Rút bảo hiểm xã hội một lần: Người lao động cần thận trọng
Người lao động cần thận trọng khi rút BHXH một lần |
An sinh xã hội bị tác động
Số liệu mới nhất từ BHXH Việt Nam cho thấy, 5 tháng đầu năm, gần 300.000 người rút BHXH một lần; trong đó, riêng tháng 5 đã có gần 60.000 người. Nguyên nhân, nhiều người mất việc làm, phải nghỉ việc ở độ tuổi 35 - 40, đời sống khó khăn, những lao động này không còn thiết tha với BHXH nên phải lĩnh BHXH một lần. Mặt khác, việc lựa chọn hưởng BHXH một lần còn do điều kiện tối thiểu về thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu khá dài (20 năm); người lao động chưa hình thành văn hóa đóng- hưởng để tự bảo đảm an sinh khi về già.
Không chỉ vậy, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) - cho biết, trong 10.000 lao động nhận trợ cấp thôi việc tại Hà Nội gần đây, có tới 90% trên 35 tuổi. Những lao động này thường làm việc trong các doanh nghiệp (DN) có điều kiện lao động khó khăn, sử dụng nhiều lao động nhưng lại ít kỹ năng chuyên môn. “Những lao động khi mất việc, hầu hết đều không có hy vọng tìm được công việc khác có nguồn thu nhập ổn định để tiếp tục tham gia BHXH; một số DN tìm mọi cách để vận động người lao động thôi việc vì càng thâm niên phải trả lương cao, tiền đóng BHXH cũng cao hơn. Trong khi đó, muốn tăng ca, tăng kíp với những người lớn tuổi rất khó. Điều này đã làm gia tăng tình trạng người lao động muốn nhận BHXH một lần” - ông Quảng cho hay.
Trước thực trạng này, ông Đỗ Ngọc Thọ - Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) - khuyến nghị, người lao động cần thận trọng khi cân nhắc hưởng BHXH một lần. Bởi, thời gian qua, mỗi năm có trên 600.000 người nhận BHXH một lần, đồng nghĩa với việc có từng đó người rời khỏi hệ thống BHXH và sẽ bị giảm hoặc không còn cơ hội được hưởng lương hưu, là gánh nặng cho gia đình và xã hội sau này.
Tạo việc làm bền vững
Những cải cách BHXH trong Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XII như: Rút ngắn điều kiện thời gian tham gia BHXH tối thiểu; sửa đổi các quy định về mức đóng, căn cứ đóng BHXH để đạt mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH; xây dựng chính sách BHXH đa tầng để bảo đảm sự công bằng, không phân biệt đối xử giữa các nhóm đối tượng tham gia... Những cải cách này được kỳ vọng sẽ là động lực để tăng diện bao phủ BHXH hiệu quả hơn; giúp mở rộng diện tham gia trong khu vực phi chính thức và giảm số người hưởng BHXH một lần…
Tuy nhiên, để hạn chế nhận BHXH một lần, ông Lê Đình Quảng cho rằng, cần xây dựng cơ chế để người lao động có việc làm bền vững hơn, tránh tình trạng không ít người lao động bị mất việc ở độ tuổi trên 35, rất khó để tìm việc trở lại và tiếp tục đóng BHXH theo diện bắt buộc. Bên cạnh đó, mức lương của đa số người lao động hiện nay chưa bảo đảm mức tích lũy; khi mất việc làm, gần như không có khoản tiền dự trữ đủ lớn, vì vậy, dễ có xu hướng nhận BHXH một lần để lo giải quyết các nhu cầu cuộc sống.
Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, Chính phủ, các Bộ, ngành và BHXH Việt Nam sẽ quán triệt, xây dựng chương trình hành động, từng bước cụ thể hóa Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, thực hiện theo định hướng bảo đảm quyền lợi BHXH, an sinh xã hội cho người dân hiệu quả hơn. “Thời gian tới đây, các quy định cũng sẽ được xây dựng theo hướng mở, linh hoạt, hấp dẫn người dân tham gia BHXH nhiều hơn, để mọi người dân đều được bảo đảm an sinh ở mức tối thiểu trở lên” - ông Đào Việt Ánh nhấn mạnh.
Ông Đào Việt Ánh - Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam: Gia tăng nhận BHXH một lần là vấn đề đáng lo ngại. Nếu người lao động ở lại hệ thống BHXH lâu hơn, sẽ được hưởng quyền lợi tốt hơn. |