Sóc Trăng: Đề nghị 28 địa phương gửi đăng ký nhu cầu sử dụng cát biển để san lấp
Hiện nay, cát san lấp đang là vấn đề nóng của các dự án cao tốc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Theo ước tính, nhu cầu cát đắp nền các dự án này ước khoảng hơn 36 - 37 triệu m3 trong giai đoạn 2021 – 2025 cho 4 dự án cao tốc, gồm Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Mỹ An - Cao Lãnh và An Hữu - Cao Lãnh. Tuy nhiên, hiện lượng cát sông để san lấp đang rất thiếu.
Nhằm giải quyết bài toán thiếu hụt nguồn cát sông phục vụ cho các dự án cao tốc Bắc Nam, đồng thời nghiên cứu thí điểm dùng cát biển thay thế cát sông, từ cuối năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thử nghiệm dùng cát biển đắp đường. Trong đó, Sóc Trăng là địa phương tiên phong dùng cát biển thay thế cát sông làm vật liệu san lấp phục vụ các dự án cao tốc.
Sóc Trăng đề nghị các tỉnh, thành phố đăng ký cụ thể về nhu cầu, địa điểm sử dụng cát biển. (Ảnh minh hoạ) |
Liên quan đến vấn đề trên, vừa qua, UBND tỉnh Sóc Trăng đã có văn bản gửi 28 tỉnh, thành phố về việc đăng ký nhu cầu sử dụng cát biển tỉnh Sóc Trăng phục vụ các dự án được áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 106/2023/QH15 của Quốc hội.
Theo đó, UBND tỉnh Sóc Trăng thông báo và đề nghị các tỉnh, thành phố đăng ký cụ thể về nhu cầu, địa điểm sử dụng cát biển (nếu có) đối với 21 dự án, gửi về UBND tỉnh Sóc Trăng trước ngày 27/5/2024 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương. Cũng trong văn bản trên, UBND tỉnh Sóc Trăng cũng đề nghị nhà thầu thi công các dự án liên hệ tỉnh Sóc Trăng, thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn về thủ tục đăng ký khai thác theo quy định.
Trả lời phóng viên Báo Công Thương, ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: "Cát biển ở khu B1 là nguồn tài nguyên của quốc gia nằm trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, chứ không phải tài nguyên của tỉnh Sóc Trăng. Vì thế, tỉnh sẵn sàng chia sẻ tài nguyên này cho các dự án trọng điểm của quốc gia, không chỉ riêng của Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, Sóc Trăng cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để đưa vào khai thác cát này khi đầy đủ các cơ sở pháp lý".
Trước đó, qua nghiên cứu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cát biển khu B1 tỉnh Sóc Trăng có trữ lượng cấp 333 và cấp 222 đạt 680 triệu m3.
Trong đó, cấp tài nguyên 222 là 145 triệu m3 có thể đáp ứng được nhu cầu nguồn vật liệu xây dựng, san lấp phục vụ phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng các tuyến đường cao tốc vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã bàn giao hồ sơ, tài liệu liên quan đến kết quả đánh giá tài nguyên cát biển khu B1 cho tỉnh Sóc Trăng để quản lý, khai thác, sử dụng theo quy định.
28 tỉnh, thành phố, bao gồm: TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bắc Kạn, Bình Định, Cà Mau, Cao Bằng, Đắk Lắk, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Tĩnh, Hậu Giang, Khánh Hòa, Kiên Giang, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Nam Định, Ninh Bình, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Tiền Giang, Thái Bình, Trà Vinh, Tuyên Quang. |