Tăng cường phối hợp điều hành phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Kết nối giao thông Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã và đang được thực hiện hiệu quả giữa các tỉnh thành |
Theo đó, trong quá trình thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng của các vùng kinh tế và vùng kinh tế trọng điểm cần phối hợp với địa phương để đánh giá có hệ thống về các cơ chế, chính sách và quy hoạch của Trung ương dành cho vùng, đặc biệt là tỷ lệ điều tiết ngân sách đối với địa phương để tái đầu tư và phát triển hạ tầng; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước cũng như hiệu quả của công tác lập, quản lý và triển khai hệ thống các quy hoạch từng ngành, lĩnh vực gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng.
Ngoài ra, UBND TP. Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Trung ương ưu tiên nguồn vốn ngân sách và nguồn vốn ODA để đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm của các vùng kinh tế trọng điểm cũng như cho công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển hệ thống logistics trong các vùng kinh tế trọng điểm, có sự kết nối với hệ thống cấp quốc gia và liên vùng bao gồm hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng cần thành lập một tổ hoặc một bộ phận tham mưu Thủ Tướng chỉ đạo, điều hành cấp vùng theo nguyên tắc nâng cao trách nhiệm quản lý, bảo đảm công bằng các lợi ích trong việc thực hiện chủ trương, đường lối và chính sách trong các Nghị quyết Đảng, Nghị quyết và các kết luận của Bộ Chính trị, Chính phủ, các chương trình, đề án và dự án về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; thực hiện phối hợp bảo đảm nguyên tắc đồng bộ, minh bạch và bổ sung cho nhau giữa các Bộ, ngành với các địa phương và giữa các địa phương với nhau trong các vùng, miền cả nước.
Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm 8 tỉnh, TP là TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Tiền Giang và Tây Ninh. Đến nay các địa phương này tiếp tục là vùng kinh tế năng động, phát triển mạnh mẽ với mức tăng trưởng kinh tế gấp 1,5 lần mức bình quân của cả nước, chiếm 40% kim ngạch xuất khẩu, đóng góp 60% ngân sách quốc gia, thu hút hơn 60% số dự án và 50% số vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Những con số này cho thấy, vị trí, vai trò quan trọng và cả những thế mạnh đang được khai thác hiệu quả tại Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Riêng về lĩnh vực hạ tầng giao thông, tháng 1/2018 đại diện các Sở Giao thông Vận tải Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng đã thống nhất kiến nghị điều chỉnh, bổ sung quy hoạch giao thông trong Vùng. Theo đó, sẽ bổ sung mới 5 tuyến liên vùng với tổng chiều dài gần 240 km, quy mô 4- 6 làn xe với tổng mức đầu tư hơn 32.200 tỷ đồng; kéo dài 10 trục đường đã quy hoạch với tổng chiều dài gần 730 km, tổng mức đầu tư khoảng 63.000 tỷ đồng; điều chỉnh hướng tuyến đường N2. Về đường sắt, đề xuất xác định ga Bình Triệu là ga đầu mối chính và bổ sung nhánh kết nối giữa ga Bình Triệu với tuyến đường sắt TP. Hồ Chí Minh- Cần Thơ. Với giao thông thủy đề xuất bổ sung luồng tuyến kết nối nhanh hướng Đông Tây từ cửa sông Vàm Cỏ tới cụm cảng Cái Mép - Thị Vải và từ sông Đồng Nai tới sông Thị Vải; bổ sung các cảng sông ICD để gom hàng và vận chuyển tới các cảng biển nhằm giảm áp lực cho giao thông đường bộ.