Đừng vội a dua, để thế lực thù địch lợi dụng kích động 3:30

Đừng vội a dua, để thế lực thù địch lợi dụng kích động

“Phòng, chống diễn biến hòa bình: Đừng vội a dua!” - Kính thưa quý vị, trên đây là nhan đề bài Podcast được đăng tải trên báo Quân đội nhân dân của tác giả Huy Phong mà chúng tôi muốn gửi đến quý vị và các bạn ngày hôm nay. Kính mời quý vị cùng lắng nghe.

Tại nhà văn hóa tổ dân phố, Bí thư Chi bộ Hùng và Tổ trưởng dân phố Nam đang sôi nổi bàn luận về những quyết sách của đất nước tại Kỳ họp thứ tám (Quốc hội khóa XV) thì Tân đến chơi thể thao. Không vui vẻ như thường ngày, ném túi vợt cầu lông xuống sân, giọng Tân bức xúc:

- Hai chú thấy không? Cái nghị quyết đường tàu cao tốc Bắc-Nam Quốc hội vừa thông qua mà người ta nói ghê lắm! Nào là tốn tiền, nào là vô ích, chỉ để “làm màu” thôi..!

- Cậu nghe ở đâu nói vậy? - Ông Hùng giọng nhẹ nhàng.

- Trên mạng rất nhiều người phản đối. Họ bảo số tiền đó để xây bệnh viện, trường học, đầu tư những công trình thiết thực khác. Chứ hơn 1,7 triệu tỷ đồng thì tiền lấy đâu ra; rồi lại đội vốn như nhiều công trình khác; không khả thi và không thể thực hiện được...

undefined
Phối cảnh nhà ga đường sắt tốc độ cao.

- Nhưng Tân à, cậu đã nghiên cứu nội dung nghị quyết của Quốc hội chưa? Đã tìm hiểu về dự án này chưa? - Ông Nam hỏi lại.

- Cháu hơi bận, chưa để ý, nhưng người ta nói nhiều như thế thì chắc đúng thôi! Mạng xã hội đưa nhiều thông tin trái chiều mà.

- Tôi cũng từng lo lắng, nhưng tìm hiểu kỹ tôi biết, dự án được chuẩn bị trong gần hai thập kỷ. Chúng ta cũng đã tham khảo kinh nghiệm của nhiều quốc gia phát triển để hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi rồi.

- Nhưng ông Hùng, ông Nam à, số tiền đó quá lớn. Rồi Nhà nước thiếu nợ thì sao?

- Theo nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và vốn ngân sách Trung ương giữa các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương; cho phép dự án được áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù; phát hành trái phiếu; huy động các nguồn vốn hỗ trợ khác... - Ông Hùng phân tích.

- Đúng đó! Các công trình lớn đều có người đồng thuận, người phản biện. Chúng ta trước khi đánh giá, có ý kiến cá nhân thì phải tìm hiểu kỹ lưỡng. Người đứng đầu Đảng ta cũng đã khẳng định đây là thời gian chín muồi để triển khai rồi - Ông Nam tiếp lời.

- Nghe hai chú nói cũng có lý... Nhưng nếu thông tin đó sai thì làm sao chống lại những người "bôi xấu" trên mạng?

- Thì mình nói bằng hành động và kết quả cụ thể. Chỉ cần dự án này thành công, dân mình hưởng lợi, tự khắc họ sẽ hiểu. Nhưng trước hết, cháu phải ủng hộ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; tìm hiểu ngọn ngành quá trình và kết quả nghiên cứu, triển khai dự án. Đừng để thế lực thù địch lợi dụng kích động.

- Cũng có thể cháu hơi vội vàng. Mai cháu sẽ tìm hiểu kỹ rồi trao đổi cùng hai chú.

Sáng hôm sau, Bí thư Hùng và Tổ trưởng dân phố Nam đang tập thể dục trong sân nhà văn hóa thì Tân đi qua, dừng xe chào: “Cháu xin lỗi hai chú vì chưa tìm hiểu kỹ đã a dua, nói bừa. Cả tối qua cháu đã tìm hiểu cặn kẽ. Đúng như hai chú nói, tuyến đường sắt tốc độ cao hiện đại sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải, tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững. Dự án rất quan trọng và tiền khả thi. Cháu sẽ phản bác những thông tin xuyên tạc kia các chú nhé".

Nói xong, Tân chào hai “cán bộ già” cẩn thận rồi mới lên xe đi. Bí thư Hùng nhìn Tổ trưởng dân phố Nam không nói gì, nhưng trong mắt hai ông ánh lên niềm vui!

Bài Podcast với nhan đề “Phòng, chống diễn biến hòa bình: Đừng vội a dua” đến đây xin được tạm dừng, thân ái chào tạm biệt quý vị!

Đừng nghe đồn thổi, xuyên tạc về Nghị định 168 2:57

Đừng nghe đồn thổi, xuyên tạc về Nghị định 168

“Phòng, chống diễn biến hòa bình: Đừng nghe đồn thổi!” - Kính thưa quý vị, trên đây là nhan đề bài Podcast mà chúng tôi muốn gửi đến quý vị và các bạn ngày hôm nay. Kính mời quý vị cùng lắng nghe.

Đến nhà ông Tám chơi, thấy cậu Hạnh, con trai ông làm nghề lái xe taxi vẫn đang nằm trùm chăn trên giường, anh Tĩnh ngạc nhiên hỏi:

- Cậu Hạnh ốm à bác Tám?

- Không! Em nó vẫn khỏe. Nhưng nó bảo bây giờ chạy xe ra đường tiền công không đủ tiền nộp phạt vì có thông tư gì đó mới ban hành, mức phạt rất cao, mà các biển báo, đèn tín hiệu giao thông trên đường lại cố tình “bẫy” lái xe. Vì thế cánh tài xế dịch vụ nghỉ hết rồi.

- Làm gì có chuyện đó. Cháu thấy xe dịch vụ vẫn chạy bình thường mà. Chỉ khác là việc chấp hành luật lệ giao thông của lái xe tốt hơn thôi.

undefined
Người dân nghiêm túc chấp hành luật giao thông sau Nghị định mới.

Nghe anh Tĩnh nói vậy, Hạnh bật dậy, cắt ngang:

- Anh nhìn cuộc sống lúc nào chẳng màu hồng. Phải chịu khó lên các trang mạng xã hội để nghe cánh tài xế phản ánh thì mới hiểu được.

- Anh cũng hay vào các diễn đàn và biết rằng, thi thoảng có tuyến đường, có biển báo chưa hợp lý, còn bất cập, nhưng đó chỉ là cá biệt. Các cơ quan chức năng tiếp thu phản ánh đều kiểm tra, khắc phục. Đặc biệt, lực lượng chức năng chỉ xử phạt tài xế cố tình vi phạm...

- Thế anh có thấy ở đâu mà mức phạt lại cao như ở nước mình không?

Hạnh cố tranh luận. Anh Tĩnh vẫn điềm đạm:

- Mỗi quốc gia có đặc thù, quan điểm khác nhau. Em phải thấy rằng, trước đây, các cơ quan chức năng chủ yếu tuyên truyền, giáo dục, có xử phạt nhưng mức phạt nhẹ nên nhiều tài xế “nhờn” luật. Thành ra, bao năm rồi mà giao thông vẫn lộn xộn, số vụ tai nạn vẫn cao, nhiều vụ tai nạn đau lòng xảy ra do lái xe không tuân thủ luật giao thông. Chính vì vậy, anh ủng hộ việc nâng cao mức xử phạt để răn đe với các trường hợp cố tình vi phạm. Em để ý xem, từ khi nghị định mới ra đời, tình trạng vi phạm giao thông, số vụ tai nạn cũng giảm hẳn.

Thấy Hạnh im lặng, anh Tĩnh giọng chân thành:

- Em làm nghề lái xe dịch vụ, vì vậy, phải có cái nhìn khách quan. Mình cứ chấp hành nghiêm túc, chủ động tuân thủ thì không phải lo ngại gì. Trên mạng giờ phức tạp lắm. Người góp ý chân thành, mang tính xây dựng có, nhưng không ít người lợi dụng vấn đề này để xuyên tạc, chống phá, gây hoang mang dư luận. Nếu không tỉnh táo, em sẽ chẳng dám làm gì cả. Mà đang tuổi thanh niên, chẳng lẽ cứ nằm ở nhà ăn bám bố mẹ sao?

Ông Tám nghe anh Tĩnh nói vậy cũng khuyên:

- Anh Tĩnh nói đúng đấy. Mình cứ tuân thủ nghiêm, sống văn minh thì chẳng phải lo ngại gì đâu. Còn những câu chuyện cá biệt kia, bố tin sẽ được khắc phục, giải quyết dứt điểm thôi.

- Vâng! Con cám ơn bố. Em cám ơn anh Tĩnh. Giờ con ăn sáng rồi lại đi làm luôn đây ạ.

Bài Podcast với nhan đề “Phòng, chống diễn biến hòa bình: Đừng nghe đồn thổi!” đến đây xin được tạm dừng, thân ái chào tạm biệt quý vị!

Cuộc xâm lăng tĩnh lặng - Bài 2: Cam go mặt trận không tiếng súng 9:08

Cuộc xâm lăng tĩnh lặng - Bài 2: Cam go mặt trận không tiếng súng

“Cuộc xâm lăng tĩnh lặng - Bài 2: Cam go mặt trận không tiếng súng” , kính thưa quý vị, trên đây là tiêu đề bài viết thứ 2 của tác giả Nguyễn Hòa, trong chuỗi bài viết được đăng tải trong chuyên mục Phòng, chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa” - trên báo Quân đội nhân dân điện tử tại trang web qdnd.vn. Kính mời quý vị cùng lắng nghe.

Bài viết: Ngoài sự tấn công có chủ đích của các thế lực từ bên ngoài, còn có nguyên nhân từ sự buông lỏng trách nhiệm trong giáo dục từ gia đình, nhà trường, xã hội và các cơ quan chức năng, cộng thêm sự buông thả của các cá nhân. Như vậy, không cần tốn một viên đạn, các cường quốc đã xâm lăng văn hóa thành công, từng bước thực hiện cuộc thôn tính mềm, bành trướng văn hóa, bá chủ văn hóa.

Văn hóa độc hại, sùng ngoại, lai căng

Đánh giá đúng tầm mức sự nguy hại của làn sóng xâm lăng văn hóa, thể hiện rõ quyết tâm ngăn chặn làn sóng này, ngày 27-7-2010, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X ban hành Chỉ thị số 46-CT/TW “Về chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội”.

Chỉ thị đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ, tác hại của các sản phẩm văn hóa độc hại và sự sùng ngoại, lai căng đã “tác động rất xấu đến tư tưởng, đạo đức, lối sống, tâm lý, hành vi của một bộ phận nhân dân, nhất là thanh thiếu niên; làm hủy hoại, xói mòn nền tảng và những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc; có nguy cơ dẫn tới khủng hoảng tinh thần, mất phương hướng lựa chọn các giá trị, lối sống và niềm tin của một bộ phận công chúng; dẫn đến khuynh hướng “tự diễn biến” về chính trị, tư tưởng, tác hại lâu dài đến các thế hệ mai sau”.

Làn sóng xâm lăng văn hóa thể hiện rõ ở chỗ các nước phát triển, các nước lớn có âm mưu sẽ xây dựng chiến lược để lặng lẽ đưa các giá trị chuẩn mực, đạo đức xã hội, tư tưởng chính trị, phương pháp kinh tế... của họ dần áp đặt vào các nước đang phát triển thông qua giao tiếp giữa các nước. Từ phân tích trên, chúng ta có thể hiểu sự xâm lăng văn hóa là chiến lược được các cường quốc tính toán nhằm thực hiện tham vọng bá chủ thế giới. Không giống như các dạng truyền thống của quyền lực quốc gia, xâm lăng văn hóa thể hiện quyền lực mềm của một cường quốc.

undefined
Các hộ gia đình ở huyện đảo Trường Sa thường xuyên tham gia các hoạt động văn hóa. Ảnh: Hoa Huyền

Nằm trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, văn hóa luôn là đối tượng mà các thế lực thù địch tập trung hướng đến thông qua nhiều cách thức, thủ đoạn, trong đó trắng trợn nhất là dùng văn hóa để xâm lược; tấn công bằng văn hóa để áp đặt các giá trị văn hóa và lối sống của phương Tây; phá hoại bản sắc văn hóa của dân tộc, từ lĩnh vực văn hóa chuyển hóa dần sang lĩnh vực chính trị; hình thành ý thức chống đối về chính trị, phản bội lại Đảng, chống lại chế độ xã hội chủ nghĩa; đi ngược lại với nền văn hóa của dân tộc.

Dùng văn hóa để phá hoại sự ổn định xã hội

Các chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa, an ninh mạng đã phân tích và chia sẻ một số thủ đoạn mà các thế lực thù địch thường dùng, đó là: Sản xuất các sản phẩm văn hóa mang hơi hướng thời đại, đánh mạnh vào tập tính thói quen của giới trẻ, những người yếu thế, tiểu thương, những người về hưu, người ít tiếp cận với thông tin chính thống từ cơ quan quản lý nhà nước. Với nhóm đối tượng này, chúng khuyến khích những nhu cầu văn hóa, tinh thần không lành mạnh, tạo ra các mâu thuẫn không có thật thông qua các tin giả được tán phát tinh vi, từ đó tạo ra khuynh hướng văn hóa đối lập với chính trị, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng đối với văn hóa.

Tiếp đó, chúng thông qua các hoạt động trực tiếp và gián tiếp để lôi kéo nghệ sĩ, những người có ảnh hưởng đi theo trào lưu hưởng thụ xa hoa, các trào lưu sáng tác tự do, dân chủ kiểu phương Tây; lấy số ít người có ảnh hưởng làm “ngọn cờ”, từ đó tuyên truyền làm tha hóa thế hệ trẻ; từng bước làm cho thế hệ trẻ quên đi gốc văn hóa dân tộc, đua đòi ăn chơi, hưởng thụ, không quan tâm tới vận mệnh đất nước...

Bước tiếp theo tinh vi hơn, các thế lực thù địch thông qua các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để sản xuất, truyền bá các sản phẩm văn hóa xấu độc, lai căng với ý đồ rõ rệt là tạo thói quen xấu, nhân lên những hành vi phản nhân văn, phi tiến bộ, từng bước tác động vào tâm lý, sở thích, kích thích lối nghĩ, lối sống cá nhân ích kỷ, bạo lực, những ham muốn vật chất tầm thường.

Từng bước làm thay đổi các thang giá trị xã hội, đạo đức, lối sống, làm cho một bộ phận người dân trong xã hội sao nhãng nghĩa vụ, trách nhiệm với cộng đồng, đất nước. Kích thích lối sống hưởng thụ, ca ngợi dục vọng, lạc thú bản năng thấp hèn, chỉ lo cho mình mà quên đạo nghĩa, quay lưng lại với truyền thống và những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

“Dạo” một vòng trên các trang mạng xã hội, chúng ta có thể thấy rõ, nhiều trang mạng xã hội, các tờ báo điện tử của phương Tây có phiên bản tiếng Việt vẫn ngày đêm thêu dệt, đơm đặt những câu chuyện không có thật về các đồng chí lãnh đạo cấp cao; lợi dụng thông tin xử lý cán bộ để bôi nhọ, công kích Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Chúng ra sức xuyên tạc chủ nghĩa yêu nước Việt Nam; phủ nhận giá trị của hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược trước đây và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của dân tộc hiện nay; đánh đồng chính nghĩa và phi nghĩa; làm lẫn lộn vai trò của những chiến sĩ cách mạng chân chính với những kẻ cướp nước, bán nước. Chúng ra sức quảng bá, tuyên truyền các giá trị văn hóa phương Tây; đề cao chủ nghĩa đa nguyên, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa thực dụng; sử dụng tiêu chuẩn kép trong vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”...

Chúng cũng đầu tư không ít tiền bạc để quảng bá các sản phẩm văn hóa như phim, ảnh, video tuyên truyền, văn hóa phẩm, sách báo, văn học... với ý đồ thao túng rõ rệt nhằm phá hoại nền văn hóa của dân tộc ta; phá hoại sự ổn định xã hội.

Bằng các cuộc tiếp xúc trực tiếp, thông qua con đường du học, hội thảo, du lịch... những lời hứa hão, các thế lực thù địch đang thực hiện âm mưu ly gián về tư tưởng, chia rẽ về tổ chức, lôi kéo những người có ảnh hưởng cổ xúy cho các trào lưu tư tưởng văn hóa phương Tây, gây nhiễu loạn tư tưởng nhân dân, đặc biệt là giới trẻ.

Mục đích của chúng là từng bước làm cho người dân phai mờ những giá trị đạo đức tốt đẹp của con người Việt Nam; từng bước xa rời sự lãnh đạo của Đảng trong công tác văn hóa, tiến tới phủ nhận tính giai cấp, tính Đảng trong văn hóa; tách lĩnh vực này ra khỏi đời sống chính trị-xã hội của đất nước, phá hoại bản sắc văn hóa của dân tộc, từ lĩnh vực văn hóa chuyển hóa dần sang lĩnh vực chính trị, hình thành ý thức chống đối về chính trị, chống lại chế độ xã hội chủ nghĩa, đi ngược lại với nền văn hóa của dân tộc... Đây là mưu đồ rất thâm độc của các thế lực thù địch khi chúng quyết tâm từng bước xâm lăng văn hóa đối với nước ta.

Ngăn chặn từ sớm hành vi mở rộng xâm lăng văn hóa

Những bước đi của cuộc xâm lăng văn hóa đang dần mở rộng ở các cấp độ và phạm vi khác nhau trong tổng thể chiến lược thôn tính văn hóa, nhất là trong bối cảnh nước ta tham gia hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới. Việc chúng ta tham gia tích cực vào một số hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; đón đầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cùng sự bùng nổ các thiết bị thông minh kết nối mạng, mọi biến đổi, tác động từ bên ngoài dù nhỏ nhất cũng gây ra ảnh hưởng, theo chiều hướng ngày càng rộng và đa dạng.

Các nước phương Tây hiểu rõ điều này và cũng quyết tăng cường sử dụng “sức mạnh mềm văn hóa” kết hợp cùng sự phát triển vượt bậc của công nghệ, làm cho quá trình xâm lăng văn hóa diễn ra mạnh hơn. Các nước phương Tây và các cường quốc dựa vào công nghệ cao kiểm soát phương thức phổ biến thông tin, từ đó chủ động tạo định hướng dư luận với tốc độ chóng mặt.

Cùng với đó, quá trình toàn cầu hóa, đa dạng hóa văn hóa thế giới chính là mảnh đất màu mỡ để các thế lực thù địch công khai lợi dụng hội nhập văn hóa của các nước đang phát triển mà ra sức truyền bá các sản phẩm văn hóa độc hại, truyền bá giá trị tư bản chủ nghĩa, với mục đích cuối cùng là nô dịch văn hóa và đạt được các mục tiêu chính trị.

Mặt khác, chúng ra sức công kích Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; xuyên tạc chủ nghĩa yêu nước Việt Nam; phủ nhận giá trị của hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược trước đây và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của dân tộc hiện nay; đánh đồng chính nghĩa và phi nghĩa, làm lẫn lộn vai trò của những chiến sĩ cách mạng chân chính với những kẻ cướp nước, bán nước, để rồi dần theo thời gian, các tầng lớp trong xã hội chấp nhận các giá trị phương Tây, quên đi lịch sử, văn hóa dân tộc, từng bước bị đồng hóa với văn hóa nước ngoài một cách “êm dịu”, không phản kháng.

Đây cũng là đặc điểm thay đổi lớn trong chiến lược “diễn biến hòa bình” mà phương Tây đang áp dụng.

Văn hóa cũng là trận chiến không khoan nhượng

Hiểu rõ ý đồ của các thế lực, các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam cũng có sự đấu tranh quyết liệt, không khoan nhượng. Đánh giá về tầm quan trọng của nền tảng văn hóa đối với một quốc gia, PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng: “Văn hóa không chỉ là yếu tố truyền tải giá trị tinh thần mà còn là công cụ định hướng, quản lý sự thay đổi trong xã hội. Đối với các quốc gia đang phát triển như chúng ta, văn hóa có thể là chìa khóa để xây dựng nền tảng vững chắc, bảo đảm sự phát triển toàn diện, hài hòa giữa các lĩnh vực và nâng cao đời sống của nhân dân.

Trong kỷ nguyên mới, khi chúng ta đối mặt với những thay đổi nhanh chóng về công nghệ, môi trường và lối sống, văn hóa cần được coi trọng hơn bao giờ hết. Văn hóa không chỉ là sự phản ánh quá khứ mà còn là sự dẫn dắt, định hướng cho tương lai như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Một quốc gia có nền văn hóa vững chắc là một quốc gia có khả năng vượt qua mọi thử thách, duy trì sự ổn định và đồng lòng để tiến bước trong bối cảnh toàn cầu hóa đầy cạnh tranh. Văn hóa là sức mạnh vô hình nhưng bền vững, là nền tảng vững chắc để xây dựng một xã hội thịnh vượng cả về vật chất lẫn tinh thần”.

Vì thế, tăng cường giáo dục, bồi đắp hệ giá trị văn hóa, chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới, như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: “Tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên” vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp hết sức quan trọng để ngăn ngừa tác động của những âm mưu, thủ đoạn xâm lăng văn hóa; tạo sức đề kháng, sự miễn dịch trong các tầng lớp nhân dân trước mưu đồ chống phá của các thế lực thù địch.

Kính thưa quý vị! Chương trình Podcast - Chính luận 35 của Báo Công Thương đến đây xin được tạm dừng. Cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi và lắng nghe. Rất mong quý vị sẽ luôn đồng hành cùng chương trình của chúng tôi. Xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại trong những bài Podcast tiếp theo.

Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 5) 55:23

Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 5)

Kính thưa quý vị, trên đây là nhan đề của bài viết trong mục Podcast – Trò chuyện cùng Công Thương ngày hôm nay, bài viết của tác giả Hà Nam (giới thiệu) được đăng tải trên trang Thông tin điện tử của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tại trang web pvn.vn, kính mời quý vị cùng lắng nghe.

Thị trường của ngành công nghiệp dầu lửa sẽ dịch chuyển nhanh chóng. Và gần như cùng lúc, bản đồ khai thác của ngành công nghiệp dầu lửa Mỹ cũng sẽ biến đổi chóng mặt, và các đối thủ Mỹ mới sẽ xuất hiện, thách thức vị trí thống lĩnh của Standard.

Chương 4: Thế kỷ mới

"Ngôi nhà cổ" là từ mà một số công ty dầu mỏ độc lập dùng để gọi Standard Oil. Công ty này đã vươn cao như một tòa nhà khổng lồ và uy nghi, đổ bóng về mọi phía, thống trị mọi ngóc ngách của ngành công nghiệp dầu lửa Mỹ. Trong khi các đối thủ cạnh tranh nước ngoài đang thách thức "Ngôi nhà cổ" ở các thị trường bên ngoài nước Mỹ, thì thị trường trong nước lại có phần cam chịu chấp nhận. Dường như việc cuối cùng Standard Oil sẽ sở hữu và kiểm soát tất cả mọi thứ là điều không thể tránh khỏi.

Tuy nhiên, những gì diễn ra trong thập niên 1890 và thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XX sẽ đe dọa vị trí vượt trội của "Ngôi nhà cổ". Thị trường của ngành công nghiệp dầu lửa sẽ dịch chuyển nhanh chóng. Và gần như cùng lúc, bản đồ khai thác của ngành công nghiệp dầu lửa Mỹ cũng sẽ biến đổi chóng mặt, và các đối thủ Mỹ mới sẽ xuất hiện, thách thức vị trí thống lĩnh của Standard. Không chỉ thế giới, mà chỉ riêng nước Mỹ, cũng sẽ trở nên quá rộng lớn, thậm chí là đối với Standard Oil.

Nhà máy lọc dầu của Standard Oil tại Richmond- California

Những thị trường bị mất và giành được Cuối thế kỷ XIX, dầu hỏa, khí đốt và nến là những nhiên liệu đáp ứng nhu cầu nguồn ánh sáng nhân tạo của con người. Các nhà máy địa phương sản xuất khí đốt từ than hoặc dầu hoặc trực tiếp khai thác và vận chuyển khí đốt tự nhiên. Tất cả ba loại chất đốt này – dầu hỏa, khí đốt và nến – cùng có những vấn đề nghiêm trọng như nhau. Chúng tạo ra muội, bụi và hơi nóng. Chúng ngốn ôxy và luôn tiềm ẩn nguy cơ gây hỏa hoạn. Vì lý do này, nhiều tòa nhà, bao gồm cả tòa nhà Gore Hall, thư viện của Đại học Harvard, không được chiếu sáng bằng những nhiên liệu này. Sự thống trị của dầu hỏa, khí đốt và nến cũng không kéo dài.

Năm 1877, Thomas Alva Edison – phát minh ra bóng đèn điện. Chỉ trong hai năm, ông đã phát triển được loại bóng đèn nóng sáng chịu nhiệt. Đối với Edison, phát minh không chỉ là niềm đam mê, mà còn là công việc làm ăn. Ông từng viết: "Chúng tôi sẽ liên tục tạo ra những thứ có giá trị thương mại – đó là mục tiêu của phòng thí nghiệm này. Chúng tôi không thể giống như vị giáo sư Đức già nua, người chỉ cần có bánh mì đen và bia để dành cả cuộc đời nghiên cứu những cái lông tơ trên thân con ong".

Ngay lập tức, Edison chuyên tâm vào việc thương mại hóa phát minh bóng đèn điện của ông, và trong quá trình này, ông đã phát minh ra máy phát điện. Thậm chí, Edison còn rất thận trọng trong việc định giá điện sao cho giá của nó có khả năng cạnh tranh cao. Ông đã xây dựng một dự án thuyết minh sản phẩm của mình ở khu Hạ Manhattan, một khu vực bao gồm cả Phố Wall. Năm 1882, từ văn phòng của ông chủ nhà băng J. P. Morgan mà ông có quan hệ làm ăn, Edison bật công tắc, khởi động máy phát điện và mở cánh cửa không chỉ của một ngành công nghiệp mới mà còn của một phát minh sẽ làm biến đổi cả thế giới. Điện đem lại thứ ánh sáng siêu việt, điện không cần người sử dụng phải chăm sóc, và người ta không thể cưỡng lại sức hấp dẫn của điện.

Đến năm 1885, có 250.000 bóng đèn điện được sử dụng và năm 1902, con số này đã là 18 triệu. "Ánh sáng mới" giờ đây là ánh sáng từ điện chứ không phải từ dầu hỏa. Các công ty cung cấp khí đốt tự nhiên phải chuyển sang cung cấp khí đốt cho các mục đích sưởi ấm và nấu bếp. Trong khi đó, thị trường dầu hỏa ở Mỹ, thị trường chủ lực của ngành công nghiệp dầu lửa, ngừng tăng trưởng và ngày càng thu hẹp lại tại khu vực nông thôn. Công nghệ mới này cũng nhanh chóng được chuyển sang châu Âu.

Năm 1882, một hệ thống chiếu sáng bằng điện đã được lắp đặt tại nhà ga Holborn Viaduct ở London. Điện và các công nghệ liên quan đã thâm nhập Berlin nhanh chóng và sâu rộng đến nỗi người ta gọi thành phố này là Elektropolis (Đô thị điện). Sự phát triển của điện ở London diễn ra bừa bãi và vô tổ chức hơn. Đầu thế kỷ XX, London có 65 nhà máy cung cấp điện khác nhau. "Người London có thể dùng bánh mì trong bữa sáng được nướng bằng điện của một nhà máy này, dùng điện chiếu sáng trong văn phòng của họ bằng điện của một nhà máy khác, đến gặp các cộng sự trong những tòa nhà văn phòng gần đó, nơi sử dụng một loại điện khác, và đi bộ trên phố để về nhà dưới những ngọn đèn lại sử dụng một loại điện khác nữa". Đối với những người được tiếp cận điện, năng lượng này là một ân huệ lớn. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của điện là một mối đe dọa sâu sắc với ngành công nghiệp dầu lửa, và đặc biệt là "Ngôi nhà cổ".

undefined
Standard Oil là một công ty sản xuất, vận chuyển, tinh chế và tiếp thị dầu mỏ của Mỹ.

Tương lai mà Standard Oil – với khối đầu tư khổng lồ vào khai thác dầu, lọc dầu, xây dựng đường ống, các kho chứa và hệ thống phân phối – sẽ phải đối mặt nếu mất đi thị trường chính của, thị trường chất đốt là gì? Tuy nhiên, ngay khi một thị trường đang chuẩn bị mất đi thì một thị trường mới lại được mở ra – thị trường nhiên liệu cho loại "xe kéo không dùng ngựa," nói cách khác, chính là ôtô. Một vài loại xe như vậy chạy bằng động cơ đốt trong, loại động cơ sử dụng nhiên liệu là xăng để tạo ra lực đẩy cho xe chạy. Là loại phương tiện giao thông gây nhiều tiếng ồn, có khí thải độc hại và không đáng tin cậy cho lắm, nhưng xe gắn động cơ đốt trong đã giành được sự tín nhiệm ở châu Âu sau cuộc đua Paris-Bordeaux-Paris năm 1895. Trong cuộc đua này, có xe tham dự đạt tới vận tốc đáng kể là 15 dặm/giờ.

