổn định thị trường, hỗ trợ đời sống nhân dân và hoạt động của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế với tổng giá trị trên 37 nghìn tỷ đồng” - đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm - cho biết.
Ở Việt Nam, vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước xuất phát từ lợi ích của đất nước, của nhân dân trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Kinh tế nhà nước phát huy tốt vai trò chủ đạo thì kinh tế - xã hội sẽ phát triển nhanh, quốc phòng - an ninh được giữ vững. Một trong những yếu tố quan trọng để đạt được mục tiêu này là tạo cơ chế, chính sách để thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước phát triển bền vững.
Trên góc độ tiếp cận này theo đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm, cần nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng đối với doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới; sớm xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế pháp luật; rà soát và hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp
“Nghiên cứu việc thành lập cơ quan thực hiện chức năng đầu tư vốn của Nhà nước vào các doanh nghiệp nhà nước vì việc thực hiện đầu tư và tái đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước sẽ đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp, phù hợp kinh nghiệm quốc tế và các quy định của pháp luật” - đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm đề xuất.