"Sử dụng vốn Nhà nước hiệu quả, tối ưu nguồn lực để phát triển"
Đúng ngày này 76 năm về trước (13/10/1945), ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho giới Công Thương Việt Nam, có đoạn: "...Hiện nay Công thương cứu quốc đoàn đương hoạt động để làm được nhiều việc ích lợi quốc dân. Tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt.
Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh động viên công nhân Nhà máy Thuỷ điện Đồng Nai thuộc Tổng công ty phát điện 1, Tập đoàn Điện lực Việt Nam |
Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh kiểm tra sản xuất tại Nhà máy Cao su Đắk Lắk, Tập đoàn Cao su Việt Nam |
Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới Công Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế, tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng...". Đến ngày 20/4/2004, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải ký Quyết định số 990/ QĐ-TTg chính thức lấy ngày 13/10 hằng năm làm Ngày Doanh nhân Việt Nam, mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc.
Mới đây nhất, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài viết quan trọng: "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", như một thông điệp khẳng định mạnh mẽ ý chí của toàn Đảng, toàn dân tiếp tục hành trình và vững bước trên con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.
Đồng chí Tổng Bí thư khẳng định, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta. Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố và phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã hiện thực hóa chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước đề ra từ nhiều năm, đó là tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu vốn của Nhà nước với chức năng quản lý hành chính nhà nước đối với mọi loại hình doanh nghiệp; Tập trung, thống nhất, chuyên trách, chuyên nghiệp việc thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp về một đầu mối; Thúc đẩy, tạo điều kiện quan trọng cho các Bộ chuyên ngành tập trung nguồn lực vào việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước.
Sau khi chuyển về Ủy ban, nhìn chung, 19 Tập đoàn, Tổng Công ty đã hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh; tổng giá trị vốn nhà nước được bảo toàn, phát triển; tổng doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách và thu nhập bình quân của người lao động tăng lên, một số Tập đoàn, Tổng công ty đạt kim ngạch xuất khẩu lớn. Các Tập đoàn, Tổng Công ty hoạt động sản xuất, kinh doanh trong những lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế đã thể hiện rõ vai trò trong việc góp phần bảo đảm một số cân đối lớn của nền kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng; đóng góp lớn trong xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; là công cụ quan trọng để thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, đối phó với những biến động thị trường, kiềm chế lạm phát, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, nền kinh tế nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều Tập đoàn, Tổng Công ty vẫn ghi nhận kết quả khích lệ. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đạt tổng doanh thu hợp nhất 299.300 tỷ đồng, vượt 20% kế hoạch 6 tháng, bằng 61% kế hoạch năm 2021 và tăng 22% so với cùng kỳ năm 2020, nộp NSNN thực hiện 6 tháng đầu năm 2021 toàn Tập đoàn đạt 45,2 nghìn tỷ đồng vượt 42% kế hoạch 6 tháng, bằng 72% kế hoạch năm 2021 và tăng 33% so với cùng kỳ 2020.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đạt tổng doanh thu hợp nhất 299.300 tỷ đồng, vượt 20% kế hoạch 6 tháng đầu năm 2021 |
Đối với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, doanh thu toàn Tập đoàn đạt 11.548 tỷ đồng, gấp 1,7 lần cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt 2.282 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch cả năm và gấp 2.7 lần so với nửa đầu năm 2020. Đặc biệt sự “thần tốc” của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) khi công ty mẹ chuyển từ lỗ cùng kỳ sang lãi trước thuế tới 44,5 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, vượt xa kế hoạch của cả năm 2021 (983 triệu đồng).
Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã đẩy mạnh tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước. Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) là doanh nghiệp đầu tiên được Ủy ban phê duyệt quyết toán cổ phần hóa tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần. Việc hoàn thành cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) và Công ty mẹ - Tổng Công ty Phát điện 2 (Genco 2) đều gây được tiếng vang.
Ủy ban đã cùng với 19 Tập đoàn, Tổng công ty có những đóng góp lớn, thiết thực cho công tác phòng, chống dịch như: ủng hộ khoảng 2.600 tỷ đồng vào quỹ vắc-xin phòng COVID-19; tặng hơn 100.000 máy tính cho chương trình “Sóng và máy tính cho em”; hỗ trợ người dân về giá điện (khoảng 15.000 tỷ đồng qua 4 đợt triển khai), viễn thông (gói cam kết ước tính 8.000 tỷ đồng), xăng dầu cùng với nhiều trang thiết bị y tế khác phục vụ công tác phòng, chống dịch của đất nước... |
Tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 27/4/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, Uỷ ban đã xây dựng dự thảo đề án “Khuyến khích khu vực đầu tư nước ngoài mua phần vốn tại doanh nghiệp nhà nước” - được xem là điểm sáng khiến các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm, đem lại lợi ích trước mắt và lâu dài cho nhiều bên liên quan, bao gồm cả nhà nước, doanh nghiệp và các cổ đông. Điều này kỳ vọng 19 tập đoàn, tổng công ty sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm vị thế cạnh tranh quốc gia.
Trong vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của 12 dự án, doanh nghiệp ngành Công Thương, Ủy ban đã đánh giá thực trạng từng dự án, đưa ra phương án xử lý phù hợp tình hình thực tế, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho Nhà nước. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định đưa 3 dự án ra khỏi danh sách theo dõi, xử lý, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo gồm: Nhà máy sản xuất phân bón DAP-1 Hải Phòng, Nhà máy Nhiên liệu sinh học Phú Thọ, Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bình Phước.
Bên cạnh đó, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phòng, chống đại dịch COVID-19, Ủy ban đã cùng với 19 Tập đoàn, Tổng công ty có những đóng góp lớn, thiết thực cho công tác phòng, chống dịch như: ủng hộ khoảng 2.600 tỷ đồng vào quỹ vắc-xin phòng COVID-19; tặng hơn 100.000 máy tính cho chương trình “Sóng và máy tính cho em”; hỗ trợ người dân về giá điện (khoảng 15.000 tỷ đồng qua 4 đợt triển khai), viễn thông (gói cam kết ước tính 8.000 tỷ đồng), xăng dầu cùng với nhiều trang thiết bị y tế khác phục vụ công tác phòng, chống dịch của đất nước...
Trong bối cảnh phát triển nền kinh tế tri thức và hội nhập kinh tế quốc tế, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là đúng đắn, phù hợp với điều kiện của nước ta và là tiêu chí quan trọng bảo đảm tính định hướng XHCN cho nền kinh tế.
Ủy ban xác định triển khai thật tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ bằng những chương trình, kế hoạch công tác cụ thể, phù hợp thực tế, có tính khả thi cao, nhằm xây dựng Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là một cơ quan chuyên trách, chuyên nghiệp thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhằm tách chức năng quản lý nhà nước ra khỏi chức năng quản lý vốn tại doanh nghiệp. Các bộ quản lý ngành tiếp tục chủ trì các nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp theo ngành, lĩnh vực được phân công.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để đảm bảo việc sử dụng vốn nhà nước có hiệu quả; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển; không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; tiếp tục thực hiện tái cơ cấu, đổi mới và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại doanh nghiệp nhà nước, với nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế; huy động các nguồn lực xã hội, tiếp tục đưa doanh nghiệp nhà nước giữ vị trí then chốt; chủ động ứng phó, vượt qua những khó khăn.