Cụ thể, GDP quý IV ước tăng 5,22% so với cùng kỳ năm trước, tuy cao hơn tốc độ tăng trưởng 4,61% của năm 2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng của quý IV các năm từ 2011-2019. Trong đó, khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,16%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,61%; khu vực dịch vụ tăng 5,42%.
Về sử dụng GDP quý IV/2021, đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,86% so với cùng kỳ năm trước; tích luỹ tài sản tăng 3,37%; xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ tăng 14,28%; nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ tăng 11,36%.
Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội Quý IV và năm 2021 |
Ước GDP năm 2021 tăng 2,58%, trong đó quý I tăng 4,72%; quý II tăng 6,73%; quý III giảm 6,02%; quý IV tăng 5,22%. Trong mức tăng chung toàn nền kinh tế, khu vực nông – lâm nghiệp và và thuỷ sản tăng 2,9%, đóng góp 13,97% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,05%, đóng góp 63,80%; khu vực dịch vụ tăng 1,22%, đóng góp 22,23%.
Đánh giá về mức tăng trưởng GDP 2,58% của năm 2021, ông Lê Trung Hiếu - Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) - cho rằng: Năm 2021 là một năm nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhất là làn sóng dịch lần thứ 4 diễn ra vào cuối tháng 4, khiến tăng trưởng GDP quý III âm hơn 6%. Trước bối cảnh đó, Chính phủ đã kịp thời đưa ra những giải pháp để ổn định sản xuất, kinh doanh, do đó kinh tế quý IV đã phục hồi tích cực.
“Mức tăng trưởng GDP cả năm 2021 đạt 2,58% vẫn được đánh giá là mức tăng trưởng khá trong điều kiện khó khăn, Chính phủ phải ưu tiên nguồn lực để phòng, chống dịch” – ông Lê Trung Hiếu thông tin.
Khu vực công nghiệp, xây dựng có mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2021 |
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế năm 2021, khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%, đóng góp 13,97% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Trong khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản, năng suất của phần lớn cây trồng đạt khá so với năm trước, chăn nuôi tăng trưởng ổn định, kim ngạch xuất khẩu một số nông sản năm 2021 tăng cao, góp phần duy trì nhịp tăng trưởng của cả khu vực. Ngành nông nghiệp tăng 3,18%, đóng góp 0,29 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,88%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 1,73%, đóng góp 0,05 điểm phần trăm.
Theo ông Dương Mạnh Hùng - Vụ trưởng Vụ Thống kê nông - lâm nghiệp và thuỷ sản (Tổng cục Thống kê), trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành nông nghiệp của Việt Nam trong năm 2021 vẫn có sự phát triển và tăng trưởng khá ổn định. Đây cũng là năm đầu tiên tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp cao hơn mức tăng trưởng của GDP. Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều quốc gia phải hạn chế xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, thì ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn phát triển tốt, cao hơn dự báo và kế hoạch của ngành nông nghiệp và các tổ chức kinh tế.
Sự kiện diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến |
Về khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,05%, đóng góp 63,80% vào tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,37%, đóng góp 1,61 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,24%, đóng góp 0,19 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng giảm 6,21%, làm giảm 0,23 điểm phần trăm do sản lượng dầu mỏ thô khai thác giảm 5,7% và khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 19,4%. Ngành xây dựng tăng 0,63%, đóng góp 0,05 điểm phần trăm.
Đánh giá về tăng trưởng của khu vực công nghiệp và xây dựng trong năm 2021, bà Phí Thị Hương Nga - Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng (Tổng cục Thống kê) - cho biết: Ngành công nghiệp và xây dựng có mức tăng trưởng khá trong năm 2021, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao nhờ vào sự ứng biến linh hoạt của cộng đồng doanh nghiệp trong thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh, đặc biệt là quy định thích ứng an toàn với dịch bệnh của Chính phủ tại Nghị quyết 128. Tuy vậy, dự báo năm 2022 tình hình kinh tế vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn do nguyên liệu đầu vào tăng cao, vì vậy Chính phủ và các cơ quan chức năng cần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, ổn định sản xuất.
Về khu vực dịch vụ năm 2021 tăng 1,22%, đóng góp 22,23% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Lý giải về mức tăng thấp của khu vực này, Tổng cục Thống kê cho rằng, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ. Tăng trưởng âm của một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn đã làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế. Cụ thể, ngành bán buôn, bán lẻ giảm 0,21% so với năm trước, làm giảm 0,02 điểm phần trăm trong tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành vận tải kho bãi giảm 5,02%, làm giảm 0,3 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm mạnh 20,81%, làm giảm 0,51 điểm phần trăm.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Việt Phong - Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ (Tổng cục Thống kê), năm 2022, khu vực dịch vụ được dự báo khả quan hơn, do Việt Nam đã có cách tiếp cận mới với dịch, cùng với đó, đường bay quốc tế mở cửa trở lại, nên khách quốc tế sẽ đến Việt Nam và tác động tích cực đến tăng trưởng của ngành này.
Mức tăng trưởng GDP âm hơn 6% trong quý III đã khiến tăng trưởng GDP cả năm 2021 chỉ đạt 2,58%. Đây là mức tăng thấp nhất trong thập kỷ gần đây và thấp hơn tăng trưởng năm 2020 (2,91%). |