Ra mắt hệ thống cơ sở dữ liệu ngăn chặn sai phạm trong kinh doanh xăng dầu từ 20/5/2022
Ngăn chặn các hành vi sai phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu
Xăng dầu là mặt hàng hết sức quan trọng, thiết yếu, nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như đời sống của người dân. Giá xăng dầu cũng có ảnh hưởng lớn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), qua đó ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô của cả nước.
Từ đầu năm 2022 đến nay, thị trường xăng dầu thế giới và trong nước có nhiều biến động ảnh hưởng đến nguồn cung và giá cả xăng dầu tại thị trường trong nước. Trước tình hình đó, Chính phủ, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều biện pháp bảo đảm nguồn cung cũng như điều hành giá xăng dầu phù hợp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý và điều hành xăng dầu quốc gia góp phần ngăn chặn các hành vi sai phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu |
Theo Bộ Công Thương, hiện cả nước có 38 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, 329 thương nhân phân phối xăng dầu và khoảng gần 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, ngăn chặn các hành vi sai phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu và hỗ trợ các cơ quan chức năng trong việc điều tiết cung cầu mặt hàng xăng dầu, cần ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cập nhật dữ liệu đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên cả nước (về nguồn hàng hóa, hệ thống phân phối, địa bàn hoạt động của các doanh nghiệp...).
Việc xây dựng cơ sở dữ liệu để cập nhật trên ứng dụng phần mềm quản lý mặt hàng xăng dầu cũng cần bảo đảm tuân thủ các quy định về chế độ báo cáo của doanh nghiệp theo các quy định pháp luật hiện hành trong lĩnh vực xăng dầu và việc bảo mật thông tin kinh doanh của doanh nghiệp.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu
Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương thông tin, hiện nay, trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương đã có 01 chuyên mục về công khai minh bạch hoạt động kinh doanh xăng điện, xăng dầu. Tại đây, Bộ Công Thương đăng tải các thông tin về giá thế giới (dùng để tính giá cơ sở), giá bán lẻ, tên các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu.
Nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu, Nghị quyết số 42-NQ/BCSĐ của Ban cán sự đảng Bộ Công Thương tại cuộc họp Ban cán sự đảng ngày 22 tháng 3 năm 2022 đã “khẳng định việc ứng dụng công nghệ trong việc quản lý sản xuất, kinh doanh và bảo quản xăng dầu là rất cần thiết để đảm bảo hạn chế sự can thiệp của con người”. Đồng thời chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị có liên quan trong Bộ (Vụ Thị trường trong nước, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp, Văn phòng Bộ) để thực hiện nhiệm vụ“Ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức quản lý nhà nước trong điều hành kinh doanh xăng dầu” tại Nghị quyết.
Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý và điều hành xăng dầu quốc gia.
Đến nay, hai Bộ đã tổ chức các cuộc họp triển khai nhiệm vụ xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu vào ngày 25/3 và ngày 25/4/2022 do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì.
Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn công tác liên Bộ Công Thương - Bộ Thông tin và Truyền thông để khảo sát thực tế về hạ tầng ứng dụng công nghệ thông tin và khả năng đáp ứng việc thực hiện báo cáo theo quy định pháp luật hiện hành trên hệ thống cơ sở dữ liệu và các nội dung có liên quan tại 03 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn Thành phố Hà Nội: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu); Công ty cổ phần xăng dầu Thụy Dương (Thương nhân phân phối xăng dầu); Công ty cổ phần xăng dầu Duy Tuấn (Đại lý bán lẻ xăng dầu).
Ngoài ra, phối hợp xây dựng “Yêu cầu chi tiết xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý và điều hành xăng dầu quốc gia”, theo đó việc xây dựng, vận hành và sử dụng Hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý và điều hành xăng dầu quốc gia cần tuân thủ và đáp ứng các yêu cầu về tính pháp lý, tính chính xác, khách quan của cơ sở dữ liệu, tính bảo mật; khả năng kết nối, phát triển hệ thống; cập nhật liên thông với hệ thống điều hành tập trung của Chính phủ và các cơ quan Trung ương để chia sẻ dữ liệu; khả năng phân tích và đánh giá cơ sở dữ liệu.
Việc vận hành Hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý và điều hành xăng dầu quốc gia được chia làm các giai đoạn khác nhau với các yêu cầu chi tiết phù hợp. Trong đó, ở giai đoạn đầu, từ ngày 20 tháng 5 năm 2022, thực hiện áp dụng Hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý và điều hành xăng dầu quốc gia đối với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và các thương nhân phân phối xăng dầu với các yêu cầu hệ thống ở mức cơ bản, phù hợp để phục vụ nhu cầu quản lý và điều hành xăng dầu của Bộ Công Thương.
Giai đoạn tiếp theo, sau 3 tháng, hệ thống sẽ được hoàn thiện có khả năng thực hiện quản lý trên toàn hệ thống kinh doanh xăng dầu với các yêu cầu chi tiết và tiêu chí cao hơn giai đoạn đầu.
Đến ngày 20/5/2022, trên cơ sở phối hợp chặt chẽ giữa hai Bộ, có thể thực hiện áp dụng Hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý và điều hành xăng dầu quốc gia giai đoạn 1 đối với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và các thương nhân phân phối xăng dầu đúng như tiến độ đã đề ra.
Cụ thể, Hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý và điều hành xăng dầu quốc gia có đường dẫn tại http://quanlyxangdau.moit.gov.vn.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương khởi tạo tài khoản cho toàn bộ các đối tượng thương nhân trong giai đoạn 1 gồm: 2 thương nhân sản xuất, 38 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và khởi tạo thông tin 329 thương nhân phân phối kinh doanh xăng dầu.
Ngoài ra, cập nhật một số báo cáo cho một số thương nhân sản xuất, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối kinh doanh xăng dầu trên hệ thống. Tiến hành công tác kiểm thử hệ thống, thường xuyên có sự phối hợp giữa hai Bộ để rà soát sửa lỗi, bổ sung tính năng theo yêu cầu quản lý nhà nước.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông để hoàn thiện việc xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý và điều hành xăng dầu quốc gia, đồng thời duy trì vận hành và triển khai rộng rãi, góp phần thực hiện công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xăng dầu một cách hiệu quả thông qua việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực này.