Sơn La đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển nông nghiệp xanh và bền vững
Tăng cường thu hút đầu tư vào nông nghiệp xanh
Tỉnh Sơn La hiện có trên 82.000 ha cây ăn quả và cây sơn tra, trong đó, diện tích cho thu hoạch trên 63.200 ha, sản lượng hàng trăm nghìn tấn quả mỗi năm; nhiều sản phẩm đặc trưng, có chỉ dẫn địa lý, có thương hiệu, chất lượng hàng đầu khu vực...
Thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 21/01/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về định hướng hoạt động thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2021- 2025, tỉnh Sơn La đã triển khai hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ trong thực hiện “nhiệm vụ kép”, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong thực hiện dự án, hoạt động thu hút đầu tư đạt kết quả tích cực, các nguồn lực tiếp tục được huy động, sử dụng hiệu quả để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm, ổn định xã hội, khai thác tối đa tiền năng, lợi thế của tỉnh nhằm thực hiện mục tiêu “Xây dựng Sơn La phát triển xanh, nhanh và bền vững”, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu Nghị quyết đã đề ra.
Sơn La là tỉnh có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp với diện tích trên 82.000 ha cây ăn quả các loại. (Ảnh: CTV) |
Sơn La là tỉnh có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp. Để phát huy thế mạnh này, tỉnh đang thực hiện nhiều giải pháp khuyến khích người dân và doanh nghiệp sản xuất theo nông nghiệp tuần hoàn để hình thành quá trình sản xuất khép kín thông qua ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào tái chế các chất thải, phụ phẩm để làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản, từ đó tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, an toàn, thân thiện môi trường, hướng tới nền nông nghiệp xanh trong tương lai gần.
Vài năm gần đây, các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường ngày càng phát triển trên địa bàn tỉnh Sơn La. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường đã được các cấp, các ngành của tỉnh quan tâm chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện. Hướng đi này góp phần xây dựng nền sản xuất nông nghiệp bền vững, cho giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Cụ thể, cách đây khoảng 5 năm, cứ vào mùa thu hoạch cà phê là tỉnh /chu-de/tinh-son-la.topic phải đối mặt với bài toán ô nhiễm nguồn nước, không khí do hoạt động sơ chế cà phê của nhiều hộ dân và một số hợp tác xã gây ra. Có thời điểm hàng chục nghìn hộ dân Thành phố Sơn La không thể dùng nước sinh hoạt do ô nhiễm. Nhưng nay, tình hình được cải thiện rõ. Chất thải vỏ bã cà phê đã được thu góm xử lý chế biến làm phân hữu cơ. Góp phần giải quyết bài toán chất thải trong sản xuất nông nghiệp, mang lại cả hai lợi ích kinh tế và môi trường.
Tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp xanh
Theo ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, việc thu hút các nhà máy chế biến, các DN đầu tư lĩnh vực nông nghiệp đã góp phần giải quyết bài toán mùa vụ, đảm bảo đầu ra, tăng giá trị sản phẩm; giải quyết bài toán nhân công lao động địa phương; tăng thu nhập cho người dân, doanh nghiệp và HTX. Đặc biệt, khi có hệ thống nhà máy và cơ sở sản xuất lớn trên địa bàn, tỉnh có thể quản lý đồng bộ việc tổ chức sản xuất, xây dựng được vùng sản xuất lớn, bền vững, hiệu quả.
Tỉnh Sơn La sẽ tạo mọi điều kiện để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức sản xuất nông nghiệp. (Ảnh: CTV) |
“Thời gian tới, Sơn La sẽ tạo mọi điều kiện để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức sản xuất nông nghiệp, xây dựng các cơ chế, chính sách cũng như tạo niềm tin để các doanh nghiệp khi vào đầu tư sẽ tin tưởng và đồng hành cùng với Sơn La phát triển nông nghiệp xanh, bền vững và thông minh. Mới đây nhất theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sơn La sẽ tiến thêm một bước nữa đó là tổ chức sản xuất nông nghiệp gắn với hoạt động du lịch canh nông”, ông Nguyễn Thành Công thông tin.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công cũng cho biết, tỉnh đã có các nghị quyết hỗ trợ các nhà máy, hỗ trợ sản xuất đầu vào, xây dựng vùng nguyên liệu. Ban hành các chính sách liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực, lao động phổ thông, cải cách thủ tục hành chính; thành lập các tổ công tác của tỉnh trực tiếp hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi đến với tỉnh Sơn La... Địa phương cũng đang nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông, nhằm rút ngắn thời gian di chuyển, đảm bảo cự ly, chi phí đầu vào để thu hút các nhà máy, đơn vị đầu tư sản xuất, kinh doanh...
Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường là những mục tiêu chiến lược trong phát triển nông nghiệp bền vững của tỉnh đến năm 2030. Nông nghiệp xanh sẽ là mô hình phát triển tối đa nguồn nông nghiệp sạch, đem lại cho người nông dân năng suất, hiệu quả vượt trội và đồng thời cũng giúp bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân một cách tốt hơn.