Tận dụng FTA Việt Nam - Hàn Quốc (Kỳ IV)
Kỳ IV: Dệt may đón sóng lớn đầu tư
Nhiều dự án đầu tư mới của Việt Nam - Hàn Quốc thuộc lĩnh vực dệt may
Sức hút lớn nhờ FTA
Ông Hong Sun phân tích, do VKFTA cho phép nguyên phụ liệu cho may mặc nhập khẩu từ Hàn Quốc vào Việt Nam có mức thuế rất thấp, nên sẽ khuyến khích DN Hàn Quốc tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực này để xuất hàng trở lại Hàn Quốc và sang các thị trường khác. Bên cạnh đó, với những chính sách mới về cấp phép lao động, chắc chắn cũng sẽ có nhiều người Hàn Quốc sang Việt Nam tìm cơ hội kinh doanh.
Tín hiệu cho thấy, các DN Hàn Quốc rất chủ động mở rộng chiến lược đầu tư kinh doanh tại Việt Nam để đón đầu cơ hội mà FTA mang lại. Các thông tin liên tục về đầu tư dệt may của Hàn Quốc trong thời gian gần đây đã trở thành điểm sáng thu hút FDI của Việt Nam.
Tiêu biểu, cuối tháng 3/2015, dự án đầu tư Nhà máy Sản xuất hàng may mặc Onewoo (Cụm công nghiệp Hà Lam), Chợ Được (Quảng Nam) do Công ty One Woo (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 6 triệu USD đã được UBND tỉnh Bình Định cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Cũng trong thời gian này, Dự án đầu tư nhà máy dệt, nhuộm, may Tam Thăng, Tam Kỳ của Công ty PanKo Tam Thăng, với tổng vốn đầu tư 30 triệu USD cũng nhận được Giấy chứng nhận đầu tư từ UBND tỉnh Quảng Nam.
Dự án thứ 3 về dệt may trong năm nay của Hàn Quốc là Dự án Nhà máy may In Kyung Vina Co.; Ltd. Dự án này vừa được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp nhận chủ trương đầu tư vào ngày 21/4. Dự án do Công ty In Kyung Apparel Co.Kr (Hàn Quốc) thực hiện với tổng mức đầu tư 5,1 triệu USD (100% vốn FDI). Khi dự án hoàn thành sẽ tạo ra khoảng 1.400 lao động cùng năng suất 11 triệu sản phẩm/năm.
FTA Việt Nam - Hàn Quốc sẽ chính thức có hiệu lực trong ít ngày tới, nó sẽ mang lại nhiều cơ hội và cả những thách thức cho DN hai nước. Hiện phía DN rất quan tâm tới nội dung cụ thể và lộ trình thực thi các cam kết. Ông Bùi Huy Sơn- Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương)- cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ đăng toàn văn nội dung FTA để cung cấp thông tin cho DN. |
Là DN chuyên sản xuất, gia công các sản phẩm may mặc và đã có 4 nhà máy tại Việt Nam, song Công ty Poong In Vina (100% vốn Hàn Quốc) đã tăng thêm 4 triệu USD vốn đầu tư để mở rộng nhà máy thứ 5 tại Bình Dương. Trong kế hoạch của mình, Poong In Vina có thể sẽ xây dựng tiếp nhà máy thứ 6 và 7 tại Việt Nam.
Mới đây nhất, ngày 6/5, UBND tỉnh Đồng Nai đã chính thức trao Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Hyosung Đồng Nai để xây dựng nhà máy với tổng vốn đầu tư 660 triệu USD. Dự án này khi hoàn thành sẽ là nơi sản xuất và gia công các loại sợi, vải, nguyên phụ liệu dùng để sản xuất sợi spandex… Dù dự án này được đầu tư thông qua công ty con ở Thổ Nhĩ Kỳ song Hyosung lại là tập đoàn của Hàn Quốc. Đây là dự án thứ hai của Hyosung tại Việt Nam. Được biết, sản phẩm từ các nhà máy này chủ yếu xuất khẩu.
Tạo đà tăng trưởng xuất khẩu
Có thể nói VKFTA có tính bổ trợ cao đối với ngành dệt may khi Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu vải từ Hàn Quốc và xuất khẩu sản phẩm ngược lại vào thị trường này.
Dữ liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, Hàn Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu lớn, chiếm hơn 10% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam. Đây cũng là mặt hàng xuất khẩu có giá trị lớn thứ hai của Việt Nam sang Hàn Quốc, chỉ sau thủy sản. Ngược lại, Hàn Quốc là nước đang cung cấp gần 20% vải cho ngành may mặc Việt Nam, chỉ đứng sau Trung Quốc.
Thực tế, xu hướng dịch chuyển đơn hàng xuất khẩu dệt may sang thị trường Hàn Quốc đã diễn ra từ khi Hiệp định FTA ASEAN - Hàn Quốc có hiệu lực từ năm 2009. Ngành dệt may Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định này vì Hàn Quốc quy định về quy tắc xuất xứ dựa trên công đoạn sản xuất (cắt, may), thay vì hàm lượng trong sản phẩm (dệt, sợi, vải). Vì vậy, VKFTA được coi là bước mở cuối cùng của thị trường Hàn Quốc đối với mặt hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam. Các chuyên gia kinh tế kỳ vọng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu dệt may Việt Nam vào thị trường Hàn Quốc sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao, khoảng 27 - 30% so với năm 2014.
Bà Đặng Phương Dung- Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam- đánh giá, ngành dệt may sẽ được hưởng lợi nhiều khi các DN Hàn Quốc đầu tư vào những lĩnh vực mà Việt Nam đang rất cần như cung ứng nguyên, phụ liệu, nên phải tăng cường kêu gọi đầu tư vào các ngành phụ trợ, đặc biệt là dệt nhuộm hoàn tất để có thể tự túc được nguyên liệu. Còn nếu DN đầu tư vào lĩnh vực may mặc, ắt DN Việt sẽ gặp khó khăn vì năng lực cạnh tranh chưa cao.
Vì vậy, để phát triển và đi lên, ngành dệt may cần hội nhập sâu hơn vào sân chơi quốc tế, tăng tỷ lệ nội địa hóa, hình thành chuỗi cung ứng hoàn chỉnh từ thiết kế- nguyên phụ liệu - may - phân phối và phải xây dựng năng lực cạnh tranh của toàn chuỗi.