Thứ năm 21/11/2024 21:35

Quảng Ninh phát triển du lịch cộng đồng từ bản sắc văn hóa độc đáo

Những năm qua, mô hình du lịch cộng đồng tại tỉnh Quảng Ninh có bước phát triển mạnh mẽ, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Những tín hiệu tích cực

Du lịch cộng đồng ở Quảng Ninh ra đời sau so với các loại hình du lịch khác song được đánh giá là những mô hình phát triển du lịch có nhiều đóng góp cho công tác giảm nghèo và phát triển bền vững, tạo ra trải nghiệm thú vị cho du khách, trên cơ sở khai thác những giá trị về cảnh quan, lịch sử, văn hóa tại cộng đồng. Đồng thời, thu hút, thúc đẩy vai trò của người dân địa phương trong việc tham gia phát triển du lịch và bảo tồn văn hóa.

Du khách thích thú khi được trải nghiệm chèo thuyền tại khu du lịch cộng đồng Kỳ Thượng Am Váp farm, xã Kỳ Thượng, TP. Hạ Long. Ảnh: Anh Tuấn

Một trong số các mô hình du lịch cộng đồng mới có bước phát triển ổn định, thu hút được đông đảo du khách trong thời gian qua phải kể đến Khu du lịch Kỳ Thượng Am Váp farm (xã Kỳ Thượng, TP. Hạ Long).

Khu du lịch Kỳ Thượng Am Váp farm được thiết kế nhà sàn bằng gỗ cùng khuôn viên rộng gần 2.000m2, đi kèm các dịch vụ ăn, nghỉ, vui chơi. Anh Nguyễn Trung Kiên - Giám đốc khu du lịch - cho biết: Khách đến đây rất thích tận hưởng bầu không khí trong lành tại Kỳ Thượng, được chèo thuyền và ngắm núi rừng hùng vĩ. Sau khi đắm mình vào thiên nhiên, du khách được chào đón bởi chính những người dân trong trang phục dân tộc Dao truyền thống, được tham quan nhà cộng đồng là nơi trưng bày trang phục, nông cụ sản xuất, nghe giới thiệu về văn hóa bản địa và xem, học thêu thổ cẩm, cũng như thưởng thức các món ăn truyền thống của địa phương.

Đồng bào dân tộc Dao xã Hải Sơn (TP. Móng Cái) giới thiệu những nét đẹp văn hóa truyền thống đến du khách tại Lễ hội hoa sim biên giới 2024. Ảnh: Lâm Mộc

Là xã vùng cao biên giới với gần 87% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trong những năm gần đây, xã Hải Sơn (TP. Móng Cái) được biết đến là điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn.

Du lịch cộng đồng xã Hải Sơn được tỉnh phê duyệt tại Đề án phát triển du lịch cộng đồng bền vững trên địa bàn tỉnh (Quyết định số 4839/QĐ-UBND ngày 29/12/2020). Từ năm 2021, thành phố đã đầu tư, cải tạo, chỉnh trang cơ sở vật chất với kinh phí trên 700 triệu đồng; du lịch cộng đồng bước đầu thu hút du khách.

Đến với Hải Sơn, du khách có thể từ Khu di tích lịch sử quốc gia Pò Hèn tới làng bích họa Pò Hèn rực rỡ giữa núi rừng Đông Bắc bởi các bức tranh thiên nhiên đầy màu sắc, những ngôi nhà của đồng bào dân tộc Dao, thác 72 gian kỳ vĩ, núi Panai, Mã Thầu Sơn…; thưởng thức những món ăn vô cùng dân dã, như cá suối, thịt ngan đen, cà sáy (vịt lai ngan), bánh chưng nếp cẩm, thổ cẩm, mật ong rừng, trám muối riềng, măng rừng muối, rượu sim...

Ông Nịnh Văn Sáng - Chủ tịch UBND xã Hải Sơn - cho biết, tính đến cuối tháng 9/2024, đã có trên 150.000 lượt khách đến tham quan tại xã. Thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tạo các sản phẩm vật nuôi, cây trồng phục vụ du khách; xây dựng, chỉnh trang lại nhà cửa, sân vườn, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp; hình thành khung cảnh đẹp để du khách chụp ảnh; kiện toàn đội ngũ thuyết minh viên, tuyên truyền viên (nòng cốt là thanh niên); đội ngũ cộng tác viên thực hiện công tác tuyên truyền quảng cáo trên không gian mạng; giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc trên địa bàn...

Huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng khám phá, trải nghiệm gắn với cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa dân tộc. Ảnh: Bảo Bình

Tại huyện Bình Liêu, sau hơn một năm xây dựng, hai căn homestay nhà trình tường đầu tiên tại thôn Khe Tiền, xã Đồng Văn đã hoàn thiện và sẵn sàng đón những đoàn khách đầu tiên tới trải nghiệm vào mùa thu này. Tại đây, du khách sẽ được sống theo phong tục truyền thống của người Dao Thanh Phán, sinh hoạt như người Dao, được bà con dẫn đi gặt lúa, lên rừng hái lá thuốc…

Cùng với những nét văn hóa bản địa, trong căn homestay trình tường ở Khe Tiền cũng có rất nhiều chi tiết hiện đại thú vị. Ví như khu vực quầy bar dành cho du khách thưởng thức đồ uống là sự mô phỏng, cách điệu chuồng trâu của bà con người Dao… Ngoài ra, phòng ngủ, chăn, đệm, nhà vệ sinh khép kín trong phòng nghỉ của du khách phải đảm bảo các tiêu chuẩn lưu trú từ 3 sao trở lên.

Ông Dường Phúc Thím - chủ homestay trình tường ở Khe Tiền - cho biết, sau khi đi khảo sát, Công ty Du lịch cộng đồng Bình Liêu chọn thôn Khe Tiền để xây homestay, gia đình ông là người đầu tiên đăng ký xây homestay để làm du lịch.

"Nhà mình có đất, có vốn, có người biết làm nhà truyền thống. Công ty người ta hỗ trợ chúng tôi 20% chi phí xây dựng và kỹ thuật xây để nhà trình tường truyền thống bền chắc hơn. Bây giờ, khi đón được khách rồi thì doanh nghiệp lại tập huấn, đào tạo mình cách phục vụ du khách làm sao để du khách vui vẻ, hài lòng", ông Thím nói.

Trợ lực cho du lịch cộng đồng phát triển bền vững

Bà Nguyễn Huyền Anh - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh - cho biết, nhằm tạo động lực, bước đột phá trong phát triển du lịch cộng đồng đáp ứng tiềm năng, xu thế du lịch trải nghiệm của khách du lịch, ngày 29/12/2020, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 4839/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển du lịch cộng đồng bền vững trên địa bàn tỉnh. Đây được coi là “cú hích” mạnh mẽ cho phát triển du lịch cộng đồng tại các vùng dân tộc thiểu số của tỉnh.

Mục tiêu của đề án là phát triển du lịch cộng đồng, là bước đầu tiên hiện thực hóa khâu đột phá về xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh.

Giai đoạn 2023-2025, Quảng Ninh xây dựng 9 điểm du lịch cộng đồng có giá trị nổi trội về tài nguyên du lịch, giá trị văn hóa, lịch sử địa phương, đáp ứng tiêu chí về khả năng cung ứng, tính cộng đồng và giá trị bền vững tại các địa phương Uông Bí, Quảng Yên, Vân Đồn, Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên, Đầm Hà, Móng Cái.

Giai đoạn sau năm 2025, tỉnh tập trung đánh giá, rà soát kết quả thực hiện các chính sách; điều chỉnh, cập nhật số lượng điểm phát triển du lịch cộng đồng còn lại theo điều kiện thực tế và cân đối nguồn ngân sách.

Với chức năng, nhiệm vụ được tỉnh giao, hàng năm Sở Du lịch đều có các hướng dẫn hỗ trợ các địa phương trong công tác phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, công tác tuyên truyền, tiếp thị mở rộng thị trường. Sở đã xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng phát triển du lịch cộng đồng tại các địa phương.

