9 nhóm vấn đề trọng tâm
Kế hoạch hành động giai đoạn VII gồm 10 vấn đề, trong đó có 9 nhóm đã được thống nhất với dự kiến 65 tiểu hạng mục do Nhật Bản đề xuất, gồm: Những quy định về đầu tư vào Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài trong Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai và pháp luật khác liên quan đến đầu tư kinh doanh; thúc đẩy công khai thông tin như án lệ, minh bạch hóa chức năng tòa án; các vấn đề về Luật Đất đai và đăng ký bất động sản, công khai thông tin liên quan; cải cách doanh nghiệp nhà nước, cải cách thị trường chứng khoán; thúc đẩy công nghiệp hóa có năng lực cạnh tranh quốc tế; lao động và tiền lương; khung chính sách về PPP; hoàn thiện hệ thống pháp luật về xây dựng đường ống dẫn khí trong vùng đô thị và vùng ven đô; thành lập công ty và mở chi nhánh trong lĩnh vực dịch vụ.
Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư thành công tại Việt Nam |
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, cuộc họp cấp cao lần này đã làm rõ hơn những nội dung mà hai bên cùng quan tâm, đặt ra. Đó là yêu cầu hợp tác chặt chẽ hơn để giải quyết những vấn đề vướng mắc hiện nay. Đặc biệt, kế hoạch hành động giai đoạn VII Sáng kiến Việt Nam - Nhật Bản đề cập đến những vấn đề vĩ mô gắn với những chính sách lớn khả thi góp phần cải thiện môi trường đầu tư Việt Nam nói chung, cũng như sẽ đẩy mạnh hơn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam, củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai quốc gia.
Tập trung vào phương pháp tiếp cận mới
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản là sự hợp tác đặc biệt giữa hai Chính phủ được khởi xướng từ tháng 4/2003. Việc thiết lập một diễn đàn đối thoại chính sách giữa các nhà đầu tư Nhật Bản với các bộ, ngành liên quan của Việt Nam đã góp phần tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch tại Việt Nam. Đồng thời, đưa ra những khuyến nghị mang tính xây dựng, làm cơ sở tham khảo trong quá trình hoàn thiện luật pháp, chính sách cho các cơ quan chức năng của Việt Nam.
Qua hơn 15 năm Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản đã thực hiện được 6 giai đoạn, với tổng số 473 tiểu hạng mục trong Kế hoạch hành động. Với kết quả này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu sâu rộng như hiện nay, với những cơ chế, khuôn khổ hợp tác kinh tế mới, Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn VII cần tập trung vào phương pháp tiếp cận, cách thức triển khai mới, phù hợp với thực tế hơn nhằm đạt được hiệu quả cao nhất.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam - ông Umeda Kunio nhận định, nội dung của Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn VII là những chủ đề thể hiện đầy đủ sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam; hướng tới mục tiêu cải thiện chất lượng đời sống, nâng cao tính cạnh tranh quốc tế. Tuy nhiên, năng suất lao động của Việt Nam đang ở mức độ thấp trong khối ASEAN, vì thế để phát triển bền vững, có khả năng cạnh tranh quốc tế cao, Việt Nam cần có giải pháp nâng cao năng suất lao động.
Thời gian triển khai giai đoạn VII Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản được thống nhất là 17 tháng (từ tháng 8/2018 đến cuối năm 2019). |