Quy hoạch điện VIII điều chỉnh: Quyết sách kịp thời vì mạch máu năng lượng cho phát triển
Dấu ấn nỗ lực của Bộ Công Thương
Như chúng ta đã biết, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), được phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023, đã đặt nền móng cho phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tuy nhiên, sau hơn một năm triển khai, thực tiễn đã phát sinh nhiều yếu tố mới như biến động giá nhiên liệu, tiến bộ công nghệ, cam kết giảm phát thải khí nhà kính tại COP26, và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đòi hỏi phải điều chỉnh quy hoạch để phù hợp thực tiễn mới.
Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương đã chủ động triển khai các hoạt động rà soát, nghiên cứu, đánh giá thực trạng hệ thống điện lực quốc gia và quy hoạch điện lực ở từng địa phương; đồng thời cập nhật các xu hướng phát triển năng lượng tiên tiến trên thế giới, phù hợp với tình hình thực tế đang diễn ra.
Quá trình xây dựng dự thảo Đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VIII là một minh chứng rõ nét cho tinh thần cầu thị, lắng nghe và sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Công Thương với các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty năng lượng, các chuyên gia và nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng. Bộ đã tổ chức nhiều hội nghị, cuộc họp, thu thập ý kiến đóng góp đa chiều, thận trọng; các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, các phó Thủ tướng… từ đó chắt lọc, bổ sung và hoàn thiện các nội dung của dự thảo một cách khoa học và khách quan, đảm bảo tính khả thi.
Từ lãnh đạo Bộ, đến lãnh đạo, cán bộ, chuyên viên của các cục, vụ chuyên môn thuộc Bộ đã làm việc không kể ngày đêm, tận tâm với nhiệm vụ, thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm cao đối với sự phát triển bền vững của ngành năng lượng quốc gia.
Tinh thần cầu thị của Bộ đã được thể hiện rõ trong việc lắng nghe ý kiến phản biện, giải trình thấu đáo các vấn đề và chủ động đề xuất các phương án điều chỉnh tối ưu. Những nỗ lực này chỉ trong thời gian ngắn của Bộ Công Thương đã được Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các bộ ngành, địa phương đánh giá cao.
Và tin vui là ngày 15/4/2025, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định 768/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch điện VIII.
Quy hoạch điện VIII điều chỉnh |
Quyết sách kịp thời, tầm nhìn chiến lược
Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định điều chỉnh Quy hoạch điện VIII được đánh giá là một quyết sách vô cùng kịp thời và có tầm nhìn chiến lược. Trong bối cảnh yêu cầu tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên năm 2025 và 2 con số cho các năm tiếp theo; rồi nhu cầu điện năng ngày càng tăng cao, sự phát triển mạnh mẽ của năng lượng tái tạo và những cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính, việc có một quy hoạch điện lực rõ ràng, định hướng phát triển bền vững là vô cùng quan trọng, cấp thiết.
Quyết định này không chỉ tạo ra một khung pháp lý vững chắc cho việc triển khai các dự án điện lực trong giai đoạn tới mà còn thể hiện sự chủ động của Chính phủ trong việc nắm bắt cơ hội, ứng phó với thách thức và định hình tương lai năng lượng của đất nước.
Với những mục tiêu rõ ràng về cơ cấu nguồn điện, phát triển lưới điện, ứng dụng công nghệ mới và bảo vệ môi trường, quy hoạch điện VIII điều chỉnh tiếp tục bám sát tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm tới tinh thần đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng thông qua việc đa dạng hóa nguồn cung, phát triển các nguồn điện trong nước và tăng cường khả năng tự chủ; thúc đẩy mạnh mẽ năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; nâng cao hiệu quả hệ thống điện bằng việc đầu tư vào lưới điện thông minh, hiện đại, giảm thiểu tổn thất điện năng và nâng cao độ tin cậy cung cấp điện. Đồng thời có những chính sách tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư vào ngành điện.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Quy hoạch điện VIII điều chỉnh có nhiều điểm mới, và quan trọng, thể hiện sự thay đổi trong tư duy và định hướng phát triển của ngành điện Việt Nam vừa theo hướng mở và linh hoạt, vừa bắt kịp xu hướng bền vững, xanh, sạch.
Theo đó, đã ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo; đa dạng hóa nguồn điện để giúp tăng cường tính tự chủ của ngành điện, giảm thiểu rủi ro khi phụ thuộc vào một nguồn năng lượng duy nhất và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; phát triển lưới điện thông minh; chú trọng đến hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường; tạo điều kiện tối đa cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển nguồn, lưới điện và thị trường điện.
Quy hoạch điện VIII điều chỉnh là một bước đi quan trọng, tạo đà cho sự phát triển bền vững của ngành điện Việt Nam trong giai đoạn tới. Với quyết sách kịp thời và tầm nhìn chiến lược, Việt Nam đang vững bước trên con đường chuyển dịch năng lượng, hướng tới một tương lai năng lượng sạch, an toàn và hiệu quả. |