Hành trình đi tìm ngọc
“Hành trình đi tìm ngọc” là nội dung bài viết của tác giả, nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung, trân trọng kính mời quý vị cùng lắng nghe bài viết.
Bài viết:
Hàng trăm câu ca dao, ngạn ngữ được tập hợp trong hai cuốn sách đã trở thành bộ tư liệu quý giá cho việc nghiên cứu và tìm hiểu lịch sử hình thành và phát triển hàng ngàn năm của đất nước và con người Hà Nội. Chúng tỏ ra vô cùng hữu ích cho công tác nghiên cứu và giảng dạy văn học, lịch sử, địa lý và các bộ môn khoa học xã hội và nhân văn của giáo viên và học sinh các cấp, đặc biệt là ở bậc đại học. Tuy nhiên, bao năm chiến tranh, giặc giã, các điều kiện nghiên cứu, sưu tầm tập hợp còn rất sơ sài, thiếu thốn. Bởi vậy chúng ta khó có thể đòi hỏi một kết quả khả dĩ hơn.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Phương Châm vốn không phải là người gốc Hà Nội. Chị sinh ra và lớn lên trên một miền quê thuộc xứ Kinh Bắc xưa. Duyên may đưa chị đến với công trình nghiên cứu về phong cảnh Hà Nội qua những câu ca dao ngạn ngữ có lẽ bắt đầu từ cách đây gần chục năm, khi chị đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi văn toàn quốc cấp phổ thông trung học. Đề bài là bình giảng câu ca dao: Gió đưa cành trúc la đà / Tiếng chuông Trấn võ, canh gà Thọ Xương / Mịt mù khói tỏả cành sương / Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.
Sau này, khi trở thành một cán bộ nghiên cứu khoa học ở Viện Văn hóa dân gian, chị đã dành nhiều tâm sức cho công trình nghiên cứu ca dao ngạn ngữ Hà Nội về đề tài phong cảnh, con người Hà Nội. Và chính bằng công trình ấy, chị đã được trường đại học khoa học xã hội và nhân văn quốc gia chọn mời thỉnh giảng thường kỳ hàng năm cho sinh viên ở bộ môn văn hóa cơ sở. Càng say mê theo đuổi công trình, chị càng phát hiện thêm những vẻ đẹp khôn cùng của ca dao ngạn ngữ Hà Nội. Đâu chỉ là phong cảnh thiên nhiên hữu tình, danh lam thắng tích đậm đặc, cổ kính, thiêng liêng mà còn là tình người Hà Nội thiết tha, nồng đượm: Sông Tô nước chảy trong ngần / Có con thuyền trắng chạy gần chạy xa / Thon thon đôi mái chèo hoa / Lướt qua lướt lại như là bướm gieo.
Nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Chu Hà đã bước vào tuổi xấp xỉ chín mươi. Lưng ông còng còng, trĩu nặng gánh thời gian song xem ra dáng đi còn mau mắn, nhanh nhẹn, đôi mắt tinh anh, hiền từ. Ông là người gốc Ý Yên, Nam Định nhưng sinh sống ở Hà Nội đã gần sáu mươi năm, nhà ở phố Hàng Bột cũ nay là phố Tôn Đức Thắng. Nhà thơ Chu Hà là cán bộ cựu trào của ngành văn hóa thông tin Hà Nội. Lãnh vực nghiên cứu mà ông chuyên sâu và dày công nhất chính là hát ca trù - hát ả đào. Bao câu hát ca trù đẹp như những áng thơ đã được ông sưu tầm, ghi chép và truyền lại cho lớp trẻ. Nhưng công trình mà ông tâm đắc nhất là ông đã cùng nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Vũ Tuấn Sán, người làng Lủ, thuộc xã Đại Kim, huyện Thanh Trì và hai nhà giáo là Phạm Hòa (trường phổ thông trung học Việt Đức) và Triêu Dương (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1) cùng tham gia sưu tầm và soạn thảo hai tập Ca dao ngạn ngữ Hà Nội, từ những năm sáu mươi, bẩy mươi của thế kỷ trước.
