Siết quản lý đối với cồn công nghiệp, hóa chất và methanol |
Thời gian qua, rượu giá rẻ trôi nổi trên thị trường khá nhiều, tại một số địa phương đã xảy ra ngộ độc methanol do uống phải rượu sản xuất thủ công, không nhãn mác, không xuất xứ. Trong khi đó, người tiêu dùng không thể tự phân biệt đâu là rượu đạt hay không đạt chất lượng có chứa methanol.
Phân tích của Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cho thấy, cồn thực phẩm và cồn công nghiệp khác nhau ở nồng độ và thành phần tạp chất: Cồn thực phẩm có nồng độ thường là 98% và loại bỏ gần như hoàn toàn tạp chất; cồn công nghiệp có nồng độ khoảng 95%, chưa loại bỏ hoàn toàn tạp chất, trong đó có một hàm lượng nhỏ methanol, aldehyd và aceton.
Theo ông Nguyễn Phú Cường - Vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ (Bộ Công Thương) - những ca ngộ độc và tử vong do rượu thời gian qua là do rượu làm theo cách pha loãng cồn công nghiệp bằng nước hoặc rượu nấu thủ công. Cồn công nghiệp giá rẻ hơn cồn thực phẩm nên rất dễ bị lạm dụng để pha vào rượu với mục tiêu lợi nhuận. Trước thực trạng trên, Hội khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam cũng đưa ra khuyến cáo, nguyên liệu cồn công nghiệp, cồn y tế đang được bán thoải mái trên thị trường chính là cơ hội cho các cá nhân và cơ sở sản xuất hám lợi sử dụng để pha chế rượu.
Lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra rượu chứa methanol |
Theo ông Nguyễn Văn Thanh - Cục trưởng Cục Hóa chất - mặc dù, việc sản xuất, kinh doanh hóa chất như methanol phải thực hiện xin giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh tại Sở Công Thương các địa phương. Đồng thời, khi mua - bán phải xây dựng phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc, trong đó có xác nhận của bên mua, bên bán để làm cơ sở cho việc kiểm soát lưu thông trên thị trường, nhưng việc mua - bán methanol trên thị trường vẫn khá dễ dàng.
Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã ban hành chỉ thị tập trung vào công tác quản lý đối với cồn công nghiệp, hóa chất và methanol.
Riêng đối với cồn công nghiệp kém chất lượng, cần lưu ý kiểm tra chặt hơn, để đi vào khuôn khổ. Bộ trưởng đã giao Cục Hóa chất chủ trì, phối hợp với Vụ Khoa học và Công nghệ xây dựng quy chuẩn kỹ thuật phục vụ quản lý cồn công nghiệp sản xuất trong nước và nhập khẩu. Nghiên cứu đề xuất các giải pháp kỹ thuật (bao gồm cả khả năng sử dụng chỉ thị màu) nhằm phân biệt cồn công nghiệp và cồn thực phẩm phục vụ công tác quản lý sử dụng cồn công nghiệp đúng mục đích.
Ngoài ra, Vụ khoa và Công nghệ chủ động phối hợp với các Vụ: Pháp chế, Công nghiệp nhẹ, Thị trường trong nước, Cục Hóa chất, Cục Quản lý thị trường rà soát, cập nhật bổ sung để hoàn thiện các văn bản pháp luật về quản lý hoạt động nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh hóa chất, đặc biệt là cồn công nghiệp.
Chỉ thị cũng nhấn mạnh, Vụ Công nghiệp nhẹ phối hợp với Vụ Thị trường trong nước, Vụ Pháp chế, tiến hành rà soát, đánh giá để hoàn thiện các văn bản liên quan đến quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh cồn thực phẩm và cồn công nghiệp.
Để tăng cường quản lý cồn công nghiệp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu Cục Hóa chất chủ trì cùng các đơn vị liên quan xây dựng cơ sở dữ liệu và tổ chức kiểm tra các doanh nghiệp trong việc chấp hành pháp luật về nhập khẩu, quản lý, sử dụng cồn công nghiệp, thực hiện trước ngày 30/6/2017. |