Thứ sáu 08/11/2024 17:28

Siết chặt kiểm tra xuất xứ điều thô nhập khẩu từ Campuchia

Trước tình trạng lượng điều thô nhập khẩu tăng bất thường, đặc biệt từ thị trường được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu 0% là Campuchia, đang làm dấy lên nghi vấn trốn thuế của không ít doanh nghiệp. Tổng cục Hải quan vừa có Công văn số 4108/TCHQ-GSQL gửi Cục Hải quan các tỉnh: Gia Lai-Kon Tum, Đắc Lắc, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang đề nghị tăng cường kiểm tra xuất xứ điều thô nhập khẩu từ Campuchia.

Công văn nêu rõ, qua rà soát tình hình nhập khẩu, số liệu kim ngạch nhập khẩu mặt hàng điều thô trong thời gian qua cho thấy có hiện tượng kim ngạch nhập khẩu điều thô tăng đột biến từ thị trường Campuchia và giảm mạnh khi nhập khẩu từ các nước thuộc châu Phi về Việt Nam.

Siết chặt kiểm tra xuất xứ điều thô nhập khẩu từ Campuchia

Để tăng cường công tác kiểm tra, xác định xuất xứ mặt hàng điều thô nhập khẩu, ngăn chặn hành vi gian lận để hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt hoặc thực hiện các gian lận khác, Tổng cục Hải quan giao Cục Hải quan các tỉnh tiến hành lựa chọn ngẫu nhiên khoảng 10% trên tổng số lô hàng nhập khẩu của tháng liền kề trước đó để kiểm tra thực tế hàng hóa. Trường hợp xác định mặt hàng điều thô nhập khẩu đúng khai hải quan, đúng xuất xứ của Campuchia, có các đặc điểm của hạt điều thô xuất xứ Campuchia thì thực hiện thông quan, giải phóng hàng hóa theo quy định. Trường hợp qua kiểm tra thực tế hàng hóa, đối chiếu với các đặc điểm phân biệt mặt hàng điều thô, nếu phát hiện mặt hàng điều thô nhập khẩu khai có xuất xứ Campuchia, có C/O mẫu D hoặc mẫu S do cơ quan có thẩm quyền của Campuchia phát hành nhưng có những đặc điểm của hạt điều thô Châu phi thì gửi hồ sơ về Tổng cục Hải quan để tiến hành xác minh theo quy định.

Tổng cục Hải quan cũng hướng dẫn Cục Hải quan về một số đặc điểm phân biệt hạt điều thô có xuất xứ Campuchia với hạt điều có xuất xứ từ châu Phi.

Cụ thể, hạt điều Campuchia có mầu thâm, nâu đậm, điều thô đầu vụ thì màu nâu trắng, kích thước to đồng đều, hình dáng tròn hơn hạt điều châu Phi. Hạt điều Châu Phi có màu xanh trắng hoặc trắng, có kích cỡ không đồng đều, hình dáng dẹt, hạt to và nhỏ lẫn lộn.

Hạt điều Campuchia loại hạt nhỏ khoảng 170 hạt/1kg; loại hạt lớn khoảng 110 hạt/1kg; loại hạt trung bình khoảng 140 hạt/1kg, nếu cho vào nước thì tỷ lệ nổi cao, khoảng 60-80%.

Hạt điều châu Phi trọng lượng hạt to, hạt nhỏ dao động từ khoảng 140-170 hạt/1kg, nếu cho vào nước hầu như không nổi hoặc nổi tỷ lệ nhỏ, khoảng từ 10-20%. Hạt điều thô của Campuchia thường nhập khẩu ở dạng rời.

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến 15/7, cả nước nhập khẩu hơn 1,87 triệu tấn hạt điều nguyên liệu với kim ngạch hơn 2,82 tỷ USD, tăng tới hơn 174% về lượng và tăng gần 222% về kim ngạch so với cùng kỳ 2020.

Đáng chú ý, 6 tháng đầu năm 2021, lượng nhập khẩu nhiều nhất đến từ Campuchia với với 1 triệu tấn, kim ngạch gần 1,7 tỷ USD, tăng đến 422% về lượng và tăng tới hơn 587% về kim ngạch so với cùng kỳ 2020, chiếm đến gần 60% về lượng và 65% về kim ngạch nhập khẩu điều cả nước trong cùng thời điểm.

