Thứ sáu 25/04/2025 04:18

Sự thật giật mình về nước chanh 'chữa bách bệnh' và khuyến cáo của bác sĩ

Trào lưu "nước chanh chữa bách bệnh" gây "sốt" mạng xã hội, tuy nhiên, bác sĩ cảnh báo sử dụng chanh sai cách có thể gây hại, nguy hiểm sức khỏe.

Lan truyền trào lưu "chanh thải độc" trên mạng xã hội

Thời gian gần đây, mạng xã hội lan truyền rầm rộ thông tin uống nước cốt chanh lúc bụng đói có thể "thải độc", "chữa bệnh""trẻ hóa cơ thể". Nhiều người dùng Facebook đã chia sẻ công khai thói quen uống chanh với liều lượng cao vào buổi sáng, coi đây như một phương pháp thay thế điều trị y học, bất chấp những rủi ro tiềm ẩn.

Trên tài khoản cá nhân mang tên P.T.X. chia sẻ, hiện mỗi sáng, người này uống từ 10 - 15 quả chanh, tương đương 200 - 250 ml nước cốt chanh, thậm chí có lúc lên tới 500 ml.

Nhiều tài khoản Facebook chia sẻ việc uống nước cốt chanh vào buổi sáng. Ảnh chụp màn hình

Trong khi đó, trên một trang Facebook cá nhân có tên N.T., người dùng này chia sẻ kinh nghiệm cá nhân về việc uống nước cốt chanh mỗi sáng. Theo nội dung bài viết, người này bắt đầu bằng 1 - 5 quả chanh, sau đó tăng lên 5 - 10 quả sau khi ngủ dậy và khuyến cáo chỉ nên ăn sau đó 60 phút.

Bài viết khẳng định, chanh là loại quả "thải độc gan mạnh nhất" với cơ chế được lý giải là gan sẽ "kéo các chất độc giấu kỹ" ra ngoài, rồi "chỉ huy thận đào thải qua nước tiểu và mồ hôi". Tác dụng được mô tả là "giúp da sáng, dáng thon, trẻ hóa cơ thể từ 5 - 10 tuổi chỉ sau vài ngày".

Không chỉ vậy, tài khoản này còn nhấn mạnh, nước cốt chanh có thể chữa khỏi các bệnh về dạ dày, trào ngược, đại tràng và tuyên bố không còn cao răng, viêm lợi hay chảy máu chân răng nhờ uống chanh mỗi sáng.

Dưới phần bình luận của bài đăng, nhiều người cho biết, đã làm theo hướng dẫn này. Đáng chú ý, có người còn chia sẻ đã nâng liều nước cốt chanh lên tới 20 quả mỗi ngày, với niềm tin đây là "cách sống lành mạnh và tự nhiên nhất".

Bài viết chia sẻ việc dùng nước cốt chanh nhỏ mắt, mũi, tai nhận nhiều ý kiến. Ảnh: Ảnh chụp màn hình

Không dừng lại ở trào lưu uống nước cốt chanh, trên mạng xã hội hiện xuất hiện nhiều bài đăng hướng dẫn dùng nước cốt chanh nguyên chất nhỏ trực tiếp vào mắt, mũi, tai với mục đích chữa các bệnh viêm mũi dị ứng, viêm tai, ho, viêm mắt.

Các nội dung này thu hút hàng nghìn lượt chia sẻ, bình luận, trong đó nhiều người bày tỏ đã thử làm theo, tin rằng đây là phương pháp "tự nhiên, an toàn, không cần thuốc tây".

Một số người dùng thậm chí khẳng định chỉ cần 1 - 2 ngày nhỏ nước chanh là "hết các bệnh liên quan đến tai, mũi, họng". Thậm chí, có người còn khuyên dùng cách này cho trẻ nhỏ, bất chấp những nguy cơ tiềm ẩn nghiêm trọng đối với sức khỏe.

Không có bằng chứng khoa học về "chanh chữa bệnh"

ThS.BS Đoàn Thu Hồng - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - cho biết, chanh là loại quả có giá trị dinh dưỡng cao, chứa ít calo nhưng giàu vitamin C. Cụ thể, trong mỗi quả chanh có khoảng 18,6 mg vitamin C, tương đương 21% nhu cầu khuyến nghị hàng ngày.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Hồng, việc sử dụng nước chanh không đúng cách, đặc biệt là uống quá nhiều, uống khi đói bụng hoặc dùng nước cốt chanh nguyên chất không pha loãng có thể gây ra nhiều tác động bất lợi đối với sức khỏe.

Cụ thể, hàm lượng acid cao trong chanh có thể làm tổn thương niêm mạc dạ dày, dẫn đến viêm loét, trào ngược, ợ nóng nếu sử dụng sai thời điểm hoặc lạm dụng. Ngoài ra, để giảm vị chua, nhiều người có xu hướng cho thêm đường vào nước chanh, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh béo phì, tiểu đường, tim mạch và huyết áp cao.

