Thứ năm 19/12/2024 22:15

Tăng cường công khai, minh bạch thực trạng tài chính của doanh nghiệp có vốn nhà nước

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tăng cường tính công khai, minh bạch về thực trạng tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Phát huy tính năng động, sáng tạo của doanh nghiệp nhà nước

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường vừa ký ban hành Kết luận số 991/KL-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp - Ảnh: QH

Kết luận nêu rõ: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quá trình chuẩn bị hồ sơ dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp của Chính phủ và thẩm tra của Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách.

Đây là một Luật hết sức quan trọng, có nhiều nội dung khó, mới và phức tạp. Để đảm bảo chất lượng dự án Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu tiếp thu ý kiến phát biểu tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của Cơ quan thẩm tra để hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật.

Có phương án tiếp thu vào từng điều, khoản cụ thể, nhất là những quan điểm, vấn đề mới; những nội dung không tiếp thu cần giải trình đầy đủ, thuyết phục và cần khẳng định các quy định của dự thảo Luật này đảm bảo xử lý các vấn đề vướng mắc, bất cập để trình Quốc hội trước ngày 15/10/2024. Trường hợp không kịp tiếp thu, giải trình hoặc chưa bảo đảm đủ điều kiện thì Chính phủ đề xuất thời điểm báo cáo Quốc hội phù hợp, không vì tiến độ mà bỏ qua chất lượng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ lưu ý một số nội dung sau: Tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng. Trong đó cần tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu tài sản vốn Nhà nước với chức năng quản lý Nhà nước đối với mọi loại hình doanh nghiệp, chức năng quản trị kinh doanh doanh nghiệp, đảm bảo nguyên tắc Nhà nước là chủ sở hữu đầu tư vốn nhưng không can thiệp hành chính vào hoạt động kinh doanh, quản trị của doanh nghiệp.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động, phát huy tính năng động, sáng tạo của doanh nghiệp Nhà nước cùng với việc có cơ chế quản lý chặt chẽ, tránh lạm dụng làm thất thoát tài sản nhà nước, gắn trách nhiệm của đơn vị, người đại diện vốn nhà nước và tăng cường tính công khai, minh bạch về thực trạng tài chính, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp có vốn nhà nước để đảm bảo việc kiểm tra, giám sát của Nhà nước và của Nhân dân đối với vốn của Nhà nước.

Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm túc Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Luật chỉ quy định vấn đề đã chín, đã rõ, thực tiễn chứng minh là đúng, có sự đồng thuận, thống nhất cao và thuộc thẩm quyền của Quốc hội; không luật hóa các vấn đề chưa ổn định do các quan hệ kinh tế - xã hội đang trong quá trình vận động, có nhiều thay đổi. Bám sát việc sơ kết Nghị quyết số 12-NQ/TW của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước để đảm bảo các quy định của luật phù hợp với các chủ trương của Đảng.

Giảm tối đa thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ của doanh nghiệp

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ lưu ý, sửa đổi toàn diện, bổ sung, chỉnh lý các quy định về đầu tư vốn của Nhà nước vào doanh nghiệp, đầu tư vốn của các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối, sắp xếp, cơ cấu lại vốn đầu tư của Nhà nước, của doanh nghiệp và các quy định khác trong Luật để giới hạn phạm vi đầu tư của Nhà nước vào doanh nghiệp và phạm vi đầu tư của doanh nghiệp mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối.

Đảm bảo thực hiện theo quan điểm trong Nghị quyết số 12-NQ/TW của Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước là “doanh nghiệp nhà nước tập trung vào các lĩnh vực then chốt, thiết yếu, những địa bàn quan trọng về quốc phòng, an ninh, những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư, hoạt động theo cơ chế thị trường và cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác theo quy định của pháp luật và làm tốt vai trò dẫn dắt, phát triển doanh nghiệp, thành phần kinh tế khác thực sự trở thành nòng cốt phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ”.

Rà soát phạm vi, đối tượng điều chỉnh, các điều khoản quy định trong dự thảo Luật để đáp ứng yêu cầu sửa đổi luật, không tạo ra khoảng trống pháp lý, đảm bảo nguyên tắc xuyên suốt ở đâu có vốn của Nhà nước thì ở đó phải có quản lý của nhà nước với biện pháp, mức độ phù hợp, kể cả ở các doanh nghiệp vốn nhà nước chiếm tỷ lệ dưới 50% hoặc các doanh nghiệp mà doanh nghiệp nhà nước thực hiện đầu tư, góp vốn.

Đồng thời, rà soát để bảo đảm nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phù hợp với Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các quy định pháp luật có liên quan. Rà soát các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn, nhiệm vụ, quyền hạn của doanh nghiệp, thẩm quyền quyết định công tác nhân sự, chiến lược, kế hoạch, danh mục cơ cấu lại vốn; phân định đầu tư trong nước và đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp…

Rà soát, kế thừa các quy định của luật hiện hành đang phát huy hiệu quả, không để xảy ra tình trạng sửa đổi, quy định mới nhưng lại tạo ra các khó khăn, vướng mắc, bất cập mới hoặc gây thất thoát lãng phí tiền, tài sản nhà nước, đảm bảo các quy định của luật giải quyết, tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc hiện nay; bao quát những vấn đề mới, những vấn đề phát sinh, những yêu cầu trong tình hình mới. Hoàn thiện các quy định về thoái vốn, bán tài sản đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước, các hành vi bị cấm, thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, kế hoạch kinh doanh...

