Thứ hai 23/12/2024 20:04

RCEP: Hành trình 8 năm để trở thành hiệp định “siêu khu vực”

Tháng 11/2020 đánh dấu hành trình 8 năm của Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là thỏa thuận thương mại liên quan đến 15 quốc gia trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, khi được ký kết sẽ trở thành hiệp định “siêu khu vực”.

RCEP lần đầu tiên được khởi động vào cuối năm 2012 tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 21 ở Campuchia, ban đầu bao gồm tất cả 10 quốc gia ASEAN cùng với Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và Ấn Độ. RCEP bắt đầu như một nỗ lực nhằm tích hợp các hiệp định thương mại giữa các quốc gia ASEAN và các đối tác thương mại lớn gọi là các đối tác đối thoại thành một hiệp định duy nhất. RCEP sẽ là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới tính theo dân số và GDP.

Một nghiên cứu từ Viện Brookings cho thấy RCEP có tiềm năng tăng thu nhập thực tế toàn cầu thêm 285 tỷ USD mỗi năm nếu được đưa vào thực hiện trước năm 2030, mức thu nhập tuyệt đối cao gấp đôi so với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) . Thỏa thuận này tạo ra những bước tiến đáng kể về quy tắc xuất xứ, sở hữu trí tuệ và cắt giảm thuế quan, trong khi các lĩnh vực khác như thương mại điện tử lại có phần khiêm tốn hơn. Tuy nhiên, RCEP thể hiện một thành tựu quan trọng cho thương mại tự do ở Châu Á - Thái Bình Dương.

Nhìn lại hành trình 8 năm qua, như Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Quốc tế Malaysia Mohamed Azmin Ali đã gọi đó “8 năm đàm phán bằng máu, mồ hôi và nước mắt” với rất nhiều giai đoạn khó khăn. Các cuộc đàm phán RCEP cho đến năm 2020 là thời điểm quan trọng đối với nền kinh tế châu Á khi thương mại toàn cầu chậm lại, hội nhập châu Á ngày càng gia tăng và sự gián đoạn các mô hình thương mại đều gây áp lực lên các quốc gia RCEP để đạt được thỏa thuận. Trong cuộc đàm phán cuối cùng vào tháng 11/2019, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố rút khỏi thỏa thuận. Trong khi động thái của Ấn Độ khá bất ngờ, sự ra đi này không ảnh hưởng đến tiến độ của RCEP. 15 quốc gia còn lại tiếp tục tiến lên phía trước, hướng tới ký kết hiệp định vào năm 2020 và thực hiện vào năm 2021. Các điều khoản RCEP đề cập cụ thể đến Ấn Độ sẽ bị đóng băng và những thay đổi nhỏ khác có thể được thực hiện để giải thích cho sự ra đi của Ấn Độ. RCEP sẽ vẫn mở cánh cửa để Ấn Độ tham gia lại khi nước này quyết định thời điểm phù hợp.

Sự rút lui của Ấn Độ là kết quả của "những mối quan tâm cốt lõi" với RCEP. Mối quan tâm chính của Ấn Độ với thỏa thuận xoay quanh các mảng thương mại điện tử và sự mất cân bằng thương mại, đặc biệt là trong thương mại nông nghiệp và công nghiệp. Ấn Độ đã thúc đẩy một điều khoản về “bản địa hóa dữ liệu” trong phần thương mại điện tử, điều này sẽ yêu cầu mọi dữ liệu thu thập được về công dân của một quốc gia nhất định vẫn ở quốc gia đó trừ khi được chấp thuận cho việc xóa dữ liệu đó. Những nước phản đối đề xuất cho rằng điều khoản này sẽ cản trở chức năng của thương mại điện tử và tạo cơ hội cho các chính phủ xử lý dữ liệu sai. Ấn Độ cũng có những lo ngại lớn về mất cân bằng thương mại do nước này có thâm hụt thương mại với 11 trong số 15 quốc gia tham gia RCEP. Lo ngại rằng thỏa thuận có thể dẫn đến việc tràn ngập các sản phẩm chế tạo và nông sản vào thị trường của họ, Ấn Độ đã không sẵn sàng loại bỏ thuế quan đối với nhiều ngành công nghiệp nhạy cảm, chẳng hạn như sữa. Ấn Độ sẽ phải giảm đáng kể các hàng rào thuế quan và phi thuế quan, hiện đang bao trùm 90% hàng nhập khẩu tùy thuộc vào quốc gia xuất xứ, nếu nước này tiến hành tham gia RCEP.