Năm sau đó, cuộc đua ôtô đầu tiên diễn ra tại vịnh Narragansett, bang Rhode Island. Đây là một cuộc đua chậm chạp và buồn tẻ đến nỗi khán giả phải kêu lên: "Kiếm một con ngựa đi!" Mặc dù vậy, ở Mỹ cũng như ở châu Âu, xe không do ngựa kéo nhanh chóng thu hút sự chú ý của các nhà phát minh có đầu óc kinh doanh. Một người trong số này là kỹ sư trưởng của Công ty chiếu sáng Edison ở Detroit. Ông đã bỏ việc để tập trung vào việc thiết kế, sản xuất và đưa ra thị trường một loại xe chạy bằng xăng mang tên ông – xe Ford. Chủ nhân đầu tiên của chiếc xe đầu tiên do Henry Ford sản xuất đã bán lại chiếc xe này cho một người khác là A. W. Hall và ông này nói với Ford mình đã bị cuốn vào "cơn sốt xe không ngựa". Hall xứng đáng có một vị trí đặc biệt trong trái tim của những người sử dụng xe hơi trong tương lai, với tư cách là chủ nhân đầu tiên được ghi nhận của một chiếc xe hơi đã qua sử dụng.

Đến năm 1905, xe hơi chạy bằng xăng đã đánh bại các đối thủ chạy bằng hơi nước và điện về mức độ tự động, đồng thời thiết lập được vị trí bá chủ toàn diện của mình. Tuy nhiên, người ta vẫn băn khoăn về độ khó sử dụng và mức độ tin cậy của loại xe này. Nhưng một lần rồi mãi mãi, những câu hỏi này đã bị đẩy lui bởi trận động đất xảy ra ở San Francisco năm 1906. Khi đó, 200 chiếc xe hơi tư nhân đã được huy động cho việc giải cứu và tiếp tế hay bằng 15.000 gallon xăng do Standard Oil tài trợ.

Quyền giám đốc cơ quan cứu hỏa của San Francisco, người đã chỉ huy ba chiếc xe làm việc suốt ngày đêm, phát biểu: "Trước khi trận động đất này xảy ra, tôi đã nghi ngờ ôtô. Nhưng bây giờ, tôi thật tâm đánh giá cao loại xe này". Cũng trong năm đó, một nhà báo hàng đầu đã viết, ôtô "không còn là một chủ đề cho những người thích đùa nữa, và hiếm khi chúng ta còn nghe thấy câu nói nhạo báng: "Kiếm một con ngựa đi!". Thậm chí còn hơn thế, xe hơi đã trở thành một biểu tượng của địa vị. Một nhà văn viết: "Ôtô là thần tượng của thời hiện đại. Người đàn ông sở hữu một chiếc xe hơi không chỉ có được những niềm vui du ngoạn, mà còn cả sự ngưỡng mộ của đám đông đi bộ, và… là một vị thánh đối với phụ nữ".

Sự phát triển của ngành công nghiệp xe hơi là một hiện tượng đáng kinh ngạc. Lượng ôtô đăng ký tại Mỹ tăng từ 8.000 xe năm 1900 lên 902.000 xe năm 1912. Trong một thập kỷ, từ chỗ là một sản phẩm mới, ôtô đã trở thành một vật quen thuộc, làm biến đổi bộ mặt và tập tục của xã hội hiện đại. Và xe hơi hoàn toàn phụ thuộc vào dầu. Từ trước tới giờ, xăng chỉ là một sản phẩm không quan trọng của quá trình lọc hóa dầu, với giá trị khiêm tốn là làm một số loại dung môi và nhiên liệu đốt lò. Còn đối với các mục đích sử dụng khác, xăng không có giá trị gì.

Năm 1892, một người làm trong ngành công nghiệp dầu lửa đã tự chúc mừng khi bán được xăng với giá khoảng 2 xu/gallon. Nhưng điều này đã thay đổi với sự xuất hiện của ôtô, loại phương tiện giao thông đã biến xăng thành thứ nhiên liệu ngày càng có giá trị. Ngoài thị trường xăng, một thị trường lớn thứ hai cho dầu lửa cũng đang phát triển cùng với việc dầu nhiên liệu ngày càng được sử dụng nhiều cho nồi hơi trong các nhà máy, tàu hỏa và tàu thủy. Tuy nhiên, khi câu hỏi gây lo lắng về vấn đề thị trường trong tương lai cho dầu lửa đang được nhanh chóng giải quyết thì một câu hỏi bi quan mới lại nổi lên: Lấy đâu ra nguồn cung để cung cấp đủ cho những thị trường đang bùng nổ này? Sản lượng dầu của Pennsylvania đã giảm xuống. Mỏ dầu Lima ở bang Ohio và Indiana không thể tương xứng với thị trường. Liệu có thể tìm thấy các mỏ dầu mới không? Và tìm kiếm ở đâu? Và ai sẽ là người kiểm soát những mỏ dầu đó?

Những cuộc vượt ngục

Địa vị của Standard Oil trong ngành công nghiệp dầu lửa đã bắt đầu bị lung lay trước khi thế kỷ XIX kết thúc. Cuối cùng, một số công ty sản xuất và cung cấp dầu lửa đã có thể thoát khỏi gọng kìm của các hệ thống đầu mối, đường ống và nhà máy lọc dầu của Standard để giành lấy sự độc lập thật sự ở mức độ nhất định.

Vào đầu thập niên 1890, một nhóm công ty dầu mỏ độc lập ở Pennsylvania đã hợp tác với các công ty lọc dầu để thành lập Công ty dầu mỏ của các nhà sản xuất và lọc dầu. Nhận thấy sẽ không thể có được cơ hội thắng "Ngôi nhà cổ" thật sự nếu không tìm ra cách đưa dầu ra khỏi Vùng đất dầu và tới khu vực bờ biển với mức giá cạnh tranh, công ty mới này đã tiến hành xây dựng đường ống riêng. Những công nhân xây dựng đường ống này phải đương đầu với những cuộc tấn công vũ trang của các công nhân đường sắt, cũng như hơi nước, nước nóng và than nóng đổ xuống người họ từ các đầu máy xe lửa. Những trở ngại này có thể chính là "bàn tay đeo găng" của Standard Oil. Nhưng cuối cùng đường ống này cũng đã được xây dựng.

Năm 1895, những công ty độc lập khác nhau này đã thành lập Công ty Pure Oil để tổ chức phát triển thị trường ở nước ngoài và tại khu vực Bờ Đông. Pure Oil được xây dựng như một tờ-rớt, với các ủy viên quản trị được chỉ định là "các nhà quán quân của tự do". Theo thói quen, Standard Oil kiên trì tìm cách mua lại và giành quyền kiểm soát các bộ phận cấu thành của Pure Oil. Tuy nhiên, mặc dù đã có một số cuộc điện thoại bí mật, Standard cũng không thể đạt được mục đích trên. Và chỉ trong vòng một vài năm, Pure Oil đã phát triển thành một công ty hợp nhất hoàn toàn có những thị trường xuất khẩu lớn. Mặc dù Pure Oil vẫn là một công ty nhỏ so với gã khổng lồ Standard, song các nhà sản xuất và lọc hóa dầu độc lập cuối cùng đã biến giấc mơ của mình thành hiện thực. Họ đã thành công trong việc thách thức Standard Oil và cách ly họ khỏi tổ chức này.

Còn Standard Oil, không còn lựa chọn nào khác, buộc phải tự thích nghi với thực tế không mấy dễ chịu về cuộc cạnh tranh căng thẳng và dài lâu ở thị trường trong nước. Tuy nhiên, các hoạt động của công ty Pure Oil hoàn toàn diễn ra tại Pennsylvania. Theo lẽ thường, dầu lửa là một hiện tượng tại miền Đông nước Mỹ và mọi người luôn thấy bi quan mỗi khi bàn về những nguồn cung mới. Tuy nhiên, những mỏ dầu mới vẫn được phát hiện về phía Đông, ngang qua đại lục Bắc Mỹ, tại bang Colorado và Kansas. Có một vùng đất thậm chí còn xa hơn về phía Tây, ngang qua dãy núi Rockies, bang California. Nhựa asphalt rò rỉ và nhựa tarpit là những dấu hiệu cho thấy nơi này có khả năng có dầu.

Vào thập niên 1860, hoạt động xúc tiến khai thác dầu lửa diễn ra mạnh mẽ ở Bắc Los Angeles. Benjamin Silliman Con, người đã tán thành dự án của George Bissell và "Đại tá" Drake vào những năm 1850, đồng thời cũng là một người luôn kiếm việc làm thêm, đã nhận làm tư vấn cho nhiều dự án xúc tiến khai thác dầu lửa ở California. Vị giáo sư danh tiếng của Đại học Yale này không kiềm chế sự hăng hái của mình. Giá trị của một nông trại "là sự giàu có gần như hoang đường trên mỏ dầu tốt nhất", ông viết. Còn giá trị của một nông trại khác "là khối lượng dầu có thể khai thác ở đây gần như không có giới hạn".

Tuy nhiên, nghiên cứu của Silliman không chính xác tuyệt đối. Mặc dù ông đã tới một vài nơi trong số những khu vực mà ông đưa ra đánh giá song những khu vực khác ông mới chỉ nhìn thấy từ xe ngựa khi đi từ Los Angeles tới. Thậm chí, có khu vực ông còn chưa đặt chân tới bao giờ. Lý do khiến các cuộc thí nghiệm của ông cho thấy khả năng có dầu cao tới mức như vậy là vì mẫu dầu ông phân tích đã được trộn thêm loại dầu tinh lọc hạng nhất của Pennsylvania, được lấy từ kệ hàng của một bách hóa tổng hợp ở Nam California.

Cuối thập niên 1860, sự bùng nổ hoạt động khai thác dầu ở Los Angeles đã lắng xuống, khiến triển vọng dầu lửa của California mờ đi. Danh tiếng của Giáo sư Silliman thậm chí còn bị ảnh hưởng thậm tệ hơn. Cảm thấy quá mất mặt và thất thế, người từ trước đến nay vẫn là một trong những nhân vật ưu tú nhất của nền khoa học Mỹ buộc phải từ chức giáo sư hóa học tại Đại học Yale. Tuy nhiên, chỉ khoảng một thập kỷ sau, Silliman gần như được minh oan. Một sản lượng dầu khiêm tốn đã được khai thác tại những khu vực mà ông đánh giá – ở hạt Ventura và phía bắc thung lũng San Fernado miền Bắc Los Angeles, một thị trấn khi đó chỉ có 8.000 người. Nhiều người từng lo ngại rằng dầu lửa giá rẻ từ nước ngoài sẽ tràn vào Mỹ, với sự trợ giúp của chính sách xóa bỏ thuế nhập khẩu dầu, và như thế, sẽ chèn ép ngành công nghiệp dầu lửa địa phương của California. Tuy nhiên, nhờ các biện pháp can thiệp chính trị tài tình, thuế nhập khẩu dầu đã không bị hạ xuống mà thậm chí còn tăng gấp hai lần.

Kính thưa quý vị, chương trình Podcast - Thời sự của Báo Công Thương đến đây xin được tạm dừng. Cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi và lắng nghe, rất mong quý vị sẽ luôn đồng hành cùng chương trình của chúng tôi. Xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại trong những bài Podcast tiếp theo.

Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 4) 1:05:19

Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 4)

Kính thưa quý vị, trên đây là nhan đề của bài viết trong mục Podcast – Trò chuyện cùng Công Thương ngày hôm nay, bài viết của tác giả Hà Nam (giới thiệu) được đăng tải trên trang Thông tin điện tử của Tập đoàn dầu khí Việt Nam tại trang web pvn.vn, kính mời quý vị cùng lắng nghe.

Cánh cửa vào thương mại thế giới đã mở ra và dầu của châu Mỹ nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường trên toàn thế giới.

Chương 3: Thương mại cạnh tranh

Phần còn lại của thế giới đang chờ đợi thứ "ánh sáng mới" từ Mỹ, song việc tổ chức đưa chuyến tàu chở dầu đầu tiên tới châu Âu không phải là điều dễ dàng. Các thủy thủ rất lo sợ khả năng cháy nổ xảy ra trong quá trình vận chuyển dầu lửa. Tuy nhiên, cuối cùng, năm 1861, một công ty vận tải biển tại Philadelphia đã tập trung được một đội thủy thủ bằng cách cho những thủy thủ khỏe mạnh mới vào nghề uống say mèm rồi lừa họ lên tàu. Chuyến tàu đó đã cập bến London an toàn.

Cánh cửa vào thương mại thế giới đã mở ra và dầu của châu Mỹ nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường trên toàn thế giới. Người dân ở khắp mọi nơi bắt đầu được hưởng những lợi ích mà dầu đem lại. Như vậy, rõ ràng là ngay từ đầu, việc buôn bán dầu đã mang tính quốc tế và đã trở thành một ngành thương mại quốc tế. Ngành công nghiệp dầu lửa của Mỹ không đạt được mức độ phát triển và tầm quan trọng như vậy nếu sản phẩm không được xuất khẩu ra các thị trường nước ngoài.

Tại châu Âu, nhu cầu về các sản phẩm dầu của Mỹ tăng lên nhanh chóng do quá trình công nghiệp hóa, tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa cũng như sự thiếu hụt nguồn cung của các sản phẩm chất béo và dầu vốn đã từng làm châu lục này khốn đốn suốt thời gian dài. Sự phát triển của các thị trường đa dạng càng được đẩy mạnh thông qua các lãnh sự của Mỹ tại châu Âu. Những quan chức ngoại giao này rất hăng hái trong việc thúc đẩy sự phát triển của mặt hàng được gọi là "phát minh kiểu Mỹ" này. Nhiều người trong số họ thậm chí còn mua dầu bằng tiền túi rồi bán lại cho những khách hàng tiềm năng.

Hãy xem nhu cầu của thị trường thế giới có ý nghĩa như thế nào? Thứ nhiên liệu thắp sáng đã trở nên phổ biến trên khắp thế giới này không phải do một quốc gia mà chính xác hơn là một bang duy nhất cung cấp, bang Pennsylvania. Sẽ không bao giờ lại có bất kỳ một vùng đất đơn lẻ nào có thể độc quyền cung cấp dầu thô như vậy nữa. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, xuất khẩu đã trở nên vô cùng quan trọng đối với ngành công nghiệp dầu lửa của Mỹ nói riêng và nền kinh tế quốc dân của nước này nói chung. Trong những năm 1870 và 1880, Mỹ xuất khẩu tới hơn một nửa sản lượng dầu sản xuất trong nước. Dầu lửa khi đó là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ tư, và đứng hàng đầu trong số các sản phẩm được sản xuất ra. Vào thời điểm đó, châu Âu là thị trường xuất khẩu dầu lớn nhất của Mỹ.

Tính đến cuối thập kỷ 1870, ngành dầu lửa của Mỹ không chỉ do một bang thống trị, mà còn do một công ty duy nhất lũng đoạn. Đó là Standard Oil, 90% dầu lửa xuất khẩu qua tay công ty này. Standard Oil rất hài lòng với một hệ thống mà trong đó trách nhiệm của nó chấm dứt tại một cảng biển bất kỳ nào của Mỹ. Công ty này rất tự tin vào vị trí độc tôn của mình và sẵn sàng thống trị cả thế giới từ trụ sở của công ty tại Mỹ. Trên thực tế, John D. Rockefeller đã có thể áp đặt cái gọi là "kế hoạch của chúng ta" lên toàn bộ thế giới. Vào thời gian đó, Standard Oil tỏ ra vô cùng tự hào về sản phẩm của mình. Theo Giám đốc phụ trách thị trường nước ngoài của công ty này, dầu đã "len lỏi đến mọi ngóc ngách của mọi quốc gia, kể cả phát triển và không phát triển, mạnh mẽ hơn bất kỳ thứ hàng hóa nào trong lịch sử kinh doanh".

undefined
Standard Oil – Tập đoàn dầu lửa hùng mạnh thời kỳ đầu của kỷ nguyên dầu mỏ.

Tất nhiên, một mối đe dọa đã xuất hiện, đó là khả năng diễn ra cạnh tranh quốc tế. Mặc dù vậy, những người đứng đầu Standard Oil đã không tính đến khả năng này. Cạnh tranh quốc tế chỉ có thể xảy ra nếu có những nguồn dầu thô nhiều hơn và rẻ hơn. Báo cáo địa chất của bang Pennsylvania năm 1874 tự hào khẳng định lý do tại sao dầu của bang này có thể thống trị thị trường thế giới. Bản báo cáo này đã bỏ qua câu hỏi về việc thăm dò ở các quốc gia khác có thể tìm thấy dầu hay không mà chỉ cho rằng đó là một vấn đề "có thể sẽ làm ta quan tâm" mà thôi. Khi đó, các tác giả của bản báo cáo đã quá tin vào vai trò thống trị của Mỹ nên thấy không cần thiết phải tìm lời giải đáp cho câu hỏi trên. Và họ đã mắc sai lầm.

"Số tiền gỗ óc chó"

Trong số những thị trường hứa hẹn nhất cho thứ "ánh sáng mới" này có đế quốc Nga bao la đang bắt đầu tiến trình công nghiệp hóa và ánh sáng nhân tạo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với đất nước này. Thủ đô St. Petersburg ở một nơi xa xôi về phía bắc đến nỗi, vào mùa đông, thành phố này chỉ có được sáu giờ đồng hồ có ánh sáng ban ngày. Năm 1862, dầu hỏa của Mỹ đã tới được thị trường Nga. Tại St. Petersburg, chất đốt này nhanh chóng được chấp nhận và đèn dầu nhanh chóng thay thế thứ mỡ động vật mà bấy lâu nay người dân ở đây gần như phụ thuộc hoàn toàn.

Tháng 12 năm 1863, viên lãnh sự Mỹ tại St. Petersburg vui mừng thông báo rằng "chắc chắn nhu cầu đối với dầu của Mỹ sẽ tăng mạnh trong những năm sắp tới". Tuy nhiên, nhà ngoại giao này không tính đến những phát triển trong tương lai tại một vùng đất xa xôi, khó đặt chân tới của đế quốc này. Đó chính là nhân tố sẽ không chỉ giành lại thị trường Nga khỏi các công ty xuất khẩu dầu của Mỹ, mà còn báo hiệu sự thất bại của các kế hoạch toàn cầu của Rockefeller. Trong nhiều thế kỷ, hiện tượng dầu thấm ra ngoài đã được ghi nhận ở bán đảo Aspheron khô cằn, một phần của dãy núi Caucasus kéo dài về phía biển Caspi nằm trong nội địa.

Vào thế kỷ XIII, Marco Polo cho biết đã nghe người ta nói tới một dòng suối ở Baku có dầu chảy ra. Mặc dù loại dầu này "không thể dùng trong thức ăn" nhưng "dùng để đốt thì tốt" và chữa bệnh ghẻ lở ở lạc đà rất hiệu quả. Baku là vùng đất của "những cột lửa vĩnh hằng" được những người bái hỏa giáo tôn thờ. Nói nôm na hơn, những cột lửa này chính là những cột khí đốt dễ bốc cháy, đồng hành với những lớp dầu lắng đọng, thoát ra từ các vết nứt ở những phiến đá vôi xốp. Baku là một phần của một lãnh địa độc lập được sáp nhập vào đế quốc Nga vào những năm đầu của thế kỷ XIX.

Đến khi đó, ngành công nghiệp dầu lửa sơ khai đã bắt đầu hình thành tại đây và, tới năm 1829, đã có 82 hố dầu đào bằng tay. Tuy nhiên, sản lượng thu được rất nhỏ bé. Sự phát triển của hoạt động sản xuất dầu ở vùng này bị cản trở nghiêm trọng bởi cả sự lạc hậu và xa xôi của khu vực, cũng như của chính quyền Sa hoàng thối nát, độc đoán và bất tài vốn coi ngành công nghiệp nhỏ bé này thuộc độc quyền của nhà nước. Cuối cùng, vào những năm đầu thập niên 1870, Chính phủ Nga đã bãi bỏ hệ thống độc quyền và mở cửa ngành công nghiệp dầu lửa cho các doanh nghiệp tư nhân cạnh tranh. Kết quả là sự bùng nổ của hoạt động sản xuất dầu. Thời đại của những hố dầu đào bằng tay chấm dứt.

Vào các năm 1871, 1872 đã có những giếng dầu đầu tiên được khoan và tới năm 1873, đã có hơn 20 nhà máy lọc dầu nhỏ đi vào hoạt động. Không lâu sau đó, một nhà hóa học có tên Robert Nobel đã đặt chân tới Baku. Ông là con trai lớn của Immanuel Nobel, nhà phát minh lớn người Thụy Điển nhập cư vào Nga năm 1937 và lực lượng quân sự tại Nga đã vui mừng áp dụng phát minh mìn dưới nước của ông. Immanuel đã xây dựng một công ty công nghiệp khá lớn và công ty này chỉ bị phá sản khi Chính phủ Nga chuyển từ mua hàng trong nước sang mua hàng từ nước ngoài. Con trai của Immanuel là Ludwig đã xây dựng một công ty vũ khí lớn trên đống gạch tàn của công ty cũ. Ngoài ra, Ludwig còn phát triển "bánh xe Nobel", loại bánh xe duy nhất phù hợp được với những con đường tồi tệ ở nước Nga.

Một người con trai khác của Immanuel là Alfred có năng khiếu cả về hóa học và tài chính. Nghe theo gợi ý của một thầy giáo ở St. Petersburg về nitroglycerine, Alfred đã tạo ra một đế chế thuốc nổ rộng lớn khắp toàn cầu nằm dưới sự điều hành của ông từ Paris. Tuy nhiên, Robert, người con trai cả của Immanuel Nobel, lại không có được may mắn lớn như các em. Ông thất bại trong nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau và rốt cục phải quay về St. Petersburg làm việc cho Ludwig.

Ludwig giành được một hợp đồng lớn sản xuất súng trường cho Chính phủ Nga và cần gỗ để làm báng súng. Trong quá trình tìm nguồn cung cấp loại vật liệu này, ông cử Robert đi xuống phía nam, tới dãy núi Caucasus để kiếm gỗ óc chó của Nga. Tháng 3 năm 1873, Robert tới Baku. Mặc dù đã trở thành một địa chỉ giao thương lớn giữa Đông và Tây, nơi người ta giao tiếp với nhau bằng nhiều thứ tiếng, Baku vẫn là một phần của châu Á với những ngôi tháp và nhà thờ Hồi giáo cổ kính của các ông hoàng Ba Tư và dân cư là người Tatar, Ba Tư và Armenia. Tuy nhiên, hoạt động khai thác dầu đã bắt đầu đem lại sự thay đổi lớn cho nơi này. Ngay khi tới Baku, Robert đã bị cuốn vào cơn sốt dầu ở đây. Không thèm hỏi ý kiến em trai – xét cho cùng, ông cũng là anh cả và do đó, ông có những đặc quyền nhất định – Robert dùng ngay số tiền 25.000 rúp mà Ludwig giao cho ông để mua gỗ –"số tiền gỗ óc chó" – để mua một nhà máy lọc dầu nhỏ. Nhà Nobel đã nhảy vào ngành công nghiệp dầu lửa như thế.

Sự phát triển của dầu lửa Nga

Robert nhanh chóng bắt tay vào việc hiện đại hóa và nâng cao hiệu quả của nhà máy lọc dầu mà ông mua bằng tiền của Ludwig. Với nguồn vốn rót thêm từ người em trai, ông nhanh chóng phát triển nhà máy này thành nhà máy lọc dầu mạnh nhất ở Baku. Tháng 10 năm 1876, chuyến hàng dầu hỏa đầu tiên của nhà Nobel đã tới St. Petersburg. Cũng năm đó, Ludwig tới Baku để được tận mắt chứng kiến những gì đang diễn ra ở đây. Lão luyện trong quan hệ làm ăn với chính quyền phong kiến, Ludwig giành được sự ủng hộ của Đại công tước là em trai Sa hoàng kiêm lãnh chúa vùng Causasus.

Tuy nhiên, Ludwig Nobel cũng là một nhà lãnh đạo công nghiệp sừng sỏ, có khả năng vạch ra một kế hoạch với quy mô của Rockefeller. Ông bắt đầu phân tích từng giai đoạn phát triển của ngành công nghiệp dầu lửa; ông học mọi thứ có thể học về kinh nghiệm trong lĩnh vực này của nước Mỹ; ông tăng cường đầu tư vào khoa học-công nghệ, đổi mới và lập kế hoạch kinh doanh để đạt được hiệu quả và lợi nhuận; và ông cũng dành cho toàn bộ hoạt động kinh doanh dầu lửa này sự lãnh đạo và mối quan tâm của chính cá nhân ông. Chỉ trong vài năm, ngành công nghiệp dầu lửa của Nga đã đuổi kịp và thậm chí còn vượt lên dẫn trước ngành công nghiệp dầu lửa của Mỹ, ít nhất là trong một thời gian. Và người đàn ông Thuỵ Điển có tên Ludwig Nobel này trở thành "Ông vua dầu lửa của Baku".

Vận tải đường dài là một vấn đề có tính chất quyết định. Từ Baku, những thùng dầu phải vượt qua một tuyến đường dài và khó đi. Ban đầu, những con thuyền chở dầu sẽ đi 600 dặm về phía bắc, từ biển Caspi tới Astrakhan; sau đó, dầu được chuyển sang các xà lan để tiếp tục một hành trình dài ngược dòng sông Volga. Cuối cùng, dầu được đưa tới một tuyến đường sắt nào đó để tiếp tục vận chuyển tới những nơi khác. Chi phí cho việc vận chuyển dầu rất lớn và, ngay cả những thùng chứa dầu cũng rất đắt đỏ. Gỗ ở địa phương không đủ cho việc sản xuất thùng và người ta phải mua gỗ ở một khu vực xa xôi nào đó của đế quốc Nga, hoặc nhập khẩu gỗ từ Mỹ. Một cách nữa là mua lại những thùng chứa dầu đã qua sử dụng của Mỹ ở Tây Âu. Ludwig đã hình thành trong đầu một giải pháp cho vấn đề thùng chứa và giải pháp này của ông có ảnh hưởng trên phạm vi rộng lớn. Đó là vận chuyển dầu "với khối lượng lớn" – tức là, vận chuyển dầu trong những bể chứa được xây dựng sẵn trên tàu.

Kính thưa quý vị, chương trình Podcast - Thời sự của Báo Công Thương đến đây xin được tạm dừng. Cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi và lắng nghe, rất mong quý vị sẽ luôn đồng hành cùng chương trình của chúng tôi. Xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại trong những bài Podcast tiếp theo.

Cuộc xâm lăng tĩnh lặng - Bài 1: “Vũ khí văn hóa" 9:36

Cuộc xâm lăng tĩnh lặng - Bài 1: “Vũ khí văn hóa"

“Cuộc xâm lăng tĩnh lặng - Bài 1: “Vũ khí văn hóa” , kính thưa quý vị, trên đây là tiêu đề bài viết của tác giả Nguyễn Hòa được đăng tải trong chuyên mục Phòng, chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa” - trên báo Quân đội nhân dân điện tử tại trang web qdnd.vn. Kính mời quý vị cùng lắng nghe.

Bài viết: Một cuộc xâm lăng âm thầm, có vẻ tĩnh lặng đang diễn ra nhanh chóng, quyết liệt trên lĩnh vực văn hóa. Nhiều quốc gia “giật mình” bởi sức tàn phá từ các loại “vũ khí văn hóa” đối với an ninh quốc gia, tương lai dân tộc.

Trong bối cảnh hiện nay, câu tuyên ngôn bất hủ của đại văn hào Nga M. Gorki: “Đối với tôi, lời kêu gọi Tổ quốc lâm nguy cũng không đáng sợ hơn lời kêu gọi: Hỡi các công dân! Văn hóa bị lâm nguy!” chưa mất tính thời sự, là lời cảnh tỉnh, nhắc nhở mỗi quốc gia trước mối họa “xâm lăng văn hóa”.

Cảnh báo về nguy cơ xâm lăng văn hóa, nhà sử học người Israel-Yuval Noah Harari cho rằng, các sản phẩm văn hóa thông qua nhiều con đường khác nhau, nhất là internet, mạng xã hội, đang “là một vùng đất tự do và vô luật làm xói mòn chủ quyền quốc gia, phớt lờ các biên giới, phá hủy quyền riêng tư và đem lại mối đe dọa an ninh toàn cầu có thể nói là đáng sợ nhất”. Các sản phẩm văn hóa một khi trở thành vũ khí trong tay các thế lực muốn xâm lăng thì sự nguy hiểm tăng lên gấp bội.

Lấy văn hóa nước khác để tự đồng hóa mình

Trong kỷ nguyên số, khi sự giao lưu và trao đổi văn hóa trong xu thế toàn cầu hóa kéo theo sự giao thoa, trao đổi, tương tác rất mạnh, văn hóa được xem là vũ khí hữu hiệu khi nó trở thành công cụ, vũ khí mềm, là “củ cà rốt” mà những nước lớn, các thế lực thù địch sử dụng để tiến hành cuộc xâm lăng mềm, xâm lăng bằng văn hóa, nằm trong chiến lược “diễn biến hòa bình”. Với mục tiêu đạt tới là đồng hóa văn hóa, tiến tới nô dịch văn hóa và bước cuối cùng là thay đổi văn hóa, suy nghĩ, hành động tại các nước đối tượng mà họ hướng tới.

