Sản xuất và tiêu dùng bền vững: Cần những giải pháp đột phá
Theo ông Trịnh Quốc Vũ – Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), sản xuất và tiêu dùng bền vững có vai trò quan trọng trong đời sống, nhằm phát triển kinh tế hiệu quả, bảo vệ môi trường, xóa đói giảm nghèo và tái cơ cấu nền kinh tế. Đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng bền vững cũng góp phần thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững. Các hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững cần được triển khai đồng bộ, tập trung vào các hành động có tính đột phá, bổ sung và gắn kết các nội dung vào các chương trình liên quan hiện có.
Sở Công Thương Hà Nội đã hỗ trợ kỹ thuật đánh giá, tư vấn các giải pháp sản xuất sạch hơn cho 30 cơ sở ngành dệt may - Ảnh: Minh Kỳ |
Năm 2022, để triển khai hiệu quả Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững, Bộ Công Thương đã ban hành Quy chế hoạt động của Chương trình nhằm thống nhất từ Trung ương đến địa phương trong quá trình triển khai thực hiện. Căn cứ vào danh mục nhiệm vụ năm 2022, Bộ Công Thương đã tập trung triển khai các nhiệm vụ, dự án nhằm đạt được mục tiêu đề ra như: Rà soát, bổ sung, xây dựng và hoàn thiện chính sách về sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Trong đó, tập trung xây dựng định mức tiêu hao nguyên liệu cho các ngành giấy, nhựa, dệt may. Khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên, phát triển nhiên liệu, vật liệu tái tạo, tái sinh. Thúc đẩy sản xuất sạch hơn, sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường và đẩy mạnh áp dụng mô hình và liên kết bền vững theo chuỗi vòng đời sản phẩm. Phát triển hệ thống phân phối, tiêu dùng bền vững, xuất nhập khẩu bền vững. Triển khai áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong một số lĩnh vực chế biến, chế tạo. Đặc biệt, truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Là địa phương đi đầu trong việc triển khai áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, năm 2022, Sở Công Thương Hà Nội đã đẩy mạnh truyền thông, xây dựng mạng lưới liên kết hợp tác sản xuất và tiêu dùng bền vững theo các ngành. Đồng thời, hỗ trợ kỹ thuật đánh giá sản xuất sạch hơn cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại, dịch vụ trong lĩnh vực công thương.
Cụ thể, sở đã hỗ trợ kỹ thuật đánh giá, tư vấn các giải pháp sản xuất sạch hơn cho 30 cơ sở ngành dệt may; điện, điện tử. Đơn cử như tại Tổng công ty Dệt may Hà Nội, doanh nghiệp đã đầu tư hệ thống dây chuyền nhuộm vải hiện đại giúp giảm 40% dòng thải; đầu tư hệ thống hút bụi trong phân xưởng dệt; sử dụng các mẫu vải thừa để sản xuất đệm; sử dụng nước mềm cấp cho lò hơi giảm 3-5% ô nhiễm không khí và tăng hiệu suất lò hơi. Qua đó, tổng công ty đã tái sử dụng được 30 tấn vải/năm; tiết kiệm điện được 1,035 triệu kWh/năm, tiết kiệm 407 tấn than/năm, 5.870m3 nước/năm và giảm phát sinh 10% chất thải rắn…
Sản xuất và tiêu dùng bền vững hướng tới phát triển kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng của các quốc gia, nhất là khi nguồn tài nguyên trên thế giới ngày càng cạn kiệt. Tại Việt Nam, kinh tế tuần hoàn đã được xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030.
Nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai các hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững, năm 2023 Bộ Công Thương xác định, tiếp tục phối hợp với các bộ, cơ quan ban ngành và địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến các nhóm nhiệm vụ ưu tiên nhằm thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, thay đổi thói quen tiêu dùng của các tầng lớp nhân dân, nâng cao ý thức cộng đồng và thúc đẩy quá trình sản xuất bền vững, tiêu dùng bền vững hướng đến nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.