TP. Cần Thơ lấy ý kiến sáp nhập tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng Cần Thơ: Kinh tế sẽ có bước đột phá mạnh mẽ Cần Thơ công bố danh sách 32 xã, phường sau sáp nhập |
Theo dự thảo đề án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, TP. Cần Thơ sẽ được mở rộng trên cơ sở hợp nhất ba đơn vị hành chính là TP. Cần Thơ hiện hữu, tỉnh Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng. Trung tâm chính trị - hành chính của địa phương mới sẽ được đặt tại TP. Cần Thơ hiện nay.
Việc hợp nhất 3 địa phương không chỉ nhằm tinh gọn bộ máy, giảm chi phí hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, mà còn tạo ra động lực phát triển kinh tế vùng, đặc biệt trong các lĩnh vực có tính liên kết cao như hạ tầng, du lịch, logistics, giáo dục, y tế, nông nghiệp công nghệ cao…
![]() |
Sau sáp nhập , UBND TP. Cần Thơ đề xuất tinh giản 1.212 cán bộ. Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, đi kèm với đó là bài toán tổ chức lại bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và xử lý các tài sản công như trụ sở làm việc, cơ sở vật chất của các đơn vị hành chính cũ.
Cụ thể theo dự thảo đề án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, số lượng cán bộ, công chức, viên chức (gọi chung là cán bộ) của 3 địa phương hiện có 61.177 người.
Theo phương án bố trí sau sáp nhập, sẽ có 1.212 người thuộc diện tinh giản biên chế hoặc thôi việc, ngoài ra 624 người sẽ nghỉ hưu theo chế độ và khoảng 36.680 người sẽ được điều động, bố trí lại trong nội bộ bộ máy hành chính mới.
Về cơ sở vật chất, đề án cũng nêu rõ, trong tổng số 2.811 trụ sở làm việc hiện có tại ba địa phương, dự kiến chỉ sử dụng lại 2.558 trụ sở (trong đó Cần Thơ: 1.220, Sóc Trăng: 113, Hậu Giang: 1.225), số còn lại 255 trụ sở sẽ bị dôi dư (trong đó Cần Thơ: 143, Sóc Trăng: 2, Hậu Giang: 110).
Theo UBND TP. Cần Thơ, khi đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh của TP. Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Hậu Giang được thông qua sẽ giảm được 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh; kết thúc hoạt động 28 đơn vị hành chính cấp huyện; giảm được 164 đơn vị cấp xã.
Đồng thời, tinh giản số lượng tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, góp phần giảm chi ngân sách nhà nước, mở rộng quy mô địa bàn, tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội cho đơn vị hành chính cấp tỉnh mới thành lập.