Sẽ tiếp tục xuất khẩu vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi sang Philippines
Ông Nguyễn Văn Điệp - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam - đã trao đổi với phóng viên, báo chí xung quanh vấn đề này.
Xin ông cho biết, đến thời điểm này hoạt động đưa vaccine dịch tả lợn châu Phi của AVAC (vaccine AVAC ASF LIVE) ra thị trường như thế nào, đặc biệt là với các thị trường xuất khẩu?
Đến thời điểm này, công ty vẫn cung ứng đầy đủ vaccine ra nhu cầu thị trường Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Tại Việt Nam, một số tỉnh cũng bắt đầu tiêm đại trà như Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hải Dương và đến nay cho kết quả rất tốt. Vaccine đang vào thị trường một cách từ từ, tuy nhiên, nhu cầu bắt đầu tăng lên từ thời điểm cuối năm nay do người dân thấy được hiệu quả từ các mô hình.
Sẽ tiếp tục xuất khẩu vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi sang Philippines. Ảnh: Nguyễn Hạnh |
Về thị trường xuất khẩu, tháng 8/2024 vừa qua, chúng tôi cũng đã xuất khẩu 160 nghìn liều vaccine AVAC ASF LIVE sang thị trường Philippines. Chính phủ Philippines và cụ thể Bộ Nông nghiệp Philippines mua số hàng này, họ triển khai tiêm một cách có kiểm soát cho chăn nuôi vừa và nhỏ trước.
Bước đầu, họ cũng rất thận trọng và đã đánh giá vaccine này trên khoảng 41 con lợn tại 2 trang trại, kết quả cho thấy vaccine bảo hộ cho đa số lợn trong những trang trại đó và tỷ lệ miễn dịch đạt trên 90%.
Từ những kết quả trên, đến nay, họ cũng đã triển khai đưa vào các trang trại thương mại, những trang trại có quy mô lớn hơn. Đồng thời hoàn thiện quy trình đánh giá vaccine trên lợn nái, cũng như quy trình đấu thầu để mua vaccine từ nhà phân phối của AVAC tại Philippines.
Dự kiến, tháng 12 này, họ sẽ tiếp tục nhập 1 lô hàng nữa từ AVAC. Đồng thời, từ 4-7/12, Cục trưởng Cục Thú y Philippines, đại diện các hiệp hội chăn nuôi và thú y Philippines sẽ sang Việt Nam làm việc với AVAC và thăm các mô hình tiêm vaccine AVAC ASF LIVE của AVAC tại Việt Nam.
Ngoài Philippines, Nigeria đã nhập 5 nghìn liều để đánh giá và đến nay cho kết quả tốt, họ đang hoàn thành quy trình để đăng ký vào Nigeria. Một số nước khác như Indonesia đã được cho phép nhập vaccine về để thử nghiệm. Hiện, đối tác của AVAC tại Indonesia đang triển khai bố chí trang trại để tiến hành tiêm phòng thử nghiệm lợn theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp Indonesia sau đó họ mới tiến hành nhập khẩu vaccine.
Nhiều nước đã tiến hành đăng ký lưu hành như Ấn Độ, Nepal, Malaysia và Myanmar và đang chờ quyết định của Chính phủ.
Một điều khó khăn trong xuất khẩu vaccine đó là hiện nay họ đang chờ hướng dẫn của Tổ chức Thú ý thế giới về đánh giá vaccine. Dự kiến, sớm nhất đến khoảng tháng 5/2025 Tổ chức Thú ý thế giới mới đưa ra đánh giá này.
Các nước đang chờ thêm thông tin triển khai vaccine. Báo cáo thành công vaccine này tại Việt Nam, các nước khác, trong đó Philippines là mô hình điểm, độc lập, quan trọng, khách quan để các nước khác cân nhắc và đưa ra quyết định của mình.
Với thị trường trong nước thì như thế nào, thưa ông? Ông có theo dõi về số lượng liều đưa ra cũng như mức độ, hiệu quả của vaccine?
Đến nay, chúng tôi đưa ra thị trường khoảng 3 triệu liều vaccine, tỷ lệ bảo hộ khoảng trên 90% đàn lợn được tiêm phòng. Thường trong giai đoạn đầu, các địa phương sẽ đưa vào những nơi có nguy cơ cao, đang diễn ra ổ dịch để tiêm vaccine. Khi đưa vào khu vực này, hiệu quả bảo hộ của vaccine sẽ bị hạn chế do vaccine dùng để phòng chứ không phải để chữa bệnh.
Ông Nguyễn Văn Điệp - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam. Ảnh: NH |
Với những nơi chưa nhiễm bệnh, những vùng an toàn, chưa có ổ dịch thì hiệu quả của vaccine là rất tốt. Như tại Lạng Sơn, trên 60 nghìn liều đã được tiêm trong vòng 3 tháng, kết quả cho thấy đã giảm được hơn 90% ổ dịch và kiểm soát tốt dịch bệnh. Chỉ còn lác đác các ổ dịch nổ ra ở đàn lợn nái và lợn giống do chưa được tiêm phòng vaccine, vì vaccine này mới chủ yếu dùng cho lợn thịt. Kết quả này cũng đã được Chi cục Thú y Lạng Sơn báo cáo lên tỉnh và đề xuất đưa vaccine này vào danh sách tiêm phòng bắt buộc hàng năm tại địa phương.