Nhiều bạn trẻ cho rằng, làm gì có cuộc xâm lăng văn hóa nào, làm gì có chuyện giới trẻ bị đồng hóa văn hóa. Chúng tôi giải trí với trò chơi, phim ảnh, sách báo, mạng xã hội của nước ngoài đều đã được cấp phép; chúng tôi ăn uống các loại bánh trái, hoa quả, thực phẩm của nước ngoài cũng đều được sự cho phép của cơ quan chức năng; quần áo, kiểu tóc của chúng tôi, muốn học theo ai là do sở thích cá nhân... Chúng tôi theo chân các thần tượng nước ngoài là tôi muốn học hỏi để được thành công như họ...

undefined
Trẻ em tỉnh Hòa Bình được gia đình giáo dục ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa từ những bộ trang phục. Ảnh: Hoa Huyền

Giải thích về “lý sự” của một số bạn trẻ đang mang suy nghĩ trên, TS Nguyễn Ánh Hồng, nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: Các bạn trẻ Việt Nam đang sống trong thời đại công nghệ số với tâm lý thích khám phá, thích thể hiện cái tôi cá nhân của mình, thích cái mới và thích sự thay đổi, nhưng lại chưa có đủ độ chín chắn, chưa đủ trải nghiệm, chưa đủ bản lĩnh để có thể phân biệt được đâu là những giá trị tích cực, đâu là giá trị tiêu cực từ bên ngoài đưa vào Việt Nam. Thế nên, một cách vô thức bị tác động, ảnh hưởng bởi các yếu tố văn hóa ngoại lai. Các thế lực thù địch đã triệt để khai thác tác động tiêu cực của mạng xã hội, sử dụng nó trở thành một phương tiện thực hiện âm mưu "diễn biến hòa bình", chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ.

Thử hỏi, với một quốc gia hơn 100 triệu dân, nếu ai cũng sùng ngoại, sính ngoại như vậy, cũng hành xử như vậy, quốc gia ấy có phải bản sao của một nước khác không? Trong khi tại chính các nước phương Tây, như Mỹ đã đưa ra cảnh báo đỏ sẽ cấm hoạt động đối với mạng xã hội TikTok do nghi ngại vấn đề an ninh quốc gia. Ở Pháp cũng cấm trẻ em dưới 16 tuổi không được tiếp cận mạng xã hội. Một số nước khác thì ban hành những quy định nghiêm khắc đối với việc sử dụng mạng xã hội nếu vi phạm, truyền tải nội dung thông tin không đúng đắn, truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, xúc phạm tôn giáo chính thống, kêu gọi biểu tình, lập hội nhóm bất hợp pháp, trò chơi bạo lực; xuyên tạc lịch sử thông qua các sản phẩm phim ảnh, văn học, sách giáo dục...

Ngẫm lại ở ta, đi đâu cũng gặp cảnh từ anh bán cơm tới chị bán hàng, từ nhà chờ xe buýt cho tới góc khuất một công sở... tay cầm điện thoại mà trên loa phát ra tràn ngập các phim ngắn về tổng tài, kiều nữ, anh hùng; các đoạn video, bài viết dạy dỗ, hướng dẫn “nuôi con kiểu Nhật”, “dạy con theo cách của người Do Thái”, “phong cách thời trang Hàn Quốc”, “truyện tranh Nhật Bản”... hình ảnh khoe tiền, khoe của, ăn uống vô độ, ứng xử bất kính... Rồi cứ đến dịp các ngày lễ của nước ngoài, như Halloween-lễ hội hóa trang; Valentine-ngày lễ tình nhân, lễ Giáng sinh... thì các nam thanh nữ tú lại xúng xính váy áo cũn cỡn, lố lăng, phản cảm “check in”, chờ dịp để khoe mẽ lối sống ảo.

Trong lĩnh vực truyền thông, khán giả truyền hình và những người tham dự các sự kiện mấy năm gần đây, đặc biệt là trên các kênh truyền hình cấp tỉnh chỉ biết thở dài ngao ngán khi chứng kiến tên không ít chương trình giải trí cũng nửa tiếng Việt, nửa tiếng Anh, rồi diễn viên, người dẫn chương trình thì khoe mẽ trình độ ngoại ngữ “nửa Tây, nửa ta” khiến bao người ngao ngán... Thật buồn, khó chịu và cám cảnh, lo ngại cho sự quý giá của tiếng Việt và văn hóa dân tộc.

Sự lai căng đã tới mức phải báo động

Trong cuốn “Internet và sự tác động đến văn hóa Việt Nam”, TS Từ Thị Loan chỉ ra: Sự lai căng văn hóa đang có những tác động tiêu cực đến quan niệm về đạo đức, ý thức đạo đức. Tác động nổi bật nhất về vấn đề này là tư tưởng đề cao các giá trị vật chất trước các giá trị tinh thần, giá trị đạo đức. Những cảnh sống xa hoa, giàu sang trong các bộ phim và MV ca nhạc, những thông tin về cung cách tiêu xài khủng của các đại gia, phong cách ăn mặc sang chảnh của các “sao”, thói ăn chơi thời thượng, “chịu chơi” và “chịu chi” của những người nổi tiếng ở nước ngoài đã tác động không nhỏ đến nhận thức, tư tưởng của cộng đồng cư dân mạng, đặc biệt là giới trẻ. Từ đó hình thành ở họ tư tưởng coi trọng vật chất, coi nhẹ đạo đức, đề cao hình thức, biểu hiện bề ngoài mà không chú trọng đúng mức đến phẩm chất đạo đức, cái đẹp bên trong”.

TS Từ Thị Loan nhận định, những tác động tiêu cực của truyền thông mới cũng góp phần cổ xúy các hành vi vô văn hóa, phản đạo đức, vi phạm các chuẩn mực xã hội, như: Kích động dâm ô, đồi trụy, những biểu hiện suy đồi...

PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội thì nhận định: Tâm lý sùng ngoại, muốn chứng minh mình tiên phong trong xu hướng khiến giới trẻ Việt Nam tiếp thu văn hóa nước ngoài một cách dễ dãi. Hơn nữa, sự phát triển và phổ biến các phương tiện truyền thông mới đã khiến cho hiện tượng lai căng văn hóa lan truyền nhanh chóng mà không bị kiểm soát, kích thích và thu hút sự tò mò của giới trẻ. Tuy nhiên, xét ở khía cạnh cụ thể, một số bạn đã có những biểu hiện lệch lạc trong suy nghĩ, hành vi và lối sống. Việc bắt chước những trào lưu như thần tượng thái quá các ngôi sao; sử dụng ngôn ngữ nước ngoài vô tội vạ... đã gây ra những hậu quả hết sức tai hại, hình thành nên những nhận thức mới, thói quen mới, tạo ra những định hướng giá trị xa lạ với văn hóa truyền thống, có nguy cơ trở thành những bản sao của văn hóa nước ngoài. Điều đó khiến giới trẻ mất phương hướng trong việc xây dựng và hình thành nhân cách con người Việt Nam, không có sự tự tin để hội nhập quốc tế. Nguy hiểm hơn, lai căng văn hóa sẽ khiến văn hóa đất nước nói chung dễ bị phai nhạt, mất sức sống, ảnh hưởng đến sức mạnh chung của quốc gia.

Cuộc xâm lăng mềm xuyên biên giới, xuyên quốc gia

Phải khẳng định, trong thời đại số, mỗi một phút, một giờ lại có hàng vạn thông tin được chia sẻ thông qua mạng xã hội và các kênh giao tiếp văn hóa phi chính thức khác nhau, cho thấy mức độ nhập khẩu văn hóa không kiểm soát lớn như thế nào.

Không phải tự nhiên chỉ một thời gian ngắn mạng xã hội phát triển ở nước ta, không ít người giờ đây chỉ yêu thích các sản phẩm văn hóa từ nước ngoài, biến họ trở nên khác hẳn, sùng ngoại, “đặc sệt” phương Tây, với đặc trưng là thích quan tâm tới bản thân hơn là chia sẻ với cộng đồng; thích kiểu ăn mặc khác lạ, lối sống thực dụng chứ không thích lối sống gia đình theo nếp nhà truyền thống với các giá trị gia đình; tinh thần chia sẻ với xóm làng, cộng đồng. Nguy hại hơn, họ xa rời trách nhiệm với Tổ quốc, họ trốn tránh nghĩa vụ công dân, chỉ biết đòi hỏi quyền lợi, đòi hỏi tự do dân chủ một cách vô độ, tuyệt đối, muốn làm gì thì làm theo kiểu phương Tây.

Những biểu hiện nguy hiểm ấy đang bào mòn chất văn hóa Việt, khiến họ dần quên đi những giá trị cốt lõi của văn hóa dân tộc, quên đi mình là ai. Thật nguy hiểm khi hàng triệu người đang dùng mạng xã hội hay các sản phẩm văn hóa độc hại đang không nhận ra mình dần bị đồng hóa văn hóa theo “kế hoạch” đã được tính toán của các nước lớn; các nước phương Tây thông qua chiến lược “diễn biến hòa bình” và làn sóng xâm lăng văn hóa êm dịu, tĩnh lặng, bất bạo lực.

Không khó để nhận ra, “kế hoạch” của các thế lực này đã thành công một phần nào đó. Nhìn các sản phẩm văn hóa trên các trang mạng xã hội, hay một số trang điện tử, báo điện tử với nội dung đánh vào tâm lý người Việt trẻ, như scandal của văn nghệ sĩ; những cuộc đấu khẩu, chửi rủa, bạo lực; cuộc sống của các ca sĩ, ban nhạc nước ngoài, video clip bói toán, dạy nấu ăn, dạy làm giàu, dạy ứng xử mà cốt truyện, những nhân vật đều thuộc về một quốc gia khác... Tóm lại, từ việc nhỏ nhất cho đến việc lớn, đều bị văn hóa ngoại chi phối.

Các nhà nghiên cứu đã cảnh báo: Không ít giá trị văn hóa Việt Nam đã và đang bị thay đổi trong đời sống hằng ngày ở từng con người, mỗi gia đình. Trong xu thế toàn cầu hóa, nhiều người đã đón nhận những yếu tố văn hóa ngoại lai một cách không chọn lọc, không biết nhận diện, phân tích và bỏ đi những cái xấu, cái không phù hợp. Nhiều người khác thì dễ dãi tiếp thu, vay mượn vốn văn hóa của nước ngoài để giúp mình tưởng như đã đạt tới cột mốc là công dân văn minh toàn cầu; chăm chăm mượn cái của nước khác, người khác mà tưởng rằng đó là tiêu chuẩn của giá trị. Họ không hiểu thế nào là tiếp thu những mặt tích cực; thế nào là bị đồng hóa, bị nô dịch văn hóa.

Như vậy, nhiều người đang tự mình tan ra, dần mất bản sắc văn hóa dân tộc, bị đồng hóa văn hóa từ chính những biểu hiện trong lối sống, lối ứng xử, trong cách tiếp nhận và thay đổi quan niệm về giá trị vật chất, tinh thần họ đang học theo. Nếu “căn bệnh” sùng bái văn hóa ngoại lây lan từ cá nhân sang gia đình, rồi ra cộng đồng và các tầng lớp xã hội thì lúc đó, xã hội đã thực sự bị xâm lăng văn hóa. Nỗi lo xâm lăng văn hóa càng được nhân lên khi internet, mạng xã hội dưới sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn... ngày càng trở nên phổ biến.

Kính thưa quý vị! Chương trình Podcast - Chính luận 35 của Báo Công Thương đến đây xin được tạm dừng. Cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi và lắng nghe. Rất mong quý vị sẽ luôn đồng hành cùng chương trình của chúng tôi. Xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại trong những bài Podcast tiếp theo.

Trang sử mới của quan hệ hữu nghị hợp tác toàn diện, bền chặt Việt Nam - Liên bang Nga 4:54

Trang sử mới của quan hệ hữu nghị hợp tác toàn diện, bền chặt Việt Nam - Liên bang Nga

Kính thưa quý vị! “Trang sử mới của quan hệ hữu nghị hợp tác toàn diện, bền chặt Việt Nam - Liên bang Nga” là tiêu đề bài Podcast hôm nay mà chúng tôi muốn gửi đến quý vị và các bạn! Kính mời quý vị cùng lắng nghe.

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga Mikhail Vladimirovich Mishustin thăm chính thức Việt Nam từ ngày 14 đến 15/1. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Liên bang Nga chuẩn bị kỷ niệm 75 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (30/1/1950-30/1/2025), dấu mốc quan trọng trên chặng đường đồng hành phát triển kéo dài hơn 70 năm qua.
Chuyến thăm đồng thời khẳng định cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo cấp cao hai nước trong việc củng cố và thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga ngày càng phát triển đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.
Nga là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị, thủy chung, trân trọng sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu mà Liên Xô trước đây và nước Nga ngày nay dành cho Việt Nam. Trong khi đó, đối với Liên bang Nga, Việt Nam là đối tác tin cậy và là một trong những ưu tiên quan trọng trong chính sách đối ngoại tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

undefined
Trang sử mới của quan hệ hữu nghị hợp tác toàn diện, bền chặt Việt Nam - Liên bang Nga.

Chặng đường hợp tác 75 năm qua ghi dấu nhiều bước tiến quan trọng trong quan hệ hữu nghị và hợp tác bền chặt giữa Việt Nam và Liên bang Nga. Ngày 30/1/1950, hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga, được ký năm 1994, đã đặt nền móng và cơ sở pháp lý cho quan hệ song phương trong giai đoạn phát triển mới. Hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược và Đối tác chiến lược toàn diện lần lượt vào các năm 2001 và 2012. Những thành tựu đó là kết quả từ sự nỗ lực bền bỉ của các thế hệ lãnh đạo và người dân Việt Nam và Liên bang Nga, tạo nền tảng quan trọng cho những bước phát triển cao hơn trong hợp tác song phương thời gian tới.
Thời gian qua, quan hệ chính trị giữa Việt Nam và Liên bang Nga duy trì độ tin cậy cao và không ngừng được củng cố. Hoạt động trao đổi đoàn cấp cao diễn ra thường xuyên đã tạo động lực mạnh mẽ cho việc phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam tháng 6/2024 của Tổng thống Nga Vladimir Putin, hai bên đã ra Tuyên bố chung về làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện trên cơ sở thành tựu 30 năm triển khai Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt Nam-Liên bang Nga.
Trên cơ sở tin cậy chính trị cao, quan hệ Việt Nam-Liên bang Nga phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực. Sau đại dịch Covid-19, kim ngạch thương mại song phương từng bước phục hồi, đạt 3,63 tỷ USD năm 2023; đạt 4,1 tỷ USD trong 11 tháng năm 2024, tăng 27,4% so với mức cùng kỳ năm 2023.
Về đầu tư, tính lũy kế đến đầu tháng 11/2024, phía Nga có 199 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký khoảng 990 triệu USD, đứng thứ 26 trong số các nước và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam có 16 dự án đầu tư sang Nga còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 1,6 tỷ USD, xếp thứ 4/81 quốc gia và vùng lãnh thổ Việt Nam có đầu tư.
Giáo dục-đào tạo là điểm sáng trong hợp tác giữa hai nước. Liên Xô trước đây đã giúp Việt Nam đào tạo gần 40.000 cán bộ và chuyên gia giỏi thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.
Hiện nay, Nga tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực. Từ năm 2019, Nga đã tăng số học bổng cho Việt Nam lên khoảng 1.000 suất/năm. Hiện có khoảng hơn 5.000 sinh viên Việt Nam du học tại Liên bang Nga. Ngoài ra, cộng đồng khoảng từ 60.000 đến 80.000 người Việt Nam tại Nga là sợi dây liên kết quan trọng, giúp thắt chặt tình hữu nghị bền chặt giữa hai nước.
Hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực văn hóa, khoa học-kỹ thuật… cũng phát triển tốt đẹp. Các hoạt động giao lưu văn hóa được tổ chức thường xuyên, góp phần tăng cường hiểu biết và hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và Nga. Hai bên tổ chức thường niên và luân phiên những Ngày văn hóa tại Việt Nam và Nga.
Trong khi đó, hợp tác địa phương tiếp tục được duy trì và tăng cường thông qua trao đổi đoàn và ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác. Hiện tại có khoảng 20 cặp quan hệ giữa các địa phương hai nước được thiết lập, nhất là giữa Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Moskva, Saint Petersburg.
Việc đón Thủ tướng Liên bang Nga Mikhail Vladimirovich Mishustin thăm chính thức Việt Nam là một hoạt động đối ngoại quan trọng của Đảng và Nhà nước ta; khẳng định đường lối đối ngoại nhất quán của Đại hội XIII của Đảng là độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, trong đó ưu tiên các nước có quan hệ hữu nghị truyền thống.
Chúc chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Mikhail Vladimirovich Mishustin thành công tốt đẹp, góp phần mở ra trang sử mới của quan hệ hợp tác toàn diện, hữu nghị bền chặt Việt Nam-Liên bang Nga.

Bài Podcast đến đây xin được tạm dừng. Thân ái chào tạm biệt quý vị!

Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 3) 59:52

Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 3)

Xin kính chào quý vị, trong mục Podcast – Trò chuyện cùng Công Thương ngày hôm nay, chúng ta lại đến với kỳ 3 của cuốn sách Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực, kính mời quý vị cùng lắng nghe.

Mặc dù hoạt động theo những phương thức nhẫn tâm, tham vọng và không kiểm soát của chủ nghĩa tư bản cuối thế kỷ XIX song Standard Oil đã mở ra một kỷ nguyên mới, bởi nó đã phát triển thành một trong những công ty đa quốc gia đầu tiên và lớn nhất trên thế giới.

Chương 2: "Kế hoạch của chúng ta": John D. Rockefeller và sự cấu kết trong ngành công nghiệp dầu lửa Mỹ

Một vụ bán đấu giá kỳ cục đã diễn ra vào một ngày tháng 1 năm 1865 tại Cleveland, bang Ohio. Thành phố ồn ào đã được lợi từ cả cuộc Nội chiến Mỹ lẫn sự bùng nổ của ngành công nghiệp dầu lửa sẽ tiếp tục thịnh vượng nhờ kỷ nguyên phát triển của nền công nghiệp Mỹ. Sự bất đồng dai dẳng giữa hai nhân vật chính của một trong những công ty lọc dầu thành công nhất thành phố này, về tốc độ mở rộng công việc kinh doanh, đã nổ ra. Maurice Clark, nhân vật thận trọng hơn, đe dọa giải thể công ty và John D. Rockefeller đối thủ của Clark chấp nhận lời đe dọa này. Sau đó, Clark và Rockefeller thỏa thuận tổ chức một cuộc bán đấu giá riêng giữa hai người, ai ra giá cao nhất sẽ có được công ty. Và họ quyết định tiến hành vụ bán đấu giá ngay lập tức, ngay trong văn phòng công ty.
Mức giá ban đầu được đưa ra là 500 đô-la nhưng nhanh chóng tăng lên. Chẳng mấy chốc, Maurice Clark đã ra giá 72.000 đô-la. Rockefeller bình thản đưa ra mức 72.500 đô-la. Clark vung tay lên trời, nói: "Tôi sẽ không trả cao hơn nữa đâu, John. Công ty là của ông". Hai người đàn ông bắt tay từ biệt nhau.
Nửa thế kỷ sau, Rockefeller nói: "Tôi mãi mãi coi đó là ngày khởi đầu cho những thành công tôi đạt được trong đời".
Cái bắt tay đó cũng là dấu hiệu cho sự khởi đầu của ngành công nghiệp dầu lửa hiện đại, đem lại trật tự thay thế cho tình trạng hỗn loạn của sự bùng nổ hoạt động khai thác dầu ở Pennsylvania. Đó là trật tự được Công ty Standard Oil xây dựng nên. Trong quá trình đạt được sự thống trị và kiểm soát toàn bộ lĩnh vực buôn bán dầu lửa trên thế giới, Công ty Standard Oil đã phát triển thành một doanh nghiệp phức hợp có quy mô toàn cầu, kinh doanh loại chất đốt giá rẻ, thứ "ánh sáng mới", tới những vùng xa xôi nhất trên trái đất. Mặc dù hoạt động theo những phương thức nhẫn tâm, tham vọng và không kiểm soát của chủ nghĩa tư bản cuối thế kỷ XIX song Standard Oil đã mở ra một kỷ nguyên mới, bởi nó đã phát triển thành một trong những công ty đa quốc gia đầu tiên và lớn nhất trên thế giới.
"Một người ngăn nắp đến cực đoan"
Đứng đầu Standard Oil chính là người đàn ông trẻ tuổi đã giành chiến thắng trong cuộc bán đấu giá tại Cleveland năm 1865. Khi đó, ở tuổi 26, John D. Rockefeller đã tạo một ấn tượng mạnh mẽ. Cao và gầy, ông khiến người khác có cảm giác ông là một người cô độc, lầm lì, lãnh đạm và khổ hạnh. Vẻ lặng lẽ khó lay chuyển cùng đôi mắt xanh sắc lạnh trên khuôn mặt đầy góc cạnh với chiếc cằm nhọn của ông làm người ta cảm thấy không thoải mái và e dè. Dường như người ta thấy ông có thể nhìn xuyên thấu họ.

undefined
John D. Rockefeller - chủ tịch kiêm nhà sáng lập Standard Oil Company.

Rockefeller là nhân vật quan trọng nhất trong việc định hình ngành công nghiệp dầu lửa. Người ta cũng có thể nhận định tương tự về vai trò của ông trong lịch sử phát triển của nền công nghiệp Mỹ cũng như sự hình thành của loại hình doanh nghiệp hiện đại. Được ngưỡng mộ như một bậc kỳ tài về quản lý và tổ chức, Rockefeller đồng thời cũng là doanh nhân Mỹ bị căm ghét và nguyền rủa nhiều nhất, một phần do ông quá tàn nhẫn và một phần vì ông quá thành công. Người đời sẽ cảm nhận rõ ràng di sản trường tồn của Rockefeller, xét về ảnh hưởng mạnh mẽ của ông đối với ngành công nghiệp dầu lửa và bản thân chủ nghĩa tư bản, cũng như tác động của khoản từ thiện khổng lồ của ông. Di sản đó còn là những hình ảnh và những tỳ vết mà ông vĩnh viễn khắc vào tâm trí của công chúng.
Rockefeller sinh năm 1839 tại một vùng nông thôn ở New York và qua đời năm 1937, thọ gần 100 tuổi. Cha ông, William Rockefeller, là một nhà buôn gỗ và muối. Sau khi chuyển cả gia đình tới sống ở bang Ohio, nhà buôn này tự xưng là "bác sĩ William Rockefeller" để bán các bài thuốc thảo dược và các loại biệt dược. William Rockefeller thường vắng nhà dài ngày vì ông còn có một bà vợ khác ở Canada.
Tính cách của John D. Rockefeller đã được định hình ngay từ khi còn bé. Ông là một người sùng đạo, chuyên tâm, kiên trì, kỹ tính, hay chú ý đến tiểu tiết, có năng khiếu và niềm đam mê với những con số, đặc biệt là những con số liên quan đến tiền bạc. Lên bảy tuổi, ông đã thực hiện thành công vụ kinh doanh đầu tiên của mình – bán gà. Cha ông dạy các con các kỹ năng buôn bán từ rất sớm. Có người kể lại, William Rockefeller từng khoe rằng: "Tôi buôn bán với bọn trẻ, lừa chúng và đánh chúng bất cứ khi nào có thể. Tôi muốn mài giũa bọn chúng". Khi còn đi học, John D. Rockefeller rất giỏi toán, đặc biệt là môn tính nhẩm.
Dự tính phải đạt được "một điều gì đó lớn lao", khi 16 tuổi, Rockefeller đã đi làm cho một công ty vận tải hàng hóa đường biển ở Cleveland. Năm 1859, ông và Maurice Clark hợp tác mở công ty riêng để buôn bán hàng hóa. Công ty này phát đạt nhờ nhu cầu của cuộc Nội chiến Mỹ và sự mở cửa của khu vực phía Tây. Về sau này, Maurice Clark bực mình khi nhớ lại rằng Rockefeller là người "ngăn nắp đến cực đoan". Khi công ty của hai người phát triển, Rockefeller có thói quen "tự nói chuyện" với chính mình, tự khuyên răn mình, tự cảnh báo mình về những cạm bẫy, về đạo đức cũng như về thực tế. Công ty này buôn lúa mì của Ohio, muối của Michigan và thịt lợn của Illinois. Trong vòng hai năm sau phát hiện của "Đại tá" Drake, Clark và Rockefeller cũng đã buôn bán và kiếm được tiền từ dầu của Pennsylvania.
Dầu lửa và những câu chuyện khác về làm giàu nhanh chóng đã choáng ngợp trí tưởng tượng của các doanh nhân ở Cleveland khi một tuyến đường ray mới được xây dựng vào năm 1863, giúp khu vực này có thể cạnh tranh trong lĩnh vực buôn bán dầu. Hàng loạt nhà máy lọc được xây dựng dọc theo những tuyến đường sắt tới Cleveland. Nhiều nhà máy lọc dầu thiếu vốn nghiêm trọng nhưng nhà máy của Rockefeller và Clark thì hoàn toàn khác. Ban đầu, Rockefeller nghĩ rằng lọc dầu chỉ là một lĩnh vực phụ so với buôn bán hàng hóa. Nhưng chỉ trong một năm, khi nhà máy lọc dầu đem lại khá nhiều lợi nhuận, ông đã thay đổi suy nghĩ. Giờ đây, vào năm 1865, sau khi thành công trong cuộc đấu giá với Clark, Rockefeller, lúc này là một người đàn ông trẻ tuổi khá giàu có, trở thành chủ nhân duy nhất của một công ty sở hữu nhà máy lọc dầu lớn nhất trong số 30 nhà máy lọc dầu ở Cleveland.
Cuộc chơi lớn
Rockefeller giành thắng lợi đầu tiên của mình trong lĩnh vực lọc dầu vào một thời điểm hoàn hảo. Nội chiến Mỹ kết thúc năm 1865 đã mở ra cho nước Mỹ một kỷ nguyên mới của việc mở rộng các hoạt động kinh tế trên quy mô lớn và tốc độ phát triển nhanh chóng, của hoạt động đầu cơ mạnh mẽ và cạnh tranh gay gắt, của hiện tượng cấu kết và độc quyền. Các công ty lớn nổi lên cùng với những tiến bộ kỹ thuật trong nhiều ngành công nghiệp đa dạng như thép, sản xuất đồ hộp và giao thông. Số lượng người nhập cư lớn cùng với việc mở cửa khu vực phía Tây đã tạo ra những thị trường có tốc độ tăng trưởng cao.
Quả thực, trong ba thập kỷ rưỡi cuối thế kỷ XIX, các hoạt động kinh doanh ở Mỹ chuyên nghiệp hơn bất kỳ giai đoạn nào khác trong lịch sử của đất nước này. Và nhiệt huyết, tham vọng, trí tuệ của những con người trẻ tuổi đã bị thỏi nam châm này hút chặt. Những con người này bị cuốn vào thứ mà Rockefeller gọi là "Cuộc chơi lớn" – một cuộc chiến đấu để hoàn thành, để dựng xây và để kiếm tiền, vì chính tiền là một bằng chứng của sự thành đạt. Cuộc chơi được tiến hành với những phát minh và cách tổ chức mới này đã biến nền cộng hòa nông nghiệp vừa bị cuộc nội chiến đẫm máu tàn phá thành cường quốc công nghiệp lớn nhất thế giới.
Trong cơn sốt dầu lửa, Rockefeller, khi đó đang dồn hết tâm trí cho Cuộc chơi lớn, tiếp tục đầu tư cả lợi nhuận lẫn những khoản tiền đi vay vào lĩnh vực lọc dầu. Ông xây thêm nhà máy thứ hai và cần thị trường mới tương xứng với công suất của các nhà máy này. Năm 1866, Rockefeller thành lập thêm một công ty ở New York để quản lý hoạt động buôn bán trên bờ Đại Tây Dương và xuất khẩu dầu lửa. Ông để em trai mình là William phụ trách công ty này. Năm đó, Rockefeller đạt doanh thu hơn 2 triệu đô-la.
Mặc dù thị trường dầu lửa và dầu nhờn đã phát triển, song tốc độ phát triển của nó vẫn không tương xứng với sự tăng trưởng của hoạt động lọc dầu. Có quá nhiều công ty cùng cạnh tranh để giành giật khách hàng. Không phải bỏ ra nhiều vốn hay kỹ năng để xây dựng một nhà máy lọc dầu. Sau này, Rockefeller nhớ lại: "Người người đầu tư vào lọc dầu, từ những người làm nghề giết mổ, thợ làm bánh tới thợ làm nến".
Rockefeller làm việc hết mình để phát triển công ty, bằng cách mở rộng các cơ sở, cố gắng duy trì và nâng cao chất lượng trong khi luôn kiểm soát chi phí. Ông đã tiến những bước đầu tiên trong việc hợp nhất các khâu cung cấp và phân phối vào bên trong doanh nghiệp nhằm mục đích cách ly hoạt động kinh doanh chung khỏi sự biến động của thị trường và tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Công ty của Rockefeller đã mua những vùng đất rộng lớn trồng loại gỗ sồi trắng để sản xuất thùng chứa dầu riêng. Ngoài ra, công ty còn mua nhiều xe téc riêng và các nhà kho riêng ở New York cũng như những con thuyền riêng trên sông Hudson.
Ngay từ đầu, Rockefeller cũng đặt ra một quy tắc khác mà ông sùng bái, đó là hình thành và duy trì khả năng tài chính mạnh. Cuối thập kỷ 1860, ông xây dựng được nguồn lực tài chính đủ để công ty không còn phải phụ thuộc vào các ngân hàng, các công ty tài chính và các nhà đầu cơ mà ngành đường sắt cũng như các ngành công nghiệp khác vẫn bị lệ thuộc. Tiền bạc không chỉ giúp công ty của Rockefeller tránh được tình trạng vỡ nợ và làm ăn thua lỗ đang đẩy những đối thủ cạnh tranh của ông vào chân tường mà còn tạo cơ hội lợi dụng sự thua lỗ của các đối thủ cạnh tranh để thu thêm lợi nhuận.
Có thể nhận thấy rõ một trong những năng lực lớn của Rockefeller là tầm nhìn về xu hướng của toàn bộ ngành công nghiệp dầu lửa, và kiên quyết chỉ đạo công ty vận động theo xu hướng này. Sau này, ông nói: "Tôi bắt đầu công việc kinh doanh khi còn là một thủ thư. Tôi đã học được sự tôn trọng đối với những con số và sự thật nhỏ nhất". Rockefeller can thiệp vào mọi chi tiết và khía cạnh trong công việc kinh doanh của công ty, thậm chí cả những chi tiết chẳng dễ chịu chút nào, theo đúng nghĩa đen của từ này. Ông giữ một bộ vét cũ rích và luôn mặc bộ vét này bất cứ khi nào đi tới Vùng đất dầu, lặn lội trên những khu vực ngập bùn để tìm mua dầu. Kết quả của hoạt động kinh doanh mà Rockefeller vững chí theo đuổi là, đến nửa sau của thập kỷ 1860, ông sở hữu nhà máy lọc dầu lớn nhất thế giới.
Năm 1867, Rockefeller chiêu nạp một nhân vật trẻ tuổi tên là Henry Flagler. Vai trò của Flagler đối với sự hình thành và phát triển của Standard Oil cũng lớn như ảnh hưởng của Rockefeller. Năm 14 tuổi, Flager là nhân viên bán hàng của một bách hóa tổng hợp và, năm 25 tuổi, ông thành công với một nhà máy nhỏ nấu rượu whiskey ở bang Ohio. Năm 1858, ông bán nhà máy rượu vì những ảnh hưởng của rượu tới mặt đạo đức con người. Sau đó, Flagler nhảy vào lĩnh vực sản xuất muối ở bang Michigan. Tuy nhiên, do cạnh tranh khốc liệt và tình trạng nguồn cung vượt quá cầu, ông lâm vào cảnh phá sản. Sự cố này thức tỉnh ông, một người ban đầu từng kiếm được tiền rất dễ dàng.
Đã trưởng thành nhờ những bài học đắt giá, Flagler là một người luôn lạc quan và có quyết tâm làm lại mọi thứ. Vụ phá sản kia khiến ông có niềm tin sâu sắc vào giá trị của việc "cộng tác" giữa các nhà sản xuất cũng như ác cảm đối với điều mà ông sau này gọi là "cạnh tranh không phanh". Ông kết luận, hợp tác và liên kết là điều cần thiết để giảm thiểu những rủi ro trong thế giới tư bản mong manh. Như sau này Flagler nói, ông còn học được một bài học khác: "Hãy tỉnh táo đánh cược vào sự phát triển của đất nước". Flagler sẵn sàng và hăm hở muốn đặt cược vào nước Mỹ sau Nội chiến.

