Theo lãnh đạo PV Gas, trong các tháng đầu năm 2015, công tác bảo đảm an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ trong toàn Tổng Công ty đã được thực hiện tốt, duy trì vận hành an toàn, ổn định các công trình khí ở mức cao, góp phần hoàn thành kế hoạch được giao. Tuy nhiên, qua theo dõi Tổng công ty thấy rằng tại một số các đơn vị vẫn xảy ra các sự cố kỹ thuật và một vài vụ việc nhỏ có thể gây mất an ninh, an toàn công trình nếu không kịp thời xử lý.
Trước thực tế này, để bảo đảm các hoạt động của Tổng công ty được an toàn - chất lượng - hiệu quả, hoàn thành mục tiêu năm 2015, Tổng Giám đốc PV Gas đã yêu cầu giám đốc các đơn vị trực thuộc, người đại diện phần vốn của Tổng công ty tại các đơn vị thành viên triển khai thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị theo quy định của pháp luật, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và của Tổng công ty về công tác bảo đảm an ninh, an toàn, PCCC, sức khỏe, môi trường, đăng kiểm công trình, kiểm định thiết bị, bảo hiểm cháy nổ cho các hoạt động của đơn vị mình quản lý; thực hiện đánh giá, nhận diện các mối nguy, rủi ro gây mất an ninh, an toàn, PCCC, các hỏng hóc thiết bị có thể xảy ra trong các hoạt động vận hành, BDSC, đầu tư xây dựng, chiết nạp, vận chuyển LPG, CNG,… của đơn vị để đưa ra các giải pháp ngăn ngừa cụ thể, kế hoạch thực hiện các biện pháp kiểm soát rủi ro, kế hoạch ứng cứu, sửa chữa, khôi phục sau sự cố.
Các đơn vị cũng được Tổng Giám đốc yêu cầu nghiêm túc rà soát, cập nhật, bổ sung các quy chế, quy trình về quản lý, vận hành, bảo dưỡng sửa chữa, bảo vệ an ninh, an toàn, PCCC phân định trách nhiệm đáp ứng đầy đủ theo yêu cầu của pháp luật, quy định của Tổng công ty, để bảo đảm tất cả các hoạt động đều tuân thủ theo đúng quy định về an toàn. Rà soát, bổ sung đầy đủ các vật tư tiêu hao, thiết bị dự phòng và tổ chức công tác bảo dưỡng sửa chữa các thiết bị đầy đủ, đúng quy định, để bảo đảm độ tin cậy của thiết bị luôn được duy trì ở mức độ cao nhất; đảm bảo 100% các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động và các thiết bị đo lường được kiểm định, hiệu chuẩn có hiệu lực.
Ở tất cả các cơ sở, công trình khí đều phải tổ chức thực hiện, giám sát chặt chẽ việc chấp hành các quy định về cấp giấy phép làm việc, kiểm soát nguồn lửa, nguồn nhiệt, hóa chất, chỉ cho phép người, các phương tiện, dụng cụ đủ điều kiện an toàn vào làm việc, làm hàng. Người đứng đầu đơn vị thực hiện kiểm tra định kỳ, đột xuất việc chấp hành nội qui lao động, các qui định an toàn, PCCC, sức khỏe, môi trường của cán bộ công nhân viên, nhà thầu, khách tham quan tại tất cả các cơ sở.
Bên cạnh đó, các đơn vị của PV Gas luôn được yêu cầu thực hiện công tác đào tạo kiến thức vận hành, bảo dưỡng sửa chữa và các quy định của pháp luật về công tác an toàn, PCCC; sau các khóa đào tạo phải tổ chức kiểm tra, đánh giá trình độ cán bộ công nhân viên và hiệu quả sau đào tạo theo quy định.
Các đơn vị sản xuất, kinh doanh LPG, CNG phải thực hiện rà soát toàn bộ các quy trình xuất nhập, chiết nạp và công tác kiểm định, bảo dưỡng sửa chữa các bồn, bình, chai chứa LPG, CNG; tăng cường kiểm tra công tác an toàn trong sản xuất, chiết nạp, kinh doanh vận chuyển LPG, CNG; kiểm soát chặt chẽ các phương tiện vận chuyển LPG, CNG (tàu, xà lan, xe bồn, xe đầu kéo….). Trong quá trình chiết nạp, vận chuyển khí, PV Gas yêu cầu đơn vị thực hiện phải cử người giám sát để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho con người, phương tiện, môi trường.
Ở các đơn vị có các công trình đang thi công xây lắp, cải tạo nâng cấp, khi thực hiện công việc phải có đủ các loại giấy phép, tài liệu được phê duyệt theo yêu cầu pháp luật và có đầy đủ các quy trình làm việc, biện pháp bảo đảm an toàn, PCCC, kế hoạch ứng cứu khẩn cấp. Tại công trường phải trang bị đầy đủ các thiết bị PCCC, bảo hộ lao động, biển cảnh báo, biển cấm, nội quy làm việc…., có cán bộ có kinh nghiệm giám sát về an toàn, thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn nhà thầu thực hiện đúng các quy định về an toàn.
Đối với trụ sở làm việc, phải có đầy đủ các nội quy, quy định về an toàn, PCCC, phương án ứng cứu khẩn cấp, sắp xếp các hồ sơ tài liệu gọn gàng ngăn nắp không ảnh hưởng đến lối thoát nạn, PCCC. Các vật liệu dễ cháy nổ phải bảo quản theo quy định và có biện pháp phòng cháy, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng lửa, các nguồn nhiệt, các chất dễ cháy, nổ, nguồn điện và các thiết bị tiêu thụ điện. Ở tất cả các cơ sở, công trình khí PV GAS đều bố trí đủ lực lượng PCCC, bảo vệ thường xuyên tuần tra phát hiện ngăn ngừa các nguy cơ gây cháy; lực lượng PCCC, bảo vệ được đào tạo huấn luyện và sử dụng thành thạo các trang thiết bị chữa cháy.
PV GAS cũng đặc biệt coi trọng công tác phối hợp với công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, chính quyền địa phương nơi có công trình khí, cơ sở sản xuất kinh doanh của đơn vị nhằm tiếp tục thực hiện các thỏa thuận phối hợp, phương án bảo vệ an ninh, an toàn, PCCC, tuần tra tuyến ống dẫn khí trên bờ và dưới biển. Các bên cũng thường xuyên tổ chức diễn tập các phương án chữa cháy, tình huống bảo vệ an ninh; tổ chức truyền thông, tuyên tuyền cho các doanh nghiệp vận tải, hộ dân, chủ đất xung quanh công trình khí chấp hành các quy định về an ninh, an toàn dầu khí, ký cam kết PCCC; thực hiện phát quang thu dọn cỏ, cây, rác và các nguồn gây cháy, nguy cơ gây mất an ninh, an toàn trên hành lang tuyến ống, xung quanh công trình khí; duy trì công tác thường trực ứng cứu khẩn cấp và bảo đảm thông tin liên lạc được thông suốt; thực hiện nghiêm túc công tác điều tra, thống kê và báo cáo các sự cố theo đúng quy định.