Tại Cao Bằng cũng đã đưa vào tiêm khoảng 100 nghìn liều và kết quả cho thấy vaccine này cũng rất tốt cho đàn lợn. Vaccine cũng an toàn khi triển khai tiêm 20 nghìn liều tại Bắc Ninh và gần đây là Quảng Ngãi, Hải Dương.
Một số nơi, chúng tôi hỗ trợ tiêm phòng 2.000 - 3.000 liều như tại Quảng Ninh, Tiền Giang, kết quả báo cáo vaccine rất an toàn và tốt cho đàn lợn.
Trong bối cảnh các doanh nghiệp, người dân vẫn còn thận trọng trong việc tiêm phòng do đây là vaccine mới, với vai trò là nhà sản xuất vaccine, ông có khuyến cáo gì đối với các hộ chăn nuôi?
Với vai trò nhà sản xuất vaccine, chúng tôi khẳng định vaccine an toàn và cho kết quả bảo hộ rất tốt với chủng lưu hành chính hiện nay trên thị trường. Hiện nay, còn một số biến chủng mà vaccine bảo hộ có lúc hạn chế hơn, tuy nhiên, những chủng đó đang lưu hành với tỷ lệ thấp.
Xin nhắc lại, vaccine là giải pháp hiệu quả trong rất nhiều giải pháp để góp phần bảo vệ đàn lợn. Tuy nhiên, vaccine chỉ hiệu quả khi chúng ta đưa đúng thời điểm, đúng đối tượng và kết hợp đồng bộ với các giải pháp khác. Vaccine được khuyến cáo dùng cho lợn thịt từ 4 tuần tuổi trở lên.
Kiểm tra chất lượng vaccine dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Nguyễn Hạnh |
Một trong những trở ngại lớn đối với người chăn nuôi vừa và nhỏ là việc vaccine dịch tả lợn châu Phi chưa được khuyến cáo sử dụng cho lợn nái và lợn giống. Hiện, AVAC đã hoàn thiện quy trình. Công ty đang tiến hành các thủ tục đăng ký với Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để chính thức được phê duyệt việc sử dụng vaccine cho lợn nái và đực giống, giúp tăng phổ sử dụng, bảo hộ, từ đó giúp người chăn nuôi tự tin hơn, nhất là các mô hình chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ.
Khi có sự áp dụng cho lợn nái và lợn giống, việc triển khai tiêm vaccine trong các hộ chăn nuôi sẽ được mở rộng hơn, bởi đa số hiện nay, các hộ chăn nuôi vừa và nhỏ thường nuôi cả lợn giống và lợn thịt cùng nhau, lúc đó, việc đưa vaccine vào áp dụng trong các mô hình như vậy sẽ tốt hơn.
Đặc biệt, với cơ quan quản lý nhà nước, các tỉnh triển khai tiêm đại trà sẽ dễ dàng thực hiện việc tiêm phòng vaccine này.
Đối với các trang trại lớn và công ty, chúng ta biết rằng, đây là loại vaccine mới và họ rất thận trọng và phải đánh giá nhiều bậc, nhiều lứa tuổi, thu thập thông tin về tính an toàn cũng như hiệu quả của vaccine một cách chặt chẽ. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng, vaccine này sớm hay muộn cũng sẽ được sử dụng tại các trang trại và các công ty lớn.
AVAC có chiến lược nào để tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực chăn nuôi tại Việt Nam về việc phổ rộng vaccine này tại Việt Nam, thưa ông?
Để lan tỏa hiệu quả của vaccine dịch tả lợn châu Phi đến với người chăn nuôi, AVAC đang phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị liên quan, tổ chức hàng loạt hội thảo, tập huấn và mô hình thử nghiệm. Sau khi thấy vaccine an toàn, hiệu quả, những địa phương này sẽ có những kế hoạch lớn hơn để mở rộng mô hình.
Bên cạnh đó, AVAC tăng cường việc triển khai tiêm phòng vaccine đến người chăn nuôi, đồng thời, phối hợp với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi.
Vừa qua, AVAC cũng hợp tác với Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam tổ chức các hội thảo để giúp nhân viên kỹ thuật của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam hiểu rõ đặc tính vaccine, từ đó đưa vaccine này đến gần hơn với khách hàng. Nhờ đó, khoảng 50 trại chăn nuôi là khách hàng của C.P. Việt Nam đã được tiêm thử nghiệm và đạt kết quả rất tốt, với nhiều hộ đã xuất bán thành công, đối tượng được sử dụng bao gồm cả lợn thịt và lợn giống.
Đây là 1 trong những mô hình phối hợp giữa AVAC và công ty thức ăn chăn nuôi trong việc giới thiệu vaccine này đến người chăn nuôi. Và khi các đại lý này đã tự trải nghiệm và nhìn thấy được kết quả về sự an toàn, cũng như sự bảo hộ vaccine, họ sẽ là nhân tố quan trọng để giới thiệu vaccine này đến khách hàng, người chăn nuôi.
Chúng tôi hy vọng, trong thời gian tới, sự phổ biến của vaccine này trong người chăn nuôi sẽ được tăng lên nhanh chóng.
Xin cảm ơn ông!