Phạm vi đề cập của hai cuốn sách đó thật rộng lớn. Nào là ca dao ngạn ngữ về đề tài lịch sử, văn hóa danh lam, thắng cảnh, di tích, sản vật, con người, nghề nghiệp, phong tục, tập quán, lễ hội, phong cách ứng xử gia đình, xã hội... Hàng trăm câu ca dao, ngạn ngữ được tập hợp trong hai cuốn sách đã trở thành bộ tư liệu quý giá cho việc nghiên cứu và tìm hiểu lịch sử hình thành và phát triển hàng ngàn năm của đất nước và con người Hà Nội. Chúng tỏ ra vô cùng hữu ích cho công tác nghiên cứu và giảng dạy văn học, lịch sử, địa lý và các bộ môn khoa học xã hội và nhân văn của giáo viên và học sinh các cấp, đặc biệt là ở bậc đại học. Tuy nhiên, bao năm chiến tranh, giặc giã, các điều kiện nghiên cứu, sưu tâm tập hợp còn rất sơ sài, thiếu thốn. Bởi vậy chúng ta khó có thể đòi hỏi một kết quả khả di hơn. Bây giờ, nói sao thì nói, đã ở tuổi gần đất, xa trời, nhà thơ Chu Hà không khỏi có những điều thật ngậm ngùi, tiếc nuối:
- Hồi Mỹ đánh bom Hà Nội. Nhà ngày ấy chẳng có gì gọi là đáng giá. Chỉ có tập vở tôi ghi chép những câu ca dao, ngạn ngữ mới sưu tầm được là tôi quý nhất. Liền cho vào cái két sắt cũ của nhà chủ ngày xưa để lại, khóa chặt. Nghĩ thế là chắc chắn nhất.
Không ngờ, sau một đợt đi công tác trở về, lấy ra soạn lại, thì mỗi đã xông mất hết. Tiếc đến bây giờ vẫn chưa nguôi…
Bao điều trăn trở, nhưng ở tuổi xấp xỉ cửu tuần, ông không thể còn xoay xỏa nổi. Nhưng thật may, kế tiếp sự nghiệp của các bậc lão làng, có một người không kém phần tâm huyết. Đó chính là nhà thơ, nhà báo Giang Quân. Ở độ tuổi ngót nghét tám mươi, tóc cũng đã bạc phơ phơ, ông cũng vốn là một cán bộ cựu trào sau lớp cụ Chu Hà của Sở văn hóa thông tin Hà Nội.
![]() |
Thủ đô Hà Nội xưa |
Ông tham gia nghiên cứu, gắn bó với ca dao, ngạn ngữ Hà Nội đã trên nửa thế kỷ. Hai cuốn sách của các bậc tiền bối đã là cơ cở vững chãi để ông tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm. Bởi kho tàng ca dao, ngạn ngữ của vùng đất đế kinh ngàn năm này thật vô cùng phong phú và giàu đẹp... Biết bao điều còn ẩn chứa trong nhân gian rộng lớn. Cho đến năm tròn tuổi thất thập, ông mới cho công bố một cuốn sách là kết qủa của trên nửa thế kỷ đằng đẳng miệt mài. Cuốn Hà Nội trong ca dao ngạn ngữ bao gồm 500 câu, như tên gọi của nó, chỉ khuôn đề tài vào một lĩnh vực hẹp hơn, song chính là tập trung hơn, khu biệt hơn và nổi rõ đặc trưng Hà Nội hơn.
Phong cảnh, địa danh, con người, sản vật, nghề nghiệp, lễ hội của vùng đất ngàn năm văn hiến. Nhưng có một phần được bổ sung và chỉnh lý cũng như chú giải kỹ lưỡng hơn. Đặc biệt có tập hợp thêm các câu ca dao ngạn ngữ mới của thời kỳ cận đại và hiện đại của Hà Nội. Một thời gian dài, nhà thơ, nhà báo Giang Quân lại đang tiếp tục sưu tầm, tập hợp thêm trên hai trăm câu ca dao, ngạn ngữ của các vùng nội ngoại thành Hà Nội cho việc tái bản cuốn sách vào năm 2002. Ông coi đây là một công trình không của riêng mình hướng tới dịp kỷ niệm ngàn năm Thăng Long - Hà Nội.
