Vừa qua, Báo Công Thương đã có bài phản ánh về việc "diễn giả", "chuyên gia tài chính" Tần Nguyễn - tức ông Nguyễn Văn Tần có rất nhiều phát ngôn sai lệch về lịch sử Việt Nam, có nhiều thông tin gây ảnh hưởng xấu tới quan hệ đối ngoại.
Bức ảnh được đăng kèm bài giải thích trên trang cá nhân của Tần Nguyễn. (Nguồn ảnh: Facebook) |
Ba căn cứ rõ ràng về thông tin xúc phạm, chia rẽ
Sau bài viết trên, Tần Nguyễn cũng có một bài giải thích trên mạng xã hội Facebook, khẳng định mình chỉ “truyền cảm hứng cho các bạn trẻ yêu nước, niềm tự hào dân tộc” và không hề có mục đích “lồng ghép chia rẽ, công kích hay phân biệt bất cứ điều gì làm tổn hại đến quê hương đất nước Việt cả.”
Trong văn bản gửi tới Báo Công Thương (3 lần), ông Nguyễn Văn Tần cho biết, đã họp gấp hội đồng quản trị để xem xét kỹ lưỡng về thông tin này. “Chúng tôi khẳng định những nội dung mà chúng tôi lan tỏa là những thông tin tích cực được trích ra trong những chương trình huấn luyện về truyền động lực học của chúng tôi và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc mình làm”; “Tất cả những gì chúng tôi viết trên đó là cổ vũ, khích lệ động viên, thúc đẩy truyền động lực cho tất cả những thanh niên, đặc biệt là thanh niên Thanh Hoá… vì bản thân có cảm tình đặc biệt với thanh niên Thanh Hoá”.
Trên cơ sở những phân tích tương tự như trên, ông Nguyễn Văn Tần yêu cầu Báo Công Thương phải gỡ bỏ bài viết mà ông cho là sai sự thật, phải đính chính xin lỗi đồng thời ông còn có ý "doạ" sẽ đưa sự việc ra pháp luật cũng như uỷ quyền cho Văn phòng luật sư để giải quyết.
Phản hồi, giải quyết đơn thư kiến nghị của ông Nguyễn Văn Tần, Báo Công Thương đã cử cán bộ liên hệ, trao đổi và gửi công văn mời ông Nguyễn Văn Tần đến toà soạn Báo Công Thương (tại Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh) để làm việc nhưng đến nay Báo vẫn chưa nhận được phản hồi về vấn đề này.
Để rộng đường dư luận và tiếp tục làm sáng tỏ sự việc, Báo Công Thương xin khẳng định những nội dung báo phản ánh là chính xác, đúng sự thật và báo có đầy đủ căn cứ, thông tin, cơ sở để chứng minh phát biểu của ông Tần có nhiều nội dung vi phạm pháp luật, gây chia rẽ vùng miền, kỳ thị địa phương...song ông lại luôn "cao giọng" chỉ nói tốt và "truyền động lực". Điều này thể hiện ở một số vấn đề sau:
Thứ nhất, ông đã cố tình dựng chuyện, phát tán thông tin sai sự thật, biến quan điểm chủ quan, cá biệt thành cái phổ biến trong xã hội, thể hiện rõ tính chất kỳ thị, phân biệt vùng miền, miệt thị người Thanh Hoá khi nói: "Nhưng mà nó nghèo nên nó tinh lắm, quái lắm, mắt của nó cứ long sòng sọc như quạ vào chuồng lợn. Cho nên ai cũng ghét Thanh Hoá, tại nó khôn quá”.“Cái bọn Thanh Hoá và bọn Do Thái giống hệt nhau, đi đâu cũng bị ghét. Đất của nó gọi là gà đào công sự tức là nó cằn cỗi. Vừa đông người vừa khó khăn”.
Xin thưa với ông Nguyễn Văn Tần, hiện tượng một số người cá biệt ghét người Thanh Hoá hay người Do Thái có thể là có nhưng ông nâng lên thành "ai cũng ghét Thanh Hoá", "đi đâu cũng bị ghét" thì chính là truyền bá thông tin mang tính miệt thị, phân biệt vùng miền, vô hình trung gián tiếp tuyên truyền tiêu cực. Hiện tượng cá biệt thì có thể là có, nhưng "ai cũng ghét", "đi đâu cũng bị ghét" thì ông đã cố tình vơ đũa cả nắm, xúc phạm người Thanh Hoá.