Trong giai đoạn 2020-2023, Sở Du lịch đã tổ chức 8 lớp đào tạo bồi dưỡng cho khoảng 1.200 cán bộ, công chức quản lý nhà nước về du lịch ở địa phương, cán bộ văn hóa xã, phường, thị trấn; trưởng/phó thôn, bản, khu phố: Chủ các cơ sở lưu trú du lịch; ban quản lý khu, điểm du lịch; các hộ kinh doanh, cộng đồng dân cư đang tham gia vào hoạt động du lịch tại các huyện, thị xã, thành phố: Móng Cái, Quảng Yên, Hải Hà, Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà, Cô Tô;

Tổ chức 2 đoàn công tác cho khoảng 50 người là cán bộ phòng chuyên môn và đại diện xã, thôn của một số địa phương có mô hình đang triển khai về phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh học tập, trao đổi kinh nghiệm các mô hình và cách thức vận hành, triển khai các hoạt động tham quan, trải nghiệm phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại một số tỉnh như: Yên Bái, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Sơn La, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên;

Phối hợp với tổ chức JICA, Nhật Bản xây dựng thành công mô hình du lịch sinh thái cộng đồng trên đảo Quan Lạn, Vân Đồn; làm việc và tổ chức các đoàn Famtrip tới các địa phương Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ, Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên... để hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng của địa phương.

Sở Du lịch Quảng Ninh phối hợp với UBND huyện Bình Liêu tổ chức chương trình tập huấn đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức du lịch sinh thái, cộng đồng năm 2024. Ảnh: Anh Tuấn

Theo ông Phạm Hải Quỳnh - Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á, Chủ tịch Hội du lịch cộng đồng Việt Nam, Quảng Ninh có nhiều tiềm năng về thiên nhiên, văn hóa để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng. Do đó, địa phương cần tập trung phát huy yếu tố văn hóa bản địa, xây dựng những sản phẩm du lịch cộng đồng độc đáo, đặc sắc như: homestay, ẩm thực, sản phẩm OCOP, hoạt động văn nghệ, thể thao, văn hóa…

Đồng thời, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực du lịch cộng đồng là người dân bản địa theo hướng chuyên nghiệp, gìn giữ bản sắc văn hóa, gìn giữ môi trường, nâng cao chất lượng đời sống... Quảng Ninh cũng cần có kế hoạch xây dựng mô hình phát triển du lịch cộng đồng gắn với cải thiện sinh kế bền vững để khai thác các giá trị văn hóa bản địa, cũng như bảo đảm hiệu quả kinh doanh.

"Năm 2024, tỉnh Quảng Ninh đặt ra mục tiêu đón 17 triệu lượt khách, trong đó có 3 triệu khách quốc tế. Việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, đặc biệt đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu trên", ông Quỳnh nhấn mạnh.

Chí Tâm
Bài viết cùng chủ đề: Du lịch cộng đồng

Tin cùng chuyên mục

Thừa Thiên Huế: Thuỷ điện Bình Điền giảm lưu lượng vận hành để cứu hộ vụ tai nạn ở cầu Bình Thành

Bắc Ninh tiếp tục kiểm tra tiến độ xử lý ô nhiễm môi trường tại thôn Mẫn Xá

Đài tưởng niệm liệt sĩ ngành bưu điện Quảng Nam – Đà Nẵng đón nhận xếp hạng di tích lịch sử

Quảng Ninh nỗ lực tăng thu ngân sách nội địa, tạo nguồn lực cho phát triển

Quảng Ninh: Liên kết hợp tác xã, thúc đẩy kinh tế tập thể

Hà Giang: Tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại

Vĩnh Phúc: Ưu tiên thu hút dự án công nghệ cao vào khu công nghiệp

Nam Định phân hạng và công nhận lại 24 sản phẩm OCOP cấp tỉnh

Bắc Ninh nỗ lực hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024

Quảng Ninh: Mở rộng thị trường, đa dạng nguồn khách du lịch

Quảng Ninh chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt với dịch vụ công

Độc đáo hoạt động thả diều nghệ thuật ở thị trấn Sông Đốc – Cà Mau

Vĩnh Phúc: Tỷ lệ nội địa hoá với sản xuất xe máy tại Honda đạt 96%

Thắp sáng tri thức nơi đảo xa - Bài 1: 'Ngọn hải đăng' trên đảo nhỏ

Hòa Bình đón nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt Hang xóm Trại và Mái đá làng Vành

Bắc Ninh bàn giải pháp gỡ khó cho phát triển và quản lý chợ

Liên hoan Tuổi trẻ sáng tạo khu vực miền Trung năm 2024

Bắc Ninh tổ chức gặp mặt doanh nhân chuyên đề tháng 11/2024

Nhân sự phía Nam: Điều động, bổ nhiệm cán bộ chủ chốt các tỉnh: Cà Mau, An Giang và 4 địa phương

Lạng Sơn thông báo tình hình thực hiện các dự án trọng điểm quý III/2024