Trong mấy năm rong ruổi khắp các vùng nội ngoại thành, niềm vui lớn nhất của ông là phát hiện được thêm những câu ca dao, ngạn ngữ bao năm còn ẩn dấu trong dân gian, chưa hề được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó là hàng trăm dị bản của các câu ca dao, ngạn ngữ của từng miền quê theo những mô tuýp biến thể cổ truyền. Chuyến về thăm vùng bưởi Diễn cách đây không lâu là một trong những chuyến đi may mắn của ông. Sau đây là mấy câu ca dao, hay chính là những viên ngọc quý mà ông vừa thu lượm trong chuyến đi ấy. Chợ Diễn một tháng sáu phiên / Bưởi vàng trái ngọt ai quên nhớ về.
Và điều tâm đắc nhất của ông là đã sưu tầm được những câu ca dao Hà Nội thời cận đại. Trong đó có những câu ông sưu tầm được chính ở dãy phố Khâm Thiên nơi mà gia đình ông cư trú từ sau ngày giải phóng thủ đô. Nguyên trước cách mạng Tháng Tám năm 45, Khâm Thiên vẫn còn là một phố cô đầu, nhà hát "lừng danh". Dân ăn chơi đất Hà Thành gen gọi là phố "Chị em". Hôm gặp lại nhà thơ Chu Hà, ông đã tủm tỉm đọc cho người đàn anh nghe mấy câu: Tối thì đẹp tựa tiên sa / Ngày nom rũ rượi như gà mắc mưa / Báu gì hương chạ hoa thừa / Thà rằng chẵn lẻ Hai Cua cho rồi.
Và ông nói rằng, thoạt đầu không hiểu chữ Hai Cua là gì. Hỏi ra sau mới biết rằng đó chính là một sòng bạc cũng vào loại "ác chiến" ở phố Khâm Thiên ngày trước. Bên ẩm trà Tàu đặc sánh, câu chuyện của hai bậc lão làng tưởng như khó có chỗ dứt.
Tóc xoã ngang vai xanh mướt, ở tuổi vừa tròn tam thập, may mắn hơn các bậc tiền bối của mình, thạc sĩ Nguyễn Phương Châm bước sang năm đầu thế kỷ mới, đã gấp rút chuẩn bị tài liệu cho luận văn nghiên cứu sinh học vị tiến sĩ cũng xung quanh đề tài Văn hóa tộc người Việt sinh sống trên đất nước Trung Hoa. Nhưng song song cùng với bản luận văn, sẽ vẫn là những bài giảng trên lớp cho sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn về đề tài ca dao ngạn ngữ phong cảnh của Hà Nội. Có người từng thắc mắc trên sóng Đài phát thanh - truyền hình Hà Nội rằng: "Sao lại đọc lầm chữ đền thành chữ chùa trong một câu ca dao cũ": Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ / Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn.
Thực ra là không lầm đâu! Trong bài giảng sắp tới, cô sẽ chú thích rõ hơn xuất xứ của câu ca dao là từ thời Lê Trịnh. Khi ấy đền Ngọc Sơn vốn còn đang là một ngôi chùa thờ Phật quanh năm nghi ngút khói hương.
Cũng bắt đầu từ thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, khi internet phát triển và bắt đầu từ thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, khi mạng xã hội mở rộng thì đó chính là cơ hội tốt đẹp để nở rộ việc phát lộ và thu thập ca dao, tục ngữ thành ngữ ở các địa phương, kể cả ở các vùng đất thuộc xứ Đoài, Hà Tây xa xôi khi được sáp nhập về Hà Nội. Nhanh nhậy bắt nhịp với nhu cầu tất yếu của thời đại, dăm năm trước, Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội do GS - TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội và PGS - TS Đỗ Thị Hảo, Phó Chủ tịch Hội kiêm chủ nhiệm đề tài đã đề xuất với Thành phố Hà Nội mở một dự án sưu tầm ca dao tục ngữ mới. Dự án tuy chưa kết thúc nhưng đã thu được những thành quả ban đầu tốt đẹp, thu thập được hàng ngàn câu ca dao tục ngữ ở các địa phương vùng Hà Nội cũ và Hà Nội mở rộng.
