Quỹ ETF: Chờ thị trường tăng trưởng
Chuyển biến kinh tế thế giới và kinh tế vĩ mô tác động tích cực đến dòng vốn ngoại vào TTCK Ảnh: Hà Ninh |
Hiện tượng rút vốn của Quỹ ETF VNM trong phiên giao dịch gần đây đã gây ít nhiều ảnh hưởng đến chỉ số Index. Trong phiên giao dịch ngày 24/3, quỹ này tiếp tục rút thêm 850 ngàn chứng chỉ quỹ và tính cả 1 triệu chứng chỉ quỹ bị rút trong tuần trước, tổng lượng quỹ này rút ra trong vài phiên gần đây đã lên đến 1,85 triệu đơn vị (gần bằng lượng phát hành trong cả tháng 2).
Hiện tượng các quỹ ETF liên tục bị các nhà đầu tư trên thị trường thế giới rút vốn khiến suy đoán việc bán ròng của khối ngoại chủ yếu xuất phát từ các quỹ ETF là có cơ sở. Cụ thể, từ ngày 28/2 - 27/3, tổng giá trị tài sản ròng của Quỹ ETF VNM đã giảm 96 triệu USD (tương đương hơn 2.000 tỷ đồng), từ mức 519 triệu USD xuống chỉ còn 423 triệu USD. Số chứng chỉ quỹ lưu hành (outstanding shares) theo đó cũng giảm từ 27 triệu xuống chỉ còn 24,8 triệu cuối tuần trước. Khi nhà đầu tư rút vốn, các quỹ ETF đứng trước áp lực phải bán ra một phần danh mục cổ phiếu tại thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam để trả lại tiền cho nhà đầu tư. Đây được coi là nguyên nhân trực tiếp lý giải cho động thái bán ròng liên tục với giá trị lớn của nhà đầu tư nước ngoài trong những tuần gần đây.
Tuy nhiên, tính đến nay, tổng 2 quỹ ETF ở Việt Nam chỉ dưới 1 tỷ USD (xấp xỉ 4% giá trị vốn hóa thị trường), trong khi tổng giá trị vốn hóa của cả TTCK trong nước khoảng 50 tỷ USD. Như vậy, việc rút ròng của các quỹ ETF dù có ảnh hưởng nhất định đến chỉ số Index, ảnh hưởng đến tâm lý, nhưng hoàn toàn không thể hiện đầy đủ bản chất xu hướng dòng tiền của khối ngoại trên thị trường.
Nhìn chung, các quỹ ETF sẽ phải trông chờ vào sự tăng trưởng của thị trường và tăng trưởng cao hơn của nền kinh tế Việt Nam. Hơn nữa, các nhà đầu tư nước ngoài khi muốn đầu tư vào Việt Nam đều dành sự quan tâm trên hết cho những cổ phiếu hàng đầu và các cổ phiếu trong rổ VN30 và chứng chỉ Quỹ VFMVN30 có thể đáp ứng được điều đó.
Tính đến nay, tổng 2 quỹ ETF ở Việt Nam chỉ dưới 1 tỷ USD (xấp xỉ 4% giá trị vốn hóa thị trường), trong khi tổng giá trị vốn hóa của cả TTCK trong nước khoảng 50 tỷ USD. |
Bởi trên thực tế, loại hình quỹ đầu tư ETF theo chỉ số mang lại những ưu điểm lớn cho nhà đầu tư so với các mô hình khác. Chẳng hạn, VFMVN30 sử dụng chiến lược đầu tư thụ động bằng cách đầu tư vào các cổ phiếu với tỷ lệ phân bổ đúng theo cơ cấu tạo nên chỉ số VN30, tức mô phỏng lại chỉ số VN30. Tương tự, SSIHNX30 cũng mô phỏng lại chỉ số HNX30. Đây là các chỉ số được đánh giá cao nhất trên thị trường hiện nay khi bao gồm 30 cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất đại diện cho mỗi sàn chứng khoán, chiếm đến 80% giá trị vốn hóa toàn thị trường, có thanh khoản tốt… Ngoài ra, nếu so với các quỹ ETF ngoại thì các quỹ ETF nội còn có một ưu thế nổi trội là khả năng đầu tư không giới hạn vào các cổ phiếu đang hết room (giới hạn sở hữu) dành cho khối ngoại, tức nhà đầu tư nước ngoài có thể thông qua các quỹ ETF nội để tiếp cận với mã cổ phiếu blue-chip trên thị trường mà không sợ vi phạm các quy định hiện có.
Ngoài ra, các mặt tích cực của nền kinh tế như nền tảng môi trường lãi suất thấp, cơ hội từ Hiệp định TPP cũng là những nhân tố tích cực ảnh hưởng đến việc dòng vốn ngoại vào TTCK Việt Nam.