Thứ sáu 08/11/2024 21:28

Quốc hội dành 7 ngày xem xét, kiện toàn 25 chức danh lãnh đạo cơ quan Nhà nước

Tại buổi họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV diễn ra sáng 23/3, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Quốc hội sẽ dành 7 ngày cho công tác nhân sự, bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội.

Giới thiệu chương trình kỳ họp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn cho hay, dự kiến Quốc hội sẽ khai mạc vào ngày 24/3/2021, họp tập trung trong thời gian 12 ngày (dự kiến bế mạc vào ngày 8/4/2021).

Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang tích cực triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026.

“Đây là kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, nên bên cạnh công tác xây dựng pháp luật, xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội còn tập trung thời gian cho tổng kết công tác nhiệm kỳ của các cơ quan Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ. Đặc biệt, tại kỳ họp này, Quốc hội cũng dành nhiều thời gian để kiện toàn nhân sự lãnh đạo Nhà nước” - ông Vũ Minh Tuấn thông tin.

Theo ông Vũ Minh Tuấn, do sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, nhiều vị lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước đã không tái cử Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị đã phân công nhiệm vụ mới với một số ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và một số ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.

Ông Vũ Minh Tuấn nói thêm: "Thời gian qua, Bộ Chính trị đã tiến hành xem xét cẩn trọng cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn của việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo các cơ quan nhà nước ngay sau đại hội của Đảng và thống nhất cao cần sớm kiện toàn sắp xếp lại các chức danh lãnh đạo các cơ quan Nhà nước một cách đồng bộ, đáp ứng kịp thời yêu cầu triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Bộ Chính trị cũng đề nghị Trung ương cho thực hiện kiện toàn các chức danh lãnh đạo các cơ quan Nhà nước tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Chương trình cụ thể sẽ được trình Quốc hội tại phiên họp trù bị vào sáng 24/3".

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời báo chí tại buổi họp báo

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành khoảng 7 ngày để xem xét, kiện toàn một số vị trí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, cùng với đó, Quốc hội cũng sẽ dành thời gian khoảng 0,5 ngày để xem xét, thông qua Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Dự án Luật này đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Đồng thời, Quốc hội sẽ dành khoảng 4,5 ngày để thảo luận dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; xem xét các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của: Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước; Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV; Hội đồng Bầu cử Quốc gia báo cáo kết quả hoạt động từ khi thành lập đến tháng 3/2021; Xem xét, quyết định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND TP. Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026; Xem xét, thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV (trong đó có nội dung quy định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026).

Tại buổi họp báo, một số cơ quan báo chí đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến công tác nhân sự của kỳ họp như: Kỳ họp 11 sẽ kiện toàn bao nhiêu chức danh của bộ máy Nhà nước và Chính phủ? Sẽ giới thiệu nhân sự nào để bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ?...

Trả lời báo chí, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho hay: Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ kiện toàn tổng cộng khoảng 25 chức danh lãnh đạo. Đầu tiên là bầu Chủ tịch Quốc hội, sau đó bầu Chủ tịch nước, rồi Chủ tịch nước mới giới thiệu nhân sự để bầu Thủ tướng Chính phủ…

"Các quy trình này được thực hiện một cách bài bản, chặt chẽ, từ khâu đọc tờ trình miễn nhiệm, thảo luận tại đoàn lấy ý kiến, nghe báo cáo giải trình rồi mới miễn nhiệm, tiếp đó mới đọc tờ trình giới thiệu nhân sự mới để thảo luận, bầu…" - ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Tổng Thư ký Quốc hội thông tin, đây là kiện toàn nhân sự trong một nhiệm kỳ nên về quy trình càng phải làm chặt chẽ hơn, theo đúng các bước bắt buộc, không thể cùng một lúc bầu đồng thời nhiều nhân sự được, không thể rút ngắn quy trình hơn được.

Ngoài ba chức danh Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội cũng sẽ kiện toàn một số chức danh Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ nhiệm một số Ủy ban của Quốc hội, phê chuẩn một số thành viên Chính phủ…

Ông Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh, trọng tâm của Kỳ họp thứ 11, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội là tổng kết công tác nhiệm kỳ, kiện toàn một số chức danh trong bộ máy Nhà nước. Lần này chỉ kiện toàn một số chức danh và vẫn thuộc Khoá XIV.

“Ở Quốc hội khóa XIII, chúng ta cũng đã tiến hành việc kiện toàn một số nhân sự sau khi một số đồng chí lãnh đạo không tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ sau Đại hội Đảng. Vì thế, ở nhiệm kỳ này, việc kiện toàn một số chức danh lãnh đạo cũng giống như ở nhiệm kỳ XIII chứ không phải mới” - ông Nguyễn Hạnh Phúc cho hay.

"Tiết lộ" thông tin về nhân sự được giới thiệu bầu Chủ tịch nước, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đây là lần đầu tiên chúng ta giới thiệu một nhân sự đang là đương kim Thủ tướng Chính phủ để bầu làm Chủ tịch nước. Nên quy trình phải có Chủ tịch nước đương nhiệm bãi nhiệm Thủ tướng rồi giới thiệu để bầu, và trước đó Quốc hội cũng phải bãi nhiệm Chủ tịch nước đương nhiệm...

Sau khi có kết quả bầu cử các chức danh nói trên, tân Chủ tịch Quốc hội, tân Chủ tịch nước, tân Thủ tướng Chính phủ sẽ tuyên thệ trước Quốc hội, cử tri, đồng bào. “Việc tuyên thệ thực hiện theo đúng quy định pháp luật được Hiến pháp quy định, tức là các chức danh như Chủ tịch nước, Thủ tướng khi được bầu, người nhậm chức sẽ tuyên thệ” - ông Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ.

Quỳnh Nga - Đỗ Nga

Tin cùng chuyên mục

Bổ nhiệm Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương

Rà soát nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đường bộ: Tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền

Quy định trách nhiệm 'người có ảnh hưởng' trong quảng cáo mỹ phẩm, thực phẩm bổ sung

Tạo đột phá trong quan hệ thương mại Việt Nam với Peru, Chile và APEC

Bộ trưởng Bộ Công Thương: Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) bám sát 4 chính sách lớn

Sự cố máy bay Yak-130: Đại tướng Phan Văn Giang gửi thư cảm ơn tỉnh Bình Định

Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024

Khơi thông nguồn lực từ những dự án ách tắc, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội

Luật Điện lực (sửa đổi): Tháo gỡ chính sách, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng về điện

Công điện của Thủ tướng yêu cầu chủ động ứng phó bão Yinxing

Trao huy hiệu 30 năm tuổi Đảng cho Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân

Chủ tịch nước Lương Cường tiếp Đại sứ Cuba Hernandez Guillén đến chào từ biệt

Điều chỉnh chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Sự cố máy bay Yak-130: Bộ trưởng Phan Văn Giang gửi thư khen hai phi công bản lĩnh, tự tin

Đại biểu Quốc hội thống nhất sự cần thiết sửa đổi Luật Điện lực

Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp

Lãnh đạo Việt Nam chúc mừng ông Donald Trump được bầu làm Tổng thống Hoa Kỳ

Bàn giao nhiệm vụ Tư lệnh Quân khu 2 giữa Trung tướng Phạm Hồng Chương và Thiếu tướng Trần Văn Bắc

Kỷ niệm 107 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1917 - 7/11/2024) - Cuộc cách mạng của nhân dân

Xử lý SCB, Vạn Thịnh Phát, FLC cho thấy có trách nhiệm của tổ chức kiểm toán