Phòng, chống lãng phí: Mệnh lệnh phát triển trong kỷ nguyên mới
Lãng phí: Kẻ thù vô hình của phát triển bền vững
Việt Nam đang bước vào một kỷ nguyên mới, thời kỳ hội nhập sâu rộng, chuyển đổi số mạnh mẽ và cạnh tranh toàn cầu gay gắt. Ở đó, từng nguồn lực, dù là nhỏ nhất, đều quý giá, từng quyết sách từ vĩ mô hay chính sách cụ thể đều phải hướng đến hiệu quả bền vững.
Trên hành trình ấy, phòng, chống lãng phí không còn là khẩu hiệu tuyên truyền, mà là mệnh lệnh phát triển mang tính sống còn, như tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết “Chống lãng phí” đã nhấn mạnh: “Chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đây cũng là thời điểm để định hình tương lai của chúng ta. Để nắm bắt cơ hội, đẩy lùi thách thức, gia tăng mạnh mẽ nguồn lực chăm lo cho nhân dân, làm giàu cho đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, xây dựng tương lai tốt đẹp, công tác phòng, chống lãng phí cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ…”.
Lãng phí không phải là hiện tượng mới. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, khi ngân sách quốc gia vẫn còn eo hẹp, khi kỳ vọng của nhân dân về một nhà nước liêm chính, kiến tạo ngày càng rõ ràng, thì mọi biểu hiện của lãng phí đều trở thành điểm nghẽn, thậm chí là lực cản phát triển.
Lãng phí diễn ra trên nhiều phương diện: lãng phí đầu tư công, lãng phí tài nguyên đất đai, lãng phí thời gian xử lý thủ tục hành chính, lãng phí nhân lực trong bộ máy, lãng phí trong giáo dục đào tạo, y tế, khoa học công nghệ… Và điều đáng lo ngại là, nhiều dạng lãng phí không được ghi nhận như thiệt hại trực tiếp về tiền bạc, nhưng lại gây hậu quả âm ỉ, kéo dài: chậm tiến độ dự án, công trình bỏ hoang, máy móc mua về không dùng, cán bộ không làm được việc nhưng vẫn giữ ghế…
Trong bài viết “Chống lãng phí”, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc... công tác phòng, chống lãng phí cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ. Ảnh: Hà Tĩnh |
Hệ quả là không chỉ lãng phí tiền bạc của Nhà nước, của nhân dân, mà còn xói mòn niềm tin xã hội và khiến năng lực cạnh tranh quốc gia bị ảnh hưởng. Khi nguồn lực bị dàn trải, hiệu quả đầu tư thấp, thì mục tiêu phát triển bền vững chỉ dừng ở lý thuyết.
Một vài con số biết nói đủ để gióng lên hồi chuông cảnh báo: theo Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, mỗi năm, hàng chục nghìn tỷ đồng bị sử dụng sai mục đích, kém hiệu quả hoặc không giải ngân được. Có những dự án đầu tư công bị đội vốn hàng nghìn tỷ đồng, kéo dài cả chục năm mà vẫn chưa hoàn thành. Đất công bị bỏ hoang, hoặc cho thuê giá rẻ mạt, gây thất thoát ngân sách nghiêm trọng.
Trong lĩnh vực giáo dục và y tế, nhiều địa phương xây dựng trường học khang trang nhưng thiếu giáo viên, thiếu học sinh; nhiều dự án bệnh viện vệ tinh xây dựng dở dang hoặc hoàn thiện xong hoạt động một thời gian ngắn lại đóng cửa vì nhiều hạng mục còn thi công dang dở, phần lớn chưa có trang thiết bị y tế… Điển hình nhất là dự án cơ sở 2 của bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức tại Hà Nam.
Ở cấp địa phương, không ít chương trình, dự án được triển khai rầm rộ nhưng thiếu cơ sở đánh giá hiệu quả, dẫn đến hình thức, phô trương, chi tiêu lãng phí. Các mô hình “nông thôn mới”, “đô thị thông minh”, “chuyển đổi số”… nếu không được triển khai bài bản, minh bạch và thực chất, cũng có nguy cơ trở thành nơi phát sinh lãng phí lớn.
Cần một “chỉ số lãng phí” như một công cụ điều hành thực chất
Trong chỉ đạo gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: chống lãng phí không chỉ là yêu cầu về quản lý kinh tế mà là trách nhiệm chính trị, đạo đức công vụ, thể hiện năng lực và ý thức phục vụ nhân dân của từng cán bộ, công chức, viên chức. Đây là lời nhắc nhở và cũng là mệnh lệnh hành động.
Bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư cũng đưa ra yêu cầu cụ thể: “Cần thống nhất nhận thức đấu tranh phòng, chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go, phức tạp; là một phần của cuộc đấu tranh giai cấp; có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để xây dựng Đảng ta vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”.