Thứ hai, ông đã thông tin sai sự thật và xúc phạm người Thanh Hoá khi nói: “Nó đói đến mức phải cậy rau má ở ngoài đường ăn...". Đây là thông tin hoàn toàn sai sự thật bởi câu thành ngữ "ăn rau má" này không phải vì đói mà gắn với thực tế lịch sử, truyền thống chống ngoại xâm của dân Thanh Hoá. Khi thực dân Pháp làm đường xe lửa để vận chuyển tài nguyên khoáng sản về nước, làm đường tàu đến đất Hoằng Hoá thì bị dân ta tổ chức phá, làm cho công việc của bọn chúng rất khó khăn. Quan Pháp mới hỏi quan huyện Hoằng Hoá là tại sao lại để dân chúng phá đường tàu? Quan huyện Hoằng Hoá cũng là người yêu nước đã nói rằng:"Thưa quan, dân chúng con khổ quá không có gì ăn nên phải ăn rau má, mà rau má trên đường tàu là non và ngon nhất, dân con không cố ý phá đâu ạ." Đây là câu chuyện có thật, nói lên tinh thần yêu nước của người dân xứ Thanh chứ không phải đói đến mức đào rau má ăn như ông Tần phát ngôn. Chả thế mà cách đây ít lâu, Hoa hậu Đỗ Thị Hà đã mặc chiếc áo dài in hình rau má để chia sẻ với mọi người sự thật về nguồn gốc của câu nói “ăn rau má phá đường tàu” chính là sự hy sinh thầm lặng của những người con Thanh Hoá trong công cuộc bảo vệ đất nước.
Thứ ba, trong phát ngôn của ông Nguyễn Văn Tần, mặc dù chủ ý truyền động lực nhưng ông lại có nhiều câu chữ lập luận rất chủ quan, nói xấu về phẩm chất người Thanh Hoá như đoạn: "Toàn là dân giao hàng, tôi chơi toàn với dân Thanh Hoá, mình cứ hở ra là nó thịt mình ngay. Bản năng nó vậy nên nó mới giàu…”; "tôi bị nó vả liên tục"...Như vậy ông đã cố tình cường điệu hoá, phổ biến hoá những tính xấu khôn lỏi để mà quy kết cho người Thanh Hoá. Đó là điều không thể chấp nhận. Nhiều bạn đọc đã làm clip phản ứng và chỉ rõ từng điểm sai trái của ông Tần. Ở đâu thì cũng có người tốt, người xấu, Thanh Hoá cũng vậy, có rất nhiều tầng lớp khác nhau, có cả người giàu, người ở địa vị xã hội cao chứ không phải ai cũng nghèo, cũng láu cá, khôn lỏi như một bộ phận người mà ông Tần tiếp xúc để rồi ông khái quát thành "cái bọn Thanh Hoá" đều như vậy.
Đó là chưa kể đến một số cái sai khác như ông văng tục, ông dùng đại từ nhân xưng không phù hợp "bọn Thanh Hoá", "chúng nó"...
Ngoài nhưng nội dung trên, qua quá trình tìm hiểu trên mạng xã hội Tiktok, phóng viên Báo Công Thương đã phát hiện thêm rất nhiều đoạn video từ chính trang cá nhân của Tần Nguyễn, mà trong đó không những chứa những thông tin sai lệch, mà còn mang tư tưởng công kích những nước có quan hệ đối tác với Việt Nam, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ đối ngoại.
Hàng loạt những tuyên bố sai lệch và không có căn cứ về lịch sử
Cụ thể, trong một video có hơn 92.000 lượt thích, Tần Nguyễn tuyên bố: “Khi mà chúng ta chiến thắng Pháp tại Điện Biên Phủ, chỉ có một vài nước công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia, bao gồm Trung Quốc, Triều Tiên, Liên Xô, Ấn Độ. Thật ra khi chúng ta chiến thắng thực dân Pháp, thì khối phương Tây cũng không công nhận chúng ta, nó cho rằng chúng ta là một tổ chức khủng bố”.
Video có chứa phát ngôn sai lệch của Tần Nguyễn có hơn 92.000 lượt thích và hơn 1.000 lượt bình luận. (Ảnh chụp màn hình) |
Ở đây, Tần Nguyễn đã có một số phát biểu sai trắng trợn. Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, tính tới ngày Việt Nam chiến thắng quân Pháp tại Điện Biên Phủ (7/5/1954), nước ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 10 quốc gia trên thế giới, trong đó bao gồm Trung Quốc, Triều Tiên, Liên Xô và một số quốc gia Đông Âu khác như Hungary và Ba Lan. Đặc biệt, cả Liên Xô, Trung Quốc và Triều Tiên đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ năm 1950. Tuy vậy, mãi đến ngày 07/01/1972, tức 18 năm sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Ấn Độ mới thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam chứ không phải như ông Tần nói linh tinh.