Kính thưa quý vị, chương trình Podcast - Thời sự của Báo Công Thương đến đây xin được tạm dừng. Cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi và lắng nghe, rất mong quý vị sẽ luôn đồng hành cùng chương trình của chúng tôi. Xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại trong những bài Podcast tiếp theo.

Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 2) 1:00:45

Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 2)

Kính thưa quý vị, trên đây là nhan đề của bài viết trong mục Podcast – Trò chuyện cùng Công Thương ngày hôm nay, bài viết của tác giả Hà Nam (giới thiệu) được đăng tải trên trang Thông tin điện tử của Tập đoàn dầu khí Việt Nam tại trang web pvn.vn, kính mời quý vị cùng lắng nghe.

Winston Churchill đột nhiên thay đổi quan điểm của mình. Trước mùa hè năm 1911, ngài Bộ trưởng Nội vụ trẻ trung Churchill vẫn còn là một trong những người đứng đầu phe "các nhà kinh tế học", bao gồm những thành viên của Nội các Anh phản đối việc tăng chi phí quân sự nhằm đưa nước Anh vượt lên trong cuộc chạy đua hải quân giữa Anh và Đức. Cuộc chạy đua này là tác nhân gây nhiều hiềm khích nhất, khiến thái độ thù địch giữa hai quốc gia ngày càng trở nên sâu sắc. Tuy nhiên, Churchill lúc đó lại khẳng định chắc chắn rằng khả năng xảy ra chiến tranh với Đức không phải là không tránh khỏi, và nước Đức không phải lúc nào cũng hiếu chiến. Ông nhấn mạnh nên đầu tư ngân sách vào các chương trình xã hội trong nước hơn là vào việc trang bị thêm tàu chiến mới.

Nhưng ngày 1 tháng 7 năm 1911, Hoàng đế Đức Wilhelm II bất ngờ hạ lệnh cho Báo đen, một tàu hải quân chạy bằng hơi nước của Đức, tiến vào vùng cảng Agadir nằm trên bờ Đại Tây Dương của Marốc. Mục đích của Wilhelm II là kiểm tra sức ảnh hưởng của Pháp ở châu Phi và tìm một căn cứ đóng quân cho Đức. Mặc dù Báo đen chỉ là một chiếc tàu được trang bị súng, và Agadir là một thành phố cảng không mấy quan trọng, song sự xuất hiện của con tàu này tại đây đã gây ra một cuộc khủng hoảng quốc tế nghiêm trọng.

Việc Đức từng bước củng cố quân đội của mình vốn đã làm nảy sinh nhiều mối quan ngại cho các nước láng giềng châu Âu; nhưng tới lúc này, với khát khao đi tìm "chỗ đứng dưới bầu trời" cho mình, dường như Đức đang trực tiếp thách thức vị trí của Pháp và Anh trên trường quốc tế. Nguy cơ chiến tranh đã bóp nghẹt bầu không khí châu Âu trong nhiều tuần. Tuy nhiên, đến cuối tháng 7, tình hình căng thẳng đã dịu bớt – theo lời của Churchill thì "kẻ bắt nạt đang xuống thang". Nhưng sự kiện trên đã làm thay đổi hoàn toàn cách nhìn của Churchill. Khác hẳn với đánh giá trước kia, giờ đây Churchill tin chắc rằng Đức đang tìm cách nắm bá quyền và sẽ sử dụng sức mạnh quân sự để giành được điều đó. Ông đi đến kết luận chiến tranh là bất khả kháng – vấn đề chỉ còn là thời gian. Churchill được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Hải quân ngay sau sự kiện Agadir. Ông tuyên bố sẽ làm tất cả để chuẩn bị về mặt quân sự cho nước Anh nhằm đối phó với ngày định mệnh đang đến, ngày mà chiến tranh tất yếu sẽ xảy ra.

Trách nhiệm của ông là phải bảo đảm cho Hải quân Hoàng gia Anh, biểu tượng đồng thời là đại diện cho sức mạnh đế quốc của Anh, sẵn sàng đối mặt với người Đức trên các vùng biển quốc tế. Một trong những vấn đề quan trọng và gây tranh cãi nhất mà Churchill phải đối mặt lúc đó dường như chỉ thiên về kỹ thuật, song trên thực tế nó lại có tác động sâu rộng trong thế kỷ XX: Hải quân Anh có nên chuyển từ nguồn năng lượng than truyền thống sang sử dụng dầu không?

Nhiều người cho rằng việc chuyển đổi như vậy là quá mạo hiểm, vì như thế có nghĩa là Hải quân sẽ mất đi chỗ dựa là nguồn than an toàn và ổn định của xứ Wales. Thay vào đó, họ sẽ phải trông chờ vào nguồn cung cấp dầu xa xôi và bất ổn của Ba Tư (tên cũ của Iran).

Churchill cho biết: Thật ra, việc chuyển hẳn nguồn năng lượng sử dụng trong hải quân sang dầu là "một hành động chuốc lấy vô số rắc rối". Nhưng những lợi ích chiến lược mà dầu mang lại – tốc độ nhanh hơn và sử dụng nguồn nhân lực hiệu quả hơn – đã trở nên quá rõ ràng khiến Churchill không thể chậm trễ. Ông quyết định nước Anh sẽ phải xây dựng "sức mạnh hải quân thống trị của mình dựa trên dầu mỏ" và lập tức bắt tay vào việc thực hiện mục tiêu trên với tất cả sức lực và lòng nhiệt tình mạnh mẽ. "Quyền lực chính là chiến lợi phẩm của cuộc phiêu lưu này" − Churchill khẳng định.

undefined
Winston Leonard Spencer-Churchill (1874-1965), người được biết tới như một trong những nhà lãnh đạo tài ba và quan trọng nhất trong lịch sử nước Anh.

Với quan điểm đó, Churchill, trước thềm Chiến tranh thế giới thứ nhất, đã nắm được một chân lý cơ bản, không chỉ đúng trong cuộc chiến nảy lửa sắp tới mà còn đúng trong nhiều thập kỷ sau đó. Bởi vì trong suốt chặng đường của thế kỷ XX, dầu mỏ đồng nghĩa với quyền lực. Và hành trình kiếm tìm quyền lực đó cũng là chủ đề của cuốn sách này. Đầu những năm 1990 – gần 80 năm sau khi Churchill thực hiện quyết tâm chuyển sang sử dụng dầu mỏ, sau hai cuộc chiến tranh thế giới và một cuộc chiến tranh lạnh kéo dài, và trong một thời điểm được kỳ vọng là mở đầu cho một kỷ nguyên mới hòa bình hơn – một lần nữa dầu lại trở thành tâm điểm của mối mâu thuẫn toàn cầu.

Ngày 2/8/1990, Saddam Hussein, Tổng thống Iraq, đưa quân xâm lược Côoét. Mục đích của Saddam Hussein không chỉ là xâm chiếm một nhà nước có chủ quyền mà còn nhằm nắm giữ nguồn tài sản quý giá của nó. Chiến lợi phẩm thu về sẽ rất lớn. Nếu thành công, Iraq sẽ trở thành cường quốc dầu lửa lớn nhất thế giới và kiểm soát cả thế giới Arập và Vịnh Ba Tư, nơi tập trung phần lớn lượng dầu dự trữ của trái đất. Sức mạnh, tài sản mới và quyền kiểm soát dầu mỏ của Iraq sẽ khiến cả thế giới phải bợ đỡ những tham vọng của Saddam Hussein. Với nguồn tài nguyên của Côoét, Iraq sẽ có thể trở thành quốc gia có vũ khí hạt nhân đáng sợ và thậm chí còn có thể tiến dần tới vị trí một siêu cường. Kết quả sẽ là một sự thay đổi lớn trong cán cân quyền lực quốc tế. Nói ngắn gọn, một lần nữa, quyền lực chính là chiến lợi phẩm. Tuy nhiên, do những gì sẽ mất vào tay Iraq quá lớn, nên cuộc xâm lược Côoét không được thế giới chấp nhận như một việc đã rồi như Saddam Hussein từng hy vọng.

Không còn là thái độ bị động như khi Hitler tiến hành hoạt động quân sự hóa vùng Rhine phía tây nước Đức hay khi Mussolini tấn công Ethiopia. Thay vào đó, Liên hợp quốc đã ra lệnh cấm vận đối với Iraq, và nhiều quốc gia phương Tây và Arập đã tập hợp quân đội với quy mô lớn nhằm bảo vệ nước láng giềng Arập Xêút trước cuộc tấn công của Iraq cũng như chống lại những tham vọng của Saddam Hussein. Trong lịch sử thế giới chưa từng có tiền lệ nào cho sự hợp tác giữa Mỹ và Liên Xô và cũng chưa từng có tiền lệ nào cho việc triển khai quân nhanh chóng với quy mô lớn như vậy vào khu vực này. Vài năm trước đó, quan điểm cho rằng dầu mỏ không còn "quan trọng" gần như đã được coi là hợp thời.

Mùa xuân năm 1990, chỉ vài tháng trước cuộc xâm lược của Iraq, các quan chức cấp cao thuộc Bộ Chỉ huy Trung ương Mỹ, đầu não trong chiến dịch huy động quân đội của Mỹ sau này, vẫn còn được thuyết giáo đại ý rằng dầu mỏ đã mất đi tầm quan trọng chiến lược của nó. Thế nhưng, cuộc xâm lược Côoét đã phá tan quan điểm huyễn hoặc đó. Đầu năm 1991, khi các biện pháp hòa bình đều đã tỏ ra vô hiệu trước một Iraq ngoan cố, không chịu rút quân khỏi Côoét, một liên minh gồm 33 nước do Mỹ dẫn đầu đã tiêu diệt sức mạnh tấn công của Iraq sau năm tuần không chiến và 100 giờ lục chiến, đẩy Iraq ra khỏi lãnh thổ Côoét. Vào cuối thế kỷ XX, dầu mỏ vẫn là nhân tố quan trọng nhất trong việc quyết định an ninh, sự thịnh vượng và bản chất của nền văn minh. Mặc dù lịch sử hiện đại của dầu bắt đầu từ nửa cuối thế kỷ XIX, nhưng chính thế kỷ XX mới là thế kỷ bị biến đổi hoàn toàn bởi sự xuất hiện của nó.

Có thể nói xung quanh câu chuyện về dầu có ba chủ đề lớn. Thứ nhất là sự trỗi dậy và phát triển của chủ nghĩa tư bản và nền thương mại hiện đại. Dầu mỏ là ngành kinh doanh lớn nhất và toàn diện nhất thế giới, là ngành công nghiệp vĩ đại nhất trong số các ngành công nghiệp vĩ đại từng xuất hiện trong mấy thập kỷ cuối thế kỷ XIX. Standard Oil, công ty kiểm soát toàn bộ ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ cuối thế kỷ XIX, là một trong những công ty đa quốc gia đầu tiên và lớn nhất của thế giới. Ngành kinh doanh này, trong thế kỷ XX, đã mở rộng tới mọi đối tượng, từ các nhà khoan dầu mạo hiểm, các nhà thúc đẩy kinh doanh hoạt ngôn, các ông chủ doanh nghiệp độc đoán, tới các bộ máy doanh nghiệp quan liêu lớn và các công ty nhà nước. Sự bành trướng của nó là hiện thân cho sự phát triển của thương mại, thị trường, chiến lược kinh doanh, những thay đổi về công nghệ, và các nền kinh tế quốc gia và quốc tế của thế kỷ XX.

Lịch sử dầu mỏ đã chứng kiến sự ra đời của nhiều hợp đồng và nhiều quyết định quan trọng – do các cá nhân, công ty và các quốc gia thực hiện. Đôi khi, chúng ra đời dựa trên những suy tính kỹ càng, và đôi khi, chúng lại chỉ đơn giản là kết quả của một sự tình cờ. Không ngành kinh doanh nào có thể định nghĩa rõ ràng và chính xác ý nghĩa của rủi ro và phần thưởng cũng như tầm quan trọng của cơ hội và số phận như ngành dầu mỏ. Khi nghĩ về thế kỷ XXI, chúng ta thấy rõ một điều rằng quyền lực của một con chip máy tính ngang ngửa với quyền lực của một thùng dầu. Tuy nhiên, ngành công nghiệp dầu mỏ vẫn duy trì sức ảnh hưởng to lớn của nó.

Trong số 20 công ty hàng đầu trong danh sách Fortune 500 (danh sách 500 công ty có mức doanh thu lớn nhất của Mỹ) có đến bảy công ty dầu mỏ. Chừng nào con người còn chưa tìm được một nguồn năng lượng thay thế khác thì dầu vẫn còn tác động sâu rộng tới nền kinh tế toàn cầu; những thay đổi lớn về giá dầu có thể thúc đẩy sự phát triển kinh tế hay ngược lại, dẫn đến lạm phát và suy thoái kinh tế. Ngày nay, dầu mỏ là loại hàng hóa duy nhất mà thông tin về những sự kiện và tranh cãi xung quanh nó không chỉ được đăng tải thường xuyên trên các chuyên trang về kinh doanh mà còn trên trang nhất các báo. Và, cũng như trước đây, dầu mỏ vẫn là một nguồn sinh lợi lớn đối với các cá nhân, các công ty và các quốc gia. Theo lời một nhà tài phiệt thì, "Dầu gần như đồng nghĩa với tiền."

Chủ đề thứ hai là dầu liên quan mật thiết với các chiến lược quốc gia, tình hình chính trị toàn cầu và quyền lực. Tầm quan trọng của dầu, với tư cách là một nhân tố tạo nên sức mạnh quốc gia đã được khẳng định trên các mặt trận của cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất, khi những chiếc máy chạy bằng động cơ đốt trong soán ngôi các phương tiện di chuyển dùng ngựa và than.

Dầu là tâm điểm của các diễn biến cũng như kết quả của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai ở cả vùng Viễn Đông và châu Âu. Người Nhật tấn công Trân Châu Cảng với mục đích bảo vệ cánh quân bên sườn của mình khi họ đang tìm cách chiếm lĩnh nguồn dự trữ dầu ở khu vực các nước Đông Ấn. Một trong những mục tiêu chiến lược quan trọng nhất của Hitler khi xâm lược Liên bang Xô Viết là nắm giữ các mỏ dầu vùng Caucasus (Cápcadơ). Nhưng cuối cùng, Mỹ mới là nước thống trị về dầu mỏ, và khi kết thúc cuộc chiến, các thùng chứa nhiên liệu của Đức và Nhật đều rỗng không. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, cuộc chiến giành quyền kiểm soát dầu giữa các công ty đa quốc gia và các nước đang phát triển đóng vai trò quan trọng trong phong trào đòi quyền độc lập của các dân tộc thuộc địa và của chủ nghĩa dân tộc mới nổi.

Cuộc khủng hoảng Suez năm 1956 – sự kiện đánh dấu con đường cùng cho các đế quốc châu Âu già nua – chủ yếu xoay quanh vấn đề dầu mỏ. "Quyền lực của dầu" đã trở nên lớn mạnh hơn rất nhiều trong những năm 1970, đưa các quốc gia trước đây vốn chỉ đứng ngoài lề các diễn đàn chính trị quốc tế lên vị trí của các nước giàu có và có ảnh hưởng, đồng thời tạo nên một cuộc khủng hoảng lòng tin sâu sắc trong khối các nước công nghiệp vốn vẫn dựa vào dầu để phát triển kinh tế. Và dầu cũng chính là trung tâm của cuộc khủng hoảng đầu tiên thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh những năm 1990 – cuộc xâm lược Côoét của Iraq. Tuy vậy, đôi khi dầu lại là kho vàng trong tay kẻ ngốc.

Ước muốn mãnh liệt nhất của quốc vương Iran – sự giàu có nhờ dầu mỏ – đã trở thành hiện thực, nhưng cũng chính điều đó lại làm ông kiệt quệ. Dầu đã gây dựng nên nền kinh tế của Mexico, nhưng rồi lại khiến nó suy yếu dần. Liên bang Xô Viết − quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ hai thế giới – đã phung phí số doanh thu khổng lồ từ dầu trong những năm 1970 và 1980 cho một chiến dịch củng cố quân sự và một loạt các cuộc phiêu lưu quốc tế vô dụng, thậm chí nguy hại. Còn Mỹ, quốc gia từng giữ vị trí nhà sản xuất dầu lớn nhất và hiện vẫn là quốc gia tiêu thụ dầu nhiều nhất thế giới, phải nhập khẩu tới một nửa nguồn dầu cung ứng cho nhu cầu trong nước. Thực trạng này gây phương hại tới vị thế chiến lược tổng thể của Mỹ và làm gia tăng đáng kể gánh nặng thâm hụt mậu dịch – đây là một tình thế nguy hiểm đối với một cường quốc lớn.

Sau Chiến tranh Lạnh, một trật tự thế giới mới đang bắt đầu hình thành. Cạnh tranh kinh tế, những cuộc chiến giữa các quốc gia trong từng khu vực và những cuộc đấu tranh giữa các dân tộc, dưới sự trợ giúp và khuyến khích của việc phổ biến các loại vũ khí hiện đại, có thể sẽ thay thế hệ tư tưởng với vai trò là tâm điểm của mâu thuẫn quốc tế và quốc gia. Nhưng dù trật tự thế giới mới này có phát triển theo hình thái nào đi nữa, thì dầu vẫn sẽ là một nhân tố chiến lược đóng vai trò thiết yếu trong các chiến lược quốc gia cũng như trên chính trường quốc tế. Chủ đề thứ ba trong lịch sử dầu mỏ lý giải vì sao xã hội của chúng ta lại trở thành một "Xã hội hydrocarbon" và chúng ta, theo ngôn ngữ của các nhà nhân loại học, lại trở thành "Con người hydrocarbon". Trong mấy thập kỷ đầu phát triển, việc kinh doanh dầu đã mang đến cho thế giới đang trên đà công nghiệp hóa một sản phẩm mang tên "dầu lửa". Đây được coi là "ánh sáng mới", giúp đẩy lùi bóng tối và kéo dài ngày làm việc.

Cuối thế kỷ XIX, chủ yếu nhờ buôn bán dầu lửa mà John D. Rockefeller trở thành người giàu nhất nước Mỹ. Thời đó, xăng gần như chỉ là một sản phẩm phụ vô dụng. Khó khăn lắm mới tìm được một người mua xăng với giá cao nhất là 2 xu/gallon; còn khi không bán được, buổi tối người ta lại lén lút đổ xăng xuống sông. Vào lúc sự xuất hiện của bóng đèn điện tưởng chừng như sắp đẩy nền công nghiệp dầu mỏ đi vào dĩ vãng thì một kỷ nguyên mới lại mở ra với sự phát triển của động cơ đốt trong dùng xăng. Ngành công nghiệp dầu mỏ đã có một thị trường mới. Và cùng với đó, một nền văn minh mới ra đời.

Trong thế kỷ XX, dầu, cùng với khí đốt tự nhiên, đã hạ bệ ngôi vị nguồn năng lượng của thế giới công nghiệp của ông vua than. Dầu cũng trở thành nền tảng của phong trào ngoại ô hóa rộng lớn thời kỳ hậu chiến, làm biến đổi cả phong cảnh đương thời và lối sống hiện đại của chúng ta. Ngày nay, chúng ta trở nên quá phụ thuộc vào dầu, và dầu cũng gắn bó quá mật thiết với sinh hoạt hàng ngày của chúng ta, đến nỗi hiếm khi chúng ta dừng lại để cảm nhận hết tầm quan trọng bao trùm của nó.

Chính dầu đã biến mọi việc thành có thể – nơi chúng ta ở, cách chúng ta sinh sống, phương thức chúng ta đi làm hàng ngày hay đi du lịch, và thậm chí là nơi chúng ta có những mối quan hệ lãng mạn với người khác giới. Dầu là mạch sống của các cộng đồng khu vực ngoại ô. Dầu mỏ và khí đốt tự nhiên là các thành phần không thể thiếu trong thuốc trừ sâu − loại thuốc đang chi phối nền nông nghiệp thế giới. Dầu đã khiến việc vận chuyển lương thực tới các thành phố lớn trên thế giới, nơi hoàn toàn không có khả năng tự cung tự cấp, trở nên dễ dàng. Dầu còn được dùng để sản xuất ra nhựa và các chất hóa học – cơ sở gây dựng nên nền văn minh đương đại, một nền văn minh có nguy cơ sụp đổ nếu các giếng dầu thế giới đột nhiên cạn kiệt.

Trong phần lớn thế kỷ này, việc con người ngày càng phụ thuộc vào dầu mỏ đã được gần như cả thế giới ngợi ca là một điều tốt lành, một biểu tượng cho sự tiến bộ của nhân loại. Nhưng thời kỳ hoàng kim đó của dầu mỏ không còn nữa. Cùng với sự phát triển của phong trào môi trường, các nguyên tắc cơ bản của xã hội công nghiệp đang đứng trước những thách thức to lớn; trong đó ngành công nghiệp dầu mỏ, trên mọi khía cạnh, bị săm soi, chỉ trích và phản đối nhiều nhất.

Cả thế giới đang tăng cường những nỗ lực hạn chế hoạt động đốt cháy các nhiên liệu hóa thạch (bao gồm dầu, than và khí đốt tự nhiên) do những hậu quả mà việc làm này gây ra: ô nhiễm không khí, mưa axit, suy thoái tầng ozone và nguy cơ thay đổi khí hậu. Dầu mỏ, mặc dù là một thành tố quan trọng của thế giới như chúng ta đều biết, hiện đang bị buộc tội là tác nhân chính khiến tình trạng suy thoái môi trường ngày càng trầm trọng hơn.

Và ngành công nghiệp dầu mỏ, vốn vẫn tự hào về những tiến bộ công nghệ cũng như về những đóng góp của nó cho việc hình thành thế giới hiện đại, bỗng ngơ ngác nhận thấy mình đang ở hàng ghế bị đơn với tội danh là mối đe dọa của các thế hệ hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, Con người hydrocarbon chưa hề có ý định sẽ từ bỏ chiếc ôtô, hay ngôi nhà ngoại ô của mình, hay những gì họ coi không chỉ là tiện nghi mà còn là thiết yếu đối với lối sống của họ. Các quốc gia đang phát triển cũng không đưa ra dấu hiệu nào chứng tỏ họ sẵn sàng hy sinh các lợi ích của một nền kinh tế phát triển nhờ dầu mỏ để đổi lại những lợi ích về môi trường.

Hơn nữa, trước khi đưa ra bất kỳ ý tưởng nào về việc giảm tải lượng tiêu thụ dầu của thế giới, người ta cũng phải tính đến mức gia tăng dân số chóng mặt trong tương lai. Vào những năm 1990, dân số thế giới được dự đoán sẽ tăng thêm 1 tỷ người – tức là so với đầu thập kỷ, cuối thập kỷ dân số sẽ tăng thêm 20% – trong đó, đa phần người dân trên thế giới sẽ vẫn tiếp tục đòi hỏi "quyền" được tiêu thụ dầu. Các chương trình nghị sự quốc tế về môi trường của thế giới công nghiệp sẽ được đem ra so sánh với quy mô phát triển dân số. Cùng lúc, trên diễn đàn quốc tế hiện đã nổi lên một trong những mâu thuẫn lớn và khó giải quyết của thập kỷ 1990 giữa một bên là sự ủng hộ việc tăng cường các hoạt động bảo vệ môi trường, mạnh mẽ và ngày càng cao, và một bên là quyết tâm phát triển kinh tế, các lợi ích của Xã hội hydrocarbon và những lo lắng về vấn đề an ninh năng lượng.

Trên đây là ba chủ đề mà cuốn sách này đề cập. Bối cảnh là sân khấu toàn cầu. Đây là một biên niên sử về những sự kiện vĩ đại đã và đang ảnh hưởng tới cuộc sống của tất cả chúng ta. Cuốn sách vừa nói về các thế lực kinh tế và công nghệ hùng mạnh và vô cảm, vừa nói về những chiến lược cũng như sự sắc sảo của các doanh nhân và chính khách.

Các nhân vật được cuốn sách nhắc tới là các nhà tài phiệt và doanh nhân của ngành công nghiệp dầu – trong đó đương nhiên phải kể đến ông vua dầu mỏ Rockefeller, ngoài ra còn có Henri Deterding, Calouste Gulbenkian, J. Paul Getty, Armand Hammer, T. Boone Pickens, và nhiều người khác. Đóng vai trò không kém phần quan trọng là những nhân vật như Churchill, Adolf Hitler, Joseph Stalin, Ibn Saud, Mohammed Mossadegh, Dwight Eisenhower, Anthony Eden, Henry Kissinger, George Bush và Saddam Hussein. Thế kỷ XX thật sự xứng đáng với danh hiệu "thế kỷ dầu".

Bên cạnh tất cả những mâu thuẫn và sự phức tạp của nó, vẫn luôn có một "sợi chỉ" xuyên suốt câu chuyện về dầu, một cảm giác nóng hổi hơi thở thời đại đối với cả những sự kiện đã xảy ra từ rất lâu, đồng thời, có cả những tiếng vọng mạnh mẽ của quá khứ trong các sự kiện mới xuất hiện. Bên cạnh đó, đây còn là một câu chuyện về những cá nhân riêng lẻ, các thế lực kinh tế hùng mạnh, sự thay đổi trong công nghệ, những cuộc đấu tranh chính trị, mối mâu thuẫn quốc tế và, thật ra, là về những thay đổi vĩ đại.

Tác giả cuốn sách hy vọng thông qua việc nghiên cứu các hệ quả của sự phụ thuộc của thế giới vào dầu trên bình diện kinh tế, xã hội, chính trị và chiến lược, cuốn sách sẽ góp phần làm sáng tỏ quá khứ, giúp chúng ta hiểu rõ hơn hiện tại và dự đoán tương lai.