Trong khi một số người cho rằng RCEP không có phạm vi rộng hoặc phá bỏ nhiều rào cản như CPTPP, nhưng RCEP đưa ra các biện pháp cắt giảm thuế quan, dù một số vấn đề tiếp cận thị trường vẫn cần được giải quyết. Thỏa thuận đưa ra một khuôn khổ cho các cuộc đàm phán và thay đổi trong tương lai. RCEP gồm 20 chương, so với 30 chương của CPTPP và 34 chương trong Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA). Hầu hết các thành viên dự kiến ​​sẽ chỉ giảm thuế đối với 80% số dòng thuế (mặc dù với sự rút lui của Ấn Độ, con số đó có thể tăng lên 90-93%) và duy trì xuất khẩu nông sản. Ngược lại, CPTPP sau khi được thực thi đầy đủ sẽ giảm thuế quan xuống 0% đối với 99% số dòng thuế. Biểu thuế chủ yếu được đàm phán song phương trong khuôn khổ hiệp định, vì vậy biểu thuế sẽ thay đổi dựa trên các quốc gia có liên quan.

Một trong những thay đổi quan trọng nhất theo RCEP là việc tạo ra các quy tắc xuất xứ chung cho toàn khối. Sau khi được thực hiện, các nước RCEP sẽ chỉ yêu cầu một chứng chỉ xuất xứ duy nhất. Điều này sẽ cho phép các công ty dễ dàng vận chuyển sản phẩm giữa các quốc gia RCEP mà không cần phải lo lắng về các tiêu chí quy tắc xuất xứ cụ thể ở mỗi quốc gia hoặc cho từng bước sản xuất. Quy tắc xuất xứ chung cho khối RCEP sẽ giảm chi phí cho các công ty có chuỗi cung ứng trải dài khắp châu Á và có thể khuyến khích các công ty đa quốc gia xuất khẩu sang các nước RCEP thiết lập chuỗi cung ứng trong toàn khối. RCEP cũng bao gồm các điều khoản hạn chế về dịch vụ, đầu tư và tiêu chuẩn. Trong mỗi lĩnh vực này, các quy tắc tương đối khiêm tốn. Nhưng phần về sở hữu trí tuệ mạnh hơn dự kiến ​​và các quy tắc về bản quyền kỹ thuật số vượt ra ngoài những gì đã có trong CPTPP. Hiệp định không bao gồm các chương về lao động hoặc môi trường. RCEP có điều khoản giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước. RCEP cũng bao gồm một chương cạnh tranh; tuy nhiên, không giống như CPTPP, nó không bao gồm các nguyên tắc đối với doanh nghiệp nhà nước.

Chính quyền Mỹ thời Obama lo ngại rằng việc không phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ cho phép Trung Quốc viết nên các quy tắc thương mại ở Châu Á - Thái Bình Dương thông qua RCEP. Trung Quốc từ lâu đã ủng hộ RCEP như một cơ hội để thiết lập các quy tắc khu vực cho thương mại mà không có ảnh hưởng của Mỹ. Trung Quốc đã thúc đẩy mạnh mẽ nhất cho thỏa thuận giữa các thành viên trong nhóm vì đạt được lợi ích về kinh tế và tầm ảnh hưởng. RCEP quan trọng đối với Trung Quốc vì hoạt động thương mại Mỹ-Trung đang suy giảm. Do chi phí lao động trong nước tăng cao, Trung Quốc đang mong muốn tìm kiếm hàng nhập khẩu miễn thuế từ các đối tác RCEP để thay thế hàng nhập khẩu từ Mỹ đang phải chịu mức thuế áp đặt của Mỹ. Tiếp cận tự do hóa vào các thị trường đang phát triển cũng giúp các doanh nghiệp trong nước của mình chắc chắn hơn rằng họ sẽ không phải chỉ dựa vào nhu cầu của người tiêu dùng nội địa. Ngoài ra, Trung Quốc có thể hy vọng rằng việc tăng cường trao đổi bí quyết công nghệ cao với Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ giữ cho nước này trên con đường leo lên chuỗi giá trị gia tăng như đã nêu rõ trong kế hoạch Made in China 2025.

