Xin kính chào quý vị khán thính giả đã đến với chương trình Podcast của Báo Công Thương, với những bài viết, bài báo được chúng tôi tổng hợp, tìm hiểu và được thể hiện lại qua giọng đọc của BTV Thanh Thảo.
Thưa quý vị! Bài báo với nhan đề “Phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng lòng xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại” của tác giả Bùi Thị Minh Hoài - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, được đăng tải trên Báo điện tử Nhân Dân ngày 10/10/2024 tại trang web nhandan.vn sẽ được chúng tôi chia sẻ trong mục Podcast - Trò chuyện cùng Công Thương ngày hôm nay. Kính mời quý vị cùng lắng nghe.
Phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng lòng xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại
Hà Nội, những khoảnh khắc tháng 10 thật đặc biệt. Từ Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9 trên quảng trường Ba Đình, đến những ngày tháng lịch sử 10/10/1954, khi Thủ đô rực rỡ cờ hoa với niềm hân hoan tột cùng đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về. Sự kiện đánh dấu một bước ngoặt có ý nghĩa to lớn, mở ra một thời kỳ mới hết sức vẻ vang trong lịch sử nghìn năm văn hiến của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.
|
Thủ đô Hà Nội ngày càng đổi mới, phát triển |
Sứ mệnh và sức mạnh của Thủ đô anh hùng
Quãng thời gian 70 năm so với lịch sử hơn nghìn năm của Thủ đô là không dài, nhưng đây là giai đoạn rất đáng tự hào và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trong suốt thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã phát huy sức mạnh đoàn kết, bản lĩnh, sáng tạo, đi đầu trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, cùng đất nước vượt qua nhiều chặng đường cam go, thử thách, vun đắp truyền thống văn hóa và anh hùng của Thăng Long để Hà Nội thêm tỏa sáng trong thời đại Hồ Chí Minh vinh quang.
Sau ngày giải phóng, Thủ đô Hà Nội bắt tay ngay vào công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; khắc phục những hậu quả của chế độ thực dân để lại. Thủ đô của chúng ta vừa nỗ lực xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa cùng nhân dân miền Bắc dốc sức chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, đất nước tạm thời bị chia cắt, Hà Nội và miền Bắc thường xuyên bị giặc tập trung đánh phá ác liệt. Nhưng Thủ đô ở những thời khắc cam go nhất vẫn sắt son một niềm tin vào Đảng, kiên định với chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, nỗ lực vượt qua bao khó khăn, vượt lên mọi đau thương, mất mát, thi đua lao động sản xuất, tạo dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội, chung sức với nhân dân miền Bắc xây dựng hậu phương lớn, làm chỗ dựa vững chắc cho tiền tuyến lớn miền Nam đánh thắng quân xâm lược.
Đấu tranh kiên cường, gan dạ và vô cùng sáng tạo, Hà Nội đã cùng quân, dân miền Bắc làm nên chiến thắng lẫy lừng “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, góp phần quan trọng buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris rút quân khỏi nước ta, mở đường cho Đại thắng Mùa xuân năm 1975, thu non sông về một mối.
Sau khi đất nước thống nhất, Hà Nội cùng nhân dân cả nước nỗ lực vượt qua muôn vàn khó khăn do hậu quả nặng nề của chiến tranh, và đất nước bị bao vây cấm vận; bởi cơ chế tập trung quan liêu bao cấp không còn phù hợp… Trước những thử thách ngặt nghèo đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hà Nội cùng cả nước quyết tâm tiến hành công cuộc đổi mới, từng bước đưa đất nước vượt qua khủng hoảng kinh tế - xã hội, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tiếp tục phát triển đi lên.
Từ năm 1986 đến nay, Hà Nội gương mẫu đi đầu cùng đất nước tiến hành sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Thành tựu đạt được qua gần 40 năm đổi mới khẳng định mạnh mẽ sức vươn của Thủ đô Anh hùng, nhất là dấu ấn trong thực hiện quyết định lịch sử của Đảng và Nhà nước về mở rộng địa giới hành chính Hà Nội từ ngày 1/8/2008. Trên chặng đường ấy, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thử thách, nhưng Thủ đô luôn gương mẫu đi đầu từ công tác xây dựng Đảng, đến các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh. Trong đó, Đảng bộ thành phố luôn thể hiện được vai trò tiên phong, gương mẫu, không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo để đưa Thủ đô vững bước đi lên, đúng như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đảng bộ Hà Nội phải làm gương mẫu cho các đảng bộ khác”.