Kính thưa quý vị, chương trình Podcast - Thời sự của Báo Công Thương đến đây xin được tạm dừng. Cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi và lắng nghe, rất mong quý vị sẽ luôn đồng hành cùng chương trình của chúng tôi. Xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại trong những bài Podcast tiếp theo.

Định hướng truyền thông ngành Công Thương phải "đi trước, đi cùng, đi sau" 10:50

Định hướng truyền thông ngành Công Thương phải "đi trước, đi cùng, đi sau"

“Truyền thông ngành Công Thương phải "đi trước, đi cùng, đi sau"” , kính thưa quý vị, trên đây là tiêu đề bài viết của nhóm PV, được đăng tải trên báo Công Thương điện tử tại trang web congthuong.vn. Kính mời quý vị cùng lắng nghe.

Bài viết: Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tin tưởng, nếu mô hình hợp tác truyền thông được nhân rộng thì công tác truyền thông ngành Công Thương sẽ cất cánh trong năm 2025.

Hoạt động truyền thông đã thay đổi toàn diện

Tham dự và phát biểu chỉ đạo trong Chương trình ký kết hợp tác truyền thông toàn diện giai đoạn 2025-2030 giữa Báo Công Thương với Cục Công nghiệp, Viện Nghiên cứu Cơ khí, Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia (NSMO), Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, năm 2024 đã đi qua với biết bao khó khăn, thách thức nhưng nước ta đã đạt được những thành tựu có thể nói là hết sức ngoạn mục.

“Những kỷ lục ngành Công Thương lập được trong năm qua đã được báo chí truyền thông trong và ngoài nước đưa tin. Chúng ta đã hoàn thành và hoàn thành rất tốt 15/15 chỉ tiêu so với kế hoạch. Nổi bật trong đó là GDP đã tăng trưởng đến 7,09%” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin và nhấn mạnh, những kết quả này đã khẳng định nền kinh tế Việt Nam có tốc độ tăng trưởng lớn nhất so với các nước trong khu vực và trên toàn thế giới.

Cũng theo Bộ trưởng, trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu nhiều biến động, cùng đó, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, ảnh hưởng nặng nề từ thiên tai, bão lũ, song với việc chủ động các giải pháp trong công tác hội nhập kinh tế quốc tế, mở cửa thị trường, chúng ta đã vượt qua, vượt qua tất cả để có được những kết quả quan trọng, đó là tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt gần 800 tỷ USD; quy mô GDP có giá trị khoảng 497 tỷ.

Những kết quả của ngành Công Thương đã đóng góp lớn vào tăng trưởng trung của cả nước, cụ thể:

Thứ nhất, công nghiệp chế biến chế tạo, biểu tượng của công nghiệp hoá tăng trưởng gần 10%, cao nhất 6 năm qua.

Năm 2024, tăng trưởng ngành công nghiệp đạt mức bình quân cả năm 8,4%, kết quả này đóng góp rất lớn vào mức tăng trưởng chung của toàn ngành Công Thương. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng trên 10% là trụ cột, là dẫn dắt cho tăng trưởng trong lĩnh vực này.

Thứ hai, trong lĩnh vực thương mại, kim ngạch xuất nhập năm 2024 đạt 786,3 tỉ USD. Tuy nhiên, đây chưa phải là con số cuối cùng. Trước đó 1 tuần, số liệu thống kê của Bộ Công Thương đã là 810 tỷ USD. Số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê công bố hôm 6/1 vẫn chưa cập nhật đủ số liệu hàng hóa Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài, đây mới chỉ là số liệu cập nhật thống kê thông qua hải quan, nếu tính tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài thời gian qua, con số này còn lớn hơn rất nhiều.

Dù vậy, số liệu kim ngạch xuất nhập trên cho thấy, Việt Nam tiếp tục khẳng định là 1 trong 20 nền kinh tế có quy mô tăng trưởng thương mại lớn nhất thế giới. Xuất siêu 2025 đạt khoảng 25 tỷ USD, góp phần đảm bảo cân đối cán cân thương mại.

Thứ ba, thị trường trong nước tiếp tục tăng trưởng 9% trong suốt các năm qua, bất chấp tác động của Covid-19.

Như vậy, quy mô thị trường trong nước đã lớn lên qua từng năm và đến hiện tại, chúng ta đã đạt mức tăng trưởng 9%, góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp phát triển.

Thứ tư, quy mô thương mại điện tử của Việt Nam đã đạt 25 tỉ USD, với tốc độ tăng trưởng trên 20 %, là một trong 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử lớn nhất thế giới.

Thứ năm, năm 2024 ngành Công Thương đã gặt hái nhiều thành công trong công tác tham mưu, ban hành nhiều chính sách, cơ chế để tháo gỡ những khó khăn, ách tắc trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại, nhất là trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và năng lượng.

Điển hình là việc trình Quốc hội, thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) trong một thời gian ngắn kỷ lục 7 tháng từ lúc triển khai nghiên cứu, đề xuất cho đến khi Quốc hội thông qua.

“Đây là điều chưa bao giờ xảy ra, nhất là với luật khó như Luật Điện lực. Điều này góp phần tháo gỡ tất cả những nút thắt, những ách tắc trong việc thúc đẩy phát triển lĩnh vực điện năng. Đây là một thắng lợi rất lớn” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ghi nhận và biểu dương. Cũng theo Bộ trưởng, việc Quốc hội thông qua Luật Điện lực sửa đổi sẽ tạo thêm động lực để nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng với kết quả “đột phá của đột phá".

Thứ sáu, nhắc lại sự kiện Bộ Chính trị tái khởi động các dự án điện nhân tại Ninh Thuận, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, chủ trương khởi động lại chương trình điện hạt nhân và dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cũng chỉ trong 19 ngày kể từ ngày Bộ Công Thương báo cáo với các cấp có thẩm quyền, đã được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Chính phủ và cuối cùng là Quốc hội thông qua. Đến thời điểm hiện nay, Bộ đang rất hối hả để triển khai dự án này theo đúng tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Bộ Chính trị.

Điểm lại tình hình phát triển kinh tế, công nghiệp, thương mại của ngành Công Thương năm 2024, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, những kết quả ngành Công Thương đạt được trong 2024 đã góp phần tạo nên những thắng lợi lớn của đất nước.

“Trong chiến công đó, có sự đóng góp rất lớn của các Cục, Vụ chức năng và các cơ quan báo chí truyền thông ngành Công Thương đóng góp rất lớn, quan trọng, tích cực vào kết quả của toàn ngành và của đất nước” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ghi nhận và đánh giá rất cao vai trò truyền tải thông tin của Báo Công Thương.

Nhân rộng mô hình để truyền thông ngành Công Thương 'cất cánh'

undefined
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ghi nhận và đánh giá rất cao vai trò truyền tải thông tin của Báo Công Thương thời gian qua

Theo Bộ trưởng, những năm qua, các cơ quan báo chí truyền thông trong Bộ Công Thương đã có sự phát triển, thay đổi toàn diện cả về diện mạo, nội dung. Trong đó, Báo Công Thương đã phát triển, trở thành một tờ báo có sức mạnh, uy tín trong ngành Công Thương và của cả nước.

Bộ trưởng cho biết, hiện tại, Việt Nam có 844 báo và tạp chí trong cả nước. Bình quân cứ 100.000 người dân thì có một tờ báo của một cơ quan báo chí. Do đó, vị trí xếp hàng 24 top các tờ báo có lượng truy cập nhiều nhất trong cả nước đã phản ánh chính xác những nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ của Báo Công Thương.

Cũng trong báo cáo Bộ Công Thương, năm 2025 là một năm đặc biệt quan trọng khi đây là năm Việt Nam cán đích mục tiêu Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm năm giai đoạn 2021-2025.

Đồng thời, năm 2025 cũng đặt ra nền tảng để đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình dân tộc với mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam phải trở thành nước công nghiệp có thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, nước ta trở thành nước công nghiệp có thu nhập cao, trở thành nước phát triển.

Để đạt mục tiêu này, tốc độ tăng trưởng bắt đầu từ năm 2025 phải từ 8 - 10% GDP và từ năm 2026, trong nhiệm kỳ của Đại hội XIV, phải đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 10% trở lên. Để đạt được tốc độ tăng trưởng GDP như vậy, ngành Công Thương phải đạt hệ số 1,2 - 1,3.

Nếu tăng trưởng GDP là 10% thì ngành Công Thương phải tăng trưởng từ 12 -13%. Ngành điện tăng trưởng từ 15-16% so với cùng kỳ và ngành điện thì phải tăng trưởng từ 15 - 16 %. Như vậy, thách thức với chúng ta là rất lớn, trách nhiệm dâng cao nhưng nhiệm vụ thì cũng rất nặng nề, cho nên thách thức lại càng phải lớn.

Đối với ngành Công Thương, đối với Bộ Công Thương, đối với các cơ quan thuộc Bộ thì càng thách thức chúng ta lại càng bật mạnh. Những rào cản, thách thức trong năm 2024 sẽ là bài học, kinh nghiệm của năm 2025.

“Chúng ta cần phải có nhận thức đúng, quyết tâm cao, hành động quyết liệt, kiên trì và hiệu quả. Đặc biệt là phải đổi mới, phải đổi mới hơn nữa để thể đạt được những cái mục tiêu đã đặt ra” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin và chỉ đạo, công tác truyền thông trong Bộ Công Thương phải đi trước để dẫn hướng mở đường, đi cùng để tuyên truyền vận động và đi sau để tổng kết, rút kinh nghiệm.

Hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra, trước mắt, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu, Báo Công Thương cùng các cơ quan báo chí Bộ Công Thương cần phải tổ chức quán triệt thực, sâu sắc các quan điểm, chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế xã hội. Những quan điểm, chủ trương, những cơ chế, chính sách mới của Đảng, Nhà nước được các cơ quan báo chí, truyền thông truyền tải sâu rộng, giúp độc giả cũng như cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Công Thương nhận thức đúng, hành động đúng và hành động quyết liệt, hiệu quả.

Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo, mỗi một cái đơn vị báo chí, truyền thông cần phải xây dựng và thực hiện cái kế hoạch hành động của mình một cách cụ thể, có phân công, phân nhiệm rõ ràng; có kiểm tra, giám sát, đánh giá trong từng giai đoạn và rút kinh nghiệm để chúng ta làm tốt hơn trong giai đoạn tiếp theo.

Thứ hai, cơ quan báo chí, truyền thông và Báo Công Thương cần phải bám sát hơn nữa sự chỉ đạo, điều hành của Ban cán sự, lãnh đạo Bộ, tình hình, kết quả triển khai thực hiện các nhiệm vụ của các đơn vị thuộc Bộ, cũng như các nhiệm vụ của ngành Công Thương để xây dựng các đề án, kế hoạch tuyên truyền sao cho đạt được các mục tiêu mà Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Công Thương đặt ra cũng như giúp cho các đơn vị chức năng của Bộ thực thi tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình.

Thứ ba, Báo Công Thương cũng như các cơ quan báo chí Bộ Công Thương cần phải làm tốt hơn việc cung cấp kịp thời và chính thống các thông tin, nhất là thông tin từ chỉ đạo điều hành của Bộ và thông tin chính thống liên quan đến ngành.

“Các vấn đề liên quan đến Công Thương, các cơ quan báo chí, truyền thông của Bộ phải làm, phải dẫn dắt, phải định hướng và nếu như có những thông tin không đúng thì phải có trách nhiệm đấu tranh để làm cho rõ ràng. Cần phải nhanh nhạy hơn, kịp thời hơn trong việc cung cấp thông tin, định hướng dư luận và dẫn dắt dư luận với tinh thần “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”. Phương châm là đi trước, dẫn hướng mở đường, đi cùng để tuyên truyền, giải thích và đi sau để tổng kết và nhân rộng” - Bộ trưởng chỉ đạo.

Thứ tư, phải tiếp tục đổi mới trong các hoạt động thông tin truyền thông bằng cách ứng dụng rộng rãi hơn, sâu rộng hơn về công nghệ trong hoạt động nghiệp vụ để đuổi kịp tiến cùng, thậm chí là vượt trước các tờ báo khác nếu như liên quan đến lĩnh vực chuyên môn của mình.

“Báo Công Thương đã vươn lên top 24 các tờ báo có lượng truy cập lớn nhất cả nước, thời gian tới, Báo phải phấn đấu vượt hơn nữa, thậm chí trong một số lĩnh vực thuộc phạm vi của mình thì phải là dẫn đầu, chứ không phải là đi cùng” - Bộ trưởng kỳ vọng.

Thứ năm, phải chú trọng hợp tác trong công tác truyền thông. Cần đẩy mạnh hợp tác truyền thông không chỉ với các đơn vị trong Bộ mà còn ngoài Bộ; không chỉ trong các doanh nghiệp thuộc Bộ mà còn cả các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam.

Cùng đó, phải đẩy hợp tác truyền thông toàn diện với các địa phương, thậm chí hợp tác truyền thông cần phải vươn tầm quốc tế, hợp tác trong đào tạo cung cấp thông tin với các thị trường đối tác trọng điểm của Việt Nam, như Trung Quốc.

Thứ sáu, cùng với việc triển khai thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương cần phải rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy bên trong, cơ cấu tổ chức để tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và tiếp tục đánh giá để bố trí, sắp xếp lại nhân sự sao cho phù hợp, thực hiện trước ngày 30/6/2025.

Tại Lễ ký kết, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đánh giá, việc ký kết của Báo Công Thương với 4 đơn vị trong Bộ là hướng đi, cách làm mới, rất đúng và trúng. Mô hình hợp tác này cần tiếp tục nhân rộng.

Cũng trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng nhấn mạnh thêm việc cung cấp thông tin cần đầy đủ, kịp thời, khách quan, chính xác. Việc sử dụng thông tin và đưa tin cũng cần trung thực và phù hợp, bảo đảm 3 nguyên tắc cơ bản “nguyên tắc chính trị, nguyên tắc pháp lý và nghiệp vụ”.

“Nếu làm được điều này thì Báo Công Thương, các cơ quan báo chí, truyền thông của chúng ta thì sẽ cất cánh trong năm 2025” - Bộ trưởng tin tưởng.

Kính thưa quý vị! Chương trình Podcast - Chính luận 35 của Báo Công Thương đến đây xin được tạm dừng. Cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi và lắng nghe. Rất mong quý vị sẽ luôn đồng hành cùng chương trình của chúng tôi. Xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại trong những bài Podcast tiếp theo.

Tổng Biên tập Báo Công Thương kỳ vọng công tác truyền thông ngành Công Thương sẽ được nâng tầm 6:21

Tổng Biên tập Báo Công Thương kỳ vọng công tác truyền thông ngành Công Thương sẽ được nâng tầm

“Công tác truyền thông ngành Công Thương sẽ được nâng tầm” , kính thưa quý vị, trên đây là tiêu đề bài viết của tác giả Hoàng Giang, được đăng tải trên báo Công Thương điện tử tại trang web congthuong.vn. Kính mời quý vị cùng lắng nghe.

Tổng Biên tập Báo Công Thương kỳ vọng và tin tưởng, Chương trình ký hợp tác sẽ góp phần nâng tầm công tác truyền thông ngành Công Thương lên tầm cao mới.

Nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ là thực lực, là nguồn gốc, là sức mạnh của tuyên truyền

Chiều 7/1/2025, tại Hà Nội, Báo Công Thương đã phối hợp với Cục Công nghiệp, Viện Nghiên cứu Cơ khí, Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia (NSMO), Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) tổ chức Lễ ký kết Chương trình hợp tác truyền thông toàn diện giai đoạn 2025-2030.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện, doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương tham dự Lễ ký kết Chương trình.

Cùng dự, về phía Báo Công Thương có Ban Lãnh đạo Báo Công Thương cùng tập thể phóng viên, biên tập viên, người lao động đang công tác tại Báo.

Phát biểu mở đầu trong Chương trình ký kết truyền thông toàn diện giữa Báo Công Thương và một số đơn vị chức năng trong Bộ Công Thương, Tổng Biên tập Nguyễn Văn Minh cho biết, hôm nay, không chỉ Báo Công Thương mà các cơ quan truyền thông và các Cục, Vụ, Viện, các doanh nghiệp và cơ quan trực thuộc Bộ rất vui mừng khi được Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tới dự, chứng kiến Lễ ký kết, gặp mặt, động viên viên chức, người lao động làm công tác truyền thông trong Bộ Công Thương.

Điều này thể hiện sự quan tâm sâu sắc, cũng là niềm vui, niềm tự hào và là động lực, truyền cảm hứng cho mỗi người làm báo” - Tổng Biên tập Báo Công Thương chia sẻ và cho biết thêm, đây là lần thứ 4 trong năm 2024 Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đến thăm và làm việc tại toà nhà 655 Phạm Văn Đồng. Không chỉ thế, tháp tùng Bộ trưởng còn có đầy đủ “Tư lệnh, phó Tư lệnh” mọi ngành, mọi lĩnh vực của Bộ.

Trước đó, mở đầu Chương trình ký kết, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng các đại biểu đã xem một video clip ngắn khái quát lại bức tranh ngành Công Thương trong năm 2024 và hoạt động truyền thông của ngành Công Thương nói chung và của Báo Công Thương nói riêng trong năm.

Theo Tổng Biên tập Nguyễn Văn Minh, qua phóng sự ngắn được trình chiếu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và các vị đại biểu đã hình dung phần nào bức tranh công tác truyền thông và sự hợp tác giữa Báo Công Thương, các cơ quan truyền thông Bộ Công Thương và các đơn vị trực thuộc Bộ trong thời gian qua.

Chúng tôi tâm niệm rằng, trong thành công vang dội của ngành Công Thương và để Báo Công Thương và các cơ quan truyền thông có chất liệu tuyên truyền thì nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc Bộ chính là thực lực, là nguồn gốc, là sức mạnh của tuyên truyền” - Tổng Biên tập Nguyễn Văn Minh chia sẻ và cho biết thêm, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đúc kết một câu rất hay trong lĩnh vực ngoại giao nhưng cũng đúng cả với công tác truyền thông: “Thực lực như cái chiêng, ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to, tiếng mới lớn”. Ở đây, Bộ Công Thương có hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, công tác tuyên truyền mới hay và "mây mù mới tự tan biến".

Tuy nhiên, theo Tổng Biên tập Nguyễn Văn Minh, công tác tuyên truyền là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp; hiện lại đang diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế đất nước có nhiều thách thức mới, tình hình sáp nhập bộ máy ảnh hưởng không nhỏ tới công tác báo chí, truyền thông. Dù vậy, các cơ quan truyền thông ngành Công Thương bước đầu may mắn có được sự ổn định nhưng cũng đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức.

undefined
Tổng Biên tập Báo Công Thương Nguyễn Văn Minh phát biểu tại Lễ ký kết Chương trình hợp tác truyền thông toàn diện giai đoạn 2025-2030.

Nếu như ngành Công Thương năm 2024 là đầu tàu kinh tế, vượt mức mọi chỉ tiêu nhiệm vụ, rất nhiều chỉ tiêu tăng trưởng hai con số và lập kỷ lục thì với các cơ quan truyền thông của Bộ Công Thương, các nhiệm vụ tuyên truyền có khởi sắc, tăng trưởng uy tín, thứ hạng người đọc, người xem tăng cao. Nhưng chỉ có một chỉ số giảm sút chung giống như mọi cơ quan báo chí khác, đó là chỉ tiêu về kinh tế báo chí, doanh thu….

Như với Báo Công Thương doanh thu giảm gần 30%... Một lý do quan trọng là do cắt giảm nguồn kinh phí truyền thông chính sách hoặc nhiều dự án truyền thông chính sách chậm triển khai, do vướng thủ tục cơ chế “điểm nghẽn của điểm nghẽn” - đồng chí Nguyễn Văn Minh thẳng thắn chia sẻ.

Đồng thời tin tưởng, các cơ quan báo chí, truyền thông của ngành vẫn ổn định và tin tưởng ở tương lai tươi sáng, ở những quan tâm, chủ trương mới của Đảng, Nhà nước. Và điều quan trọng như Bộ trưởng nhiều lần thường nhắc câu nói của tỷ phú, nhà đầu tư nổi tiếng thế giới người Mỹ Warren Buffett, là “muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau”.

Cũng theo Tổng Biên tập Nguyễn Văn Minh thời gian qua, Báo Công Thương luôn may mắn có sự đồng hành của những người đồng chí là các Cục, Vụ, viện, doanh nghiệp trực thuộc Bộ; đồng hành cả lúc đi xa và cả lúc đi một mình.

"Sự kiện ký kết hôm nay chỉ là một động tác báo cáo Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ còn thực tế Báo Công Thương đã, đang và sẽ luôn tiếp tục sát cánh cùng nhau. Nhưng điều quan trọng là từ hôm nay, trước sự chứng kiến của Bộ trưởng, các chương trình hợp tác truyền thông sẽ được nâng lên tầm cao mới trong kỷ nguyên vươn mình" - Tổng Biên tập Nguyễn Văn Minh kỳ vọng và đặt niềm tin.

Giải pháp để nâng tầm công tác truyền thông Bộ Công Thương

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trong công tác truyền thông thời gian tới, nhất là từ năm 2025 với các nhiệm vụ hết sức nặng nề trong kỷ nguyên vươn mình, thay mặt những người làm công tác truyền thông và các đơn vị trực thuộc Bộ, Tổng Biên tập Báo Công Thương xin hứa với Bộ trưởng một số việc cần tập trung:

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc các chủ trương, nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo Bộ và cụ thể hoá vào công tác tuyên truyền với tinh thần “tiếp tục phát huy những động lực mới, làm mới những động lực tăng trưởng cũ” và cả suy nghĩ không cũ về những vấn đề không mới. Ý chí quyết tâm, trách nhiệm chính trị phải nâng lên tầm cao mới theo tinh thần “ý chí nhân đôi, nỗ lực nhân đôi và kết quả công việc hoàn thành tốt gấp đôi”.

Hai là, tiếp tục mở rộng dư địa hợp tác, cùng nhau hoàn thành tốt công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận của xã hội. Với báo chí thì làm tốt các đề án truyền thông chính sách và các chương trình hợp tác; với các đơn vị trực thuộc Bộ thì hoàn thành tốt hơn công tác cung cấp thông tin và hơn thế là cùng nhau đồng hành, mở rộng quan hệ hợp tác với các cơ quan báo chí truyền thông ngoài ngành.

Ba là, đối với các cơ quan báo chí truyền thông, làm tốt việc sắp xếp bộ máy tinh gọn mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết 18; hoạt động đúng tôn chỉ mục đích; đề cao chức năng, sứ mệnh của báo chí cách mạng và truyền thống 80 năm các cơ quan báo chí truyền thông ngành Công Thương, đoàn kết, kỷ cương; không để xảy ra sai sót, nâng cao uy tín, sức lan toả thông tin; làm tốt chức năng “tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể, tổ chức tập thể” trước và sau Đại hội Đảng các cấp…

Nhân dịp năm mới, Tổng Biên tập Nguyễn Văn Minh cũng gửi lời chúc tới Bộ trưởng và lãnh đạo các Cục, Vụ chức năng dồi dào sức khoẻ, hạnh phúc, thành công, tiếp tục dẫn dắt ngành Công Thương lập nhiều kỳ tích mới trong năm 2025.

Kính thưa quý vị! Chương trình Podcast - Chính luận 35 của Báo Công Thương đến đây xin được tạm dừng. Cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi và lắng nghe. Rất mong quý vị sẽ luôn đồng hành cùng chương trình của chúng tôi. Xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại trong những bài Podcast tiếp theo.

Tổng Bí thư Tô Lâm: 3 trụ cột chính để Gia Lai bứt phá 10:02

Tổng Bí thư Tô Lâm: 3 trụ cột chính để Gia Lai bứt phá

“Tổng Bí thư Tô Lâm: 3 trụ cột chính để Gia Lai bứt phá”, kính thưa quý vị, trên đây là bài viết của nhóm PV được đăng tải trên báo Báo Công Thương điện tử tại trang web congthuong.vn. Kính mời quý vị cùng lắng nghe.

Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu Gia Lai phải đẩy mạnh phát triển kinh tế một cách sâu sắc, toàn diện và bao trùm dựa trên 3 trụ cột chính để bứt phá, vươn lên.

Ngày 6/1, tại thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai), Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn công tác Trung ương làm việc với Tỉnh ủy Gia Lai về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI đến tháng 12/2024. Tham gia buổi làm việc có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an.

Cùng dự buổi làm việc còn có Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Duy Ngọc; các đồng chí ủy viên Trung ương Đảng: Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Hoàng Đăng Quang; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh và lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương.

Về phía tỉnh Gia Lai có Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên và các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn…

Tốc độ phát triển chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế

Báo cáo tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Văn Niên cho biết, trong nhiệm kỳ 2020-2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh ước tăng bình quân 6,21%/năm. Quy mô kinh tế gấp 1,9 lần so với đầu nhiệm kỳ. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng; ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản đóng vai trò quan trọng, quan tâm ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất gắn với tăng năng suất và giá trị.

Các sản phẩm cà phê, hồ tiêu, cao su, sắn lát đã trở ngành những ngành hàng quan trọng, chiếm cơ cấu đáng kể của nông nghiệp Gia Lai, xuất khẩu tới nhiều quốc gia. Tỷ lệ che phủ rừng lớn (47, 5%). Sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng trưởng khá. Thu hút đầu tư các dự án năng lượng tái tạo đạt kết quả tốt.

Công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và giải quyết việc làm đã có những tiến bộ rõ rệt, góp phần nâng cao chất lượng lao động. Hệ thống y tế và mạng lưới y tế tiếp tục được củng cố, phát triển tới tận buôn làng. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm đáng kể nhờ các chính sách hỗ trợ của nhà nước. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, tạo cơ hội phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn.

Theo ông Hồ Văn Niên, bên cạnh những kết quả đạt được, địa phương vẫn còn có những mặt hạn chế. Tổng thể kinh tế giai đoạn 2020-2025 phát triển ổn định nhưng chưa có nhiều bứt phá. Công nghiệp quy mô nhỏ, chủ yếu tập trung vào công nghiệp sản xuất điện. Trình độ ứng dụng khoa học và công nghệ chưa cao. Hạ tầng chưa tương xứng với tiềm năng. Chất lượng tăng trưởng kinh tế của tỉnh chưa bền vững. Tốc độ tăng trưởng kinh tế còn thấp, không đạt mục tiêu đề ra; dự ước có 6 chỉ tiêu kinh tế không đạt Nghị quyết: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân(GRDP); thu nhập bình quân đầu người; cơ cấu kinh tế; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng bình quân hằng năm; thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân hằng năm; tỷ lệ đô thị hóa.

Tổng Bí thư chỉ rõ năng lượng tái tạo là một trong 3 trụ cột

Phát biểu tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư Tô Lâm biểu dương, đánh giá cao, ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực phấn đấu và những kết quả, thành tựu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Gia Lai đã đạt được trong thời gian qua.

undefined
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, bên cạnh những khó khăn, tỉnh Gia Lai cũng có nhiều tiềm năng để phát triển ngành nông nghiệp quy mô lớn; ngành công nghiệp chế biến; tài nguyên du lịch phong phú; hệ thống giao thông kết nối thuận lợi với các tỉnh trong khu vực và các vùng kinh tế trọng điểm cả nước, tiền đề để thu hút đầu tư và phát triển giao thương; năng lượng tái tạo…

Về một số định hướng phát triển trong giai đoạn tới, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, quyết tâm phát triển Gia Lai trở thành tỉnh khá của khu vực Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên, trù phú về nông nghiệp hữu cơ, đa dạng về sinh thái, phong phú, đặc sắc về vốn văn hóa, bền vững về mặt xã hội và môi trường, đẩy nhanh tốc độ phát triển và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Để làm được điều đó, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu cần khẩn trương rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, tháo gỡ những ách tắc và điểm nghẽn phát triển, phấn đấu thực hiện ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết tỉnh Đảng bộ lần thứ XVI đã đề ra. Tập trung lãnh đạo, chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2025-2030 theo đúng tinh thần Chỉ thị số 35- CT/TW, ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị, trọng tâm là công tác chuẩn bị nhân sự đại hội, bảo đảm về số lượng, chất lượng, cơ cấu; văn kiện đại hội bảo đảm khách quan, khoa học, chất lượng, lấy ý kiến rộng rãi thể hiện ý chí, khát vọng vươn lên của toàn Đảng, toàn dân vững bước tiến vào kỷ nguyên mới.

Bên cạnh đó làm tốt công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, đây là nhiệm vụ có ý nghĩa then chốt. Trong đó, có tổng kết toàn diện việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 18 về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, chú ý tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, khoa học, đồng bộ, hiệu quả, gắn với làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, đảng viên. Nâng cao chất lượng chi bộ cơ sở gắn với nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở; giữ gìn tình đoàn kết thống nhất trong Đảng và trong cộng đồng 44 dân tộc anh em; đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu; khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.

