Startup chuyên tổ chức leo núi toàn thua lỗ vẫn được lòng 5 'cá mập'
Được thành lập bởi Founder Đinh Bạt Hoàng và Co-Founder Võ Thị Ngọc Thảo, Tổ Ong Adventure là đơn vị chuyên nghiệp trong việc tổ chức các hoạt động trekking, leo núi trên khắp Việt Nam. Với hơn 18 cung đường trải dài từ Nam ra Bắc, Tổ Ong không chỉ mang đến trải nghiệm cho người yêu thích thiên nhiên mà còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.
Đinh Bạt Hoàng, Founder Tổ Ong (Trái) và Võ Thị Ngọc Thảo, Co-Founder (Ảnh: Shark Tank Việt Nam) |
Biểu tượng "đôi dép tổ ong" của công ty thể hiện tinh thần bền bỉ, vượt qua khó khăn và thử thách giống như những chuyến leo núi gian nan nhưng đầy cảm hứng mà công ty đang khai thác. Được trang bị đội ngũ chuyên gia đi rừng với kiến thức và kỹ năng chuyên môn cao, Tổ Ong luôn đặt sự an toàn của khách hàng lên hàng đầu, đồng thời cam kết khai thác du lịch bền vững, không gây tổn hại tới môi trường.
Trước khi đến với Tổ Ong, anh Đinh Bạt Hoàng từng là sinh viên tốt nghiệp ngành du lịch. Năm 2012, với kinh nghiệm đi khảo sát mở các tuyến rừng cho một số vườn quốc gia ở Việt Nam thông qua việc đi cứu hộ, cứu nạn ở trong rừng. Có nhiều kinh nghiệm di chuyển đi từ rừng này sang rừng khác và đọc rất nhiều tài liệu.
“Lúc đó du lịch leo núi còn sơ khai, các bạn hay rủ nhau đi trên các cung đường tự do, không có một tour hay công ty nào đảm bảo an toàn cho mọi người. Nhận thấy được nhiều vấn đề liên quan đến rủi ro trong cung đường thì bắt đầu từ 2019 em cùng các bạn Co-Founder của Tổ Ong đã cho ra đời đứa con tinh thần của tụi em.” anh Hoàng chia sẻ.
Bắt đầu từ việc khám phá và khai thác các cung đường leo núi an toàn cho các vườn quốc gia, Hoàng chia sẻ rằng Tổ Ong không chỉ đơn thuần là một công ty du lịch mà còn là một người bạn đồng hành đáng tin cậy của thiên nhiên, cam kết không gây tổn hại đến môi trường trong quá trình khai thác các hoạt động ngoài trời.
Tuy vậy, startup này đã trải qua giai đoạn khởi đầu không mấy suôn sẻ. Trong 3 năm đầu (2019-2021), công ty liên tục lỗ do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và nhu cầu du lịch giảm mạnh. Từ năm 2022, tình hình kinh doanh của công ty có phần khả quan hơn khi đạt mức lợi nhuận sau thuế đạt 9% tương đương với gần 4 tỷ đồng.
Đến năm 2023, đạt doanh thu ấn tượng lên đến 89 tỷ đồng với 12% lợi nhuận sau thuế. Tính đến thời điểm hiện tại cộng luôn cả số vốn thực góp hiện đang có khoảng 19 tỷ 2. Vốn chủ sở hữu hiện đang là 7 tỷ, lỗ lũy kế tầm khoảng 7 tỷ. Từ thời điểm cho ra đời Tổ ong đến nay hiện vẫn chưa có bất kỳ khoản vay nợ cũng như hoạt động vay tài chính nào.
"Trong những năm dịch, Tổ Ong đã có một sản phẩm chủ chốt để gánh được khoản doanh thu. Thời điểm đó Tổ Ong cho bán thẻ Adventure Pass với giá khoảng 22 triệu, khách hàng có thể trải nghiệm bất cứ cung đường nào của Tổ Ong không giới hạn trong vòng 12 tháng", Chị Võ Thị Ngọc Thảo cho biết.
Xuất hiện trên Shark Tank Việt Nam mùa 7 vào tối qua, Tổ Ong Adventure kêu gọi 5 tỷ đồng cho 5% cổ phần nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh và phát triển thêm các mô hình "Basecamp" (Trại căn cứ), nơi khách hàng có thể trải nghiệm những hoạt động thể thao ngoài trời như leo núi, glamping, camping.