Những năm gần đây, cùng với cả nước, Hà Nội phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, nhất là đại dịch Covid-19 hoành hành dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu và gần đây là cơn bão số 3 (siêu bão Yagi) gây ảnh hưởng lớn đến hạ tầng, đời sống nhân dân. Nhưng bằng nhiều giải pháp quyết liệt, đúng đắn, kịp thời, cùng truyền thống xuyên suốt là sự đoàn kết, thống nhất cao được thấm nhuần, phát huy trong cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở đã phát huy được vai trò, lãnh đạo nhân dân vững vàng vượt qua thiên tai, dịch bệnh. Trong gian khó, tình đồng chí, nghĩa đồng bào càng thêm tỏa sáng, đáng quý biết bao. Hình ảnh cán bộ các cấp cùng lực lượng vũ trang, các ngành, đoàn thể sát cánh cùng nhân dân vượt qua gian khó, lo từ sự an nguy tính mạng, sức khỏe đến từng bữa cơm, giấc ngủ của mỗi người dân, đã để lại ấn tượng thực sự sâu sắc, vừa củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, vừa bồi đắp thêm niềm tin với Đảng, với chính quyền và cả hệ thống chính trị. Cùng với đó, thành phố cũng tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả do bão, lũ gây ra; khẩn trương triển khai có hiệu quả giải pháp kinh tế nhằm hỗ trợ nhân dân khôi phục sản xuất, kinh doanh; sớm tiếp tục triển khai thực hiện chính sách an sinh xã hội, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. Đồng thời, Hà Nội cũng trực tiếp đồng hành, hỗ trợ các tỉnh, thành phố khác khắc phục hậu quả của mưa bão, lũ lụt, thể hiện rõ tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”.
Quá trình phấn đấu, trưởng thành của Thủ đô Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Quốc hội và sự phối hợp, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các địa phương trong cả nước là những nguồn sức mạnh nội sinh giúp Thủ đô vẫn đạt nhiều thành tựu nổi bật, toàn diện, rất đáng tự hào.
Thành phố đã duy trì mạch tăng trưởng liên tục hàng thập kỷ, cụ thể trong gần 40 năm đổi mới, năng suất lao động của Hà Nội tăng bình quân trên 7%/năm. Tăng trưởng kinh tế Thủ đô cao hơn tăng trưởng chung cả nước. Thu ngân sách Nhà nước qua các năm đều lập nên những cột mốc mới cao hơn, năm 2023 đã đạt trên 410 nghìn tỷ đồng, vươn lên dẫn đầu cả nước về thu nội địa; chỉ riêng chín tháng đầu năm 2024 là 376.430 tỷ đồng, đạt 92,1% dự toán, tăng 22,2% so với cùng kỳ.
Công tác an sinh xã hội, tiến bộ xã hội được quan tâm; quốc phòng-an ninh được củng cố và tăng cường; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên. Hà Nội là địa phương có chỉ số phát triển con người cao nhất cả nước, có quy mô lớn hàng đầu về giáo dục-đào tạo. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, chăm lo các gia đình chính sách, những người có công luôn được quan tâm chú trọng.
Hà Nội xây dựng nông thôn mới về đích trước hai năm so với kế hoạch. Đến nay, 100% các xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, 18/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới; 172 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 65 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đây là một thành tựu quan trọng góp phần nâng cao đời sống của người dân khu vực nông thôn; thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn và tạo ra sự phát triển đồng đều, bền vững trên toàn địa bàn thành phố. Đời sống người dân ngày càng được nâng cao với mức thu bình quân trên 151 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 còn 0,03%, nhiều quận, huyện không còn hộ nghèo.
Công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị, trật tự, an toàn giao thông được tập trung chỉ đạo quyết liệt và có chuyển biến tích cực, nhiều dự án, công trình giao thông trọng điểm được triển khai, đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả như hai tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội. Cùng với việc cơ bản khép kín đường Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 3, thành phố và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh đang quyết liệt triển khai dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, phấn đấu hoàn thành đường song hành trong năm 2025. Khi tuyến đường được đưa vào khai thác sẽ mở ra không gian, tạo thêm động lực phát triển cho cả vùng đồng bằng sông Hồng.
