Infographics | Sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực Dồn lực để sản xuất công nghiệp “cán đích” |
Doanh nghiệp vào “guồng” sản xuất cuối năm
Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên Đán, đây là thời điểm các doanh nghiệp bước vào cao điểm sản xuất để bảo đảm đơn hàng, cũng như đón đầu nhu cầu tiêu dùng cuối năm của người dân.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đang tận dụng thời gian vàng trong những tháng cuối năm, tập trung mọi nguồn lực tăng tốc sản xuất |
Đơn cử như Công ty cơ khí chính xác SKD Việt Nam thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp ngành cơ khí, công nghiệp chế tạo đều gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ khi tổng cầu giảm sút mạnh. Cùng đó là chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao khiến sản phẩm giảm sức cạnh tranh.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc Công ty cơ khí chính xác SKD Việt Nam cho hay, đơn vị đã đẩy mạnh hơn nữa hoạt động sản xuất từ quý III/2023 khi có thêm được nhiều đơn hàng mới cho quý IV/2023 và đầu năm 2024. Bên cạnh đó, công ty đã đẩy nhanh quá trình “số hóa”, ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, theo tiêu chuẩn 5S để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Nhờ đó, đến nay công ty vẫn đang có được những bạn hàng quan trọng.
Tương tự, dù cũng chịu những tác động của tình hình kinh tế thế giới thế nhưng 10 tháng năm nay, tăng trưởng của Công ty CP Cơ khí, Xây dựng, Thương mại Đại Dũng đạt 25% nhờ có được các hợp đồng với giá trị rất lớn.
2 tháng còn lại của năm, hơn 1.500 người lao động tại nhà máy đang gấp rút hoàn thiện đơn hàng cho khách hàng: Australia, Nhật Bản, Ai Cập, Trung Quốc. Kỳ vọng nhờ 2 tháng này, doanh số cả năm sẽ tăng lên và tăng trưởng đạt trên 30%. Với kết quả này, doanh nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng năm sau tiếp tục đạt 25% - 30%.
Bà Ngô Thị Ngọc Hân, Giám đốc sản xuất Công ty CP Công nghệ cao su Thái Dương cũng thông tin, để đáp ứng các đơn hàng tăng cao, doanh nghiệp có tổ chức tăng ca cho người lao động, tuyển thêm khoảng 10% lao động và đầu tư thêm máy móc, thiết bị để tăng tốc sản xuất tại thời điểm này.
Không chỉ các đơn vị nêu trên, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã chủ động tìm kiếm đơn hàng, thay đổi phương thức sản xuất, tìm nguồn nguyên liệu sản xuất để tăng tốc cho những tháng cuối năm.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã chủ động quy trình sản xuất - kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã đạt kết quả sản xuất, kinh doanh khá khả quan. Đây cũng là những tín hiệu tích cực, bước đệm quan trọng để tỉnh đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2024 và những năm tiếp theo.
Nhiều giải pháp hỗ trợ giữ nhịp tăng trưởng
Các chuyên gia kinh tế cho rằng hiện nay, triển vọng kinh tế thế giới đang sáng hơn, sức cầu đã quay trở lại. Nhiều doanh nghiệp trong nước thời gian qua đã tận dụng được các chính sách hỗ trợ của Chính phủ để đầu tư công nghệ, tái cơ cấu doanh nghiệp. Do vậy, sản xuất đang dần được cải thiện, doanh nghiệp tận dụng được các cơ hội, có thêm nhiều đơn hàng mới.
Bên cạnh việc tận dụng tối đa lực đẩy từ các chính sách của Đảng, Nhà nước, chính sách tiền tệ, nhiều daonh nghiệp đã linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh, cho ra nhiều sản phẩm, dịch vụ mới để duy trì hoạt động một cách bền vững.
Theo Bộ Công Thương, bộ đang tập trung những giải pháp trọng tâm như: Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất trên cơ sở bám sát tình hình sản xuất của các ngành, lĩnh vực, một số địa phương trọng điểm về công nghiệp; kịp thời nắm bắt tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất.
Để thúc đẩy lĩnh vực này, trong thời gian qua, nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất-kinh doanh tiếp tục được triển khai tích cực, đồng bộ, đặc biệt là chính sách tiền tệ, hỗ trợ giảm lãi suất.
Về phía Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) sẽ tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; thúc đẩy đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới nhằm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tạo thêm năng lực cho phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu.
Bộ Công Thương cũng tập trung hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển công nghiệp; rà soát, cải cách cơ chế chính sách, quy hoạch phát triển công nghiệp; điều chỉnh cơ cấu công nghiệp theo lãnh thổ, đặc biệt là tăng cường liên kết giữa các địa phương trong phát triển công nghiệp, hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp theo lợi thế của các địa phương.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh việc kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI lớn toàn cầu đang đầu tư tại Việt Nam, cũng như tạo thuận lợi hóa trong các thủ tục hành chính, tiếp cận tín dụng…