Hiện tại, Tổ Ong đã có hai Basecamp tại Ninh Thuận và Hòa Bình và mục tiêu trong vòng 5 năm tới, công ty dự kiến triển khai 5 mô hình Basecamp mới bao gồm các dịch vụ glamping và amping, với khả năng phục vụ tới 150 khách mỗi trại.
Theo chị Thảo chia sẻ: “Định hướng nơi đây sẽ trở thành trung tâm cho các hoạt động thể thao, trải nghiệm, mạo hiểm không chỉ dừng lại ở các hoạt động leo núi. Có thể tích hợp thêm những hoạt động khác dành cho đa dạng đối tượng hơn. Không chỉ dừng lại ở các bạn trẻ mà là nhắm tới các lượng khách doanh nghiệp và khách du lịch nước ngoài.”
Đây là bước đi chiến lược nhằm không chỉ mở rộng quy mô mà còn nâng cao chất lượng dịch vụ, mang lại những trải nghiệm độc đáo cho khách hàng cả trong nước lẫn quốc tế.
Tổ Ong Adventure đã gây ấn tượng mạnh với các nhà đầu tư bằng tầm nhìn phát triển dài hạn và cam kết bền vững với thiên nhiên. Shark Thái nhận thấy cơ hội lớn trong lĩnh vực du lịch mạo hiểm mà Tổ Ong đang khai thác, là người đầu tiên lên tiếng với đề nghị đầu tư mạnh tay.
Đề nghị của Shark Thái là khoản đầu tư 1 triệu đô la cho 36% cổ phần của công ty. Lý do mà Shark Thái đưa ra là ông không có nhiều chuyên môn trong lĩnh vực này, nhưng Shark Thái cam kết sẽ giúp startup giải quyết các vấn đề quản trị và tài chính hiện tại bằng nguồn tài chính và đưa khách hàng từ hệ sinh thái của mình đến công ty. Tuy nhiên, vì không có chuyên môn trong ngành, ông mong muốn chia sẻ rủi ro và quyền kiểm soát với Shark Bình và Shark Nga.
Mặc dù đề nghị từ Shark Thái là một cơ hội lớn về mặt tài chính, nhưng nó cũng đặt ra thách thức lớn cho Tổ Ong, vì việc chia sẻ 36% cổ phần ngay từ giai đoạn đầu có thể làm giảm quyền kiểm soát của công ty đối với định hướng phát triển trong tương lai.
Ngược lại, Shark Minh và Shark Hưng đưa ra lời đề nghị 5 tỷ đồng cho 10% cổ phần, với mỗi người góp 2,5 tỷ đồng. Cách tiếp cận của họ là chia sẻ quyền sở hữu đồng đều và định giá doanh nghiệp cao hơn so với Shark Thái. Đề nghị này cho thấy Shark Minh và Shark Hưng tin tưởng vào tiềm năng phát triển của doanh nghiệp và sẵn sàng tham gia với tỷ lệ cổ phần thấp hơn nhưng mang lại giá trị cao hơn trong tương lai.
Shark Minh còn bổ sung thêm rằng, việc giữ lại cổ phần lớn sẽ giúp Tổ Ong có động lực lớn hơn trong việc phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới, đồng thời duy trì được sự nhiệt huyết của đội ngũ sáng lập trong giai đoạn mở rộng. Ông cũng cảnh báo rằng nếu bán quá nhiều cổ phần, đội ngũ sáng lập có thể bị "đá" khỏi doanh nghiệp mà họ đã dày công gây dựng.
Sau cuộc đàm phán căng thẳng, Tổ Ong Adventure đã chính thức chốt deal của Shark Minh với số tiền 5 tỷ đồng cho 8% cổ phần. Đây không chỉ là một quyết định mang tính chiến lược về tài chính, mà còn là bước tiến quan trọng trong kế hoạch phát triển dài hạn của startup này. Với nguồn vốn mới, Tổ Ong có thể tăng cường mở rộng các hoạt động kinh doanh, đặc biệt là triển khai thêm các mô hình Basecamp trong thời gian sắp tới.