Suy ngẫm về câu chuyện 'nhờ cậy' và 'thiệp báo hỷ' của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Những ngày này, đi đến đâu chúng ta cũng bắt gặp hình ảnh, hay những câu chuyện đời thường giản dị nhưng vô cùng thấm thía, đáng suy ngẫm liên quan đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người chiến sỹ cộng sản, nhà lãnh đạo xuất sắc, trí tuệ, bản lĩnh của người dân Việt Nam vừa mới qua đời.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn trăn trở, tâm huyết với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc (Ảnh: Vietnamplus) |
Trong đó, có một câu chuyện khiến nhiều người ấn tượng và dành thời gian suy ngẫm, đó là câu chuyện liên quan đến chiếc thiệp báo hỷ cưới con trai của Tổng Bí thư khi ông còn làm Chủ tịch Quốc hội. Qua lời kể của GS. Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ông đã giật mình khi thấy thiệp cưới con trai của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, nhưng lễ cưới đã qua mấy ngày.
“Tôi liền gọi cho Thư ký Chủ tịch Quốc hội, sau đó xem lại mới biết đó là thiệp báo hỷ. Đồng chí thư ký giải thích, ở Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng chỉ mời có hai người và đó là hai người bạn thực sự của ông. Ngay cả bác Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đều báo hỷ” – GS Nguyễn Minh Thuyết kể và hỏi lại người thư ký của Chủ tịch Quốc hội:
“Nhưng sao báo hỷ cũng phải đến sớm chứ sao lại đến muộn vậy” thì nhận được câu trả lời rằng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng dặn, “cưới xong mới được báo hỷ”.
Câu chuyện về một chiếc thiệp báo hỷ và lời dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với người thư ký khiến nhiều người suy ngẫm và thực sự nể phục. Bởi trên thực tế, đã từng có những người, sắp xếp làm đám cưới cho con trước khi nghỉ hưu để mời được nhiều bạn bè, đồng nghiệp đến dự, nhưng thực chất là để "tận thu" tiền mừng cưới, còn Tổng Bí thư của chúng ta lại đợi “cưới xong mới được báo hỷ”.
Một câu chuyện khác của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng khiến nhiều người nể phục về sự liêm khiết, thẳng thắn, đó là ông đã từ chối khi được chị gái của mình đề nghị giúp cháu ruột trong công việc, ông nói với chị gái mình: “cứ để cho các cháu tự phấn đấu, em không giúp được gì đâu”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sinh ngày 14/4/1944, mất ngày 19/7/2024 (Ảnh: Vietnamplus) |
Được biết, trong thời kỳ ông làm Chủ tịch Quốc hội, nhiều quan chức ở quê nhà cũng muốn nhờ cậy ông trong công việc, nhưng ông đều từ chối một cách thuyết phục bằng giọng nhẹ nhàng mà cương quyết. Quan điểm của Tổng Bí thư đã chứng minh cho chúng ta thấy, tư tưởng rõ ràng trong việc chặn đứng tình trạng thao túng công tác cán bộ, lạm dụng quyền lực, bổ nhiệm người nhà, người thân cần được thực hiện quyết liệt.
Nói về điều này, ông Trần Đình Đàn – nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh - người đã vinh dự được làm “người giúp việc” cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi ông giữ cương vị Chủ tịch Quốc hội cho rằng: Cả một nhiệm kỳ làm việc cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi ông giữ cương vị Chủ tịch Quốc hội, chưa bao giờ Tổng Bí thư hay vợ con của ông nhắc đến chuyện tạo điều kiện, cất nhắc anh em, họ hàng, người thân trong công việc. Đến cả đám cưới con của mình, Tổng Bí thư cũng chỉ mời các gia đình thân thiết và sau đó gửi thiệp báo hỷ chứ không muốn phiền đến ai.
“Một con người sống giản dị, liêm khiết, luôn hy sinh mình vì mọi người! Tổng Bí thư vẫn luôn nhắc nhở phải học và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ và chính ông là người học tập theo tấm gương của Bác rõ nhất” - ông Trần Đình Đàn nói.
Được nghe những câu chuyện về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi lại nhớ đến những câu nói nổi tiếng của ông. Trong đó, ấn tượng nhất là câu nói tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, ngày 15/9/2021: “Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho có ý nghĩa, để không phải xót xa, ân hận vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, vô liêm sỉ. Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất".
Đây cũng là câu nói đang được rất nhiều người dân chia sẻ trên mạng xã hội mấy ngày hôm nay, bởi nó đặc biệt đáng suy ngẫm trong bối cảnh hiện nay, khi nhiều người sống chạy theo lợi ích vật chất mà đánh mất danh dự của bản thân, trong đó có cả những đảng viên, những người giữ chức vụ cao trong xã hội.
Đó cũng là lý do, công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực vẫn là vấn đề Tổng Bí thư “đau đáu” trong suốt những năm cuối đời, ông mong muốn: “Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những phần tử hư hỏng, suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống”. Mong rằng, tâm huyết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong những năm tháng cuối đời sẽ sớm trở thành hiện thực, để vị thế của Việt Nam ngày càng được củng cố trên bản đồ khu vực và thế giới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sinh ngày 14/4/1944, mất ngày 19/7/2024. Với 80 năm tuổi đời, gần 57 năm tuổi Đảng, 14 năm trên cương vị Tổng Bí thư, hơn 2 năm trên cương vị Chủ tịch nước, hơn 5 năm trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn trăn trở, tâm huyết với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, cùng với Trung ương Đảng, Chính phủ lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đạt được nhiều thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. |