Quảng Nam: Nỗi đau “vàng trắng” - Kỳ II
Khai tác cát trắng ở xã Tam Anh Nam (huyện Núi Thành - Quảng Nam)
- Kỳ II: Buông lỏng quản lý
Hơn thế nữa, trong kết luận thanh tra nhà nước tỉnh còn cho rằng, không loại trừ có sự tiếp tay của một số cán bộ có chức quyền. UBND tỉnh đã chỉ đạo tổ chức kiểm điểm, xử lý hành chính một loạt đơn vị, cá nhân liên quan như Phòng Tài nguyên - môi trường huyện Núi Thành, UBND xã Tam Anh Bắc, huyện Quế Sơn…. Ngay một số cán bộ thuế của Cục Thuế tỉnh Quảng Nam, cũng tham gia tiếp tay cho “cát tặc” như trường hợp cơ sở kinh doanh (CSKD) Võ Thị Kim Trọng đã đóng cửa từ ngày 5/2/2013 và nộp toàn bộ hóa đơn, con dấu cho Chi cục Thuế huyện Điện Bàn. Thế nhưng CSKD này vẫn xuất khống hóa đơn bán cho Vicosimex 5.000m3 cát trắng (thành tiền 890 triệu đồng)…
Một vấn đề khác cũng cần đặt ra là việc khai thác cát trắng lậu, xúc bán thô, trốn thuế đã xảy ra từ lâu trên địa bàn,
Chính sự dễ dãi của các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam dẫn đến bệnh “nhờn thuốc” của những doanh nghiệp thường xuyên vi phạm và quá quen với án phạt này. |
gây bức xúc cho nhân dân. Các cơ quan chức năng tỉnh cũng vào cuộc xử lý, trong đó những DN có “số má” như Công ty TNHH Phan Văn Minh từng bị nhắc nhở rất nhiều lần nhưng không hiểu sao vẫn được ưu ái tồn tại và tiếp tục sai trái. Điển hình như tại kết luận thanh tra số 18/KL-TT tại huyện Quế Sơn ngày 31/10/2013 của Chánh Thanh tra tỉnh nêu rõ hàng loạt DN sai phạm về khai thác hạ tầng, khai thác khoáng sản, phải truy thu hơn 5,2 tỷ đồng nộp ngân sách nhà nước. Trong đó, Công ty TNHH Phan Văn Minh (PVM) bị buộc phải nộp thêm vào ngân sách nhà nước huyện Quế Sơn 677.347.000 đồng khi xây dựng Nhà máy chế biến cát tại thôn 5, xã Hương An. Đồng thời truy thu thêm 1.539.009.000 đồng do khai thác cát trắng trên địa bàn huyện Quế Sơn.
Không riêng PVM mà nhiều DN có tên tuổi khác cũng liên tục vi phạm và cứ tồn tại phát triển. Như năm 2009, đoàn kiểm tra liên ngành (KTLN) huyện Thăng Bình phát hiện Công ty CP kỹ nghệ khoáng sản Quảng Nam (Minco) khai thác cát trắng xuất khẩu ở 3 xã Bình Phục, Bình Giang (huyện Thăng Bình) và Quế Phú (huyện Quế Sơn) vượt diện tích được cấp phép là 5,555 ha; chưa hoàn thổ là 1,995ha. Đáng nói hơn là Minco đã khai thác vượt công suất quy định từ 180.000 tấn/năm lên 243.803,94 tấn/năm. Với cách khai thác tận diệt này, tại biên bản kiểm tra, đoàn KTLN khẳng định: Đây là vụ việc có mức độ sai phạm lớn, kéo dài….; số tiền thất thoát ngân sách nhà nước do công ty khai thác cát trái phép, nằm ngoài diện tích được cấp phép lên đến 1.415.735.000 đồng, chưa kể Thuế Tài nguyên và phí môi trường… Thế nhưng tất cả đều được bỏ qua êm ả.
Điển hình như Minco tự ý xuất khẩu số lượng lớn cát trắng mới qua tuyển rửa, trái với chủ trương của UBND tỉnh là chế biến sâu. Năm 2012, công ty này đã xuất khẩu sang Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan 90.000 tấn cát, tương đương 2,4 triệu USD. Năm 2013, công ty tiếp tục xuất khẩu sang Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan 14.000 tấn cát, tương đương 544 ngàn USD. Trước những sai phạm nghiêm trọng về xuất khẩu như vậy, UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu cơ quan chức năng xử phạt vi phạm đối với Minco và đình chỉ ngay việc xuất khẩu cát nói trên. Đồng thời yêu cầu công ty cam kết thực hiện việc sản xuất - kinh doanh theo hướng chế biến sâu khoáng sản. Tuy nhiên, tất cả chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”.
Kỳ III: Điều ước cho “vàng trắng”
Trần Minh Tích