Quả nhót - những công dụng đối với sức khỏe
Quả nhót (cây nhót) có tên Latinh là Elaeagnus latifolia. Là một cây thuộc nhóm cây bụi, có gai. Quả nhót thường có hình bầu dục, trên quả bám một lớp vảy màu trắng có thể bong chà xát. Quả càng non thì lớp vảy càng dày và ngược lại.
Nhót được trồng ở khắp các vùng miền trong cả nước. Lá nhót chứa tanin, saponosid, polyphenol. Quả nhót chứa rất nhiều chất dinh dưỡng, được dùng để nấu canh chua, vị thơm; quả nhót xanh, thái ngang dày 3 - 5mm, được phơi hoặc sấy khô để làm thuốc. Ngoài quả, lá, nhân hạt, rễ của cây nhót cũng có công dụng chữa bệnh.
Ngoài quả, lá, nhân hạt, rễ của cây nhót cũng có công dụng chữa bệnh. Ảnh minh họa |
Theo Đông y, quả nhót có vị chua, chát, tính bình, đi vào các kinh phế, đại tràng, có tác dụng chỉ ho, chỉ tả, bình suyễn, trừ đờm. Nhiều nghiên cứu cho thấy, quả nhót chứa một số hợp chất chống oxy hóa, rất giàu vitamin C, sắt, canxi…
Bên ngoài quả nhót luôn có một lớp phấn bao phủ, có thể khiến bị ngứa họng, ho, viêm họng khi ăn phải, vì những hạt phấn này rất cứng. Tuy nhiên, nếu ăn trung bình mỗi ngày 5-6 quả nhót xanh, nạo bỏ phấn trắng bên ngoài thì không có vấn đề gì (đối với người bình thường).
Tuy quả nhót có vị chua, chát nhưng lại không độc và trung tính, do đó có thể sử dụng để chữa trị nhiều loại bệnh. Quả nhót thường được sử dụng để trị bệnh ho, hen, khó thở. Có thể sử dụng dưới dạng thuốc sắc hoặc tán bột để uống hàng ngày.
Người ta có thể ăn cả nhót còn xanh và quả nhót chín. Mùa nhót thường bắt đầu vào tháng 3 và tới đầu tháng 4 thì nhót chín rộ.
Dưới đây là những bài thuốc chữa bệnh từng bộ phận của cây nhót:
+ Chữa ho: Nhót xanh 10 quả, trần bì 10g, quả quất 10 quả. Sắc mỗi ngày một thang, uống 3 lần trong ngày.
+ Tiêu chảy: Nhót xanh 10 quả, rễ cây nhót 4g, rễ cây mơ 2g. Tất cả rửa sạch, sắc ngày một thang, chia ra uống 3 lần trong ngày.
+ Ho, hen, khó thở: 6-12g nhót mỗi ngày, có thể dùng dạng thuốc sắc hoặc thuốc hãm, thuốc bột.
Uống nhiều ngày cho đến khi triệu chứng thuyên giảm.
Lá nhót
Lá nhót có vị chát, tính bình, không có độc, có tác dụng chỉ ho, bình suyễn, giảm sốt.
Lá nhót chứa nhiều tanin, saponozit, polyphenol. Lá nhót có tác dụng kháng khuẩn đối với nhiều chủng vi khuẩn gram (+) và gram (-). Nghiên cứu trên động vật cho thấy lá nhót có tác dụng chống viêm cấp và mãn tính. Người ta thường sử dụng lá nhót để chữa các chứng phế hư khí đoàn, khái thấu khí suyễn, khái huyết, ung nhọt.
+ Chữa vết thương chảy máu: Lấy một nắm lá nhót tươi, rửa sạch, giã nát, sau đó đắp vào chỗ đang chảy máu sẽ giúp cầm máu hiệu quả.
+ Trị ho, nhiều đờm, hen suyễn: Lá nhót 16g, lá táo ta 12g sao vàng giã nát, hạt cải củ 6g, hạt cải bẹ 6g, sao vàng. Cho tất cả vào sắc nước đặc, rồi chia ra uống, ngày 3 lần trước bữa ăn. Uống khoảng 2-3 tuần cho đến khi triệu chứng thuyên giảm.
+ Ho ra máu: Lá nhót tươi 24g, đường kính 15g. Đun sôi nước, hãm lá nhót như hãm trà, cho đường vào uống. Ngày uống 2 lần, sau khi ăn.
+ Trị lỵ trực khuẩn và tiêu chảy: 30g lá nhót tươi hoặc 12g lá nhót khô, sao vàng, sắc với 400ml nước cho đến khi còn 100ml, chia ra uống 2 lần trong ngày, trước các bữa ăn. Uống khoảng 2-3 tuần cho đến khi triệu chứng thuyên giảm.
Rễ nhót
Rễ nhót có tác dụng cầm máu, giảm đau, thường được dùng dưới dạng thuốc sắc. Có thể sử dụng rễ nhót để:
+ Chữa mụn nhọt: Nấu nước rễ nhót tắm.
+ Kinh nguyệt ra nhiều: Rễ nhót 30-60g, sắc thành nước uống sau bữa ăn.
+ Tiêu chảy: Nhót xanh 10 quả, rễ nhót 4g, rễ mơ 2g, sắc uống ngày 2-3 lần.
+ Chứng phong thấp, đau nhức xương khớp: Rễ nhót 120g, hoàng tửu 60g, chân giò lợn 50g. Tất cả đổ nước vào hầm và ăn.
+ Thổ huyết, đau bụng khó nuốt: Rễ nhót 30g, rửa sạch, sắc nước uống.
+ Ho ra máu, chảy máu cam: Rễ nhót 16g, sao đen, sắc uống mỗi ngày 1 thang. Ngày uống 3 lần trước khi ăn 1,5 tiếng. Cũng có thể kết hợp với các vị thuốc như cỏ nhọ nồi, ngải diệp, trắc bách diệp để chữa chứng bệnh này.
Hạt nhót
Hạt nhót có công dụng chính là sát khuẩn, trừ giun sán. Khi ăn nhót mà nhai nhân hạt bên trong cũng rất tốt cho sức khỏe. Cũng có thể sử dụng hạt nhót để chữa gan lách sưng đau theo công thức:
Hạt nhót 10g, đem giã nhỏ, nghệ đen 8g. Đem sắc nước uống hàng ngày.
Mặc dù có chứa nhiều hợp chất có lợi cho cơ thể nhưng nếu ăn quá nhiều, bất cứ loại thực phẩm nào chứ không phải riêng gì nhót xanh, đều có khả năng gây hại sức khỏe. Vị chua, chát nổi bật ở mỗi trái nhót xanh có thể làm tăng axit trong dạ dày, gây ảnh hưởng hệ thống tiêu hóa, gây đau dạ dày, viêm loét dạ dày…
Cần lưu ý khi ăn nhót
+ Khi ăn nên cạo sạch vảy trắng ở ngoài quả nhót để tránh bị đau họng do bị bám vảy nhót vào.
+ Không nên ăn khi bụng đang đói vì vị chua có thể gây kích ứng dạ dày. Tốt nhất là nên ăn nhót sau bữa ăn khoảng 30 phút.
+ Khi ốm, cơ thể ớn lạnh cũng không nên ăn nhót hay các loại quả chua như mận hay xoài.
+ Lá và rễ nhót không dùng cho phụ nữ có thai.