Quảng Bình: Trẻ 11 tháng tuổi tử vong do sốt xuất huyết
Theo đó, bệnh nhân là cháu V.A.H. (sinh tháng 12/2023, ngụ xã Phù Hóa, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình).
Điều tra dịch tễ cho thấy, ngày 4/8, bệnh nhân sốt cao, người mệt, bỏ bú, quấy khóc, được gia đình đưa vào Bệnh viện TTH Quảng Bình vào sáng ngày 6/8.
Từ ngày 6 - 10/8, bệnh nhân được điều trị tại Khoa Nhi, Bệnh viện TTH Quảng Bình, có giảm sốt.
Cán bộ CDC Quảng Bình phun thuốc diệt sốt rét |
Đến sáng 10/8, bệnh nhân quấy khóc nhiều, tiểu ít, xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo của sốt xuất huyết Dengue nên được gia đình chuyển vào Bệnh viện Trung ương Huế, với chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue ngày thứ 6 có dấu hiện cảnh báo.
Ngày 13/8, bệnh nhân tử vong tại Bệnh viện Trung ương Huế.
Bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp - Giám đốc CDC Quảng Bình cho biết, quá trình điều tra, giám sát các yếu tố dịch tễ cho thấy xung quanh nơi sinh sống của bệnh nhân trong vòng 28 ngày trước khi bệnh khởi phát không có ca mắc sốt xuất huyết nào.
Hiện toàn tỉnh Quảng Bình đã ghi nhận 906 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gấp 4,1 lần so với cùng kỳ năm 2023. Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, TP. Đồng Hới là những địa phương lần lượt ghi nhận nhiều ca mắc sốt xuất huyết nhất.
Riêng huyện Quảng Trạch nằm trong số các địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết ít hơn, đến nay ghi nhận 55 ca mắc sốt xuất huyết nhưng đã có 1 ca tử vong.
Để tăng cường công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết trên toàn tỉnh, Sở Y tế Quảng Bình yêu cầu CDC, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh giám sát ca bệnh tại cơ sở y tế, đặc biệt chú ý giám sát ca bệnh tại cộng đồng. Các đơn vị tổ chức giám sát, theo dõi biến động tại địa phương nguy cơ nhằm lập kế hoạch và huy động người dân triển khai chiến dịch diệt muỗi, bọ gậy kịp thời.
Bên cạnh đó, các địa phương tăng cường truyền thông nguy cơ về sốt xuất huyết trong cộng đồng và hướng dẫn cách thức tìm, diệt loăng quăng, bọ gậy tại dụng cụ chứa nước ở hộ gia đình. Tổ chức kiểm tra, giám sát phòng, chống sốt xuất huyết tại vùng có dịch và có nguy cơ xảy ra dịch...