Trong khi đó, lời tuyên bố “Phương Tây cho rằng chúng ta là một tổ chức khủng bố” khi giành chiến thắng tại Điện Biên Phủ là một lời phát biểu không hề có căn cứ. Thực tế, sau chiến thắng, nhiều cơ quan báo chí phương Tây đã có lời ngợi ca tài năng chiến lược của quân đội ta. Tại Pháp, chỉ một ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tạp chí Paris Match có bài viết cho rằng chiến thắng này đã tác động mạnh mẽ và sâu sắc đến Pháp, khiến lực lượng nước này không khỏi bất ngờ. 10 năm sau, tờ New York Times nổi tiếng của Mỹ khi nói về chiến thắng Điện Biên Phủ đã có lời nhận định: “Người Châu Á, sau nhiều thế kỷ nô dịch, đã đánh bại người da trắng ở chính trò chơi của anh ta.”
Sau đó, Tần Nguyễn có phát ngôn như sau: “Bạn nên nhớ là mãi đến năm 1977, cái đất nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của chúng ta nó mới thực tế có một ghế tại Đại hội Đồng Bảo An Liên Hợp Quốc. Nó giống như Palestine bây giờ vậy, là một quốc gia nhưng mà không ai công nhận quyền độc lập, hiểu chưa?”
Ở đây Tần Nguyễn có tổng cộng 3 phát ngôn sai sự thật. Đầu tiên, một năm trước khi gia nhập Liên Hợp Quốc, vào ngày 02/07/1976, Quốc hội khóa VI nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra quyết định đổi tên nước là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Tiếp theo, vào năm 1977, Việt Nam chỉ mới gia nhập Liên Hợp Quốc, và mãi đến năm 2008, Việt Nam mới lần đầu tiên trở thành thành viên không thường trực của Đại hội Đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Việc cho rằng Việt Nam thời bấy giờ và Palestine hiện tại “là một quốc gia nhưng không ai công nhận quyền độc lập” là một phát ngôn sai sót và bất hợp lý. Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, tính đến ngày Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc (20/9/1977), có tới 98 quốc gia trên thế giới đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Về phía Palestine, hiện nay, có tới 145 trên tổng số 193 quốc gia tại Liên Hợp Quốc đã công nhận nước này là một quốc gia độc lập. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Palestine.
Tiếp theo, khi nói về chế độ đô hộ của thực dân Pháp, Tần Nguyễn khẳng định: “Chúng ta là thuộc địa của Pháp và nó gọi chúng ta là Việt-Nam-mít-s. Việt-Nam-mít là cái dân ngu ấy mình hiểu nôm na là như vậy. Bọn Pháp gọi chúng ta Việt-Nam-mít tức là cái bọn mọi, nói cho hiểu chính tiếng Pháp là như vậy.”
Ở đây, Tần Nguyễn đã bộc lộ sự thiếu hiểu biết không những về lịch sử, mà còn về ngôn ngữ. Thực tế, trước đây thực dân Pháp không hề gọi người dân Việt Nam là “Việt-Nam-mít”, mà gọi là “An-nam-mít”, trong tiếng Pháp là “Annamite”. Ở đây Tần Nguyễn đã nhầm lẫn từ “Annamite” với từ “Vietnamese” (phát âm là "Việt-Nam-mít-s") trong tiếng Anh, vốn không hề mang bất hàm ý miệt thị nào.
Đây là một nhầm lẫn nghiêm trọng, vì bản thân từ “Annamite” đã được dùng để áp bức và nô dịch cả một thế hệ người Việt trong quá khứ, trong khi từ “Vietnamese” là cách mà nhiều bạn bè quốc tế gọi người Việt Nam trong thời điểm hiện tại. Chẳng lẽ từ "Vietnamese" lại là một lời sỉ nhục?
Nhiều phát ngôn ảnh hưởng xấu đến đường lối đối ngoại của Việt Nam
Đáng chú ý, trong đoạn video trên, Tần Nguyễn đã có liên tiếp có những phát ngôn gây ảnh hưởng tiêu cực đến đường lối đối ngoại của Việt Nam, bêu xấu những nước mà Việt Nam hiện đang giữ mối quan hệ đối tác tốt đẹp.
