Rút bảo hiểm xã hội: Hưởng một lần, mất nhiều quyền lợi
Cân nhắc khi rời khỏi "lưới an sinh"
Theo Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, giai đoạn năm 2016 - 2020, số người lao động nhận BHXH một lần tăng khoảng 9% mỗi năm. Riêng trong quý I/2021, cả nước có 226.503 người hưởng BHXH một lần, tăng hơn 20,5% so với cùng kỳ năm 2020. Một số địa phương có số người hưởng BHXH một lần tăng cao như Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng.
Tình trạng người lao động rút BHXH một lần có xu gia tăng theo nhận định của BHXH Việt Nam là do tác động của dịch bệnh Covid-19, doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, hoặc phá sản dẫn đến nhiều lao động phải nghỉ việc, mất nguồn thu nhập. Do đó, họ mong muốn có một khoản chi tiêu trước mắt để trang trải cuộc sống nên đã đề nghị thanh toán trợ cấp BHXH một lần. Mặt khác, nhận thức đóng BHXH để khi về già có lương hưu, không phải phụ thuộc của người lao động còn hạn chế.
Người lao động sẽ chịu nhiều thiệt thòi nếu rời khỏi hệ thống an sinh xã hội |
BHXH Việt Nam - cho rằng, đây là lựa chọn khiến người lao động chịu nhiều thiệt thòi về quyền lợi, cần cân nhắc khi quyết định. Đó là người lao động không còn trong hệ thống BHXH được nhà nước tổ chức thực hiện và bảo hộ; mất cơ hội hưởng lương hưu, nguồn thu nhập ổn định khi về già; mất cơ hội nhận được thẻ BHYT miễn phí hết tuổi lao động, thân nhân mất quyền lợi khi nhận các chế độ như tử tuất.
Đặc biệt, theo quy định của pháp luật, tổng mức đóng BHXH là 22% mức tiền lương tháng, trong đó, người lao động đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%, tổng mức đóng vào quỹ hàng năm là 2,64 tháng lương. Nếu hưởng BHXH một lần thì người lao động chỉ được hưởng thanh toán bằng 2 tháng lương làm căn cứ đóng BHXH cho một năm tham gia BHXH. Như vậy, người lao động mất đi 0,64 tháng lương/năm.
Thắt chặt điều kiện
Mới đây, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã có tờ trình Chính phủ về đề xuất sửa đổi Luật BHXH năm 2014. Luật BHXH sửa đổi lần này được kỳ vọng sẽ có những giải pháp, đột phá để thực hiện được lộ trình cải cách chính sách BHXH để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân.
Trong đó, có nội dung điều chỉnh lương hưu, trợ cấp xã hội và đặc biệt là thắt chặt các điều kiện hưởng BHXH một lần. Theo Bộ LĐ-TB&XH, hết năm 2020, hơn 16 triệu người tham gia BHXH, chỉ chiếm khoảng 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi. Cụ thể, đề xuất quy định điều kiện hưởng BHXH một lần theo hướng có lộ trình tiến tới chỉ giải quyết đối với người lao động khi đã hết tuổi lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu mà không có nhu cầu đóng tiếp. Đề xuất quy định trường hợp chưa hết tuổi lao động mà nhận BHXH lần thì mức hưởng thấp hơn. Ngoài ra, người lao động vẫn được nhận BHXH một lần với trường hợp phải ra nước ngoài để định cư hợp pháp hoặc mắc bệnh hiểm nghèo.
Trước đó, năm 2015, khi sửa đổi Luật BHXH, Ban soạn thảo từng đề xuất hạn chế nhận BHXH một lần tại Điều 60, nhưng chưa thực hiện được vì công nhân tại một số địa phương phản ứng, Chính phủ sau đó phải kiến nghị Quốc hội sửa đổi quy định này theo hướng để người lao động tự chọn hưởng BHXH một lần hoặc bảo lưu để đóng tiếp nếu có điều kiện. Vì vậy, lần sửa đổi này, nhiều ý kiến cho rằng, cần khởi động lại quy định hạn chế nhận BHXH một lần. Theo đó, trong phần đóng vào quỹ BHXH (người lao động 8%, chủ sử dụng lao động 18%) thì người lao động có thể rút 8% đã đóng; phần còn lại do doanh nghiệp đóng sẽ giữ lại trong quỹ BHXH để sau này chi trả khi họ đến tuổi hưu.
Theo một số chuyên gia, điều kiện cụ thể ra sao và tuyên truyền thế nào để người lao động đồng thuận, tránh lặp lại “vết xe đổ” của Điều 60 như 6 năm trước hay như bài học Chính sách 176 “về một cục” cũng còn đó. Chính sách cần nhìn đến giai đoạn người lao động không còn làm việc được nữa, ốm đau, bệnh tật, không có lương hưu, Nhà nước sẽ phải chi trả bằng trợ cấp xã hội. Mức trợ cấp xã hội hiện hành vài trăm nghìn đồng nhưng hàng triệu người dồn lại là gánh nặng lớn mà Nhà nước phải lo; chưa kể trên 60% người già Việt Nam hiện không có lương hưu.
Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam - ông Trần Đình Liệu – nhấn mạnh, việc thắt chặt các điều kiện rút BHXH một lần là một trong những giải pháp nhằm đảm bảo cân đối của quỹ BHXH về lâu dài. Mặt khác, cần xây dựng chính sách theo hướng làm rõ các quyền lợi của người tham gia BHXH một lần, qua đó để người lao động hiểu và lựa chọn. “Dựa trên nguyên tắc đóng - hưởng, khi nhận BHXH một lần, chính sách nên quy định người lao động chỉ có thể lĩnh phần kinh phí đã đóng vào quỹ BHXH, bên cạnh kinh phí của doanh nghiệp và ngân sách nhà nước hỗ trợ” - ông Liệu nói.
Thực tế, chủ trương thắt chặt điều kiện hưởng BHXH một lần và qua đó đảm bảo an sinh xã hội lâu dài đã được xác định trong Nghị quyết 28/NQ-TW. Tuy nhiên, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - cho hay, một trong những lý do lương của người lao động, đặc biệt là lao động phổ thông rất thấp, chỉ "ráo mồ hôi là hết tiền". Nhiều trường hợp mặc dù biết nhận BHXH một lần là thiệt thòi nhưng nếu không lấy khoản đó thì không còn biết dựa vào đâu.
Do đó, về lâu dài, ông Lê Đình Quảng - ý kiến, chính sách cần quan tâm tới việc nâng cao đời sống người lao động, đảm bảo cuộc sống và có một phần tích lũy đề giải quyết bất trắc như chấm dứt hợp đồng lao động và phải nghỉ việc. Đồng thời, ngoài việc tăng cường thắt chặt quản lý việc rút BHXH một lần theo hướng ồ ạt, chính sách cũng cần được thiết kế theo hướng linh hoạt để người lao động trong những trường hợp cụ thể.