Thực tế đặt ra đòi hỏi, muốn chống lãng phí hiệu quả, cần hành động từ gốc rễ. Không thể chỉ kêu gọi tinh thần trách nhiệm mà thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm minh. Không thể chỉ đưa ra các khẩu hiệu “tiết kiệm”, “hiệu quả” mà thiếu tiêu chí đo lường cụ thể, thiếu công cụ đánh giá định lượng hiệu quả sử dụng nguồn lực.
Phòng, chống lãng phí: Mệnh lệnh phát triển trong kỷ nguyên mới. Ảnh minh họa |
Người đứng đầu của Đảng đã gợi mở những giải pháp cụ thể để công cuộc chống lãng phí đi vào thực chất, hiệu quả, như: Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật, coi đây là yếu tố quan trọng để phòng, chống lãng phí.. Thường xuyên đánh giá hiệu quả, chất lượng chính sách sau ban hành để kịp thời điều chỉnh bất cập, mâu thuẫn, giảm thiểu thất thoát, lãng phí các nguồn lực.
Đặc biệt, Tổng Bí thư yêu cầu cần nhân rộng các điển hình đầu tư, dự án hiệu quả, đó là: Tổng kết, nhân rộng kinh nghiệm triển khai dự án đường dây 500 kv mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình) - Phố Nối (Hưng Yên) để rút ngắn thời gian thực hiện các công trình, dự án đầu tư công trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường cao tốc, công trình trọng điểm, liên vùng, dự án có tác động lan tỏa.
Đã đến lúc Việt Nam cần xây dựng và công bố một hệ thống “chỉ số lãng phí” cho từng bộ ngành, địa phương, như một phần trong hệ thống đánh giá hiệu quả quản trị công. Chỉ số này cần phản ánh các khía cạnh như: tỷ lệ giải ngân đầu tư công, hiệu quả sử dụng đất công, mức độ trùng lặp giữa các chương trình mục tiêu, tỷ lệ sử dụng tài sản công, hiệu quả chi thường xuyên, số lượng văn bản hành chính phát sinh…
Công khai chỉ số này theo định kỳ sẽ là cách để thúc đẩy trách nhiệm giải trình, tạo sức ép từ dư luận xã hội, đồng thời trở thành công cụ giúp Chính phủ đánh giá chính xác tình trạng sử dụng nguồn lực và điều chỉnh kịp thời các chính sách.
Hơn cả, phải xem chống lãng phí không phải là việc lớn lao xa vời mà cần bắt đầu từ những việc nhỏ nhất. Đó đơn giản chỉ là tắt bớt đèn điện không cần thiết trong cơ quan, tắt điều hòa khi không ngồi ở phòng làm việc…, hay lớn hơn một chút là không tổ chức hội nghị, hội thảo hình thức; rà soát lại các khoản chi không cần thiết; sử dụng xe công đúng mục đích; số hóa hồ sơ để giảm chi phí giấy tờ…
Các bộ, ngành, địa phương cần thiết lập hệ thống giám sát nội bộ hiệu quả, giao quyền cho người đứng đầu nhưng phải đi kèm với trách nhiệm giải trình cao. Bộ máy kiểm toán, thanh tra cần hoạt động mạnh mẽ hơn, độc lập hơn, và đặc biệt phải minh bạch hơn. Việc xử lý các trường hợp lãng phí cũng cần nghiêm khắc như chống tham nhũng bởi thực chất đây là hai mặt của cùng một vấn đề: làm thất thoát nguồn lực quốc gia.
Chống lãng phí, về bản chất, chính là quản trị hiệu quả. Mỗi đồng chi ra phải tạo ra giá trị, mỗi dự án triển khai phải có lợi ích cụ thể, mỗi chính sách ban hành phải khả thi và đo lường được. Không thể để tình trạng “nghèo vẫn tiêu hoang”, “đầu tư dàn trải”, “chạy theo phong trào” tiếp diễn trong thời kỳ mà mọi quốc gia đều chạy đua tối ưu hoá nguồn lực.
Muốn vươn mình trong kỷ nguyên mới, Việt Nam không thể để lãng phí kéo lùi phía sau. Đã đến lúc mỗi địa phương, mỗi ngành, mỗi cán bộ phải coi chống lãng phí là trách nhiệm cá nhân, là danh dự nghề nghiệp và là mệnh lệnh phát triển không thể trì hoãn.
Ngày 22/4/2025, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình ký Quyết định số 806/QĐ-TTg ban hành Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí đến năm 2035. Quyết định nêu rõ, mục tiêu chung nhằm ngăn chặn, đẩy lùi lãng phí, góp phần quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của đất nước, khơi dậy sức dân, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh, thịnh vượng; giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội. Mục tiêu cụ thể là khắc phục những hạn chế, bất cập trong chính sách, pháp luật; tăng cường thực thi pháp luật trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là những lĩnh vực dễ phát sinh lãng phí. Quyết định cũng đưa ra 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện các mục tiêu đề ra của Chiến lược. |