Có những câu ca dao xưa chỉ được lưu truyền trong địa vực làng xã bé nhỏ nay đã được đông đảo người dân trong và ngoài nước biết đến. Đơn cử như bài ca dao ca tụng sự chăm chỉ và tài khéo người dân làng nghề bánh gai Yên Sở thuộc vùng kẻ Giá, huyện Hoài Đức: Bánh gai làng Giá thơm ngon / Con gái làng Giá tươi giòn sắc xuân / Giã lá, xay bột chuyên cần / Khéo tay gói bánh người ăn tìm về.
Hay là mấy câu ca dao ở làng bánh gio Đắc Sở cũng thuộc vùng kẻ Giá bên dòng sông Đáy nói về một phẩm chất của đặc sản nổi danh của làng quê: Bánh gio trong hổ phách / Dẫu có đắt cũng mua / Bánh gio màu nước dưa / Dẫu có cho chả đắt.
Một câu ca dao khác của làng nghề bánh dày Quán Gánh, huyện Thường Tín ca tụng giá trị của đặc sản quê hương bằng giải pháp khoa trương đôi khi gặp trong ca dao tục ngữ: Cho dù chồng chán vợ chê / Bánh dày Quán Gánh lại về với nhau.
Nhà thơ Yên Giang vốn là Trưởng phòng Phòng Sáng tác và xuất bản Sở Văn hóa thông tin Hà Tầy và đã từng chủ biên cuốn sách Ca dao tục ngữ Hà Tây dày tới 700 trang. Sau khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, tham gia vào Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội, ông là người rất tích cực và bền bỉ tham gia dự án sưu tầm tục ngữ ca dao mới của Hội văn nghệ dân gian Hà Nội với hàng trăm câu.
Nét đặc biệt trong bộ sưu tập của ông là những câu ca dao tục ngữ mới về để tài phản biện xã hội. Ông rất tâm đắc với quan niệm của người xưa:
Ngày xưa đức Khổng Tử bên Trung Hoa từng khuyên các đấng quân vương nên cử người thâm nhập vào đời sống của người dân mà thu thập những câu ca dao ngạn ngữ, những câu chuyện tiếu lâm có tính giều cợt, chống đối thể chế để từ đó nghiên cứu, phân loại ý kiến đúng sai, rồi nương theo mà sửa đổi chính sách cai trị sao cho hợp lòng dân, cũng là vì sự thịnh trị lâu dài của xã tắc.
Hơn hai mươi năm sau, cô sinh viên cao học Nguyễn Thị Phương Châm ngày nào nay đã trở thành PGS - TS Nguyễn Thị Phương Châm và đã được bổ nhiệm cương vị Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Thật mừng cho Phương Châm nhưng cũng hơi có chút ngậm ngùi khi nghe cô nói lâu rồi không còn giảng dạy hay nghiên cứu đề tài ca dao tục ngữ nói chung và ca dao tục ngữ Hà Nội nói riêng nữa.
Thế gian bao năm biến cải, đổi dời. Chẳng còn đâu nữa bóng dáng những bến trúc Nghi Tàm, rừng bàng Yên Thái, chợ đêm Khán Xuân, sâm cầm hồ Tây... Bao giờ cho nước sông Tô trở lại trong ngần? Nhưng nỗi ao ước của cô giáo trẻ người gốc Kinh Bắc một ngày xa xưa ấy, phải chăng cũng chính là nỗi mong ước đau đáu trong lòng mỗi người dân thủ đô trong hiện tại?
Mong sao các nhà quy hoạch, kiến trúc xây dựng thủ đô dù có kiến thiết, sửa sang, tôn tạo thành phố cho hiện đại, mới mẻ đến như thế nào cũng vẫn nên giữ lại những dáng nét kiến trúc và phong cảnh đặc sắc của đất Kinh kỳ Thăng Long, cho xứng danh là nơi mãi mãi "Lắng hồn núi sông ngàn năm".
Nội dung bài viết đến đây xin được tạm dừng, cảm ơn quý vị đã dành thời gian lắng nghe. Thân ái chào tạm biệt quý vị và các bạn!