Cơn bão số 3 (bão Yagi) năm Giáp Thìn 2024 vào miền bắc
Trận bão Yagi khiến khu phố Nhà Thờ (Hà Nội) tan hoang. Ảnh: Trần Đình |
Trong hai ngày 6-7/9 năm Giáp Thìn 2024, cơn bão số 3 (bão Yagi) đã đổ bộ vào đất liền khu vực các tỉnh phía Bắc. Dù đã có sự chuẩn bị kỹ càng trong công tác phòng chống bão của cả chính quyền, người dân, mức công phá của cơn bão vẫn được cho là ngoài sức tưởng tượng.
Theo thông tin từ Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cơn bão số 3 là cơn bão rất đặc biệt, bắt nguồn từ phía đông của Philippines và đã mạnh lên thành siêu bão trên Biển Đông. Đây cũng là cơn bão mạnh nhất trên Biển Đông trong vòng 30 năm trở lại đây.
Báo cáo cho biết sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh đạt cấp 16, giật trên cấp 17. Đáng chú ý, vào thời điểm tới đất liền Quảng Ninh - Hải Phòng, sức gió mạnh nhất ở cấp 13 - cấp 14, giật cấp 16 - cấp 17.
Bên cạnh đó, hoàn lưu bão Yagi tạo nên phạm vi ảnh hưởng rộng khắp khu vực Bắc bộ - Thanh Hóa (26 tỉnh, thành phố) gây mưa lớn cho khu vực này, nhất là khu vực miền núi phía bắc.
Về tình hình thiệt hại do Bão số 3 gây ra, tính đến 10h ngày 8/9 đã ghi nhận 14 người tử vong và 176 người bị thương. Về tài sản, bị chìm, trôi dạt, mắc cạn, mất tích 38 phương tiện trên địa bàn ven biển tỉnh Quảng Ninh; hư hỏng, tốc mái 744 nhà (Quảng Ninh 300, Bắc Giang 89, Lạng Sơn 158, Vĩnh Phúc 4, Yên Bái 49, Hải Phòng 1, Hòa Bình 57, Thái Bình 15, Hà Nam 9, Thanh Hóa 62); hư hỏng 2 trường học (Vĩnh Phúc 1, Thái Bình 1); hư hại 9.028 ha lúa, hoa màu (Yên Bái 81, Hòa Bình 47, Thái Bình 500, Hà Nam 6.300, Hải Dương 500, Hà Nội 1.600).
Trận đại hồng thủy năm Giáp Thìn 1964
Trận đại hồng thủy tại miền Trung năm Giáp Thin 1964. Ảnh: Tư liệu |
Cũng vào năm năm Giáp Thìn 1964, đồng bào miền Trung đã hứng chịu trận lũ lụt lịch sử, tạo nên sự thảm khốc cho các tỉnh thành từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định. Trong đó, tỉnh Quảng Nam lúc bấy giờ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Theo ghi chép lịch sử, vụ lũ lụt khiến xác người, gia súc, gia cầm bị cuốn theo dòng nước về tận vùng biển, ùn ứ lại thành 1 bờ đê.
Làng Đông An (xã Quế Phước, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) là nơi hứng chịu tang thương nhiều nhất khi lũ đã cuốn trôi toàn bộ nhà cửa, san bằng làng mạc. Đặc biệt, trận lụt đã cuốn gần hết người trong làng, tổng cộng 1.481 người chết, chỉ sống sót được 19 người.
Cơn bão bất ngờ vào đồng bằng Nam bộ năm Giáp Thìn 1904
Bài tường thuật về trận bão năm Giáp Thìn vào miền Nam. Ảnh: Tư liệu |
Nam bộ được biết đến là vùng đất lành, hiếm khi có bão lụt nhưng trận bão kinh hoàng năm Giáp Thìn 1904 tại Bà Rịa - Vũng Tàu đến tận Rạch Giá, Cà Mau đã làm nhiều người bất ngờ. Riêng khu vực Gò Công, Định Tường, có hơn 5.000 người chết, tài sản thiệt hại không tính nổi.
Theo thống kê của chính quyền tỉnh Định Tường và Gò Công lúc bấy giờ, có hơn 5.000 người chết, súc vật thì mười phần chết tám và hơn phân nửa nhà dân bị sập.
Nam Kỳ tuần báo số 85, ra ngày 8/6/1944, có bài Trận bão năm Thìn của Mỹ Xuân tường thuật khá chi tiết về cơn bão này trên đất Sài Gòn: ''Có đến 900 trăm cây lớn trốc gốc nằm ngổn ngang trên các con đường, lá cây rụng lấp cả đường đi. Nhà lá thì trốc lá bay tứ tung khắp nơi, phủ dày mặt đường có chỗ lên đến 2 mét. Trong chợ, các thớt thịt ngã đổ chất đống lên nhau''.