Năm 2020, cả nước chỉ nhập khẩu 1.450.463 tấn hạt điều với kim ngạch hơn 1,8 tỷ USD giảm 11% về lượng và giảm 17,1% về kim ngạch so với năm 2019. Riêng thị trường Campuchia chỉ 216.330 tấn, kim ngạch gần 276 triệu USD.

Trước thông tin nhập khẩu điều từ Campuchia tăng bất thường, trước đó, Hiệp hội điều Việt Nam cho biết họ cũng bất ngờ về điều này. Bởi theo ghi nhận từ các doanh nghiệp hội viên, vẫn chủ yếu nhập khẩu điều từ thị trường truyền thống ở châu Phi và sơ bộ chưa ghi nhận có đơn vị nào là thành viên của VINACAS có lượng nhập khẩu tăng bất thường.

Theo các chuyên gia, hiện hạt điều nhập khẩu theo loại hình kinh doanh từ ASEAN có thuế nhập khẩu 0%, trong khi nhập từ thị trường ngoài ASEAN có thuế 5%. Như vậy, có thể đặt nghi vấn các doanh nghiệp “mượn” đường Campuchia để trốn thuế nhập khẩu của mặt hàng này.

Trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu để gia công, sản xuất hàng xuất khẩu được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu 0% nhưng toàn bộ thành phẩm phải được xuất khẩu. Tuy nhiên, doanh nghiệp có tình trạng thuê dây chuyền máy móc thiết bị để hợp lý hóa điều kiện để xem xét tiêu chuẩn được miễn thuế đối hàng nhập khẩu, sau đó nhập khẩu hạt điều về để tiêu thụ nội địa.

Hành vi vi phạm nêu trên không chỉ là nguy cơ gian lận, trốn thuế, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp làm ăn chân chính và đời sống của người dân trồng điều trong nước.

Nguyễn Hạnh

Tin cùng chuyên mục

Ấn Độ vẫn là thị trường xuất khẩu chính của quế Việt

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu máy ảnh, máy quay phim và linh kiện lớn nhất của Việt Nam

Xuất khẩu tăng mạnh, Hoa Kỳ giữ vững vị thế thị trường lớn nhất của hàng Việt Nam

10 tháng, thu ngân sách nhà nước từ xuất nhập khẩu đạt 346.283 tỷ đồng

Khánh Hoà: Kết nối tiêu thụ hàng trăm sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2024

Diễn đàn Hợp tác Việt Nam - EU 2024: Nỗ lực thích ứng vì tương lai thịnh vượng bền vững

10 tháng năm 2024, xuất khẩu hồ tiêu thu về 1,1 tỷ USD

Thương mại hai chiều Việt Nam – Trung Quốc tiến gần mốc 170 tỷ USD sau 10 tháng

Hà Nội: Khai mạc Triển lãm các sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ và làng nghề huyện Quốc Oai năm 2024

Gạo Việt, xây dựng thương hiệu bằng chất lượng

Thương mại điện tử không chỉ phát triển mạnh ở thành phố lớn mà đã vươn tới vùng sâu, vùng xa

Hơn 400 gian hàng tham gia Hội chợ dược liệu, y dược cổ truyền toàn quốc năm 2024

Hải Phòng: Tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu đạt 12,15 tỷ USD trong tháng 10/2024

Hà Nội: Người dân thích thú nếm hương vị quốc tế tại Triển lãm thực phẩm lớn nhất Việt Nam

Nền tảng hợp cộng thương mại truyền thống và thương mại điện tử: Giải pháp HKDO cho hộ kinh doanh Việt Nam

Xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang Canada tăng trở lại

Ngày 21/11 diễn ra sự kiện ‘Thương mại điện tử thúc đẩy phát triển kinh tế số ngành Công Thương 2024’

Khai mạc Triển lãm kết nối giao thương, giới thiệu sản phẩm công nghệ số thành phố Hà Nội 2024

Xuất nhập khẩu hàng hoá 10 tháng năm 2024: Xuất khẩu tăng mạnh

Mời tham dự Hội nghị Kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp châu Mỹ