Cụ thể, trong đoạn video, Tần Nguyễn đã tuyên bố: “Khi nước Việt Nam chúng ta giành độc lập vào những năm 1954 ấy, thì Pháp và Anh là những cường quốc, bây giờ vai trò của Pháp với Anh nó có cái gì đâu?” và “Bây giờ nói thật với các bạn trên diễn đàn thế giới, Pháp chỉ lấy chỗ thôi, cái vị thế của Pháp trên thế giới nó không có bằng Việt Nam đâu, đó mới là cái niềm tự hào đấy.”
Thực tế, cả Pháp và Anh hiện nay vẫn giữ vị thế quan trọng trên toàn cầu, khi lần lượt có nền kinh tế lớn thứ 5 và thứ 6 thế giới, và đều là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Đặc biệt, cả Pháp và Anh đều là nước có quan hệ Đối tác Chiến lược đối với Việt Nam.
Sau đó, ở cuối video, Tần Nguyễn nói: “Ở Đông Nam Á này, ai là người các cường quốc thường đến thăm? Ai là cái nước mà ngày nào báo chí thế giới cũng phải nhắc đến tên? Chẳng lẽ là Singapore? Không lẽ là Thái Lan? Hay là Phillipines?”
Thực tế, các nước như Singapore, Thái Lan và Phillipines cũng là những nước đóng vai trò lớn cho nền kinh tế Đông Nam Á, và đều có sức ảnh hưởng lớn trên chính trường quốc tế. Vì vậy, việc Tần Nguyễn có hàm ý “hạ bệ” các quốc gia trên là hoàn toàn sai, và thậm chí còn vi phạm nguyên tắc về bình đằng và đoàn kết của ASEAN.
Qua những phát biểu trên, có thể thấy rõ ràng rằng lời khẳng định về việc bản thân “không hề có ý chia rẽ” của Tần Nguyễn là hoàn toàn sai. Không những vậy, việc tiếp tục có những phát ngôn sai lệch lịch sử, gây chia rẽ nhưng lại biện minh rằng mình chỉ “truyền cảm hứng”, “truyền niềm tự hào dân tộc” là một hành động không thể chấp nhận được.
Đặc biệt, những phát ngôn trên của Tần Nguyễn thuộc hành vị “Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc” vốn bị nghiêm cấm tại khoản 1, điều 8 Luật An ninh mạng 2018. Ngoài ra, Tần Nguyễn cũng đã thể hiện hành động vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng của Tiktok, vốn nghiêm cấm các phát ngôn mang tính thù địch, gây chia rẽ.
Với tư cách là một người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội, Tần Nguyễn phải chịu trách nhiệm trước những phát ngôn sai sự thật, vô căn cứ, mang tính chia rẽ, kích động và ảnh hưởng tiêu cực đến đường lối đối ngoại Việt Nam của mình. Các cơ quan chức năng, và đặc biệt là đại diện Tiktok tại Việt Nam, cần nhanh chóng vào cuộc và xử lý nghiêm những hành vi như trên.
Mặc dù đã có một số clip thanh minh, giải thích nhưng ông Nguyễn Văn Tần đến nay vẫn chưa hề xin lỗi bạn đọc và công luận về những phát ngôn gây hậu quả tai hại, nguy hiểm khôn lường của mình. Không những thế, ông còn tiếp tục có nhiều clip bình luận vô căn cứ, sai với đường lối, quan điểm đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta, có thể ảnh hưởng xấu đến quan hệ quốc tế. Thậm chí ông còn có một số clip phát ngôn gây chia rẽ, kích động xấu đến mối quan hệ hoà bình, hợp tác, phát triển giữa các cường quốc trên thế giới và phát ngôn sai về quan điểm, chủ trương phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đến nay, Báo Công Thương vẫn chưa nhận được phản hồi của các cơ quan chức năng về một số nội dung báo phản ánh, báo sẽ tiếp tục tìm hiểu, làm rõ để bảo đảm sự lành mạnh, an toàn không gian mạng; các hoạt động thông tin tuyên truyền trên không gian mạng bảo đảm đúng các qui định của pháp luật, đúng tiêu chuẩn cộng đồng...
Tần Nguyễn tên đầy đủ là Nguyễn Văn Tần, sinh năm 1974, đăng ký địa chỉ thường trú tại phường An Lợi Đông, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. Tần Nguyễn được biết đến là một diễn giả nổi tiếng trên các nền tảng mạng xã hội với hàng loạt bài học chia sẻ về đầu tư, tài chính, chứng khoán. Hình ảnh của Tần Nguyễn được xây dựng là người đàn ông trải qua nhiều thăng trầm, thất bại để có thành công như hôm nay. Hiện tại, Tần Nguyễn là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần đào tạo GFB, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần đầu tư giá trị toàn cầu Tần Nguyễn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần GFB Invest. |