Rau ngải cứu: Vị thuốc tốt cho sức khỏe nhưng không ít tác dụng phụ
Tuy nhiên, nếu sử dụng quá nhiều rau ngải cứu có thể dẫn tới ngộ độc.
Tác dụng tuyệt vời từ rau ngải cứu
Theo Đông y, ngải cứu vị đắng, cay, tính ấm, vào kinh tỳ, can, thận, có tác dụng ôn bào cung, cầm máu, an thai, khứ hàn, giảm đau.
Rau ngải cứu vị thuốc tốt cho sức khỏe |
Nghiên cứu của y học hiện đại cho thấy, ngải cứu có nhiều thành phần dinh dưỡng và tinh dầu, một số hoạt chất trong ngải cứu có tác dụng thúc đẩy sự tuần hoàn của máu, nhờ đó có thể cải thiện quá trình trao đổi chất, giúp da được nuôi dưỡng tốt hơn và có đủ nước.
Trong ngải cứu còn có một thành phần có ích đối với việc làm đẹp da, là chất tanin có tác dụng ngăn ngừa sự xuất hiện các mụn nước nhỏ, chữa bệnh chàm (eczema), và một số loại viêm da khác.
Nhờ tính ấm nên ngải cứu được dùng phổ biến trong những bài thuốc chữa bệnh về xương khớp. Cây có tác dụng giúp lưu thông khí huyết, tăng cường khả năng lưu thông máu, tốt cho hệ xương khớp, giảm đau, kháng viêm, nhất là đối với những người bị gai cột sống, thấp khớp… Có thể giã ngải cứu lấy nước cốt pha mật ong để uống hoặc đâm nhuyễn làm thuốc đắp.
Bên cạnh đó còn hữu hiệu trong việc hỗ trợ điều hòa kinh nguyệt; an thai; giúp cầm máu; chữa chứng suy nhược cơ thể; trị mụn, mẩn ngứa và làm trắng da; giúp lưu thông máu lên não bằng phương pháp đơn giản, đó là chỉ cần kết hợp ngải cứu với trứng gà là đã có món ngon bổ dưỡng trong thực đơn hàng ngày. Đây là 2 món ăn giàu protein, choline, adenin nên có thể tăng cường máu lên não, cải thiện hệ miễn dịch, lưu thông khí huyết.
Theo Lương y Thích Tuệ Tâm - Giám đốc Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa (Huế), lá ngải cứu phơi khô gọi là ngải điệp. Lá ngải cứu phơi khô vỏ cắt thành bột vụn rây lấy phần lông trắng và tơi gọi là ngải nhung. Dùng tươi, rửa sạch giã, lọc lấy nước uống cũng có nhiều tác dụng.
Một số bài thuốc có sử dụng ngải cứu
Ngải cứu trị cảm cúm, ho do lạnh: Lấy 300g ngải cứu, 100g lá khuynh diệp, 100g lá bưởi (hoặc quýt, chanh) nấu trong 2 lít nước. Đun sôi 20 phút bắc xuống, xông 15 phút. Làm liên tục 2-3 ngày bệnh sẽ đỡ.
Ngải cứu trị mụn trứng cá: Lá ngải cứu tươi giã nát đắp lên mặt, để khoảng 20 phút rồi rửa lại mặt, làm liên tục sẽ cho làn da mịn màng và trắng hồng.
Ngải cứu chữa đau bụng do lạnh: Ngải cứu tươi 100g, thịt lợn than 100g. Cách làm: ngải cứu rửa sạch, thịt nạc lợn băm nhỏ, xào qua và cho gia vị vừa đủ, cho khoảng 1 bát nước, đun sôi cho rau ngải cứu vào. Canh sôi khoảng 5 phút bắc ra ăn ngay hoặc có thể dùng làm canh ăn với cơm. Dùng liên tục trong 2 ngày. Hoặc lá ngải cứu tươi 70g, hơ nóng chườm bụng, ngày làm 2-3 lần.
