Quảng Ninh: Đảm bảo an sinh xã hội toàn diện, không ai bị bỏ lại phía sau
Thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù như: Hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ miễn, giảm học phí, chi phí học tập; trợ giúp pháp lý; hỗ trợ đào tạo nghề, kết nối việc làm; hỗ trợ nhà ở; bảo trợ xã hội... Nhờ đó, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao về chất lượng, tạo bước chuyển trong phát triển văn hoá - xã hội, con người, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, thu hẹp chênh lệch vùng miền, khoảng cách giàu nghèo
Lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành của tỉnh trao kinh phí hỗ trợ đỡ đầu cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Tiên Yên (tháng 7/2024). Ảnh: Trần Hoàn |
Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách riêng về an sinh, phúc lợi xã hội và ưu tiên bố trí nguồn lực lớn cho các vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách, yếu thế.
Đến nay, Quảng Ninh hoàn thành sớm nhiều chỉ tiêu, mục tiêu của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; đạt và vượt 25/29 chỉ tiêu cụ thể thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; làm tốt công tác an sinh xã hội, ban hành, triển khai chính sách an sinh xã hội riêng (đối tượng chính sách, người nghèo, người khuyết tật...); tổng chi an sinh xã hội 9 tháng năm 2024 đạt 1.435 tỷ đồng, tăng 38,4% cùng kỳ năm trước.
Ngay từ đầu năm, Quảng Ninh đã tiếp tục tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội. Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, toàn tỉnh đã tặng quà, chúc mừng thọ cho đối tượng chính sách, người có công, người cao tuổi, hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng khác 342.531 suất quà với tổng số tiền 186,16 tỷ đồng; thực hiện 29 đợt điều dưỡng cho 3.802/5.100 người có công.
Từ nguồn ngân sách nhà nước chi cho lĩnh vực an sinh xã hội không ngừng tăng, Quảng Ninh đã đầu tư hoàn thiện đồng bộ hệ thống các trung tâm y tế cấp huyện. Nhiều trường học chất lượng cao ở các huyện, thị xã, thành phố đang được đầu tư xây dựng... Đặc biệt, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng chính sách xã hội nhằm không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, góp phần tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế…
9 tháng năm 2024, toàn tỉnh có 297.488 người tham gia bảo hiểm xã hội, chiếm tỷ lệ 46,85% so với lực lượng lao động trong độ tuổi; 253.642 người tham gia bảo hiểm tự nguyện, chiếm tỷ lệ 39,94% so với lực lượng lao động trong độ tuổi. Tổng số người tham gia bảo hiểm y tế đến hết tháng 8/2024 là 1.290.631 người, tăng 8.968 người (0,7%) so với cùng kỳ năm 2023; đạt tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế 95,8% dân số.
Cán bộ Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Ninh và Bảo hiểm xã hội huyện Đầm Hà phổ biến cơ chế, chính sách về bảo hiểm y tế cho người dân. Ảnh: Cao Quỳnh |
Ngoài ra, Quảng Ninh còn đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động. 9 tháng năm 2024, toàn tỉnh đã tạo việc làm tăng thêm cho khoảng 23.500 lượt lao động. Tổng chi an sinh xã hội 9 tháng trên địa bàn tỉnh khoảng 1.435 tỷ đồng, tăng 38,4% so cùng kỳ năm 2023.
Nhằm giải quyết vấn đề về nhà ở cho công nhân lao động, tỉnh đã khởi công và triển khai Dự án nhà ở công nhân Khu Công nghiệp Đông Mai (phường Đông Mai, thị xã Quảng Yên) và Dự án nhà ở xã hội tại đồi Ngân hàng (TP. Hạ Long).
Đặc biệt, Quảng Ninh cũng đã xây dựng và triển khai Đề án phát triển nhà ở cho công nhân, lao động ngành than, khu công nghiệp, phấn đấu đến năm 2025 khởi công xây dựng khoảng 25.000 căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và người lao động; đáp ứng khoảng 50% tổng nhu cầu nhà ở xã hội của các đối tượng có thu nhập thấp.
Một trong những mục tiêu quan trọng mà Quảng Ninh đạt ra là hoàn thành xóa nhà tạm, nhà ở dột nát trên địa bàn. Để thực hiện điều này, Quảng Ninh huy động mọi nguồn lực xã hội, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, đơn vị, địa phương cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân cùng chung tay thực hiện mục tiêu xóa nhà ở tạm, dột nát trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động chuẩn bị các phương án bảo đảm an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, thiên tai; trợ giúp khẩn cấp cho người dân bị thiệt hại do bão số 3. Đồng thời, tiếp tục chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện tốt chính sách đối với người có công, quan tâm chăm lo, trợ giúp các nhóm dễ bị tổn thương, nhất là người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Ông Nguyễn Văn Hồi - Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Ninh - cho biết, từ công tác giám sát của tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội và ý kiến nhân dân, công tác khắc phục hậu quả bão số 3 trên địa bàn tỉnh đã thực sự kịp thời, nhanh chóng. Mặc dù số tài sản thiệt hại lên đến trên 24.000 tỷ đồng, chiếm 50% thiệt hại của cả nước, nhưng với tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn của tỉnh, hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống dân sinh đã từng bước được ổn định trở lại.
Được biết, thời gian tới, để người dân trên địa bàn tiếp tục được thụ hưởng những chính sách an sinh xã hội một cách tốt nhất, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm phát triển nâng cao chất lượng sống cho người dân. Trong đó, chú trọng gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển con người, xây dựng văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh.
Đồng thời đảm bảo an sinh, phúc lợi, tiến bộ và công bằng xã hội, hài hòa giữa đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần; triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều; quan tâm, chăm lo phát triển giáo dục, đào tạo, y tế, nhất là ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, biển đảo, thực hiện hiệu quả công tác y tế dự phòng và y tế cơ sở...
Trước đó, trong giai đoạn 2020 - 2022, tổng chi cho an sinh, phúc lợi xã hội trên địa bàn tỉnh đạt hơn 6.000 tỷ đồng. Trong năm 2023, tỉnh Quảng Ninh đã chi khoảng 1.400 tỷ đồng cho công tác an sinh, tập trung vào các chính sách việc làm, nhà ở, nước sinh hoạt, đào tạo nghề, giáo dục, y tế, giảm nghèo, đền ơn, đáp nghĩa, bảo hiểm, nâng cao đời sống của người cao tuổi, neo đơn, khuyết tật, trẻ mồ côi... |