Phụ huynh có thể lựa chọn đóng bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên theo phương thức nào?
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên đã được quy định, luật hóa một cách thống nhất, mang tính bắt buộc. Thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên không chỉ bảo đảm cho các em được chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu, mà còn tạo điều kiện giúp các em được phát triển toàn diện cả về trí tuệ và thể lực.
Tham gia bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên nhằm tạo điều kiện giúp các em được phát triển toàn diện cả về trí tuệ và thể lực. Ảnh: TTXVN |
Theo quy định hiện nay, tham gia bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên được Nhà nước hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng; thủ tục đăng ký đơn giản, tiện lợi mà còn được hưởng nhiều quyền lợi thiết thực khi bị ốm đau…
Tuy nhiên, kể từ ngày 1/7/2024, theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP của Chính phủ, mức lương cơ sở là 2,34 triệu đồng/tháng do đó mức đóng bảo hiểm y tế hàng tháng của học sinh, sinh viên bằng 4,5% mức lương cơ sở (trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 30%, còn lại học sinh, sinh viên tự đóng 70%).
Như vậy, phụ huynh, học sinh, sinh viên có thể linh động lựa chọn đóng theo 4 phương thức gồm 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng hoặc 12 tháng một lần.
Mức đóng cụ thể như sau:
Mức đóng bảo hiểm y tế mới theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP |
Nhằm phấn đấu hoàn thành mục tiêu 100% học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế trong năm học 2024-2025, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đang triển khai hướng dẫn các đơn vị trực thuộc và Bảo hiểm Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương truyền thông chuyên đề về tham gia bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên.
Theo đó, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam yêu cầu Bảo hiểm Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung đẩy mạnh truyền thông cao điểm các nội dung sau: Ý nghĩa, giá trị nhân văn, nhân đạo, tính chia sẻ cộng đồng của chính sách bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên nói riêng; việc tham gia bảo hiểm y tế là quyền và trách nhiệm của mỗi học sinh, sinh viên.
Quyền lợi, mức đóng, phương thức tham gia bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên; học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng tối thiểu 30% và ngân sách địa phương hỗ trợ thêm (nếu có). Nội dung các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên năm học 2024-2025 của ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.
Kết quả tổ chức, thực hiện chính sách bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên năm 2023-2024: Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nhà trường bằng nguồn chi từ quỹ bảo hiểm y tế; công tác chi trả chi phí khám, chữa bệnh cho học sinh, sinh viên (trong đó, thông tin cụ thể về học sinh, sinh viên được quỹ bảo hiểm y tế chi trả chi phí khám chữa bệnh cao).
Ý nghĩa, tính năng, tiện ích của ứng dụng VssID - BHXH số (ứng dụng VssID) với học sinh, sinh viên như: Sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng để khám chữa bệnh (cha, mẹ, người giám hộ của học sinh dưới 14 tuổi chưa làm thẻ căn cước, có thể cài đặt ứng dụng VssID cho học sinh); nắm bắt thông tin và giám sát quá trình tham gia, thụ hưởng chính sách bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên. Học sinh, sinh viên đã có thẻ căn cước có thể sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VneID (đã tích hợp thông tin thẻ bảo hiểm y tế) để khám chữa bệnh.
Lan tỏa gương “người tốt, việc tốt”, các kinh nghiệm, sáng kiến, cách làm hay; biểu dương các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích;… trong công tác tổ chức, thực hiện chính sách bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên. Đồng thời, truyền thông, vận động để mỗi học sinh, sinh viên và phụ huynh là một truyền thông viên về bảo hiểm y tế; các tổ chức, cá nhân trao tặng thẻ bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.