Trị chứng đau đầu: Lá ngải cứu non, tươi 150g, trứng gà 2 quả. Cách làm: Lá ngải cứu rửa sạch để ráo, thái nhỏ. Cho trứng vào đánh tan cùng với lá ngải cứu đã thái nhỏ, thêm gia vị đem rán với dầu ăn. Ngày làm 1 lần vào buổi sáng hoặc tối. Ăn khi còn nóng. Dùng liên tục trong 7-10 ngày. Hoặc mỗi tháng nên ăn trong 10 ngày có công hiệu giúp lưu thông máu lên não. Bài thuốc này dễ làm và có hiệu quả tốt để trị chứng đau đầu.
Giúp tăng cường sức khỏe cho phụ nữ sau sinh: Ngải cứu tươi 200g, táo đỏ, ý dĩ, câu kỷ tử, hạt sen, tam thất mỗi vị 10g, gà ri 1 con. Cách làm: Gà làm sạch, mổ moi, nhồi tất cả các nguyên liệu vào trong bụng gà, cho gà vào nồi, đổ xâm xấp nước, cho gia vị vừa đủ, đun cho đến khi gà mềm nhừ. Nên ăn nóng, một tuần ăn 1 lần. Bài thuốc này giúp cơ thể khỏe mạnh, xương cốt dẻo dai.
Giúp chữa đau lưng do gai cột sống: Ngải cứu tươi 250g, dấm gạo 150ml, miếng vải mỏng, mềm. Ngải cứu rửa sạch, giã nát trộn với dấm đã đun nóng đem xoa dọc theo xương sống chừng 15 phút, trong quá trình xoa nên hâm nóng thuốc thường xuyên. Nên thực hiện vào buổi tối trước khi đi ngủ. Mỗi liệu trình điều trị trong vòng 15 ngày và thực hiện liên tục từ 3-5 tháng.
Ngải cứu dùng làm nước tắm: Nấu nước lá ngải cứu, cho vào bồn tắm, nằm ngâm mình vào nước này. Làm như vậy có tác dụng tẩy tế bào chết, làm mềm da và các vết chai, giúp máu lưu thông mạnh hơn, làm dịu các cơ đang bị đau và các chỗ bị sưng hay viêm.
Ngải cứu dùng làm gối: Lá ngải cứu khô cho vào một cái vỏ gối để gối đầu. Phương pháp này giúp cho những người thường xuyên bị đau đầu mệt mỏi hoặc do áp lực công việc, dùng gối đầu bằng ngải cứu sẽ thấy đầu óc thoải mái và khoan khoái.
Những lưu ý khi sử dụng ngải cứu
Ngải cứu được biết đến có nhiều tác dụng bồi bổ sức khỏe và chữa bệnh. Tuy nhiên, việc sử dụng trong đời sống hàng ngày cũng như sử dụng làm thuốc cần thận trọng. Nếu sử dụng quá nhiều ngải cứu có thể dẫn tới ngộ độc, hoặc sử dụng không đúng cách có thể gây phản tác dụng. Vì thế, việc sử dụng ngải cứu cần lưu ý: Không nên dùng quá nhiều, mỗi lần chỉ nên ăn tối đa 5 ngọn, mỗi tuần không nên ăn quá 3 lần.
Người mang thai hoặc từng sảy thai, sinh non, không nên ăn. Phụ nữ cho con bú cũng không nên sử dụng ngải cứu hàng ngày. Không dùng ngải cứu làm thuốc kết hợp với các loại thuốc chữa trầm cảm, tiểu đường, chống đông máu, ung thư, kháng khuẩn… sẽ gây tương tác và phản tác dụng của thuốc. Không dùng ngải cứu dài ngày, quá 4 tuần.
Gây rối loạn chuyển hóa tế bào gan. Nếu người bị viêm gan ăn ngải cứu, khi đó dược chất đi vào gan sẽ gây ra rối loạn chuyển hóa của tế bào gan, dẫn tới viêm gan cấp tính do trúng độc và viêm gan vàng da. Do đó người bị viêm gan nên tránh xa món này.
Biểu hiện của ngộ độc ngải cứu thông thường là miệng và họng bị kích thích nhẹ, cảm giác khô, khát. Sau khoảng nửa giờ do dạ dày, ruột bị viêm cấp tính sẽ xuất hiện cảm giác khó chịu ở vùng thượng vị; đau bụng, lợm giọng, buồn nôn, nôn… |