Sương mù dày đặc ngày Tết ông Công ông Táo: Ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe
Theo các chuyên gia, sương mù là hiện tượng thường phổ biến trong mùa Đông. Ngoài việc làm giảm tầm nhìn, gây nguy hiểm khi lái xe, sương mù còn ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, đặc biệt khi sương mù chứa nhiều tạp chất ô nhiễm và bao phủ không gian suốt cả ngày.
Sương mù dày đặc ngày Tết ông Công ông Táo |
Chia sẻ về vấn đề này, Phó GS.TS Trần Đắc Phu – Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) – nhận định, thời tiết sương mù khi bụi ô nhiễm không bay cao lên được, đặc biệt dịp Tết nhu cầu đi lại nhiều, khí độc từ các phương tiện giao thông tích tụ lại, ngoài ra bụi mịn cũng tăng lên. Nếu không may hít phải khí độc, bụi mịn sẽ nguy hiểm lớn cho sức khỏe, dễ mắc các bệnh nguy hiểm đến đường hô hấp, xương khớp.
Giới chuyên gia giải thích, lý do sương mù tác động đến hệ hô hấp của con người do hít thở không khí trong sương mù, có nghĩa là lá phổi phải tiếp xúc với không khí lạnh và nhiều nước. Điều này có thể gây ớn lạnh và kích ứng gây ho, sổ mũi. Ở những người có khả năng miễn dịch kém hoặc có bệnh lý hô hấp sẵn, sương mù có thể dẫn đến các vấn đề hô hấp nghiêm trọng hơn.
Hơn thế, nếu sương mù xuất hiện khi môi trường bị ô nhiễm, các bụi mịn hoặc tạp chất dễ dàng đi vào phổi hoặc đường hô hấp, gây viêm và kích ứng. Chẳng hạn như lưu huỳnh thường có nồng độ cao hơn trong không khí có sương mù và gây co thắt phổi.
Ngoài bệnh hô hấp, chuyên gia cũng khuyến cáo sương mù ô nhiễm có thể gây đau mắt. Đặc biệt sương mù ở những nơi có môi trường, không khí bị ô nhiễm cao, tiếp xúc lâu dễ gây kích ứng màng trong mắt, dẫn đến nhiễm trùng mắt, đau mắt, khiến cho mắt sưng và tấy đỏ.
Sương mù cũng có thể làm tăng tình trạng đau khớp; khiến người mắc bệnh tim cảm thấy khó chịu hơn, nhất là người cao tuổi, người có hệ tuần hoàn kém do tuổi tác, có nguy cơ cao bị suy tim cao hơn vào những buổi sáng nhiều sương mù. Nhất là khi nhiệt độ thấp hơn có thể khiến mạch máu bị thu hẹp. Điều này có nghĩa là tim phải làm việc nhiều hơn để di chuyển máu đi khắp cơ thể. Vì sương mù lấy đi hơi ấm của cơ thể nên khiến nhịp tim và huyết áp của tăng lên khi tim phải làm việc nhiều hơn để thực hiện công việc của mình.
Để phòng tránh tác động xấu của sương mù tới sức khoẻ, chuyên gia khuyến cáo người dân cần phải có chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi, ăn uống và phòng tránh lành mạnh.
Cụ thể: Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ giúp cho hệ miễn dịch luôn khỏe mạnh, phòng được sự tấn công của bệnh tật. Theo đó, mỗi người nên ăn các loại thực phẩm giàu vitamin C, vitamin A, C, D, đây là những vi chất có vai trò rất quan trọng trong việc tăng sức đề kháng cũng như ngăn ngừa tác động tiêu cực của các chất oxy hóa tới cơ thể.
Đeo khẩu trang đúng cách khi ra ngoài, để tránh không hít phải không khí lạnh, khói bụi độc hại, khói, carbon monoxide và các hạt khác. Viện Sức khỏe và An toàn Lao động Quốc gia (NIOSH) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Hoa Kỳ khuyến nghị mọi người nên sử dụng khẩu trang N95.
Tuy nhiên, những bệnh nhân mắc bệnh tim mạch hoặc phổi mãn tính có thể bị khó thở và thiếu oxy do lực cản đường hô hấp lớn gây ra khi đeo loại khẩu trang này. Do vậy, những bệnh nhân này nên ở trong nhà nhiều hơn, nếu cần ra ngoài thì nên đi ô tô thay vì xe máy hoặc xe đạp.
Vệ sinh cá nhân sạch sẽ: Rửa mặt, súc miệng, nhỏ mắt và làm sạch khoang mũi để loại bỏ cặn bẩn trên cơ thể sau khi vào phòng, điều này sẽ giúp tránh được tác hại của những chất ô nhiễm có trong sương mù sau khi ở bên ngoài. Tốt nhất nên rửa mặt bằng nước ấm để rửa sạch các hạt mịn trên mặt. Dùng tăm bông ẩm lau sạch khoang mũi và nhỏ nước muối sinh lý để làm sạch mắt.
Hạn chế tập thể dục ngoài trời khi có sương mù và thời tiết bị ô nhiễm, nên tập thể dục trong nhà, hạn chế ra bên ngoài.