Mặt khác, rà soát, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện các quy định về trình tự, thủ tục quản lý, đầu tư, cơ cấu lại vốn nhà nước, quyết định nhân sự tại doanh nghiệp Nhà nước gắn với quy định về kiểm tra, giám sát doanh nghiệp nhà nước, đảm bảo sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước đối với nguồn lực Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp nhưng Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động của doanh nghiệp; giảm tối đa thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ của doanh nghiệp. Vốn Nhà nước sau khi đã đầu tư tại doanh nghiệp là tài sản, vốn của doanh nghiệp nhưng phải có quy định bảo đảm sự kiểm tra, kiểm soát của nhà nước với biện pháp, mức độ, phù hợp.

Ngoài ra, bổ sung đầy đủ hồ sơ, tài liệu theo ý kiến của cơ quan thẩm tra; rà soát các khái niệm, từ ngữ để giải thích đầy đủ, bảo đảm thống nhất, rõ nghĩa. Rà soát các quy định về trích lập, sử dụng, điều chuyển số dư quỹ, thẩm quyền và mức trích quỹ, sử dụng quỹ của Quỹ đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp nhằm phát huy nguồn lực của Quỹ cho phát triển doanh nghiệp, phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp và định hướng đầu tư, nắm giữ vốn và mở rộng quy mô vốn của nhà nước đối với doanh nghiệp và lĩnh vực Nhà nước cần chi phối.

Rà soát, hoàn thiện các quy định về quyền, trách nhiệm của cơ quan quản lý, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, người đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước và doanh nghiệp, các quy định về thanh tra, kiểm tra, giám sát, quy định về kiểm soát nội bộ để phân định, tách bạch rõ, cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, các chủ thể đảm bảo nguyên tắc nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động của doanh nghiệp, tôn trọng và nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Lưu ý rà soát kỹ để tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra về các nội dung này và việc đề nghị không quy định cụ thể về SCIC trong Luật vì đây là thẩm quyền của Chính phủ.

Rà soát, làm rõ, tiếp thu, điều chỉnh, bổ sung theo ý kiến của cơ quan thẩm tra về nội dung quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; thẩm quyền quyết định công tác nhân sự, chiến lược, kế hoạch, danh mục cơ cấu lại vốn; phạm vi đầu tư vốn; hoạt động đầu tư, hình thức đầu tư của doanh nghiệp, các trường hợp doanh nghiệp không được đầu tư vốn; sắp xếp, cơ cấu lại vốn đầu tư của Nhà nước tại doanh nghiệp; cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn; đánh giá doanh nghiệp…và các nội dung khác được nêu trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách.

Rà soát xử lý mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập với các luật khác, bao gồm các luật đang sửa đổi hoặc sẽ trình Quốc hội sửa đổi tại Kỳ họp thứ 8 để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Rà soát quy định về áp dụng luật, điều khoản thi hành, bảo đảm khả thi, không vướng mắc khi áp dụng. Nghiên cứu các ý kiến đề nghị bỏ quy định tại Điều 3 về áp dụng pháp luật.

Quỳnh Nga
Bài viết cùng chủ đề: Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Tin cùng chuyên mục

Tổng Bí thư Tô Lâm: Quân đội nhân dân Việt Nam - Niềm tự hào dân tộc

Tiếp tục phòng chống tiêu cực trong Đảng: Không vùng cấm, không ngoại lệ

Thủ tướng: Sớm hoàn thiện Đề án thành lập Đảng bộ Chính phủ

Ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí

Thủ tướng phê chuẩn ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Tổng Bí thư Tô Lâm: Văn phòng Trung ương Đảng phải là ‘túi khôn’ của Đảng

Thủ tướng: Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 khẳng định vai trò Việt Nam trong hợp tác quốc phòng

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an khẩn trương điều tra vụ án đốt gây cháy quán cà phê tại Hà Nội

Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp Hoa Kỳ đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư tại Việt Nam

Quan hệ song phương Việt Nam - Lào là 'đặc biệt của đặc biệt'

Các tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc phải quyết liệt, bứt phá về kinh tế

Thủ tướng mong Học viện Kỹ thuật quân sự đổi mới để bay cao, sáng tạo để vươn xa

Tổng Bí thư Tô Lâm: Thanh niên Quân đội phải xây hoài bão lớn

Hải Phòng: Khởi công xây dựng cầu Nguyễn Trãi có tổng mức đầu tư hơn 6.200 tỷ đồng

Thủ tướng: Ngành văn hoá, thể thao và du lịch phải tăng tốc, bứt phá với tư duy đổi mới

Tổng Bí thư Tô Lâm: Cán bộ Đoàn, Hội phải 'gian khổ thì đi trước, hưởng thụ thì đi sau'

Thanh niên Việt Nam yêu nước, đoàn kết, tự tin bước vào kỷ nguyên mới

Chủ tịch nước Lương Cường: Quân đoàn 12 cần nâng cao chất lượng bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho các nhiệm vụ

Hợp tác quốc phòng Việt Nam - Lào: Điểm sáng trong quan hệ song phương

Ngành công nghiệp văn hóa: Chuyển biến mạnh từ chính sách đến thực tiễn