Sách giáo khoa giả ‘lấn sân’ vào các điểm bán sách có thương hiệu?
Sách giả, sách lậu nhiều năm nay vẫn luôn là vấn đề nhức nhối của ngành xuất bản. Nhiều loại sách không rõ nguồn gốc, làm giả, in lậu không chỉ bán tràn lan trên các chợ mạng, vỉa hè, tiệm sách, nhà sách không uy tín… mà còn bán vào tận các nhà sách lớn, có thương hiệu hiện nay.
Chất lượng sách là vấn đề được các phụ huynh quan tâm hàng đầu |
Thực trạng lo ngại này xuất phát từ việc phản ánh của nhiều phụ huynh, giáo viên tại TP. Hồ Chí Minh phát hiện trên thị trường xuất hiện nhiều sách cũ, giả, đã qua sử dụng… và họ lo sợ làm ảnh hưởng đến điều kiện học tập của con em, học sinh.
Điển hình, sự việc gần đây qua phản ánh từ báo chí, dư luận quan tâm đến việc nhiều phụ huynh bức xúc đối với 2 cuốn i-Learn Smart World Student’s Book và i-Learn Smart World Workbook, thuộc 2 bộ sách giáo khoa tiếng Anh lớp 6 và 7 của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, do Nhà xuất bản này và Công ty TNHH Education Solutions Việt Nam thuộc Tập đoàn Giáo dục Đại Trường Phát (DTP) phát hành.
Qua phản ánh của người dân và thực tế báo chí đã đưa, cho thấy tại một số nơi (quận 1, quận 7, quận Bình Thạnh…) có hệ thống các Nhà sách Nguyễn Văn Cừ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, khi mua 2 cuốn sách i-Learn Smart World Student’s Book và i-Learn Smart World Workbook, đa số gặp tình trạng bị trùng mã, các mã đã được sử dụng trước đó, hoặc không kích hoạt được bản mềm trên online (trong khi mỗi mã được kích hoạt 3 lần).
Điều đáng nói, sự việc gây bức xúc này đã được phản ánh lên với bộ phận Chăm sóc khách hàng của DTP về lý do vì sao sách mới mua, nhưng lại không thể kích hoạt sử dụng?! Phía DTP khẳng định mỗi cuốn sách do DTP phát hành đều có một mã riêng, tuy nhiên những sách mà lớp tráng bạc còn nguyên nhưng khi cào, mã trùng hoặc đã được kích hoạt đều là sách in lậu, hoặc sách giả. Ngoài ra, phía DTP cho rằng những sách này in lại từ một sách thật nên mã sẽ trùng với sách đã sử dụng.
Điều này càng cho thấy, việc kiểm soát trong in ấn và phát hành sách hiện nay, đặc biệt sách do DTP phát hành, chưa thật sự đảm bảo về vấn đề an toàn đối với sách giả, sách lậu, sách không đạt tiêu chuẩn, chất lượng theo quy định khi phát hành, làm ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng sách của học sinh nói riêng và người tiêu dùng nói chung.
Bên cạnh đó, được biết giá thành mỗi bộ sách tiếng Anh không hề thấp, một bộ gồm 2 cuốn có giá từ 150.000 đồng trở lên... Trong khi đó, bối cảnh cả xã hội đang ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đại đa số người dân vẫn chưa có thu nhập cao, còn hạn chế, thì đây thật sự còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Gần đây, việc sử dụng sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông, theo chỉ thị 643/CT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng đã yêu cầu các ban, ngành liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra việc phát hành và sử dụng sách giáo khoa, sách bài tập, xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông, xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…
Còn đối với ngành Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cũng thừa nhận với báo giới, rằng công tác phòng, chống in lậu mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song tình trạng tiêu cực vẫn còn rất phổ biến… Thời gian tới, các đơn vị trực thuộc sẽ tiến hành rà soát, kiểm tra điều luật liên quan in lậu, không chỉ riêng luật về bản quyền mà nhiều vấn đề khác cũng sẽ được xem xét, bổ sung.
Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại Nghị định 159/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản, thì việc tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm in, nhân bản lậu, in giả, in nối bản trái phép hoặc xuất bản phẩm có thể bị xử phạt hành chính từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay cho công tác quản lý trong các hoạt động xuất bản, in và phát hành là phải đảm bảo việc kiểm soát an toàn, xử lý hiệu quả, triệt để đối với sách giả, sách lậu, sách không rõ nguồn gốc, xuất xứ… Nhằm đem lại sự an tâm cho người dân và học sinh cả nước trước những ngày khai giảng năm học mới.