Tổng Bí thư yêu cầu, cần bám sát vào các Nghị quyết của Trung ương, các quy hoạch và chiến lược đã được duyệt, đẩy mạnh phát triển kinh tế Gia Lai một cách sâu sắc, toàn diện và bao trùm dựa trên 3 trụ cột chính: Phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, bền vững, nâng cao; phát triển một số ngành công nghiệp có chọn lọc dựa trên nền tảng lợi thế so sánh vượt trội của địa phương như công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo, vật liệu xây dựng; phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế xanh, ngành kinh tế mũi nhọn, bền vững có chất lượng và khác biệt, mang bản sắc của Tây Nguyên.

Xoá bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước

Để triển khai hiệu quả các trụ cột nêu trên, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị, tỉnh cần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, thuận lợi, chi phí thấp; đẩy mạnh phát triển kinh tế số và đổi mới sáng tạo, cải thiện hạ tầng giao thông kết nối đô thị, vùng động lực, vùng nguyên liệu, các trung tâm kinh tế, hạ tầng thủy lợi, hạ tầng các ngành công nghiệp, dịch vụ và phát triển du lịch. Tỉnh cần thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế tư nhân, nâng nhanh tỷ lệ đóng góp của khu vực kinh tế này vào GRDP của tỉnh; nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể hiệu quả, mô hình hợp tác xã kiểu mới, mô hình nông hội, nâng tầm sản phẩm OCOP địa phương; nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Nhà nước; tạo điều kiện, tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn cho kinh tế tư nhân, doanh nghiệp tư nhân phát triển.

Gia Lai cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ưu tiên bố trí nguồn lực để ổn định các điểm dân cư đồng bào dân số thiểu số, phù hợp với tập quán, sinh hoạt, sản xuất. Khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, khơi dậy khát vọng vươn lên làm giàu, dần xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Thực hiện tốt chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn toàn tỉnh; chú trọng bảo tồn văn hóa buôn làng, văn hóa, truyền thống của từng cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên; chú trọng đầu tư phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, cải thiện hệ thống an sinh xã hội.

Tổng Bí thư chỉ rõ, tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại, coi đây là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Tây Nguyên, trong đó có Gia Lai được xác định là có vị trí trọng yếu về an ninh, quốc phòng, cần gắn chặt phát triển kinh tế với bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, an ninh biên giới, ngăn chặn hiệu quả hoạt động xâm nhập, buôn lậu, tội phạm xuyên biên giới. Chủ động nắm chắc tình hình, đề cao cảnh giác trước âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động; tăng cường bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, an ninh tôn giáo, an ninh kinh tế, an ninh mạng, bảo vệ bí mật Nhà nước. Tỉnh cần tiếp tục duy trì quan hệ truyền thống tốt đẹp với các tỉnh giáp biên giới để góp phần xây dựng kinh tế vùng biên, xây dựng mối quan hệ láng giềng, hòa bình, hợp tác, hữu nghị, phát triển.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, tỉnh cần triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị 40-CT/TW, ngày 11/12/2024 của Ban Bí thư về tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025; chuẩn bị tốt các điều kiện để nhân dân đón Tết cổ truyền vui tươi lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, tạo khí thế phấn khởi; chú trọng thăm hỏi kịp thời các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, hộ nghèo đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh, đảm bảo mọi người mọi nhà được vui Xuân, đón Tết.

Về các kiến nghị, đề xuất của tỉnh Gia Lai, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng rất xác đáng, thiết thực, xuất phát từ thực tiễn, từ khát vọng vươn lên của Đảng bộ tỉnh. Tổng Bí thư đề nghị Chính phủ, các Ban, Bộ, Ngành Trung ương, cơ quan liên quan theo chức năng, thẩm quyền, nhiệm vụ của mình, sớm quan tâm xem xét, có hướng giải quyết cụ thể các kiến nghị của tỉnh. Giao Văn phòng Trung ương Đảng tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Gia Lai gửi các cơ quan liên quan nghiên cứu giải quyết theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, trên nguyên tắc hỗ trợ tối đa, tạo điều kiện cho Gia Lai phát huy được tiềm năng, thế mạnh, phát triển nhanh trong thời gian tới.

“Tôi tin tưởng rằng, với truyền thống anh hùng, ý chí kiên cường, tinh thần vượt khó và khát vọng phát triển, nhất định Gia Lai sẽ tạo ra những bứt phá mới trong phát triển kinh tế- xã hội, tạo những nền tảng vững chắc để đưa Gia Lai phát triển nhanh, bền vững, toàn diện trong thời gian tới, nhân dân có cuộc sống ấm no, vui tươi, hạnh phúc, vững bước cùng đất nước tiến vào kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Nhân dịp này, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tặng công trình trạm y tế, trị giá 5 tỷ đồng cho xã Glar, huyện Đak Đoa nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân.

Glar là xã nằm cách trung tâm huyện 5,7 km với diện tích đất tự nhiên hơn 4.000 ha. Xã có 9 thôn với gần 2.430 hộ dân, người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 98% dân số toàn xã. Người dân trong xã sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp.

Kính thưa quý vị! Chương trình Podcast - Thời sự của Báo Công Thương đến đây xin được tạm dừng. Cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi và lắng nghe. Rất mong quý vị sẽ luôn đồng hành cùng chương trình của chúng tôi. Xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại trong những bài Podcast tiếp theo.

Tổng Bí thư Tô Lâm trăn trở về Gia Lai và Tây Nguyên 10:22

Tổng Bí thư Tô Lâm trăn trở về Gia Lai và Tây Nguyên

“Điều trăn trở của Tổng Bí thư Tô Lâm với Gia Lai và Tây Nguyên”, kính thưa quý vị, trên đây là tiêu đề bài viết của tác giả Nguyên Minh được đăng tải trên báo Báo Công Thương điện tử tại trang web congthuong.vn. Kính mời quý vị cùng lắng nghe.

Đó là những điều được Tổng Bí thư Tô Lâm chia sẻ trong phát biểu khi làm việc với Tỉnh uỷ Gia Lai sáng 6/1/2025.

Những trăn trở gần 10 năm trước

Gần 10 năm trước, chiều 30/7/2016, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức Lễ công bố Quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ. Khi ấy, Chủ tịch nước đã trao quyết định của Bộ Chính trị phân công Thượng tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an (nay là Tổng Bí thư) giữ chức vụ Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên.

Trước đó 14 năm, ngày 17/7/2002, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên được thành lập trong bối cảnh tình hình an ninh, trật tự ở Tây Nguyên có nhiều diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch, phản động gia tăng các hoạt động chống phá, lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, kích động biểu tình, bạo loạn, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phá hoại cuộc sống yên bình của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên...

Phát biểu tại buổi làm việc sáng 6/1, Tổng Bí thư Tô Lâm nhắc lại những kỷ niệm thời ông làm Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên, một ban chỉ đạo có chức năng nhiệm vụ chủ yếu trong lĩnh vực quốc phòng an ninh song ông đã rất quan tâm và nhìn thấy nhiều bất cập trong phát triển kinh tế xã hội ở Tây Nguyên.

Còn nhớ cuối năm 2017, theo chủ trương của Đảng, Ban chỉ đạo Tây Nguyên kết thúc hoạt động. Phát biểu tại buổi lễ hôm ấy, đồng chí Tô Lâm cho rằng: Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử quan trọng của mình song bên cạnh những kết quả đã đạt được, kinh tế vùng Tây Nguyên vẫn gặp không ít khó khăn, thách thức như: tăng trưởng chưa thực sự bền vững, vẫn còn thấp so với tiềm năng, lợi thế vốn có của vùng; chất lượng của nền kinh tế chưa cao, thiếu ổn định; công tác quản lý bảo về rừng còn nhiều bất cập, tình trạng vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng vẫn còn diễn ra phức tạp, diện tích rừng bị chặt phá còn lớn...

undefined
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc tại tỉnh Gia Lai sáng 6/1/2025.

Đồng chí Tô Lâm cũng chỉ ra nhiều công việc cần làm như: Tiếp tục đề xuất các cơ chế đặc thù để huy động nguồn lực phục vụ kết nối cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn Tây Nguyên và vùng phụ cận; thu hút đầu tư phát triển sản phẩm chủ lực, có lợi thế gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm như nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, chăn nuôi đại gia súc, dịch vụ du lịch...; tập trung xử lý có hiệu quả vấn đề đất đai, chống phá rừng, bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách để tập trung thực hiện một cách có hiệu quả…

Câu hỏi lớn cho Gia Lai

Sáng ngày 6/1, lắng nghe báo cáo của đồng chí Hồ Văn Niên - Bí thư Tỉnh uỷ, Tổng Bí thư chỉ rõ, Gia Lai nằm ở trung tâm Tây Nguyên, rộng thứ hai cả nước, đất đai phì nhiêu, cảnh quan thiên nhiên đa dạng từ các cao nguyên đến thung lũng, sông suối, hồ, và rừng nguyên sinh. Tỉnh có tài nguyên du lịch phong phú với những danh lam thắng cảnh tự nhiên vẫn giữ được sự nguyên sơ, hấp dẫn đặc biệt, những nét văn hóa Tây Nguyên độc đáo, giàu bản sắc của vùng đất huyền thoại với kho tàng sử thi Tây Nguyên và không gian văn hóa âm nhạc cồng chiêng - "Di sản văn hoá phi vật thể" của nhân loại.

Gia Lai có diện tích rừng tự nhiên lớn, đó là thứ tài nguyên vô giá cần hết sức giữ gìn; có hệ thống giao thông kết nối thuận lợi với các tỉnh trong khu vực và các vùng kinh tế trọng điểm cả nước, làm tiền đề để thu hút đầu tư và phát triển giao thương…

Vậy thì nhiệm vụ lịch sử của Gia Lai hôm nay cần phải làm sao để vươn lên mạnh mẽ bằng đôi chân của mình, không nên tư duy chỉ trông chờ sự hỗ trợ của Trung ương.

Tổng Bí thư đề nghị tỉnh rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, tháo gỡ những ách tắc và điểm nghẽn phát triển, phấn đấu thực hiện ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết tỉnh Đảng bộ lần thứ 16 đã đề ra. Yêu cầu tỉnh khẩn trương rà soát các chỉ tiêu chưa thực hiện được và các điểm nghẽn phát triển để tháo gỡ, tạo bước đột phá mới. Tổng Bí thư yêu cầu tỉnh Gia Lai đẩy mạnh phát triển kinh tế dựa trên 3 trụ cột: nông nghiệp, du lịch, năng lượng tái tạo.

Tháo gỡ vướng mắc để có thể làm giàu từ năng lượng tái tạo

Ngay sau khi Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu, Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu, bày tỏ sự tâm đắc, đánh giá cao và rất quan tâm đến các vấn đề người đứng đầu ngành Công Thương đề xuất.

Từ phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Tổng Bí thư gợi ý thêm hướng làm giàu cho Gia Lai. Tổng Bí thư Tô Lâm quan tâm đến vấn đề tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án năng lượng tái tạo.

"Theo kiến nghị của địa phương thì Bộ Công Thương nghiên cứu xem có thể bố trí tối đa (điện năng lượng tái tạo - PV) sản xuất được bao nhiêu? Đây là nguồn rất quan trọng đóng góp cho nguồn thu địa phương", Tổng Bí thư nêu vấn đề.

Theo Tổng Bí thư, hiện nay mới có 50% được các dự án điện gió được phát điện, còn 50% chưa được sử dụng. Đây là một sự lãng phí bởi các dự án đã làm rồi.

"Đây là vấn đề giữa nhà đầu tư - chính quyền, nhà nước đàm phán với nhau. Phải có cách tháo gỡ. Hiện còn hơn 10 dự án chưa tháo gỡ, nếu cứ để xuống cấp thì sẽ rất lãng phí, mà người ta đã đầu tư rồi nên cần phải tháo gỡ. Tiết kiệm không phải của chỉ Nhà nước mà còn phải tìm cách tháo gỡ khó khăn để tiết kiệm năng lượng cho doanh nghiệp, tư nhân, tiết kiệm nguồn lực xã hội", Tổng Bí thư chỉ đạo.

Tổng Bí thư cũng đề nghị tính toán tổng năng lượng cả điện gió, điện mặt trời khả năng phát triển của địa phương được bao nhiêu; đáp ứng của Bộ Công Thương để có thể đóng vào mạch điện truyền dẫn được bao nhiêu.

Về hướng đầu tư trung tâm dữ liệu, Tổng Bí thư cho rằng cần nghiên cứu, tính toán nếu có nguồn điện ổn định, bền vững thì lại có thể nghiên cứu chuyển đổi số, đầu tư trung tâm dữ liệu ở đây.

Về tiềm năng làm giàu, tăng nguồn thu từ năng lượng tái tạo, Tổng Bí thư lấy dẫn chứng từ tỉnh Quảng Trị một năm có thể đóng góp 20.000 MW, đóng góp 2.000 tỷ đồng cho ngân sách. Nếu Gia Lai mà có 20.000 tỷ đồng thì quá tốt. Tổng Bí thư yêu cầu phải tính toán, rất cụ thể để có thể làm được những việc như vậy.

Để người dân Tây Nguyên giàu từ công nghiệp chế biến và thành tỷ phú trên mỗi hecta đất

Từ phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên về các giải pháp phát triển công nghiệp và thương mại, Tổng Bí thư Tô Lâm quan tâm và gợi ý vấn đề phát triển công nghiệp chế biến.

Theo Tổng Bí thư, cần có các nhà máy sản xuất chế biến nông sản theo tiêu chuẩn của châu Âu, Hoa Kỳ. "Nghiên cứu Nhà nước đầu tư được không, hay công ty tư nhân lớn, tập đoàn nào có thể đầu tư quy mô lớn để tạo chuỗi cung ứng, xuất khẩu. Nếu Nhà nước không làm được mà không huy động được doanh nghiệp tham gia thì mãi chỉ xuất thô. Nếu không tập trung làm thì sẽ không có được sản phẩm chất lượng cao, giá trị gia tăng cao", Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tổng Bí thư Tô Lâm nhắc lại kỷ niệm thời làm Trưởng ban chỉ đạo Tây Nguyên, ông đã có phát động phong trào để người dân Tây Nguyên làm sao cứ 1 hecta đất, phải thu về 1 tỷ đồng/năm và cũng đã từng tổ chức hội nghị để tìm giải pháp để thực hiện vấn đề này.

"Tại Hội nghị đã diễn ra, một đại biểu Lâm Đồng cho biết 1 hecta đất thu về tới 26 tỷ đồng trồng rau, hoa, quả xuất khẩu đi Nhật Bản, thu về 26 tỷ đồng/ha. Hoặc như trồng sầu riêng 1 năm thu về 3 - 5 tỷ đồng/ha. Đồng bằng Bắc Bộ trồng lúa thì không được 100 triệu đồng/ha đất/năm; tại Đồng Tháp tôi đến làm việc hôm vừa rồi trồng lúa được 78 triệu đồng/ha/ năm, trồng cây ăn quả thu về 500 triệu đồng/ha/năm, trồng hoa cây cảnh thì thu 600 triệu/ha/năm, nuôi cá tra thì thu về 3,9 - 4 tỷ đồng/ha/năm", Tổng Bí thư nêu rõ từng ví dụ sinh động để gợi ý cho Gia Lai hôm nay.

Tổng Bí thư đề nghị Gia Lai cũng phải nhìn đó để thực hiện theo. Bởi Gia Lai sở hữu một diện tích sản xuất nông nghiệp lớn song 5ha đất mà mỗi năm chỉ thu được 80 triệu đồng, rất vất vả mà lại không hiệu quả. Nếu một người dân có 1 hecta mà thu được 1 tỷ/năm thì sẽ khác.

"Đây là các gợi ý để Gia Lai suy nghĩ biện pháp làm sao để cho người dân giàu lên từ mảnh đất của mình. Nông nghiệp thì đúng là có lúc cần miễn thuế cho nông dân, nhưng người dân giàu lên rồi thì tiêu dùng sẽ tăng, nhà nước sẽ thu từ các khoản thuế tiêu dùng", Tổng Bí thư chỉ đạo.

"Rất khuyến khích phát triển nông nghiệp, làm sao một hecta đất phải đặt ra mục tiêu trồng cây gì, nuôi con gì để người dân có thể thu được 1 tỷ đồng/ha. Đến các địa phương như Sơn La, Lâm Đồng để học hỏi các kinh nghiệm", Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã giải đáp cụ thể một số kiến nghị của Gia Lai.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, Gia Lai là địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển, diện tích rộng, đất đai thổ nhưỡng phì nhiêu, địa hình đồi núi, cao nguyên và thung lũng đồng bằng xen kẽ, hình thành khí hậu đặc trưng riêng của mỗi khu vực, là tiền đề thuận lợi để phát triển ngành nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; phát triển công nghiệp - thương mại, nhất là công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo.

Để khai thác được tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Gia Lai, góp phần thúc đẩy kinh tế tỉnh những năm tiếp theo, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã nêu rõ 5 kiến nghị ở góc độ ngành Công Thương.

Thứ nhất, tập trung nghiên cứu yêu cầu thị trường trong nước, các nước trong khu vực, nhất là các nước trong các FTA mà Việt Nam là thành viên, để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, áp dụng công nghệ hiện đại để hình thành các chuỗi sản xuất khép kín từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ; chú trọng xây dựng quảng bá thương hiệu sản phẩm chủ lực, vùng trồng, vùng nuôi để có thể đưa vào các thị trường khó tính.

Thứ hai, tập trung nghiên cứu có cơ chế chính sách để thu hút đầu tư các doanh nghiệp vào công nghiệp chế biến, chế tạo để tăng giá trị xuất khẩu vào các mặt hàng nông lâm chủ lực như cà phê, hồ tiêu, cao su, các ngành về gỗ. Thúc đẩy các ngành khai thác chế biến nông sản để tạo dư địa mới tăng trưởng cho địa phương cũng như tạo nguồn cung đầu vào cho ngành chế biến cả nước. Có cơ chế hấp dẫn để các doanh nghiệp phát triển logistics để phát huy tiềm năng nỏi trội của địa phương là cửa ngõ của các nước Đông Nam Á, của miền Trung - Tây Nguyên.

Chú trọng, tạo điều kiện để các dự án đầu tư năng lượng hoạt động có hiệu quả. Trước mắt là chủ động đề xuất với Trung ương và Chính phủ cho tháo gỡ các dự án năng lượng tái tạo đã đầu tư. Trong 168 dự án theo kết luận của Thanh tra Chính phủ thì tỉnh Gia Lai có khoảng 7 - 8 dự án cần tháo gỡ, ngoài ra còn hàng chục dự án không nằm trong kết luận nhưng cũng có các vướng mắc tương tự.

"Đề nghị tỉnh Gia Lai có kiến nghị sớm để Bộ Công Thương có trình Chính phủ xem xét sớm tháo gỡ, càng giải quyết sớm bao nhiêu thì nguồn lực đưa vào phục vụ kinh tế địa phương càng tốt bấy nhiêu", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Thứ ba, chú trọng phát triển các loại hình du lịch. Gắn du lịch với thương mại, gắn du lịch - thương mại với xuất khẩu tại chỗ, thông qua hợp tác sản xuất bán sản phẩm tại các địa du lịch ngay tại địa phương. Đây là hình thức đã được thực hiện hiệu quả ở nhiều địa phương.

Thứ tư, thông qua tạo đột phá về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia để thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là trong kinh tế - thương mại - đầu tư.

Thứ năm, tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực phục vụ các ngành công nghiệp chủ lực của địa phương, đồng thời quyết liệt trong cải cách hành chính tạo sự thông thoáng trong thủ tục đầu tư.

Kính thưa quý vị! Chương trình Podcast - Thời sự của Báo Công Thương đến đây xin được tạm dừng. Cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi và lắng nghe. Rất mong quý vị sẽ luôn đồng hành cùng chương trình của chúng tôi. Xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại trong những bài Podcast tiếp theo.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: 5 nhiệm vụ, một mục tiêu để NSMO luôn là ‘bộ não’ của ngành điện 10:12

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: 5 nhiệm vụ, một mục tiêu để NSMO luôn là ‘bộ não’ của ngành điện

“Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: 5 nhiệm vụ, một mục tiêu để NSMO luôn là ‘bộ não’ của ngành điện”, kính thưa quý vị, trên đây là bài viết của nhóm PV, được đăng tải trên báo Công Thương điện tử tại trang web congthuong.vn. Kính mời quý vị cùng lắng nghe.

Ngày 30/12, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã dự lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia và tổng kết năm 2024 của NSMO.

“Bộ não” của ngành điện

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và kỷ niệm 30 năm thành lập Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia - A0 (nay là Công ty TNHH Một thành viên vận hành hệ thống điện và thị trường điện - NSMO), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã điểm lại những ngày đầu thành lập của đơn vị quan trọng này.

Ngày 11/4/1994, trong bối cảnh ngành điện cả nước đang khẩn trương hoàn thành, đưa hệ thống truyền tải điện siêu cao áp 500kV Bắc - Nam vào vận hành, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (tiền thân của Công ty TNHH Một thành viên vận hành hệ thống điện và thị trường điện ngày nay) được chính thức thành lập, là đơn vị trực thuộc Bộ Năng lượng với nhiệm vụ trọng tâm là chỉ huy điều hành hệ thống sản xuất, truyền tải, phân phối điện năng trong hệ thống điện quốc gia.

Sau 30 năm hoạt động với 3 lần chuyển đổi mô hình và bổ sung chức năng, nhiệm vụ, tuy chưa phải là dài đối với sự phát triển của một tổ chức, song chúng ta vui mừng nhận thấy NSMO đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh với nhiều dấu ấn quan trọng, đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của ngành Điện lực Việt Nam.

undefined
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu chỉ đạo.

Từ một đơn vị mới thành lập có quy mô nhỏ và trang thiết bị còn lạc hậu, NSMO ngày nay đã phát triển thành Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia thống nhất ở hai cấp độ (cấp quốc gia và cấp miền), chịu trách nhiệm điều độ, vận hành hệ thống điện và điều hành thị trường điện quốc gia với quy mô công suất các nguồn điện toàn hệ thống cao gần 30 lần so với khi mới thành lập, khẳng định vị trí đặc biệt quan trọng, đóng vai trò là “bộ não” trong công tác điều độ, vận hành hệ thống điện và điều hành thị trường điện quốc gia, bảo đảm thông suốt, an toàn, tin cậy, ổn định, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cung ứng đủ điện cho phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống sinh hoạt của nhân dân, tạo tiền đề cho việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

"Với những thành tích đạt được, NSMO đã được Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như Huân chương lao động các hạng, Bằng khen của Thủ tướng Chỉnh phủ, các bộ ngành, địa phương. Thay mặt Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ, tôi ghi nhận, biểu dương và nhiệt liệt chúc mừng những thành tích mà tập thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên và người lao động của NSMO đã đạt được trong gần 1/3 thế kỷ qua" - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kép năm 2024 dù mô hình mới

Đối với kết quả công tác năm 2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương đánh giá, qua báo cáo của NSMO và ý kiến phát biểu của các đại biểu tại hội nghị đều thống nhất nhận định: Năm 2024 là một năm đặc biệt đối với hoạt động Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia với việc chuyển mô hình quản lý từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam về trực thuộc Bộ Công Thương (từ tháng 8/2024).

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, như điều kiện thời tiết khắc nghiệt, phụ tải tăng cao đột biến và quá trình chuyển đổi mô hình tổ chức, song dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự điều hành quyết liệt, kịp thời của Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan, cùng với sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các doanh nghiệp đối tác, NSMO đã nhanh chóng kiện toàn, ổn định tổ chức bộ máy theo mô hình mới, chủ động, nỗ lực triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm đảm bảo cung ứng điện trong mọi tình huống và đã hoàn thành xuất sắc “nhiệm vụ kép” được giao: Vừa duy trì sự ổn định, không bị gián đoạn trong quá trình chuyển đổi tổ chức, vừa tổ chức đóng điện và vận hành an toàn đường dây 500kV mạch 3, ứng phó hiệu quả với các cơn bão lớn, đặc biệt là siêu bão Yagi, bảo đảm công tác điều độ, vận hành hệ thống điện và thị trường điện thông suốt, hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc cung cấp đủ điện an toàn, ổn định, đáp ứng nhu cầu sản xuất - kinh doanh và đời sống sinh hoạt của người dân. Bên cạnh đó, NSMO đã tích cực tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vận hành hệ thống điện và thị trường điện theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền; đồng thời, phối hợp chuẩn bị tốt cho kế hoạch cung cấp điện năm 2025.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác điều độ, vận hành hệ thống điện và thị trường điện của NSMO vẫn còn những tồn tại, hạn chế và vấn đề đặt ra cần phải tập trung giải quyết. Tôi đề nghị tập thể lãnh đạo, nhân viên, người lao động của NSMO cần thẳng thắn nhìn nhận, nghiêm túc khắc phục, tạo sự chuyển biến thực chất và mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

5 nhiệm vụ - 1 mục tiêu tuyệt đối

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, bước sang năm 2025 - năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của đất nước và của ngành; là năm toàn ngành Công Thương quyết tâm tăng tốc, bứt phá để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 5 năm 2021-2025, tạo nền tảng vững chắc cho đất nước bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Việc triển khai thực hiện nhiệm vụ nêu trên diễn ra trong bối cảnh được dự báo có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; đặc biệt là tình hình địa chính trị, địa kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; biến đổi khí hậu, điều kiện thời tiết cực đoan ngày càng gay gắt; nhu cầu sử dụng điện cho phát triển KT-XH và sinh hoạt của người dân ngày càng tăng, trong khi các nguồn điện mới trong ngắn hạn gần như không có (hoặc tăng không đáng kể) cũng sẽ tạo ra những áp lực lớn đối với công tác điều độ, vận hành hệ thống điện và thị trường điện trong thời gian tới.

Trong bối cảnh đó, để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao với mục tiêu cao nhất là “Tuyệt đối bảo đảm cung ứng đủ điện, an toàn, hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân trong mọi tình huống”, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Công ty NSMO quán triệt, tập trung thực hiện tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước về phát triển năng lượng nói chung, lĩnh vực vận hành hệ thống điện và thị trường điện nói riêng; đồng thời, kịp thời tham mưu thể chế thành các cơ chế, chính sách đủ mạnh, đồng bộ, khả thi để tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả, tạo dư địa, động lực mới cho sự phát triển của Ngành và kinh tế đất nước.

Trước mắt, NSMO cần tích cực, chủ động đề xuất, phối hợp với các Cục, Vụ chức năng thuộc Bộ trong công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực (sửa đổi), đặc biệt đối với các lĩnh vực liên quan đến vận hành hệ thống điện và thị trường điện; đồng thời, chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp cụ thể, khả thi để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh (nếu có), bảo đảm công tác vận hành hệ thống điện quốc gia an toàn, ổn định, tin cậy và vận hành thị trường điện công bằng, minh bạch, góp phần cùng với EVN và các đơn vị có liên quan bảo đảm cung ứng điện cho nhu cầu phát triển KT-XH và phục vụ đời sống dân sinh.

Hai là, tập trung mọi nguồn lực nhằm vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện và minh bạch thị trường điện, bảo đảm an ninh cung cấp điện năm 2025 với các kịch bản phụ tải tăng trưởng cao khoảng 12%-14% (phù hợp với mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên theo chỉ đạo của Chính phủ và Lãnh đạo Bộ).

Ba là, chủ động phối hợp với Vụ Kế hoạch - Tài chính, các đơn vị chức năng thuộc bộ, và các đơn vị có liên quan trong công tác xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, bảo đảm cơ sở hạ tầng và các hệ thống thiết yếu trong công tác vận hành hệ thống điện, điều hành thị trường điện. Phối hợp thu xếp, bố trí vốn đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn; trong đó, đặc biệt chú trọng công tác thu xếp vốn và triển khai các dự án trọng điểm nhằm đáp ứng sự phát triển về quy mô, độ phức tạp của hệ thống điện trong tương lai như: (i) Dự án tòa nhà độc lập cho Đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia và điều hành giao dịch thị trường điện tại khu E5 Cầu Giấy đồng bộ với hệ thống SCADA/EMS giai đoạn mới, (ii) Dự án xây dựng Hệ thống thu thập và quản lý số liệu đo đếm mới phục vụ thị trường bán buôn và bán lẻ điện cạnh tranh, (iii) Dự án giải pháp đồng bộ cấu hình đường dây 500 kV mạch 3.

Bốn là, đối với công tác nguồn nhân lực của công ty: Chủ động phối hợp với vụ Tổ chức Cán bộ sớm kiện toàn tổ chức công ty, đặc biệt lưu ý tăng cường cả về chất và lượng đối với lực lượng quản lý điều hành, kỹ sư để đảm bảo nguồn nhân lực điều hành Hệ thống an toàn, ổn định trong các năm tới. Đồng thời, phối hợp các đơn vị chức năng thuộc bộ ban hành hoặc tham mưu với cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Năm là, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm, nâng cao trình độ đội ngũ kỹ sư, lao động kỹ thuật hoàn thiện mô hình điều độ, chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng yêu cầu triển khai Quy hoạch điện VIII và Điện VIII điều chỉnh cũng như yêu cầu vận hành hệ thống điện quy mô lớn trong khu vực. Đồng thời, tích cực tham gia đề xuất xây dựng các cơ chế chính sách vận hành mới cho hệ thống điện trong tương lai, bao gồm tích hợp các nguồn năng lượng mới (năng lượng tái tạo, điện hạt nhân, hydrogen, hệ thống lưu trữ năng lượng…), cũng như thúc đẩy phát triển thị trường điện Việt Nam, bảo đảm minh bạch, công bằng, hiệu quả.