Bất chấp những lo ngại về Trung Quốc, một số công ty Mỹ có thể tận dụng RCEP nếu họ đã có các hoạt động ở châu Á từ trước hoặc đang có kế hoạch mở rộng sang khu vực này. Đặc biệt, việc cắt giảm thuế quan và các lợi ích khác, bao gồm các quy tắc xuất xứ chung, đối với các quốc gia RCEP được áp dụng dựa trên địa điểm sản xuất, không phải trụ sở chính của công ty, vì vậy một công ty Mỹ sản xuất tại một quốc gia RCEP có thể xuất khẩu sang các quốc gia RCEP khác và nhận được cùng những lợi ích. Mặt khác, chính phủ Mỹ hiện không phải là thành viên của cả hai hiệp định thương mại lớn trong khu vực (RCEP và CPTPP). Cả hai thỏa thuận sẽ khuyến khích sự phát triển của chuỗi cung ứng trong khu vực, điều này sẽ khiến các công ty Mỹ gặp bất lợi trừ khi đặt trụ sở tại khu vực này.

Việt Dũng

Tin cùng chuyên mục

Chiến sự Nga-Ukraine chiều 22/12: UAV Ukraine đột kích Kazan; Nga thiêu rụi xe tăng Đức

Chiến sự Nga-Ukraine 22/12/2024: Điều kiện gửi lính gìn giữ hòa bình tới Ukraine; Kiev vẫn chưa được đảm bảo an ninh

Trung Quốc: Sản xuất công nghiệp tăng mạnh trở lại

Chiến sự Nga-Ukraine tối 21/12: Nga chặn đứng mục tiêu tiến quân của Kiev; loạt robot Ukraine xung trận

Có gì đặc biệt trong vũ khí lần đầu được Nga trưng bày ở nước ngoài?

Chiến sự Nga-Ukraine ngày 21/12/2024: 3 phương án giải quyết xung đột; Ukraine sắp nhận gói viện trợ cuối cùng từ Mỹ?

Chiến sự Nga-Ukraine tối 20/12: 'Sói săn mồi' MiG-31K Nga xung trận; Ukraine ra điều kiện 'thép' với Nga

Chiến sự Nga-Ukraine chiều 20/12: Nga tập kích dữ dội tại Kursk, Ukraine nỗ lực xoay chuyển tình thế

Chiến sự Nga-Ukraine 20/12/2024: OSCE có thể trở thành nền tảng đối thoại; Ukraine tuyên bố bất ngờ về lệnh ngừng bắn

Chiến sự Nga-Ukraine tối 19/12: Nga 'tung đòn quyết chiến' ở Kupyansk; Ukraine sắp tấn công Bryansk

Chiến sự Nga-Ukraine chiều 19/12: Nga dội hỏa lực tại Kurakhovo, quân đội Ukraine vào thế nguy cấp

Chiến sự Nga-Ukraine ngày 19/12/2024: Bỉ hoãn giao F-16 cho Ukraine; Tướng Nga cảnh báo nguy cơ xung đột với NATO

Chiến sự Nga-Ukraine sáng 19/12: Nga bắt giữ 30 lính đánh thuê Ukraine; Ukraine từ chối đề nghị của Hungary

Trung Quốc công bố hình ảnh thử nghiệm máy bay không người lái

Vì sao Nga muốn giành quyền kiểm soát thành phố Pokrovsk?

Chiến sự Nga-Ukraine tối 18/12: Nga giáng đòn chí mạng gần Pokrovsk; Ukraine tăng tốc dựng 'lá chắn thép'

Xác định được căn bệnh bí ẩn gây tử vong hàng loạt tại Cộng hòa Dân chủ Congo

Tương lai của TikTok trong vòng nguy hiểm: EU mở cuộc điều tra, Mỹ đe dọa cấm cửa

Chiến sự Nga-Ukraine chiều 18/12: Nga dội 'bão lửa' ở Kursk, Ukraine căng mình phòng thủ

Trung tướng Nga bất ngờ bị ám sát ở Moscow