CôngThương - Bàn mãi vấn đề cũ
Giá cả, chất lượng, tên gọi, vấn đề kiểm tra kiểm soát, phối hợp thực hiện giữa các cơ quan quản lý là những vấn đề được đề cập trong tọa đàm. Tuy nhiên, vấn đề chính là làm sao kiểm soát được thị trường sữa tại Việt Nam (giá cả, chất lượng...) thì các khách mời vẫn chưa đưa ra được giải pháp phù hợp làm yên lòng người tiêu dùng.
Liên quan đến vấn đề giá, ông Phạm Vũ Anh- Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá- cho biết: Pháp luật về giá và các văn bản luật khác đều quy định mặt hàng sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi là mặt hàng bình ổn giá, khi nhà sản xuất, phân phối điều chỉnh giá bán thì phải đăng ký với cơ quan quản lý. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý rà soát các yếu tố để xem việc đăng ký giá có hợp lý không, chứ nhà nước không quản lý giá bán mặt hàng này. Các sản phẩm khác có độ đạm dưới 34% theo quy định của Bộ Y tế thì không phải đăng ký giá.
Như vậy, việc đăng ký giá chỉ mang tính hình thức, cơ quan quản lý không thể quy định mức trần hay yêu cầu hạ giá sản phẩm. Tuy nhiên dựa vào giá bán, cơ quan thuế sẽ đi kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật về giá đối với mặt hàng sữa và những sản phẩm dinh dưỡng.
Người tiêu dùng nên cân nhắc trước khi quyết định mua sữa
Về tên gọi của sữa cũng có mâu thuẫn. Ông Lê Hoàng- Phó Phòng quản lý sản phẩm thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm- cho rằng sữa bột là nguyên liệu để sản xuất ra những sản phẩm dành cho những đối tượng khác nhau như sữa cho trẻ em, người già, bà mẹ mang thai…Theo đó, ngoài số phần trăm sữa bột nhất định, sản phẩm còn có nhiều thành phần dinh dưỡng khác. Vì vậy, cả thời gian dài, người tiêu dùng cứ quen gọi sản phẩm này là sữa, thực chất là sữa công thức dinh dưỡng hoặc là thực phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ em.
Nhưng ông Hà Quang Tuấn- Tổng Giám đốc Công ty cổ phần sữa Hà Nội- thì cho rằng việc quy định trong Luật Thực phẩm chỉ là cách chia nhóm để quản lý, chứ bản chất sản phẩm là sữa. Việc thay đổi tên gọi không thay đổi bản chất của sản phẩm.
Về chất lượng sản phẩm, đại diện Bộ Y tế cho biết, các thông tin đã được công bố trên website của Cục An toàn thực phẩm. Còn việc liên quan đến nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa, nhãn mác, ông Đỗ Thanh Lam- Phó Cục trưởng Cục Quản lí thị trường- nhấn mạnh, một số doanh nghiệp đã cố tình lợi dụng khe hở của pháp luật để vi phạm. Quan điểm của Bộ Công thương là kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm của các đối tượng gian lận thương mại, hàng giả hàng nhái, kém chất lượng…theo quy định của pháp luật.
Với các sản phẩm sữa nước ngoài khi nhập vào thị trường Việt Nam phải có sự kiểm soát của các cơ quan chức năng, các nhà nhập khẩu, phân phối phải có đầy đủ hồ sơ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên các sản phẩm dinh dưỡng theo quy định mới thì không phải theo quy trình thủ tục đó nên việc kiểm soát chất lượng rất khó.
Ông Lam cũng cho biết thêm, vì lợi nhuận nên người bán hàng sử dụng thủ đoạn rất tinh vi, họ không bày bán công khai mà khi có người đến mua mới đưa ra, hai hóa đơn chứng từ được hợp thức hóa nên khó kiểm tra.
Chưa có hồi kết
Mới đây Luật Quảng cáo khống chế mức chi phí quảng cáo từ 5- 10% doanh thu. Ông Hà Văn Tuấn cho rằng đó cũng là biện pháp để cắt giảm chi phí từ đó giảm giá thành nhưng mang tính tạm thời, về lâu dài không thể sử dụng biện pháp hành chính để khống chế doanh nghiệp. Các doanh nghiệp sữa luôn muốn bán giá cao và họ sẽ còn tăng giá nếu thị trường vẫn chấp nhận được hoặc phải chấp nhận, cơ quan nhà nước không thể khống chế giá mặt hàng có thành phần giống sữa mà không phải sữa.
Các nhà quản lý đều kêu gọi người tiêu dùng nên tìm hiểu thông tin chất lượng sản phẩm, uy tín nhà sản xuất trước khi mua sản phẩm. Ông Hà Anh Tuấn kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước nên tổ chức nhiều hội thảo phổ biến thông tin cho người tiêu dùng, công khai minh bạch hoặc tổ chức đánh giá, bình chọn các hãng sữa uy tín một cách công bằng sẽ mang lại hiệu quả thiết thực cho người tiêu dùng.
Mặt khác ông Tuấn cũng kêu gọi người tiêu dùng Việt Nam nên cân nhắc sử dụng hàng Việt Nam bởi sữa là mặt hàng quan trọng, có ảnh hưởng đến sự phát triển thể trạng của trẻ em Việt Nam. Các sản phẩm sữa của châu Âu rất tốt nhưng họ nghiên cứu sản phẩm phù hợp với điều kiện thực tế tại châu Âu chứ không phải cho người Việt Nam. Các nước trong khu vực khác cũng vậy. Ví dụ như sữa của Nhật Bản không cần có I ốt, nhưng đối với trẻ em Việt Nam thì lại cần. Sản phẩm sữa Việt Nam có chất lượng tốt, giá cả lại cạnh tranh hơn.
Nhiều ý kiến cho rằng sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý chưa thực sự hiệu quả, trong thời gian tới phải thực hiện tốt hơn. Người dân họ chỉ mong muốn dù là tên gọi sữa hay thực phẩm chức năng thì cũng cần sự can thiệp của các cơ quan chức năng trong việc kiểm soát chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm và giá cả hợp lý. |