Bác sĩ Hồng cũng lưu ý, axit citric trong chanh có thể làm mòn men răng, khiến răng ê buốt, dễ sâu và yếu, đồng thời làm các vết loét trong miệng lâu lành hơn. Đặc biệt, chanh chứa acid amin tyramine, nếu sử dụng với liều lượng lớn có thể gây đau nửa đầu do tác động đến lưu lượng máu lên não.

Chuyên gia khuyến cáo, người dân nên sử dụng nước chanh điều độ, pha loãng với nước lọc, tránh uống lúc đói và hạn chế thêm đường để đảm bảo lợi ích sức khỏe mà không gây tác dụng ngược.

Việc lạm dụng nước chanh có thể tổn hại sức khỏe nghiêm trọng. Ảnh: Mạng xã hội

Cảnh báo về trào lưu nhỏ nước cốt chanh vào mắt, mũi, tai lan truyền trên mạng xã hội, bác sĩ Trương Hữu Khanh - chuyên gia dịch tễ học, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I (TP. Hồ Chí Minh) khẳng định: Chưa có bất kỳ tài liệu khoa học nào công nhận hiệu quả của phương pháp này.

Ngược lại, theo bác sĩ Khanh, thành phần acid citric trong nước chanh có thể gây bỏng rát, xung huyết, viêm kết mạc, thậm chí loét giác mạc nếu tiếp xúc kéo dài với mắt.

Đối với mũi và tai, việc tiếp xúc với acid mạnh như nước chanh có thể làm mất lớp bảo vệ tự nhiên, gây kích ứng, chảy máu mũi và trong trường hợp nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến thủng màng nhĩ nếu chanh thâm nhập sâu vào ống tai.

Các nghiên cứu y học cho thấy, mắt, mũi, tai là những khu vực có niêm mạc vô cùng nhạy cảm, chỉ cần một lượng nhỏ acid cũng đủ gây kích ứng mạnh hoặc tổn thương mô mềm. Một nghiên cứu về tác động của acid citric với giác mạc đã chỉ ra rằng, chỉ một lượng rất nhỏ có thể làm mỏng biểu mô giác mạc, gây sẹo, ảnh hưởng đến thị lực lâu dài.

"Ở trẻ nhỏ, nguy cơ càng cao do niêm mạc mỏng yếu và cơ chế bảo vệ tự nhiên còn kém phát triển", bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết, việc người dân làm theo những phác đồ điều trị lan truyền trên mạng xã hội, không có cơ sở khoa học là rất nguy hiểm, thậm chí có thể gây tử vong.

Theo bác sĩ Nguyên, hiện nay đang xuất hiện nhiều hình thức quảng cáo chữa bệnh thổi phồng công dụng, nhằm thu hút người dân tự ý điều trị sai chuyên môn, đi ngược lại nguyên tắc y khoa, gây hậu quả nặng nề cho người bệnh.

"Những nội dung tuyên truyền sai lệch, thiếu kiểm chứng đang gây ra hệ lụy lớn cho sức khỏe cộng đồng. Có những trường hợp người bệnh nhẹ nhưng điều trị sai cách dẫn tới biến chứng, tổn thương nội tạng hoặc tử vong", bác sĩ Nguyên nhấn mạnh.

Ông cũng đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm minh các hành vi quảng cáo sai sự thật, để chấm dứt hiện tượng chữa bệnh phản khoa học lan truyền tràn lan trên mạng xã hội, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Thảo Nguyên
Bài viết cùng chủ đề: Bệnh viện Bạch Mai

Tin cùng chuyên mục

Thông tin về tiền lương cán bộ cấp tỉnh sau sắp xếp

Thủ tướng bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Mạnh Khương

Khánh thành Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, quy mô 1.000 giường

Boeing dự báo Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á về tăng trưởng hàng không đến 2043

Nông thôn mới và cơ hội từ kinh tế tuần hoàn​

Khởi nghiệp học đường: Ươm mầm thế hệ doanh nhân mới

'Hòa bình đẹp lắm' trong trái tim người trẻ Việt

Bổ nhiệm lại Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn

Từ 1/7: UBND cấp xã được chỉ định kế thừa thỏa thuận quốc tế

Thời tiết hôm nay 24/4: Hà Nội có mưa rào và dông

Thời tiết biển hôm nay 24/4/2025: Hầu hết vùng biển không mưa

Bình Điền: Bứt phá vượt khó, hướng đến phát triển bền vững

834 tỷ đồng tri ân người có công với cách mạng

Cháy nổ do điện: Cảnh báo từ sau công tơ

Bộ Y tế đề nghị xử lý hình sự Tiktoker bán hàng xách tay, trốn thuế

'Thống nhất đất nước' trong từng khoảnh khắc đời thường

Người dân tất bật chuyển đồ trước ngày dỡ Hàm Cá Mập

Trang sử bằng công nghệ, Báo Nhân Dân công bố đợt truyền thông lớn chưa từng có

Tín dụng chính sách thúc đẩy mô hình nông thôn mới

Thủy điện A Vương đồng hành Quỹ học bổng Vừ A Dính