Nhân dịp này, người đứng đầu ngành Công Thương cũng thay mặt Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương trân trọng cảm ơn các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, nhân viên Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia đã nỗ lực phấn đấu để xây dựng nên truyền thống vẻ vang rất đỗi tự hào của NSMO ngày nay. Đồng thời, cảm ơn các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương trong cả nước đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để Trung tâm hoạt động an toàn, hiệu quả trong suốt 30 năm.

Cảm ơn Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã ủng hộ giúp đỡ A0 trong suốt 30 năm qua. Đồng thời, đề nghị EVN và các đơn vị liên quan tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với NSMO trong triển khai thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao bởi NSMO tuy đã được tách ra độc lập với EVN nhưng cả hai đều là doanh nghiệp nhà nước và được giao nhiệm vụ bảo đảm an ninh năng lượng điện Quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tin tưởng rằng, với sức trẻ căng tràn và độ chín của tuổi 30, cùng những thành tích, kinh nghiệm có được trong những năm qua với đội ngũ cán bộ được đào tạo cơ bản dày dạn kinh nghiệm trong vận hành hệ thống điện, với sự phối hợp, giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị liên quan... tập thể lãnh đạo, nhân viên, người lao động NSMO sẽ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành Điện Việt Nam của Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đóng góp xứng đáng cho sự phát triển của ngành và kinh tế đất nước.

Kính thưa quý vị! Chương trình Podcast - Thời sự của Báo Công Thương đến đây xin được tạm dừng. Cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi và lắng nghe. Rất mong quý vị sẽ luôn đồng hành cùng chương trình của chúng tôi. Xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại trong những bài Podcast tiếp theo.

Thủ tướng: Đảm bảo quyền lợi người lao động khi tinh gọn bộ máy 5:21

Thủ tướng: Đảm bảo quyền lợi người lao động khi tinh gọn bộ máy

“Thủ tướng: Đảm bảo quyền lợi người lao động khi tinh gọn bộ máy”, kính thưa quý vị, trên đây là bài viết của tác giả Khánh An, được đăng tải trên báo Công Thương điện tử tại trang web congthuong.vn. Kính mời quý vị cùng lắng nghe.

Thủ tướng nêu rõ, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động.

Hoàn thành, gửi báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW trước ngày 31/12/2024

undefined

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp lần thứ sáu về sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ. Ảnh: Nhật Bắc/VGP

Sáng 29/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" - đã chủ trì phiên họp thứ sáu của Ban Chỉ đạo.

Tham dự phiên họp có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thành viên Ban Chỉ đạo.

Theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Ban Cán sự đảng Chính phủ hoàn thành, gửi báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về Ban Chỉ đạo Trung ương trước ngày 31/12/2024.

Để kịp thời hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương, tại Phiên họp thứ sáu, Ban Chỉ đạo đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Báo cáo Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, trong đó tập trung vào một số nội dung: Về kết thúc hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; về chỉ tiêu sắp xếp tổ chức bên trong các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; về thời gian trình Chính phủ dự thảo Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ không thực hiện hợp nhất, sáp nhập.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương nỗ lực, cố gắng của các thành viên Ban Chỉ đạo, nhất là Bộ Nội vụ - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo trong thực hiện nhiệm vụ; cơ bản đồng ý với dự thảo Báo cáo, giao Bộ Nội vụ tiếp thu các ý kiến để tiếp tục hoàn thiện một bước dự thảo và tiếp tục lắng nghe, tiếp thu các ý kiến xác đáng của các cơ quan, cá nhân có liên quan.

Với mục tiêu tổ chức bộ máy "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả", cùng với cho ý kiến về một số nội dung cụ thể, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục rà soát kỹ lưỡng trên cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, bảo đảm không bỏ sót, không trùng chéo và hoàn thiện tốt hơn các chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, giảm đầu mối, giảm khâu trung gian, giảm thủ tục hành chính, tăng cường cho cơ sở, ai làm tốt nhất thì giao, lựa chọn phương án thấu đáo, phù hợp, hiệu quả.

"Chỉ bàn làm, không bàn lùi"

Thủ tướng yêu cầu quán triệt tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "vừa chạy vừa xếp hàng"; cái gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì hoàn thiện phương án, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định.

Thủ tướng nêu rõ, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; có chính sách chung, chính sách đặc thù bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; bố trí nhân sự phù hợp trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục lắng nghe, tiếp thu, hoàn thiện và xin ý kiến Bộ Chính trị để sớm ban hành chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong quá trình sắp xếp, tổ chức bộ máy.

Trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy thì các nhiệm vụ vẫn phải thúc đẩy, triển khai và hoàn thành và sau khi hoàn thành thì phải bắt tay ngay vào công việc. Tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi các quy định của pháp luật có liên quan để tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình sắp xếp, tinh gọn; bảo đảm phân công rõ công việc trong thời gian quá độ.

Thủ tướng giao các Phó Thủ tướng phụ trách các lĩnh vực tiếp tục chỉ đạo Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan trong quá trình triển khai sắp xếp, tinh gọn bộ máy, hoàn thiện các phương án, báo cáo để trình cấp có thẩm quyền.

Trước đó, ngày 5/12/2024, đồng chí Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương kiêm Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" đã ký ban hành Công văn về điều chỉnh Kế hoạch số 04-KH/BCĐ.

Công văn gửi Ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; các ban đảng, cơ quan, đơn vị ở Trung ương; đảng đoàn, ban cán sự đảng trực thuộc Trung ương; Đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương.

Công văn nêu: Để đáp ứng yêu cầu sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với kết quả tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, bảo đảm đồng bộ với thời gian tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18 (gọi tắt là Ban Chỉ đạo), Ban Chỉ đạo bổ sung, điều chỉnh thời gian thực hiện một số nội dung của Kế hoạch số 04-KH/BCĐ, ngày 13/11/2024 như sau: hoàn thành dự thảo báo cáo tổng kết Nghị quyết 18, đề xuất đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới; tổ chức các hội nghị, hội thảo xin ý kiến lãnh đạo, cấp ủy, tổ chức đảng, chuyên gia, nhà khoa học trước ngày 20/01/2025.

Hoàn thiện tờ trình, báo cáo, dự thảo kết luận hoặc nghị quyết trình Bộ Chính trị (hoàn thành trước ngày 25/01/2025).

Tiếp thu ý kiến Bộ Chính trị, hoàn thiện các văn bản trình Ban Chấp hành Trung ương (hoàn thành trước ngày 10/02/2025).

Kính thưa quý vị! Chương trình Podcast - Thời sự của Báo Công Thương đến đây xin được tạm dừng. Cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi và lắng nghe. Rất mong quý vị sẽ luôn đồng hành cùng chương trình của chúng tôi. Xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại trong những bài Podcast tiếp theo.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Ngành công nghiệp 'nhìn thẳng vào sự thật', thực hiện loạt giải pháp đột phá 13:19

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Ngành công nghiệp 'nhìn thẳng vào sự thật', thực hiện loạt giải pháp đột phá

“Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Ngành công nghiệp ‘nhìn thẳng vào sự thật’, thực hiện loạt giải pháp đột phá”, kính thưa quý vị, trên đây là bài viết của nhóm phóng viên, được đăng tải trên báo Công Thương điện tử tại trang web congthuong.vn. Kính mời quý vị cùng lắng nghe.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: Ngành công nghiệp cần đổi mới trong tư duy, quyết liệt trong hành động để góp sức hiện thực mục tiêu tăng trưởng 2 con số.

Công nghiệp năm 2024 đạt nhiều thành tựu quan trọng, đáng tự hào

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Cục Công nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá, công nghiệp là một trong những ngành sản xuất vật chất, đóng một vai trò rất quan trọng và quyết định đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế đất nước. Ngay với ngành sản xuất vật chất như nông nghiệp cũng có nhiều khâu công nghiệp phải tham gia, từ chế biến giống, làm đất, chăm sóc, nuôi dưỡng, thu hoạch, bảo quản, đến chế biến. Như vậy có thể nói, trong ngành sản xuất vật chất, công nghiệp chi phối rất lớn và đóng vai trò quan trọng, thậm chí là quyết định tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Trong lĩnh vực thương mại, có tiêu thụ trong nước hay xuất khẩu được nhiều hay không cũng phải nhờ vào công nghiệp để sản xuất ra sản phẩm. Trong lĩnh vực nông nghiệp, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu khoảng 120 tỷ USD, chiếm tỷ trọng không lớn trong tổng giá trị tiêu thụ bao gồm cả trong nước và xuất khẩu. “Một vài số liệu cho thấy vai trò của rất quan trọng của công nghiệp trong nền kinh tế”, Bộ trưởng nêu và nhấn mạnh: “Chính vì sự quan trọng đó, tập thể và Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ từ xưa đến nay, đặc biệt từ đầu nhiệm kỳ đến giờ rất quan tâm đến lĩnh vực này. Cá nhân tôi đặc biệt chú trọng lĩnh vực công nghiệp”.

undefined
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Trần Đình

Điểm lại tình hình phát triển công nghiệp trong năm 2024, Bộ trưởng nhấn mạnh, trong năm 2024, công nghiệp tiếp tục đạt được những thành tựu rất quan trọng. Tốc độ tăng trưởng ngoạn mục, 11 tháng năm 2024 đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 8,4% và dự báo ngành sẽ đạt tăng trưởng trên 8% so với năm trước. Đặc biệt, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng gần 10% so với cùng kỳ. Hầu hết các địa phương trong cả nước đều có chỉ số phát triển công nghiệp tăng hơn, một số địa phương tăng ở mức 2 con số.

Nhiều dự án trọng điểm chậm tiến độ, thậm chí thua lỗ tồn đọng từ những năm trước thì trong năm 2024 đã được ngành Công Thương giải quyết, khắc phục khá nhiều. Theo đó, dự án chậm tiến độ được triển khai nhanh hơn, hiệu quả thấp đã được nâng lên, như dự án đạm Ninh Bình và một số dự án ở Thái Nguyên đã có chuyển biến tích cực.

Bộ trưởng một lần nữa nhấn mạnh, năm 2024, công nghiệp nước ta đạt được những thành tựu quan trọng, rất đáng tự hào. Trong thành tựu ấy có sự đóng góp quan trọng và khá tích cực của Cục Công nghiệp với tư cách là cơ quan tham mưu quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Quản lý nhà nước tựu trung có ba nhiệm vụ chính: Một là xây dựng các quy hoạch, kế hoạch; hai là tham mưu cơ chế chính sách; ba là thanh tra, kiểm tra. Có thể nói, chúng ta đã và đang thực hiện được nhiều vấn đề trong 3 việc chủ yếu, góp phần vào tăng trưởng chung của ngành.

Nhìn thẳng vào sự thật để thấy những hạn chế, bất cập cần khắc phục

Mặc dù đạt những kết quả tích cực, song với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ ra một số hạn chế, bất cập trong phát triển công nghiệp.

Đầu tiên, theo Bộ trưởng, sự phát triển còn thiếu cơ sở vững chắc. Mặc dù tăng trưởng nhưng chủ yếu là công nghiệp có tính gia công, giá trị thấp. Hay nói cách khác, chúng ta mới phát triển những ngành công nghiệp và những phân khúc có giá trị gia tăng thấp.

Hạn chế thứ hai, giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực doanh nghiệp trong nước chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng giá trị công nghiệp của cả nước. Đối chiếu sang lĩnh vực xuất khẩu sẽ thấy 74,6% giá trị xuất khẩu là từ khu vực FDI. Điều này đồng nghĩa, doanh nghiệp nội chiếm một tỷ trọng nhỏ trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp và tổng giá trị xuất khẩu của các ngành.

Hạn chế thứ ba, công nghiệp nhìn chung chưa tận dụng tốt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự dịch chuyển đầu tư từ các công ty đa quốc gia sang nước thứ ba và cũng chưa tận dụng tối đa được các hiệp định thương mại tự do. “Bằng chứng là chúng ta chỉ có 24%, còn 76% là doanh nghiệp FDI, một số doanh nghiệp đã ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo nhưng nhìn chung còn ở khu vực thấp. Rõ ràng doanh nghiệp chưa tận dụng được Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chưa tận dụng được xu thế dịch chuyển, chưa thu hút được FDI”, Bộ trưởng nêu và chỉ ra: "Thu hút FDI không chỉ đơn giản tính bằng giá trị xuất khẩu mà phải tính bằng năng lực và nội lực của doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất cung ứng ra sao? Chúng ta xem trong hệ sinh thái của Samsung hay một số tập đoàn điện, điện tử của Nhật Bản và Hàn Quốc thì các doanh nghiệp của chúng ta tham gia được bao nhiêu trong phân khúc này?".

Hạn chế thứ tư, ngành công nghiệp còn rất gian nan mới có thể tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu bởi chưa đủ sức làm chủ cuộc chơi. Bộ trưởng lưu ý, đây là điều phải nhìn lại, chúng ta vẫn nói về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”, "đây là vấn đề phải rất thẳng thắn, chứ không thể nói cho hài lòng" - Bộ trưởng nhấn mạnh

Hạn chế thứ năm, công nghiệp vẫn thiếu những ngành công nghiệp có tính nền tảng, như: Công nghiệp vật liệu, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, chế tạo chế biến, điện tử, hóa chất, năng lượng.

Bộ trưởng lấy ví dụ, về công nghiệp hoá chất, hóa chất cơ bản chúng ta chưa làm chủ được, hầu như phải nhập khẩu. Hay về công nghiệp vật liệu cũng tương tự. Giá trị xuất khẩu hơn 400 tỷ USD, tổng kim ngạch xuất khẩu năm nay là hơn 800 tỷ USD, có thể đạt ngưỡng 800 tỷ USD nhưng xuất siêu chỉ đạt 23-24 tỷ USD. "Điều đó chứng tỏ chúng ta đang ở một phân khúc rất mỏng. Dày hơn lại là phân khúc khác, đó là phân khúc vật liệu, công nghiệp hỗ trợ, chế tạo"- Bộ trưởng phân tích.

Sáu nguyên nhân cần nhìn nhận nghiêm túc

Sau khi phân tích những hạn chế, bất cập, Bộ trưởng chỉ rõ các nguyên nhân chủ quan gây nên hiện trạng trên gồm:

Nguyên nhân thứ nhất, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, chúng ta vẫn thiếu chủ động và chậm thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chiến lược, mục tiêu, giải pháp của Đảng, Quốc hội, Chính phủ thành các cơ chế chính sách.

Nguyên nhân thứ hai, cơ chế, chính sách còn phân tán, nhỏ lẻ chưa thật sự hấp dẫn, chưa khả thi, thậm chí kém hiệu quả và chưa đi vào cuộc sống.

Đầu tư từ ngân sách cho một số chương trình khuyến công, công nghiệp hỗ trợ không ít; đầu tư cho khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo không dưới 2% ngân sách hằng năm cũng không phải ít nhưng hiệu quả vẫn còn hạn chế, một phần do chất lượng công tác tham mưu…

Nguyên nhân thứ ba, hợp tác quốc tế trong phát triển công nghiệp chưa được phát huy. Về điều này, Bộ trưởng chỉ ra, chúng ta tham gia nhiều chương trình hợp tác tuy nhiên mới chỉ giải quyết các vấn đề không căn bản, không tạo ra được kết quả có tính đột phá cho công nghiệp. Kể cả hợp tác trong xây dựng hoạch định chính sách; đào tạo; tập huấn kỹ thuật; chuyển giao một số công nghệ trong một số công đoạn… đều manh mún chưa tạo được sự chuyển động về chất trong lĩnh vực công nghiệp.

Nguyên nhân thứ tư, nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước hoặc huy động nguồn lực xã hội cho khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghiệp còn hạn chế. Lấy ví dụ trong lĩnh vực bán dẫn, Bộ trưởng cho rằng, những nước khác hút đầu tư vào bán dẫn đã hỗ trợ rất lớn cho nhà đầu tư như Mỹ đầu tư 280 tỷ USD, Trung Quốc hỗ trợ 92 tỷ USD; Hàn Quốc hỗ trợ 61 tỷ USD nhưng chúng ta “không có tỷ nào”. “Nếu chúng ta tư duy mạnh dạn hơn, tôi có thể bỏ tiền này nhưng lại thu được nhiều đồng tiền khác, bỏ tiền lẻ và thu tiền chẵn chứ không phải là chúng ta bỏ ra là mất” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nguyên nhân thứ năm, công thanh tra, kiểm tra chưa được thường xuyên, kém hiệu quả. Nếu công tác này được chú trọng, thường xuyên thực hiện sẽ không xảy ra tình trạng có những dự án đắp chiếu nhiều năm, hay tình trạng vướng mắc kéo dài không được giải quyết.

Nguyên nhân thứ sáu, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên không thể không kể đến, đó là sự phối hợp giữa các đơn vị chức năng còn hạn chế.

5 nhiệm vụ trọng tâm của năm 2025

Về bối cảnh tình hình trong thời gian tới, Bộ trưởng lưu ý: Năm 2025 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, bởi đây là năm cuối của nhiệm kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, năm cuối của kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm giai đoạn 2021-2025 và cũng là nền tảng cho những năm tiếp theo.

Bộ trưởng nhấn mạnh phải có nhiều giải pháp để góp phần đạt được tốc độ tăng trưởng GDP của đất nước năm 2025, dự kiến là tăng trưởng 8% trở lên. Đặc biệt là phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP 2 con số, tức là từ 10% trở lên theo định hướng của Đảng, ngành công nghiệp phải đạt tăng trưởng 12-13%.

Năm 2024, công nghiệp tăng trưởng khoảng 8,4% trên nền tăng trưởng giảm thấp của năm 2023. Nhưng sang năm 2025, ngành phải đạt mức tăng trưởng 12-13% trên nền 8,4% của năm nay cộng vào. "Đó là một thách thức ghê gớm, đòi hỏi chúng ta phải thực sự đột phá trong tư duy và quyết liệt trong hành động", Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh.

undefined
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tham dự và chủ trì hội nghị. Ảnh: Trần Đình

Năm 2025 cũng là năm toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời với Nghị quyết này thành lập Ban Chỉ đạo do đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đứng đầu và giao cho Quốc hội, Chính phủ phải bố trí đủ nguồn lực, có cơ chế đủ mạnh và khả thi để thực hiện những cuộc chuyển đổi. Trong bối cảnh chung như vậy, công nghiệp - lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế - vừa là đối tượng thụ hưởng, nhưng cũng là lực lượng thực hiện, do đó đây là thách thức lớn không thể xem thường.

Hơn nữa, cả hệ thống chính trị đang phải rà soát, tinh gọn bộ máy, điều này có thể gây xáo trộn trong thời gian ngắn, ảnh hưởng tới triển khai công tác. Cộng hưởng cùng tình hình thế giới và khu vực đầy bất ổn, cạnh tranh địa chính trị và chiến tranh thương mại rất khó đoán định.

Trong bối cảnh như vậy, để đảm bảo hoàn thành mục tiêu trên, đồng thời tạo đột phá cho ngành công nghiệp phát triển, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đặt ra 5 nhiệm vụ trọng tâm cho Cục Công nghiệp.

Thứ nhất, phải quán triệt và triển khai thực hiện quyết liệt các quan điểm, chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế xã hội, nhất là những định hướng để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, theo hướng ứng dụng mạnh khoa công nghệ đổi mới sáng tạo; phát triển nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số trở lên.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức. Tiếp tục hội nhập sâu, có chất lượng vào nền kinh tế thế giới, tham gia sâu một cách tự tin vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Cần phải quán triệt điều đó để tham mưu xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động, các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện. Đạt được yêu cầu ngành, nhưng đồng thời phải đúng với chủ trương chỉ đạo của Đảng và Nhà nước” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thứ hai, tập trung nghiên cứu và đề xuất để sửa đổi, bổ sung, ban hành mới những cơ chế, chính sách có tính đột phá, thật sự hấp dẫn và khả thi nhằm thực hiện bằng được những chủ trương, định hướng lớn của Đảng; bắt kịp xu thế phát triển và tốc độ phát triển của thế giới theo hướng xanh, số, tuần hoàn, chia sẻ, bắt được nhịp của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Hình thành và phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, xây dựng củng cố nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập.

”Chúng ta đã lỡ nhiều rồi, giờ không thể lỡ. Muốn bằng người ta phải đi tắt đón đầu. Lợi thế của người đi sau là đi tắt đón đầu… Hình thành và phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, xây dựng củng cố nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập. Muốn thế chúng ta phải cách mạng trong suy nghĩ và quyết liệt trong hành động. Nếu cứ làm theo lối cũ là không được” - Bộ trưởng chỉ đạo.

Về Luật Sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm, Bộ trưởng chỉ đạo không thể chậm trễ được nữa, cố gắng vận hành để đến tháng 6 đưa ra Quốc hội, để tháng 10/2025 sẽ thông qua. Tương tự, Luật sử dụng năng lượng Tiết kiệm và hiệu quả sẽ phải đưa ra kỳ tháng 2 để trình và tháng 6 thông qua. Tháng 2 sẽ làm kép 2 việc, một là thông qua Luật Hóa chất, hai là trình lần đầu Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Thứ ba, phải tiếp tục nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong một số lĩnh vực: Hợp tác quốc tế trong xây dựng thể chế; hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực, kể cả chuyên gia, kể cả kỹ thuật; hợp tác trong kỹ năng quản trị; hợp tác trong chuyển giao công nghệ, có cơ chế cho doanh nghiệp FDI có lộ trình chuyển giao công nghệ; hợp tác đầu tư, đặc biệt là hợp tác đầu tư ra nước thông qua cơ chế đa phương, song phương, thông qua thu hút đầu tư FDI, thông qua hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài.

Thứ tư, khẩn trương tiếp thu và hoàn thiện trình Chính phủ và trình Quốc hội các dự án luật có liên quan đến phát triển công nghiệp, như Luật Sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm, tham mưu sửa đổi bổ sung các luật và nghị định có liên quan đến phát triển công nghiệp. Đồng thời, tham mưu Bộ trình Chính phủ rà soát điều chỉnh Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thứ năm, để đáp ứng những nhiệm vụ trên cần rà soát sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18; chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, mạnh dạn thanh lọc đội ngũ và có kế hoạch đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực.

“Muốn làm được điều đó chúng ta phải cách mạng trong tư duy, quyết liệt trong hành động và vừa chạy vừa xếp hàng” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.

Năm 2024, sản xuất công nghiệp không chỉ phục hồi tích cực mà còn có sự tăng trưởng rất mạnh mẽ so với cùng kỳ năm 2023. Quy mô sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh, trên diện rộng và liên tục được mở rộng: Chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng năm 2024 tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước - là mức tăng cao nhất trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay.

Cơ cấu ngành công nghiệp tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng hiện đại; công nghiệp chế biến, chế tạo trở lại vai trò động lực tăng trưởng của toàn ngành và toàn nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao.

Các ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế tiếp tục phát triển (luyện kim, sắt thép; điện - điện tử; dệt may, da giày; cơ khí chế tạo, ô tô, xe máy...), tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng dài hạn, cũng như thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đạt được kết quả này, Cục trưởng Cục Công nghiệp Phạm Nguyên Hùng nhấn mạnh, nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Bộ Công Thương cùng sự phối hợp triển khai các hoạt động của đơn vị thuộc bộ. Cùng đó, Cục Công nghiệp đã góp sức đáng kể thông qua công tác điều hành, tham mưu, tập trung rà soát, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2024 của Chính phủ và các chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công Thương.

Kính thưa quý vị! Chương trình Podcast - Thời sự của Báo Công Thương đến đây xin được tạm dừng. Cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi và lắng nghe. Rất mong quý vị sẽ luôn đồng hành cùng chương trình của chúng tôi. Xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại trong những bài Podcast tiếp theo.

Chủ tịch nước: Quán triệt nghiêm Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới 8:25

Chủ tịch nước: Quán triệt nghiêm Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

“Chủ tịch nước: Quán triệt nghiêm Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, kính thưa quý vị, trên đây là bài viết được đăng tải trên báo Công Thương điện tử theo nguồn Vietnamplus.vn. Kính mời quý vị cùng lắng nghe.

Chủ tịch nước Lương Cường đã chủ trì Hội nghị Quân chính toàn quân, đánh giá kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng năm 2024.

Sáng 26/12, tại Hà Nội, Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng đã tổ chức Hội nghị Quân chính toàn quân đánh giá kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng năm 2024 và triển khai nhiệm vụ quân sự, quốc phòng năm 2025.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Lương Cường dự và chỉ đạo Hội nghị.

Cùng dự có Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, cùng đại diện lãnh đạo các ban bộ ngành Trung ương.

Báo cáo tại hội nghị cho biết, năm 2024, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân triển khai đồng bộ chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Thực hiện nghiêm chủ trương, chỉ đạo của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và quy định trách nhiệm nêu gương; coi trọng xây dựng, phát huy nhân tố chính trị tinh thần trong toàn quân; tiên phong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch.

Cùng với đó, phối hợp tổ chức các hoạt động kỷ niệm, trọng tâm là Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân thiết thực, ý nghĩa, tương xứng với quy mô, tầm vóc của sự kiện, khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc, khát vọng vươn lên, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân và bạn bè quốc tế. Mặt khác, công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng được triển khai chủ động, sâu rộng, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần củng cố lòng tin, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước, Quân đội, bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa.”

Về phương hướng nhiệm vụ trong năm 2025, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân chủ động rà soát chương trình, kế hoạch công tác, quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư tại Phiên họp Quân ủy Trung ương lần thứ 12, “tăng tốc, bứt phá, quyết tâm hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI.”

Trong số đó, tập trung nâng cao năng lực nghiên cứu, dự báo, đánh giá tình hình, tham mưu với Đảng, Nhà nước hoạch định đúng đắn chủ trương, sách lược quân sự, quốc phòng đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc cả trước mắt và lâu dài. Đồng thời phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, khu vực phòng thủ các cấp vững chắc.

Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Chủ động triển khai linh hoạt, thực chất, hiệu quả các hoạt động đối ngoại quốc phòng cả song phương và đa phương. Chủ động, tự lực, tự cường, bảo đảm đầy đủ, kịp thời hậu cần, kỹ thuật cho các nhiệm vụ.

undefined
Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước Lương Cường cho biết, năm 2024, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, kịp thời của Đảng, Nhà nước; sự quản lý chặt chẽ, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành, các địa phương và cả hệ thống chính trị, đất nước ta đã đạt được những kết quả khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực; dự kiến sẽ đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu của năm 2024.

Trong thành tựu chung của đất nước, quân đội có những đóng góp rất quan trọng, đã hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất.

Chủ tịch nước đánh giá, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã thực hiện tốt chức năng tham mưu chiến lược với Đảng, Nhà nước về quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Tham mưu, chỉ đạo chặt chẽ, triển khai đồng bộ chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Toàn quân tiếp tục giữ vững và phát huy tốt vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và củng cố “thế trận lòng dân” vững chắc.

Chủ tịch nước nhận xét quân đội luôn giữ vững bản chất cách mạng, quân đội của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, xung kích đi đầu, không quản ngại hy sinh, gian khổ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình. Toàn quân luôn quán triệt sâu sắc, nắm chắc nhiệm vụ, nêu cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu cao.

Công tác xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh; giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội tiếp tục được đặc biệt coi trọng. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ, dân vận, chính sách được triển khai chặt chẽ, tích cực, sáng tạo, hiệu quả.

Công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng tiếp tục được tiến hành tích cực, chủ động, linh hoạt, thực chất, hiệu quả; là điểm sáng trong những trụ cột của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những thành tích mà Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và cán bộ, chiến sỹ, công nhân, viên chức toàn quân đạt được trong năm 2024.

Bên cạnh kết quả đạt được, Chủ tịch nước cũng đề cập tới một số hạn chế, tồn tại, đồng thời đề nghị Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và có giải pháp hữu hiệu để khắc phục ngay những hạn chế, khuyết điểm đã chỉ ra; không để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá.

Nhất trí về cơ bản với các phương hướng nhiệm vụ, giải pháp được đề ra, Chủ tịch nước đề nghị Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tiếp tục quán triệt sâu sắc nhiệm vụ, thực hiện tốt chức năng tham mưu chiến lược với Đảng, Nhà nước về quân sự, quốc phòng; chủ động, nhạy bén, nâng cao năng lực nghiên cứu, dự báo, có đối sách xử lý linh hoạt, hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước.

Chủ tịch nước yêu cầu toàn quân quán triệt, thực hiện nghiêm túc đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, dựa vào dân, “dân là gốc." Phối hợp triển khai cụ thể các giải pháp xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, “thế trận lòng dân," phòng thủ quân khu, khu vực phòng thủ các cấp vững chắc. Đồng thời thực hiện tốt chủ trương kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng; nghiên cứu, điều chỉnh bố trí chiến lược phù hợp với điều chỉnh tổ chức Quân đội trong tình hình mới.

Cùng với đó, Chủ tịch nước nhấn mạnh yêu cầu tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội; duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển, biên giới, nội địa, không gian mạng.

Phối hợp với các lực lượng giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn cả nước; thực hiện tốt nhiệm vụ phòng thủ dân sự, chủ động ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh phi truyền thống.

