Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đã hỗ trợ cho hơn 13 triệu lao động
Số lao động có việc làm tăng trở lại cùng xu hướng phục hồi kinh tế
Sáng 17/12, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ năm “Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức”, diễn ra Hội thảo chuyên đề 4 với chủ đề “Phát triển thị trường lao động bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trong phát triển kinh tế - xã hội” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tổ chức.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh phát biểu tại hội thảo |
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, lao động- việc làm là một trong các cân đối lớn của nền kinh tế góp phần đảm bảo cuộc sống và phát triển toàn diện của người dân. Vì vậy, bảo đảm việc làm và an sinh xã hội cho người dân là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và xã hội, góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, đồng thời thể hiện cam kết của Việt Nam với quốc tế trong thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.
Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, thị trường lao động đã bị tác động nặng nề, có thời điểm nguồn cung lao động suy giảm nghiêm trọng, có hơn 30 triệu lao động (tương đương 58,36% lực lượng lao động) bị ảnh hưởng tiêu cực (bị mất việc làm; phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên; giảm giờ làm, giảm thu nhập...). Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thị trường lao động đã phục hồi nhanh trong năm 2022.
Nêu dẫn chứng cụ thể, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay, lực lượng lao động tăng nhanh và ổn định: Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2022 đạt 51,6 triệu người (tăng 1,2 triệu người so với cùng kỳ năm 2021). Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động năm 2022 là 68,5% (tăng 0,9%).
Số lao động có việc làm tăng trở lại cùng với xu hướng phục hồi kinh tế của đất nước và tăng cả ở 6 vùng kinh tế - xã hội: Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm năm 2022 là 50,5 triệu người (tăng 1,5 triệu người). Đặc biệt 3 vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 trong năm 2021 là Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung đã có mức phục hồi mạnh (Đông Nam Bộ tăng 19,5% vượt quy mô của lao động năm 2019; Đồng bằng sông Cửu Long tăng 12,4%, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung tăng 6,9%).
Chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành trở lại chiều hướng tích cực khi lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 13,9 triệu người (tương đương 27,6%); lao động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt gần 12 triệu người, cao hơn so với cùng kỳ năm 2019 - khi chưa xảy ra dịch Covid-19. Bên cạnh đó, thu nhập của người lao động được cải thiện, số lượng và tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm đều giảm.
Tỷ lệ lao động có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 27%
Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho rằng, mặc dù thị trường lao động đang phục hồi và phát triển nhưng vẫn bộc lộ những vấn đề bất cập và hạn chế. Về chất lượng cung lao động còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập, ước tính cả năm 2022 tỷ lệ lao động có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 27%.
Cầu lao động của nền kinh tế cũng chưa đủ “hiện đại”, chưa có đủ việc làm bền vững để đáp ứng nhu cầu việc làm phù hợp với nguyện vọng của người lao động, 13,9 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (chiếm 27,6%); gần 34 triệu lao động có việc làm phi chính thức, chiếm 67,5% tổng số lao động có việc làm.
Thị trường lao động Việt Nam vẫn có hiện tượng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ và có sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế; cơ chế kết nối cung - cầu và tự cân bằng của thị trường còn yếu, mà lý do chính là hệ thống thông tin trên thị trường lao động chưa được phát triển đầy đủ.
Đặc biệt những tháng cuối năm 2022, trước tác động bởi sự biến động của thị trường quốc tế và trong nước, một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ đã gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, bị cắt giảm đơn hàng, dẫn đến phải cắt giảm việc làm gây ảnh hưởng tới đời sống của người lao động.
Theo báo cáo nhanh của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan liên quan: Có 528 doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, kinh doanh, phải cắt giảm việc làm; số lao động bị ảnh hưởng việc làm trong các doanh nghiệp hơn 600 nghìn người (khoảng 4% tổng số lao động trong doanh nghiệp, trong đó số lao động bị mất việc làm hơn 50 nghìn người (chiếm 8,4% số lao động bị ảnh hưởng).
Trong khi đó, để kịp cung ứng hàng hóa dịch vụ cho các ngày lễ lớn, các đơn hàng năm 2023 nhiều ngành, nghề lại đang có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn đợt cuối năm như Thành phố Hồ Chí Minh có nhu cầu tuyển 25 nghìn lao động, Hà Nội có nhu cầu gần 28 nghìn lao động, Bắc Ninh khoảng 20 nghìn lao động, Đồng Nai khoảng 12,5 nghìn lao động.
Phương thức quản trị thị trường lao động còn nhiều yếu kém, rời rạc, thiếu tính kết nối, đặc biệt thiếu kỹ năng và kinh nghiệm trong hoạt động phân tích, dự báo thị trường lao động.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh cũng cho biết, hiện nay, hệ thống chính sách an sinh xã hội của Việt Nam tập trung vào 4 nội dung: Phòng ngừa rủi ro (chính sách thúc đẩy tạo việc làm, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn lao động, giảm nghèo bền vững ...); giảm thiểu rủi ro (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp); khắc phục rủi ro (chính sách hỗ trợ khi thiên tai, dịch bệnh, ...) và các dịch vụ an sinh xã hội cơ bản (nhà ở, y tế, giáo dục, nước sạch ...).
Hệ thống an sinh xã hội với vai trò là giá đỡ cho thị trường lao động, ngày càng được mở rộng, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia tăng đều hàng năm: Tính đến hết tháng 9/2022, đã có trên 17,08 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, đạt 37,01% lực lượng lao động trong độ tuổi; có trên 14 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đạt hơn 30% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Trước tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, với mục tiêu duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm, an sinh xã hội, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ, thận trọng và trách nhiệm các chính sách; trong đó phải kể đến các chính sách hỗ trợ trực tiếp người dân, người lao động và doanh nghiệp.
Thứ nhất là các chính sách về bảo hiểm xã hội hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn như: Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, giảm mức đóng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và hỗ trợ đào tạo nghề với các đối tượng bởi dịch Covid-19 được triển khai thực hiện trong năm 2020 và 2021.
Riêng năm 2021, tổng kinh phí hỗ trợ 03 chính sách về bảo hiểm theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết số 126/NQ-CP là khoảng gần 6 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho gần 400 nghìn đơn vị sử dụng lao động và gần 12 triệu người lao động.
Thứ hai là chính sách hỗ trợ trực tiếp người lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, đã thực hiện chi trả hỗ trợ cho 13.334.207 lao động thuộc đối tượng hỗ trợ với tổng số tiền chi trả hơn 31.836 tỷ đồng.
Ngoài ra, đối với nhiều người lao động không thuộc diện hưởng các chế độ an sinh xã hội theo quy định hiện hành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời xây dựng và ban hành các chính sách (Nghị quyết 42 và Nghị quyết 68) để bổ sung, hỗ trợ kịp thời mọi người dân bị rủi ro với mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động, từ năm 2021 đến nay, trung ương và các địa phương đã dành tổng kinh phí hơn 87 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho 55,68 triệu lượt người dân, người lao động và gần 01 triệu lượt người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Cùng với đó, trước tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn biến bất thường, tính đến ngày 01/12/2022, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét cấp 10.802,88 tấn gạo cứu đói cho 200.761 hộ với 720.192 nhân khẩu.