CôngThương - Theo ông Trương Hợp Tác, Phòng sử dụng đất và phân bón thuộc Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), theo nghị định mới, sản xuất và kinh doanh phân bón là ngành kinh doanh có điều kiện, trong đó, các cơ sở sản xuất phân bón phải đạt 14 tiêu chí như năng lực sản xuất, có kỹ sư phụ trách, điều kiện sản xuất là phải đạt tiêu chuẩn quốc gia, chủ các cơ sở phải công bố hợp quy… mới được cấp phép cho sản xuất.
Như vậy, với những điều kiện bắt buộc này, các cơ sở sản xuất phải đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực, hệ thống quản lý để đảm bảo chất lượng phân bóng sản xuất ra, qua đó, giảm được số lượng phân bón kém chất lượng bán ra thị trường.
Sở dĩ có những điều kiện như vậy là do trong Nghị định 113/2003/NĐ-CP và Nghị định 191/2007NĐ-CP chưa có quy định phân bón là mặt hàng sản xuất, kinh doanh có điều kiện, vì vậy, nhiều cơ sở nhỏ lẻ chưa có đủ các điều kiện vẫn được sản xuất, kinh doanh phân bón.
Theo Bộ NN& PTNT hiện đã có trên 5.000 loại phân bón bán trên thị trường. Để kiểm soát được chất lượng, bộ đã ban hành Thông tư 14/2011/BNNPTNT và đã kiểm tra 1466 cơ sở sản xuất phân bón, cụ thể, có 220 cơ sở đạt loại A, 636 cơ sở đạt loại B, chiếm 61% và 187 cơ sở loại C, chiếm gần 18%. Theo quy định thông tư này, nhưng cơ sở được xếp loại C là không đạt.
Kết quả kiểm tra của Bộ NN&PTNT trong hai năm 2010 và 2011 cho thấy, tỷ lệ các thành phầm dinh dưỡng như N, P, K, hàm lượng hữu cơ nhiều loại phân bón không đúng như trên bao bì có tỷ lệ là từ 33-64%
Một trong những nguyên nhân khiến phân bón kém chất lượng gia tăng là do số tiền phạt hành chính còn thấp nên sau khi phạt xong chủ các cơ sở đóng cửa và lập một cơ sở mới để tiếp tục sản xuất.
Ông Tác cho biết, ngoài việc đưa sản xuất phân bón là ngành kinh doanh có điều kiện thì những điểm khác trong nghị định này không có nhiều điểm mới, đặc biệt là trong mức xử phạt hành chính.
”Do phải tuân theo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính nên chúng tôi không thể tăng mức xử phạt hành chính lên cao để răn đe các cơ sở sản xuất phân bón kém chất lượng”, ông Tác nói.
Theo quy định trong Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với chất lượng hàng hóa không đạt yêu cầu có mức phạt là 20 triệu đồng.
Hiện Bộ N&PTNT đã trình Nghị định này lên Chính phủ. Theo kế hoạch Nghị định sẽ được ban hành vào tháng 12-2012.
Tính đến hết tháng 11 Việt Nam đã nhập khẩu 3,59 triệu tấn, tương đương 1,56 tỉ đô la Mỹ, giảm 9,1% về khối lượng và 4,9% giá trị so với cùng kỳ năm trước.