Các bên liên quan tích cực nghiên cứu, phát triển nghệ thuật quân sự, tác chiến ứng phó hiệu quả với các loại hình chiến tranh công nghệ cao; đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo, diễn tập, đáp ứng điều kiện tác chiến mới.

Chủ tịch nước đề nghị tiếp tục chăm lo xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, Đảng bộ Quân đội thật sự trong sạch, vững mạnh, gương mẫu, tiêu biểu về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội. Đồng thời, chuẩn bị chu đáo mọi mặt, nhất là về văn kiện và nhân sự, tổ chức thành công đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 và Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XII - Đại hội Đảng bộ Quân đội phải thật sự là đại hội mẫu mực, tiêu biểu, trí tuệ.

Chủ tịch nước yêu cầu tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, thông tin, tuyên truyền; triển khai hiệu quả công tác bảo vệ, dân vận, chính sách, hoạt động “đền ơn, đáp nghĩa”, phong trào thi đua “dân vận khéo,” “đơn vị dân vận tốt,” góp phần củng cố “thế trận lòng dân” vững chắc.

Cùng với đó, cần bảo đảm đầy đủ, kịp thời hậu cần, kỹ thuật, công nghiệp quốc phòng và các mặt công tác khác đáp ứng các nhiệm vụ cả thường xuyên và đột xuất. Bên cạnh đó là triển khai hiệu quả các chương trình, đề án, dự án ngành hậu cần, kỹ thuật, công nghiệp quốc phòng, khoa học quân sự, với tinh thần chủ động, tích cực, phát huy nội lực, tự lực, tự cường. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng hiện đại, lưỡng dụng.

Mặt khác, Chủ tịch nước lưu ý, cần tích cực, chủ động triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc theo phương châm “Thêm bạn, bớt thù,” “Dĩ bất biến, ứng vạn biến"; nâng cao hiệu quả hợp tác quốc phòng song phương, đa phương. Tham gia tích cực, có trách nhiệm các hoạt động đối ngoại quốc phòng, diễn đàn đa phương khu vực, quốc tế, gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Nhân dịp chuẩn bị đón năm mới 2025, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước chúc toàn thể cán bộ, chiến sỹ toàn quân và lực lượng dân quân tự vệ cả nước sức khỏe, hạnh phúc; tiếp tục đoàn kết, thống nhất cao, nỗ lực khắc phục khó khăn, vượt qua mọi thách thức, giành nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới.

Kính thưa quý vị! Chương trình Podcast - Thời sự của Báo Công Thương đến đây xin được tạm dừng. Cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi và lắng nghe. Rất mong quý vị sẽ luôn đồng hành cùng chương trình của chúng tôi. Xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại trong những bài Podcast tiếp theo.

Bài 2: Đại tướng Nguyễn Quyết với dấu ấn “vươn ra Biển Đông - làm giàu, đánh thắng” 6:59

Bài 2: Đại tướng Nguyễn Quyết với dấu ấn “vươn ra Biển Đông - làm giàu, đánh thắng”

“Đại tướng Nguyễn Quyết - Vị tướng tài năng, đức độ, nhất mực trung thành của Đảng ta, Quân đội ta - Bài 2: Đại tướng Nguyễn Quyết với dấu ấn “vươn ra Biển Đông - làm giàu, đánh thắng”, kính thưa quý vị, trên đây là bài viết của Nhà văn PHÙNG VĂN KHAI, được đăng tải trên báo Quân đội nhân dân điện tử tại trang web qdnd.vn. Kính mời quý vị cùng lắng nghe.

Đại tướng Nguyễn Quyết, trong cuộc đời hoạt động và cống hiến của mình, có thể nói, ở ông chính là sự hội tụ nhiều phẩm chất cao quý của một cán bộ, đảng viên cộng sản: Kiên trung, gương mẫu, tận tụy, sáng tạo và nhất là tinh thần đoàn kết máu thịt với nhân dân.

Thế hệ ông, trong đó có ông, trong mọi hoàn cảnh, nhất là trên cương vị chủ trì cơ quan hay đơn vị đều luôn tiên phong, gương mẫu, thực hiện đúng nguyên tắc của Đảng, luôn đặt lợi ích chung của Đảng, của dân tộc và Quân đội lên trên hết, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, luôn linh hoạt và sáng tạo, đi đầu giải quyết khó khăn, thử thách và rất quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.

Trước khi giữ cương vị trọng yếu trong Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, ở Quân khu 3, những năm cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, Tư lệnh kiêm Chính ủy - Thượng tướng Nguyễn Quyết đã để lại dấu ấn khá sâu đậm về vai trò “chủ soái” của ông trong phong trào “làm giàu, đánh thắng”, “vươn ra Biển Đông làm giàu, đánh thắng” ở Quân khu 3. Phong trào này thể hiện rõ sự táo bạo và đổi mới trong cách nghĩ của một cán bộ có tầm chiến lược. Phong trào phát triển nhanh chóng, sâu rộng và có hiệu quả thiết thực, tạo nên một “hiện tượng” đối với toàn quân và cả nước thời gian đó. Nhiều chủ trương, kinh nghiệm mà quân và dân Quân khu 3 tiên phong thực hiện đã tạo tiền đề cho sự nghiệp đổi mới sau này.

Nhắc đến dấu mốc Đổi mới 1986, không thể không nhắc đến Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, một người con quê ở Hưng Yên khi đó đã rất kiên quyết, đi đầu, khởi xướng các phong trào: “Những việc cần làm ngay”; “Nói đi đôi với làm”... mà chắc chắn người đứng đầu của Đảng đã cảm nhận rất sâu sắc từ thực tiễn các thành quả của Quân khu 3 - hậu phương lớn trong chiến tranh cũng là vựa người, vựa của, nơi cung cấp nhân tài, vật lực, trí tuệ và cả những đột phá về cách nghĩ, cách làm để làm tiền đề cho công cuộc Đổi mới của đất nước.

Trên cương vị Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 3, vị tướng hiểu rất sâu sắc rằng, sau hai cuộc chiến tranh, khi hai đầu biên giới phía Nam, phía Bắc mới vừa im tiếng súng, nền kinh tế quốc dân gặp vô vàn khó khăn vì những bao vây, cấm vận ngặt nghèo của các nước tư bản. Một khó khăn rất lớn nữa, đó là đã xuất hiện dấu hiệu rạn nứt, suy thoái, lung lay của khối xã hội chủ nghĩa, đứng đầu là Liên Xô, càng khiến cục diện xây dựng đất nước, nâng cao đời sống của toàn quân và toàn dân ta gặp rất nhiều khó khăn.

Với tư duy nhạy bén và bề dày kinh nghiệm từng được tôi rèn trong lửa đỏ các cuộc chiến tranh, vị Tư lệnh của vùng đất châu thổ sông Hồng đã cùng với tập thể lãnh đạo Quân khu 3 quyết định vươn ra Biển Đông để làm giàu, đánh thắng. Nói thì đơn giản như vậy, văn bản cũng có thể lập ra, hoạch định trên giấy không khó khăn gì nhưng bắt tay vào thực hiện những công việc thực hành mới là vô cùng khó khăn, phức tạp.

Vị tướng trận từ những ngày đầu đi theo cách mạng hiểu rất rõ ràng đã là người chiến sĩ phải luôn ở tuyến đầu, phải chống chịu sóng gió và vượt qua nó để giúp người dân có cơm ăn, áo mặc, phải xây dựng đời sống hạnh phúc cho nhân dân sau các cuộc chiến tranh với vô vàn mất mát, hy sinh. Nhưng làm giàu phải trên tinh thần thượng tôn pháp luật, tuyệt đối không được bất chấp các quy luật về kinh tế-xã hội, khẩn trương, quyết liệt nhưng không được nôn nóng, ăn xổi ở thì. Tất cả những vấn đề đặt ra đó đều đã được vị tướng cân nhắc hết sức kỹ lưỡng.

Từ thực tiễn của các tỉnh miền biển như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Hà - Nam - Ninh, nhân dân gặp khó khăn về vươn khơi, lấn biển, thiếu thốn các phương tiện khai thác thủy hải sản; đồng đất ven biển bị xâm thực mặn khó trồng cấy; cư dân thiếu cơ sở vật chất để tạo dựng các làng nghề. Chưa kể, thói quen quan liêu, bao cấp, trông chờ, ỷ lại và nhất là e ngại cách thức làm mới, sợ cái mới, cầu an đã ăn sâu, bám rễ trong đông đảo tầng lớp nhân dân.

Nhìn nhận rõ bản chất của vấn đề, vị tướng đứng đầu Quân khu 3 đã phát động phong trào thi đua: “Vươn ra Biển Đông - làm giàu, đánh thắng” mà nòng cốt là các đơn vị trong toàn quân khu kết hợp với nhân dân trên địa bàn thực hiện từng khâu, từng việc, chủ động, sáng tạo, dựa trên sức mình là chính. Khi đó, ở các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Hà - Nam - Ninh đâu đâu cũng phấn chấn thi đua lao động sản xuất, quân với dân khăng khít một lòng, một dạ vượt mọi khó khăn. Nhiều tập thể tiên tiến với sự chủ động, sáng tạo nổi trội đã trở thành mô hình mẫu. Nhiều cá nhân tiêu biểu với thành tích lao động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả càng khiến phong trào đi vào chiều sâu, giải quyết bài toán khó của nền kinh tế đang rơi vào trì trệ lúc bấy giờ. Điểm sáng trên mặt trận kinh tế của quân và dân Quân khu 3 đã chứng minh cho phong trào thi đua: “Vươn ra Biển Đông - làm giàu, đánh thắng”.

undefined
Đại tướng Nguyễn Quyết giữ thói quen đọc sách, báo. Ảnh: baohungyen.vn.

Một đặc điểm nổi trội của vị tướng Nguyễn Quyết là tầm nhìn xa của ông từ các phong trào thi đua để góp phần “quốc phú, binh cường”, nhất là việc xây dựng thế trận Quốc phòng toàn dân nơi vùng biển đảo. Trong phong trào kể trên, Quân khu 3 đã khai hoang, lấn biển ở các tỉnh trên địa bàn được 55.468ha, nhiều tuyến đường xuyên ra bán đảo Đình Vũ, xuyên ra đảo Cát Hải, Cát Bà - Hải Phòng đã khiến vùng đất hoang hóa trở thành nơi canh tác với các ngành nghề làng biển. Các tuyến đảo vùng Đông Bắc thay da đổi thịt hằng ngày, nhiều làng nghề, ngư trường hoạt động sôi nổi đã đem lại lợi ích lớn cho nhân dân.

Cùng với đó, các tuyến đảo gần bờ cũng được xây dựng và phát triển theo hướng bền vững vừa là một pháo đài trong phòng thủ biển đảo vừa là một đầu cầu kết nối để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đây cũng là tiền đề để sau này khi Đại tướng Nguyễn Quyết ra thăm cán bộ chiến sĩ, quân và dân trên quần đảo Trường Sa đã có những quyết sách đã trở thành chủ trương, trở thành phương châm hành động với câu khẩu hiệu nổi tiếng: “Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước”. Đây cũng là dấu mốc hết sức quan trọng đánh dấu sự trưởng thành, lớn mạnh của Quân đội ta trong việc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước.

Hôm nay, mỗi khi giở lại từng trang lịch sử, nhất là những trang quân sử hào hùng của quân và dân Quân khu 3, chúng ta càng thấy rõ sự vinh dự, tự hào, nhất là niềm tin sâu sắc vào sự quyết đoán và phương châm chiến lược của Đảng ta, quân đội ta, trong đó có những vị tướng bình dị nhưng vô cùng sâu sắc như Đại tướng Nguyễn Quyết.

Từ sự thành công của phong trào thi đua: “Vươn ra Biển Đông - làm giàu, đánh thắng” gắn với tên tuổi Đại tướng Nguyễn Quyết đã cho thấy trong công cuộc cách mạng, nhất là ở những giai đoạn gian khổ, khó khăn, rất cần có những bộ óc dám suy nghĩ, dám thực hành, dám làm những điều chưa ai làm, dám khơi thông những tắc nghẽn để mở đường cho những dòng chủ lưu mạnh mẽ trong sự phát triển và trưởng thành bền vững của Quân đội ta, đất nước ta.

Chúng ta luôn rất tự hào với vị tướng gắn với phong trào thi đua: “Vươn ra Biển Đông - làm giàu, đánh thắng”.

Kính thưa quý vị! Chương trình Podcast - Chính Luận 35 của Báo Công Thương đến đây xin được tạm dừng. Cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi và lắng nghe. Rất mong quý vị sẽ luôn đồng hành cùng chương trình của chúng tôi. Xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại trong những bài Podcast tiếp theo.

Bài 1: Đại tướng Nguyễn Quyết- Vị tướng tài năng, đức độ, nhất mực trung thành của Đảng Cộng Sản Việt Nam 7:24

Bài 1: Đại tướng Nguyễn Quyết- Vị tướng tài năng, đức độ, nhất mực trung thành của Đảng Cộng Sản Việt Nam

“Đại tướng Nguyễn Quyết - Vị tướng tài năng, đức độ, nhất mực trung thành của Đảng ta, Quân đội ta - Bài 1: Từ một thiếu niên nông thôn vùng đất Kim Động (Hưng Yên) đến Bí thư Thành ủy Hà Nội trong Cách mạng Tháng Tám”, kính thưa quý vị, trên đây là bài viết của Nhà văn PHÙNG VĂN KHAI, được đăng tải trên báo Quân đội nhân dân điện tử tại trang web qdnd.vn. Kính mời quý vị cùng lắng nghe.

Đại tướng Nguyễn Quyết là vị tướng luôn được tổ chức phân công đảm đương những vị trí công tác chiến lược ở những giai đoạn bước ngoặt của cách mạng.

Năm 1945, khi mới 23 tuổi, ông đã đảm đương cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội, cùng tập thể lãnh đạo khởi nghĩa cướp chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám. Tiếp đó, năm 1947, ông được phân công Nam tiến, đảm đương các chức vụ quan trọng trong Quân khu ủy Quân khu 5, Chính ủy Mặt trận Quảng Đà. Năm 1955, ông được điều về làm quyền Chính ủy rồi Chính ủy Quân khu Tả Ngạn. Từ năm 1977 đến năm 1986, ông Quyết giữ chức Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Quân khu ủy Quân khu 3.

Đặc biệt, trong dấu mốc Đổi mới 1986, ông được điều về đảm đương cương vị Phó chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Đại tướng Nguyễn Quyết là vị Thủ trưởng Tổng cục Chính trị có nhiều đóng góp lớn trong giai đoạn bước ngoặt từ dấu mốc Đổi mới 1986 khi thực hiện trở lại cơ chế Đảng ủy lãnh đạo, thực hiện sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng vũ trang.

undefined
Đại tướng Nguyễn Quyết khi tròn 100 tuổi. Ảnh: qdnd.vn.

Đồng chí Nguyễn Quyết tên khai sinh là Nguyễn Tiến Văn. Ông sinh ngày 20-8-1922 tại xã Chính Nghĩa, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Hưng Yên cũng là mảnh đất sinh ra nhiều vị tướng lĩnh tài ba, kiên trung sớm theo Đảng, theo Bác Hồ từ những ngày đầu lập nước và trưởng thành trong các cuộc chiến tranh vệ quốc như: Trung tướng Nguyễn Bình, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, Thượng tướng Lê Quang Hòa, Thượng tướng Nguyễn Trọng Xuyên và đặc biệt là Đại tướng Nguyễn Quyết.

Ngay từ nhỏ, cậu bé Nguyễn Tiến Văn đã tỏ rõ bản tính thông minh sôi nổi tham gia các công việc nhưng cũng rất điềm đạm và chăm chỉ nên rất được cha mẹ, thầy cô và bè bạn quý mến. Cuộc sống ở các vùng quê Bắc Bộ trong đó có vùng đất xã Chính Nghĩa, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên rất khó khăn. Chính quyền thực dân Pháp và bè lũ tay sai ra sức đàn áp, bóc lột nhân dân ta đến kiệt cùng. Giới địa chủ cường hào đứng đầu là bọn lý trưởng, chánh tổng, tri huyện, tri phủ cấu kết ngoại bang không từ một thủ đoạn nào để bóc lột người nông dân, bần cùng hóa đúng như những gì trong tiểu thuyết "Tắt đèn" của nhà văn Ngô Tất Tố đã mô tả.

Trước cảnh đất nước lầm than cơ cực, chàng thiếu niên Nguyễn Quyết đã sớm có suy nghĩ phải làm việc gì đó để giúp ích cho gia đình, bà con làng xóm, cho đất nước và cũng là mở ra trang mới với cuộc đời mình. Mới ở tuổi mười lăm, Nguyễn Quyết đã rời quê hương Kim Động lên Hà Nội tìm việc làm cũng là để thấy rõ hơn xã hội nhiều mặt ở Thủ đô. Trong tâm tư của chàng thiếu niên, lúc nào cũng ám ảnh việc dân bản xứ lầm than cơ cực còn những kẻ cầm quyền luôn phè phỡn, xa hoa. Vốn có hiểu biết về chữ nghĩa và sự chín chắn, khéo léo trong lời ăn tiếng nói, Nguyễn Quyết đã xin vào được làm thư ký kiêm phát hành báo cho Báo Đuốc Tuệ của Trung tâm Phật giáo Bắc kỳ, có trụ sở ở chùa Quán Sứ. Ở vị trí này, Nguyễn Quyết vừa được làm vừa được học ngay tại tòa soạn và các nơi khác. Có dịp tiếp xúc với nhiều người ở các tầng lớp xã hội khác nhau đã cho Nguyễn Quyết một cái nhìn bao quát, rộng khắp, những sự cọ xát hết sức hữu ích.

Trong khoảng thời gian này, chàng thanh niên Nguyễn Quyết bị lôi cuốn bởi các hoạt động của cuộc vận động dân chủ do Đảng Cộng sản Đông Dương phát động. Tận mắt chứng kiến và tham gia nhiều hoạt động của phong trào, được tiếp xúc với các công nhân, người lao động thành phố, giới trí thức và các giai tầng xã hội khác nhau đã cho ông hiểu sâu sắc và nhận định rõ ràng rằng thân phận của người dân mất nước thì ở đâu cũng như nhau, nông thôn hay thành thị, nông dân hay công nhân, trí thức đều bị bọn thực dân cướp nước và bè lũ tay sai đè đầu cưỡi cổ, phải chịu bóc lột, bất bình đẳng thậm chí là bị giết oan mà không có pháp luật bảo vệ. Đây cũng là những bài học lớn cho Nguyễn Quyết trưởng thành.

Cũng trong thời gian đó, đồng chí Nguyễn Quyết đã lọt vào vòng ngắm theo dõi của bọn mật thám. Chúng lùng sục tìm cách bắt ông, khiến ông phải tạm trở về quê hương. Tại Kim Động, ông đã may mắn gặp đồng chí Nguyễn Văn Tích (còn có bí danh là Tạo) - một đảng viên cộng sản, là cán bộ liên tỉnh (gồm các tỉnh: Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Kiến An...) và được giao nhiệm vụ vận động quần chúng xây dựng phong trào phản đế ở huyện Kim Động. Nguyễn Quyết đã hoạt động rất tích cực và có nhiều thành tích. Năm 1940, khi vừa tròn 18 tuổi, đồng chí Nguyễn Quyết được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, được phân công phụ trách Bí thư Thanh niên phản đế huyện Kim Động. Đây chính là dấu mốc rất quan trọng của đồng chí Nguyễn Quyết.

Tháng 8-1943, khi mới 21 tuổi, đồng chí Nguyễn Quyết đã được Xứ ủy Bắc kỳ chỉ định tham gia Ban Cán sự Đảng Hà Nội, được phân công phụ trách xây dựng căn cứ ngoại thành và vận động công nhân đấu tranh trong nội thành. Khoảng thời gian này, ông cùng các đồng chí lãnh đạo trong Ban Cán sự Đảng Hà Nội tổ chức thành lập các chi bộ, giác ngộ số công nhân cư trú ở ngoại thành bắt mối với các nhà máy, cơ sở sản xuất trong nội thành. Nhiều cơ sở, chi bộ ở nội thành và ngoại thành Hà Nội đã được thành lập, phong trào cách mạng ở Hà Nội được nâng cao chính là cơ sở, nền tảng cho Cách mạng Tháng Tám.

Mùa hè năm 1944, sau khi tham dự một lớp học quân sự tại tỉnh Thái Nguyên để chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa, ông được chỉ định làm Bí thư Thành ủy Hà Nội thay đồng chí Lê Quang Đạo do bị lộ nên Trung ương điều đi làm nhiệm vụ khác. Ông chia sẻ: “Đó là thời kỳ một ngày bằng hai mươi năm sục sôi không khí chuẩn bị mọi mặt cho cuộc cách mạng giành chính quyền về tay nhân dân. Tôi được phân công đặc trách công tác quân sự, đồng chí Phương phụ trách công vận, đồng chí Vũ Oanh phụ trách thanh vận... Chúng tôi nắm chắc các đội tự vệ vũ trang mới thành lập, tổ chức huấn luyện dưới những hình thức khác nhau. Đây sẽ là lực lượng vũ trang hậu thuẫn quan trọng cho nhân dân giành chính quyền ở Hà Nội”.

Chính từ sự chuẩn bị công phu, sáng suốt, kiên quyết của Ban lãnh đạo Thành ủy Hà Nội với sự đứng đầu của Bí thư Thành ủy Nguyễn Quyết đã tiến tới một quyết định lịch sử: Hà Nội tiến hành khởi nghĩa vào ngày 19-8-1945 đánh đổ chính quyền tay sai, thành lập chính quyền cách mạng và đã thành công rực rỡ, trọn vẹn, không đổ máu. Sau này, đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh đã nhận định về dấu mốc lịch sử trên: “Trong thời cơ lịch sử có một không hai đó, đã xuất hiện những con người thông tuệ được tôi luyện trong môi trường cách mạng, những trái tim và khối óc không chỉ dựa vào lòng yêu nước nồng nàn mà còn có tư chất tuyệt vời, phán đoán sắc sảo về khả năng thắng lợi của cách mạng và sự nhạy cảm thời cuộc đặc biệt. Ban lãnh đạo của Hà Nội khi đó toàn những người trẻ tuổi, dưới 30, mà người đứng đầu là Bí thư Thành ủy Nguyễn Quyết mới ở tuổi 23 và kinh qua 6 năm tôi luyện trong đấu tranh cách mạng. Thật là tuyệt vời!”.

Đó cũng là một trong những dấu mốc quan trọng nhất trong cuộc đời Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Quyết.

Trong mỗi lần các nhà văn, nhà báo chúng tôi tiếp xúc với Đại tướng Nguyễn Quyết, ông đều tỏ ra rất phấn chấn khi kể về quãng thời gian trai trẻ của mình, nhất là khi được tổ chức tin tưởng giao chức vụ Bí thư Thành ủy Hà Nội vào thời điểm then chốt nhất của Cách mạng Tháng Tám. Chính từ sự tin tưởng tuyệt đối của cấp trên, của Đảng, đã cho ông nền tảng vững chắc để sau này đảm đương các cương vị, trọng trách trong Quân đội. Đây cũng chính là một trong những vẻ đẹp, chiều sâu thành tựu của Đảng ta trong việc bồi dưỡng, rèn luyện và sử dụng những người con ưu tú trong công cuộc cách mạng.

Kính thưa quý vị! Chương trình Podcast - Thời sự của Báo Công Thương đến đây xin được tạm dừng. Cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi và lắng nghe. Rất mong quý vị sẽ luôn đồng hành cùng chương trình của chúng tôi. Xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại trong những bài Podcast tiếp theo.

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc 5:10

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc

“Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc”, kính thưa quý vị, trên đây là bài viết của tác giả Phú Quý, được đăng tải trên báo Công Thương điện tử tại trang web congthuong.vn. Kính mời quý vị cùng lắng nghe.

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn khẳng định, cộng đồng người Việt ở nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.

Sáng ngày 25/12, Hội thảo kỷ niệm 65 năm kết nối kiều bào với đất nước và 20 năm triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW về công tác người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) đã diễn ra tại Hà Nội. Sự kiện do Ủy ban Nhà nước về NVNONN tổ chức, với sự tham dự của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, các đồng chí nguyên lãnh đạo bộ, nguyên lãnh đạo Ủy ban cùng lãnh đạo các bộ, ngành và đại diện kiều bào từ nhiều quốc gia.

undefined

Toàn cảnh Hội thảo kỷ niệm 65 năm kết nối kiều bào với đất nước và 20 năm triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW về công tác người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN). Ảnh: baoquocte.vn.

Phát biểu tại lễ khai mạc hội nghị, Thứ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Lê Thị Thu Hằng khẳng định, Nghị quyết 36 đã trở thành kim chỉ nam, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong công tác NVNONN, đặc biệt trong việc củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Sau 20 năm triển khai, Nghị quyết không chỉ chứng minh tính bền vững mà còn thể hiện giá trị thực tiễn, nhất là trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng.

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, Nghị quyết đã mang lại nhiều dấu ấn nổi bật như: Nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của hệ thống chính trị và cộng đồng đối với công tác NVNONN; thúc đẩy khối đại đoàn kết dân tộc; khơi dậy sự gắn bó giữa kiều bào và quê hương; khai thông nguồn lực, phát huy các đóng góp của kiều bào thông qua kiều hối, đầu tư và tri thức, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Với những thành tựu quan trọng đã đạt được, Ủy ban Nhà nước về NVNONN tiếp tục khẳng định vai trò là cầu nối, là bạn đồng hành cùng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Mối gắn kết này không chỉ khơi dậy tiềm năng to lớn từ hơn 6 triệu kiều bào mà còn góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh vai trò quan trọng của cộng đồng NVNONN trong việc xây dựng và củng cố sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, đồng thời đóng góp tích cực vào sự phát triển và nâng cao vị thế quốc gia.

Phó Thủ tướng khẳng định, trong suốt 65 năm qua, Ủy ban Nhà nước về NVNONN đã đồng hành chặt chẽ với cộng đồng người Việt trên toàn thế giới. Ủy ban đã thực hiện tốt vai trò kết nối, hỗ trợ và phát huy nguồn lực kiều bào thông qua nhiều chương trình ý nghĩa, nổi bật như Diễn đàn Trí thức và Chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài, các hoạt động bảo tồn văn hóa, tiếng Việt và các chương trình hướng về quê hương.

Đánh giá cao những nỗ lực của Ủy ban, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh sự phối hợp hiệu quả trong xây dựng các chính sách mang tính nền tảng như Nghị quyết 36, Chỉ thị 45 và Kết luận 12 của Bộ Chính trị. Đây là những văn kiện quan trọng, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để kiều bào ngày càng gắn bó với quê hương, đồng thời khơi thông nguồn lực trí tuệ và kinh tế từ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao sự lan tỏa giá trị của Nghị quyết 36 trong đời sống thực tiễn, đồng thời nhấn mạnh: “Nghị quyết không chỉ khẳng định kiều bào là một phần không thể tách rời của dân tộc mà còn tạo động lực cho nhiều chính sách thiết thực. Những đóng góp về kiều hối, đầu tư và ý kiến chiến lược trong các lĩnh vực như chuyển đổi số, kinh tế xanh, trí tuệ nhân tạo là minh chứng rõ nét”.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đặc biệt đề cao vai trò của các hội đoàn người Việt ở nước ngoài. Qua đó khẳng định, các tổ chức này không chỉ là cầu nối giúp kiều bào gần gũi hơn với Tổ quốc, mà còn góp phần quan trọng trong thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Trong bối cảnh tình hình thế giới biến động phức tạp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh sự cần thiết của việc đổi mới công tác NVNONN, nhất là trong việc triển khai các chỉ đạo của Đại hội XIII, Nghị quyết 36 và Kết luận 12, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Qua đó, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức: Đẩy mạnh việc quán triệt chủ trương, chính sách về công tác NVNONN trong toàn hệ thống chính trị, các ngành, địa phương.

Thứ hai, cụ thể hóa hành động: Biến các chính sách thành kết quả thiết thực, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của kiều bào, đồng thời tận dụng nguồn lực của kiều bào cho sự phát triển quốc gia.

Thứ ba, hỗ trợ toàn diện: Cải thiện địa vị pháp lý, ổn định cuộc sống của cộng đồng người Việt ở nước ngoài, đồng thời hỗ trợ bảo tồn văn hóa, tiếng Việt.

Thứ tư, tăng cường phối hợp: Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong và ngoài nước, huy động toàn hệ thống chính trị tham gia công tác NVNONN.

Thứ năm, kiện toàn tổ chức: Xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao chuyên nghiệp, bản lĩnh, sáng tạo, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Kết thúc bài phát biểu, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã bày tỏ sự tin tưởng rằng: Với sự đoàn kết, đồng lòng của hơn 6 triệu đồng bào ta ở nước ngoài, cùng với sự nỗ lực không ngừng của các cơ quan trong nước, công tác NVNONN sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn hơn, góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới.

Kính thưa quý vị! Chương trình Podcast - Thời sự của Báo Công Thương đến đây xin được tạm dừng. Cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi và lắng nghe. Rất mong quý vị sẽ luôn đồng hành cùng chương trình của chúng tôi. Xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại trong những bài Podcast tiếp theo.

    Trước         Sau