Lĩnh vực văn hóa-xã hội tiếp tục phát triển cả quy mô và chất lượng, trong đó nhiều chỉ tiêu phát triển trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao dẫn đầu cả nước. Văn hóa Thăng Long, văn hóa xứ Đoài và các vùng văn hóa khác hội tụ ngày càng sâu sắc, bồi đắp thêm cho nhau, kết tinh và lan tỏa tạo thành bản sắc văn hóa chung của Hà Nội, mở rộng nhịp cầu giao lưu văn hóa với cả nước và bạn bè quốc tế. Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045” và là địa phương đầu tiên của cả nước có một nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa. Điều này cho thấy quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị thành phố nhằm tạo bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa, cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, bảo đảm phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ tăng trưởng, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao.
Có được những kết quả quan trọng đó là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của cấp ủy và chính quyền các cấp có nhiều đổi mới theo hướng tập trung, kiên quyết, dứt điểm và hiệu quả. Ngày 7/8/2023, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 24-CT/TU về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội” để xử lý, giải quyết nhiều việc mới, việc khó, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Thành phố cũng thực hiện quyết liệt công tác phân cấp, ủy quyền theo hướng tăng tính chủ động hơn cho các địa phương, để vừa nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành, vừa thực hiện hiệu quả đầu tư hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông.
Quy mô, vị thế, tầm vóc của thành phố hôm nay
Nhìn lại chặng đường 70 năm qua, chắc ai cũng vui mừng, tự hào khi thấy thế và lực của Thủ đô không ngừng phát triển. Từ một thành phố có diện tích và dân số nhỏ (152,2km2 với 437.000 người) vào năm 1954, Hà Nội hôm nay mang tầm vóc của một đô thị lớn với diện tích 3.359,84km2, dân số khoảng 8,5 triệu người.
Đảng bộ Hà Nội ngày càng lớn mạnh với 50 Đảng bộ trực thuộc, hơn 480.000 đảng viên. Với những danh hiệu cao quý: “Thủ đô Anh hùng”, “Thành phố Vì hòa bình”; ba lần được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng…, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội tự hào cùng cả nước đã xây dựng và phát triển Thủ đô từng bước xứng đáng với vai trò trung tâm chính trị-hành chính quốc gia, trái tim của cả nước, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, và hội nhập quốc tế của đất nước, là hình ảnh thân yêu trong lòng mỗi người dân và bạn bè quốc tế. Như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Hà Nội chưa khi nào có được quy mô, vị thế, tầm vóc và cơ hội phát triển như bây giờ, nhưng yêu cầu đặt ra đối với Hà Nội cũng phải cao hơn với các địa phương khác. Đảng bộ Hà Nội cần phải có tầm nhìn không chỉ là một hay vài nhiệm kỳ, mà phải nhìn xa hơn nữa, với những cách làm, bước đi phù hợp, tận dụng tối đa những thời cơ, vận hội, huy động được nguồn lực tổng hợp để phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô”.
Đây cũng chính là những tiền đề quan trọng để Thủ đô tiếp tục hướng đến những mục tiêu lớn lao hơn trong giai đoạn tiếp theo. Muốn vậy, Đảng bộ thành phố xác định sẽ phải nỗ lực, quyết tâm hơn nữa để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, quyết tâm hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 17 đã đề ra. Cùng với đó, thành phố tiếp tục các bước chuẩn bị kỹ lưỡng cả về Văn kiện và nhân sự để tổ chức thành công Đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 18, góp phần tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Với những danh hiệu cao quý: “Thủ đô Anh hùng”, “Thành phố Vì hòa bình”; ba lần được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng…, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội tự hào cùng cả nước đã xây dựng và phát triển Thủ đô từng bước xứng đáng với vai trò trung tâm chính trị-hành chính quốc gia, trái tim của cả nước, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, và hội nhập quốc tế của đất nước, là hình ảnh thân yêu trong lòng mỗi người dân và bạn bè quốc tế.
Đối với công tác nhân sự, Thành ủy Hà Nội lấy chất lượng làm hàng đầu, yêu cầu cấp ủy khóa mới phải tiêu biểu về bản lĩnh chính trị, trí tuệ, phẩm chất, đạo đức, lối sống, năng lực, uy tín; thật sự là trung tâm đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, thống nhất ý chí và hành động; có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tầm nhìn, tư duy đổi mới, có khát vọng phát triển, gắn bó mật thiết với nhân dân. Đồng thời tập trung đánh giá thực chất cán bộ để “không bỏ sót” những người thật sự có đức, có tài; đồng thời, kiên quyết “không để lọt” vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng, không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng; phẩm chất, đạo đức, năng lực, uy tín giảm sút, ý thức tổ chức kỷ luật kém, mất đoàn kết; cơ hội, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm.