Phát ngôn tiêu cực đến xã hội
Vừa qua, Báo Công Thương đã có một số bài phản ánh nhiều phát ngôn gây tranh cãi của Tần Nguyễn (Nguyễn Văn Tần – Ceo Global Value Invest) trong một số video lan truyền trên mạng xã hội về người Thanh Hoá, coi thường học vấn, sai lệch về lịch sử Việt Nam gây ảnh hưởng xấu tới quan hệ đối ngoại...
Trong đó, những phát ngôn phân biệt vùng miền về người Thanh Hoá khiến dư luận “dậy sóng”, phẫn nộ vì phản cảm của Tần Nguyễn như: “Bất hạnh của cái bọn Thanh Hoá là bọn nó nghèo lắm, cho nên ai cũng ghét Thanh Hoá”.
Hình ảnh Tần Nguyễn trong video phát ngôn gây tranh cãi về người Thanh Hoá. Ảnh chụp từ màn hình |
Đáng chú ý lên tiếng về những phát ngôn liên quan đến người Thanh Hoá, Tần Nguyễn cho rằng: “Tất cả những gì chúng tôi viết trên đó là cổ vũ, khích lệ động viên, thúc đẩy truyền động lực cho tất cả những thanh niên, đặc biệt là thanh niên Thanh Hoá… vì bản thân có cảm tình đặc biệt với thanh niên Thanh Hoá”.
Tuy nhiên, dư luận vẫn hết sức búc xúc trước các phát ngôn của Tần Nguyễn và mong muốn cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn tránh ảnh hưởng tiêu cực tới xã hội.
Liên quan đến những phát ngôn của Tần Nguyễn, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hóa cho biết Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hoá mới có văn bản đề nghị Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh xác minh, làm rõ động cơ phát ngôn của Tần Nguyễn, nếu đủ cơ sở thì phải xử lý nghiêm theo quy định.
Thông tin với phóng viên Báo Công Thương, ngày 27/7, bà Võ Thị Thu Sương - Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh cũng cho hay, Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh hiện đang chờ văn bản tới của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hoá. Từ văn bản đó, Sở sẽ tiến hành mời người này lên làm việc liên quan đến những phát ngôn nêu trên.
Trao đổi với Báo Công Thương về những phát ngôn của Tần Nguyễn, nhất là nội dung phân biệt vùng miền, kỳ thị người Thanh Hoá, Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty luật SBLAW cho rằng, quy định của pháp luật mọi người dù bất kỳ dân tộc nào cũng phải tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Cụ thể, theo ông Hà, Hiến pháp 2013 quy định về tình đoàn kết dân tộc và quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, theo đó, các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc (khoản 2 Điều 5). Điều 16 Hiến pháp 2013 quy định, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Điều 20 Hiến pháp 2013 quy định, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm.
Ngoài ra, theo Khoản 3 Điều 16 Luật An ninh mạng 2018 quy định rằng Thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống bao gồm: Xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác và Thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
“Hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm và từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm, theo Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP) quy định về việc “Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội; trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội”- ông Hà cho hay.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty luật SBLAW |
Tần Nguyễn là một diễn giả nổi tiếng trên các nền tảng mạng xã hội với hàng loạt bài học chia sẻ về đầu tư, tài chính, chứng khoán, vì vậy, những phát ngôn phân biệt vùng miền, coi thường học vấn và thông tin sai lệch về lịch sử nếu không có biện pháp ngăn chặn sẽ ảnh hướng tiêu cực để xã hội từ một cá nhân.
Nêu quan điểm về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho rằng, trong thời đại công nghệ số như hiện nay, những người nổi tiếng trên mạng xã hội có nhiều cơ hội để bày tỏ các quan điểm cá nhân, trò chuyện cùng người hâm mộ. Với bối cảnh đó, cơ quan chức năng đang đẩy mạnh việc quản lý văn hóa ứng xử trên không gian mạng. “Tuy nhiên, việc lan truyền những phát ngôn, bình luận mang tính phân biệt vùng miền có thể làm suy yếu những nỗ lực này, thậm chí có thể đẩy lùi quá trình xây dựng một môi trường mạng lành mạnh và tích cực”- ông Hà lo ngại.
Theo đó, với mối lo ngại về việc thông tin chia sẻ trên mạng xã hội giờ đây sẽ có tốc độ tán phát rất nhanh, đặc biệt là những thông tin gây chia rẽ vùng miền, Luật sư Hà nhấn mạnh, chúng ta cần có những biện pháp cụ thể để ngăn chặn, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội.
Trước hết, ông Hà cho hay, cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc và áp dụng chế tài đối với những người châm ngòi cho những cuộc tranh cãi về nội dung mang tính phân biệt vùng miền, bao gồm việc phạt hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có căn cứ, không để bỏ lọt những hành vi với mục đích gây chia rẽ người dân, đảm bảo rằng những hành vi không đúng mực được xử lý nhanh chóng. Điều này sẽ tạo ra sự gián đoạn và cảnh báo cho những người có ý định gây chia rẽ người dân.
Thứ hai, tăng cường phối hợp, quản lý các nền tảng mạng xã hội nhằm loại bỏ nội dung kỳ thị vùng miền. Đồng thời, cần xây dựng cơ chế báo cáo nhanh chóng để người dùng có thể phản ánh các phát ngôn có nội dung, không để những tổ chức, cá nhân có ý đồ xấu lan truyền những thông tin gây tranh cãi, chia rẽ nhằm kích động tới người dân. Cùng với đó là bảo vệ kịp thời quyền lợi của những người bị ảnh hưởng bởi các phát ngôn phản cảm.
Thứ ba, cần tăng cường giáo dục về đạo đức, tôn trọng và đa dạng văn hóa của người dân, đặc biệt đối với những người có ảnh hưởng trên các phương tiện truyền thông, giúp mọi người hiểu rằng sự khác biệt vùng miền không nên dẫn đến kỳ thị. Điều này có thể được thực hiện thông qua các chương trình giáo dục, chiến dịch truyền thông và các khóa học trực tuyến.
“Chúng ta cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của công chúng khi tiếp nhận những thông tin, phát ngôn thiếu văn minh và mang tính kỳ thị, phân biệt, nhằm tránh gây ra sự hoang mang và tạo cho họ sự vững chắc về niềm tin với quy định của pháp luật liên quan đến phân biệt vùng miền”- ông Hà nói.
Xử lý kịp thời và nghiêm minh các hành vi không đúng đắn trên mạng xã hội
Ngày 17/06/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông có Quyết định 874/QĐ-BTTTT ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Mục đích ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội là để tạo điều kiện phát triển lành mạnh mạng xã hội tại Việt Nam, đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh, không phân biệt đối xử nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước, phù hợp với chuẩn mực, thông lệ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia; Xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Hà, nhiều người sử dụng không hiểu rõ hoặc không quan tâm đến hậu quả của hành động của mình trên không gian mạng. Người sử dụng mạng xã hội vẫn coi đó là một nơi không ràng buộc, nơi mà họ có thể nói bất cứ điều gì mà không lo sợ bị xử lý. Điều này dẫn đến việc xuất hiện nhiều hành vi không phù hợp như bôi nhọ, nói xấu, lan truyền tin đồn sai sự thật, và thậm chí là tấn công cá nhân.
Thêm nữa, ông Hà cho hay, việc thực thi các quy định trên không gian mạng còn gặp nhiều khó khăn. Do tính ẩn danh và đa dạng của người dùng trên mạng xã hội, việc xác định và truy cứu trách nhiệm cá nhân trở nên phức tạp. Mặt khác, các nền tảng mạng xã hội thường có quy mô toàn cầu, nên việc áp dụng luật pháp của một quốc gia cụ thể vào các trường hợp cụ thể gặp nhiều trở ngại.
Vì vậy, ông Hà nêu, với những hành vi vi phạm đến các quy tắc ứng xử trên không gian mạng đều phải được xử lý kịp thời và nghiêm minh hơn. Bởi những hành vi này không chỉ mang đến những hậu quả nghiêm trọng trong ngày một ngày hai, mà nó còn gây ra hệ lụy tới những thế hệ tiếp theo khi mọi người ngày càng được tiếp xúc với mạng xã hội nhiều hơn.
Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chúng ta cần phải có những chế tài mạnh mẽ hơn trong việc xử lý các hành vi không đúng đắn trên mạng xã hội. Cần phải điều chỉnh tăng mức phạt hành chính để răn đe các hành vi vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội; trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội (mức phạt hiện nay với hành vi này là từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm và từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm).
“Mức phạt hành chính cao có thể tác động tới hành vi của người sử dụng mạng xã hội rất nhiều, từ đó họ mới ý thức được việc tuân thủ các quy tắc ứng xử trên các phương tiện truyền thông. Đặc biệt là không nhân nhượng với những cá nhân, tổ chức vi phạm có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm và yêu cầu phải truy cứu trách nhiệm hình sự”- ông Hà nhấn mạnh.