Hệ thống điện mặt trời áp mái phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam |
Hiện, tỷ lệ tiêu thụ năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp nước ta chiếm hơn 47% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc với tiềm năng tiết kiệm lên tới 30 - 40%. Để đảm bảo an ninh năng lượng, Việt Nam đã có nhiều chính sách khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng mới thân thiện môi trường và yêu cầu doanh nghiệp sử dụng năng lượng xanh, tiết kiệm, hiệu quả.
Theo ông Sven Ernedal - Giám đốc Dự án Năng lượng tái tạo và Hiệu quả năng lượng (4E)/GIZ, để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, Việt Nam cần phát triển nền kinh tế dựa trên việc tiêu thụ điện chứ không phải tiêu thụ năng lượng. Tuy nhiên, song song với phát triển các nguồn điện mới, yêu cầu đặt ra cho nền kinh tế Việt Nam là phải sử dụng năng lượng hiệu quả, bền vững. Nguồn năng lượng xanh ở Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ với Quyết định 10 và 11 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có hàng nghìn nhà đầu tư tham gia lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời áp mái, từ hộ gia đình nhỏ lẻ đến doanh nghiệp, khu công nghiệp. Đầu năm 2020, khi Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 được ban hành, thị trường năng lượng tái tạo của Việt Nam sẽ phát triển nhanh chóng trong thời gian tới. “Đây là cơ hội cho Việt Nam phát triển công nghiệp nội địa, bởi chính sách lớn cần phải hướng đến công nghệ bán dẫn. Hiện, công nghệ bán dẫn thế giới đã bước sang thế hệ thứ 3 mà Việt Nam chưa đạt được” - ông Sven Ernedal nhận định.
Làm sao để sử dụng năng lượng xanh hiệu quả? Điều gì sẽ xảy ra khi có hàng triệu nhà đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà, chắc chắn gánh nặng đó sẽ “đè lên vai” Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), khi thời điểm nắng nhiều vào buổi trưa mà các hộ gia đình hầu như ít sử dụng. Việt Nam cũng chưa có chính sách yêu cầu các nhà đầu tư điện mặt trời áp mái phải đầu tư thiết bị điều khiển công suất phát hoặc cam kết phải sử dụng sản lượng điện bao nhiêu còn lại mới được phát lên lưới. Để giải quyết vấn đề này, ông Sven Ernedal cho biết, dự án đang phối hợp với các cơ quan của Việt Nam xây dựng cơ chế, chính sách cho phát triển thị trường điện mặt trời tại Việt Nam giai đoạn 2030 -2045. Trong đó, yêu cầu các nhà đầu tư phải đầu tư thiết bị lưu giữ lượng điện dư thừa để có thể truyền tải vào thời điểm điều kiện thời tiết không thuận lợi hoặc thời điểm nhu cầu thị trường điện tăng cao, đi kèm với đó là lưới điện thông minh cũng sẽ được xây dựng. Tuy nhiên, chi phí đầu tư bộ lưu giữ điện rất đắt, kinh nghiệm tại Đức và các nước phát triển là khuyến khích hộ gia đình đầu tư bộ lưu giữ điện và bán ra lúc cao điểm với giá cao để có tiền bù đắp chi phí đầu tư. Đây là bài toán khó đối với Việt Nam.
Sử dụng năng lượng hiệu quả là một bài toán lâu dài, đòi hỏi Chính phủ, doanh nghiệp phải có chính sách cụ thể có tầm nhìn dài hạn, giải pháp đồng bộ và linh hoạt các giải pháp phù hợp với điều kiện của nền kinh tế, mô hình của doanh nghiệp. “Điều chúng ta cần là chính sách và thị trường năng lượng điện mặt trời tốt” - ông Sven Ernedal chia sẻ.
Việc phát triển các nguồn năng lượng xanh, nhà máy “xanh”, không chỉ là hoạt động chiến lược mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia, doanh nghiệp, xã hội, mà còn nâng cao trách nhiệm, duy trì hình ảnh quốc gia, doanh nghiệp trong mối quan hệ cộng đồng, quốc tế. |