Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định làm việc về tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)
Chiều 25.1, tại Hà Nội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì làm việc với Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp và thành phố Hà Nộivề tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng và các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh; cùng Thường trực Ủy ban Pháp luật, đại diện các cơ quan liên quan.
Trình bày kết quả quá trình phối hợp tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã chủ động phối hợp với Bộ Tư pháp - cơ quan chủ trì soạn thảo, UBND Thành phố Hà Nội và các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội. Theo phương án đề xuất của UBND Thành phố Hà Nội, dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý có 7 chương, 54 điều, giảm 5 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội.
Để thuận lợi cho các cơ quan trong việc phối hợp tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) bảo đảm chất lượng và tiến độ đề ra, Thường trực Ủy ban Pháp luật nêu một số đề xuất, kiến nghị, trong đó nhấn mạnh nguyên tắc nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội và các cơ quan thẩm tra để chỉnh lý dự thảo Luật. Những nội dung không tiếp thu sẽ được giải trình đầy đủ, thuyết phục, có cơ sở; bảo đảm mọi ý kiến của các đại biểu đều được nghiên cứu tiếp thu, giải trình đầy đủ.
Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu |
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, các cơ quan sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu để bổ sung làm rõ hơn về: Thu hút, trọng dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; mô hình khu phát triển thương mại văn hóa; quản lý, khai thác không gian ngầm phù hợp với Luật Đất đai; phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD); liên kết, phát triển vùng Thủ đô. Tiếp thu tối đa ý kiến của ĐBQH đối với một số nội dung: tăng cường cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực trên địa bàn phường khi không tổ chức HĐND; đổi mới phương thức hoạt động, cách thức làm việc của HĐND thành phố (Điều 9); doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, khởi nguồn của các trường đại học (Điều 25); phát triển nhà ở (Điều 31); phát triển nông nghiệp (Điều 33)...
Tại buổi làm việc, các đại biểu ghi nhận tinh thần chủ động, trách nhiệm của các cơ quan khi đã tổ chức nhiều cuộc làm việc để nghiên cứu phương án tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật với cách làm thận trọng, kỹ lưỡng. Đồng thời cho rằng, việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật phải bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất về thuật ngữ, nội dung và cách thức thể hiện, kỹ thuật lập pháp; phải rà soát thật kỹ toàn bộ dự thảo Luật, đặc biệt là những điều khoản có liên quan trực tiếp với nhau để có cách thể hiện thống nhất.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu |
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao tinh thần chủ động, trách nhiệm, cầu thị của cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và đặc biệt là Thành phố Hà Nội trong việc tổ chức nghiên cứu, đề xuất nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật theo ý kiến các đại biểu Quốc hội.
Về các công việc triển khai trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường trực Ủy ban Pháp luật chủ trì, phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo, UBND Thành phố Hà Nội và các cơ quan có liên quan khẩn trương tiến hành rà soát, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; làm việc trực tiếp với các bộ, ngành về phương án tiếp thu, chỉnh lý đối với từng nhóm chính sách trong dự thảo Luật; phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức hội thảo, tọa đàm về những nội dung, chính sách mới, đặc thù, đột phá trong dự thảo Luật để tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu |
Toàn cảnh buổi làm việc |
Bộ Tư pháp khẩn trương đề xuất phương án giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật gửi về Thường trực Ủy ban Pháp luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để làm cơ sở cho việc tiếp thu, chỉnh lý. Thường trực Thành ủy Hà Nội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND, UBND Thành phố Hà Nội tiếp tục quan tâm, chủ động đề xuất các nội dung tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật nhất là các nội dung có tính chuyên môn sâu; tham gia phối hợp chặt chẽ, kịp thời, trách nhiệm.
Nhấn mạnh khối lượng công việc từ nay đến khi trình Quốc hội thông qua dự án Luật là rất lớn, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, các cơ quan phải bám sát kế hoạch, cố gắng phối hợp chặt chẽ, lắng nghe ý kiến của nhau; phân tích, đánh giá tác động chính sách kỹ lưỡng thì mới có thể bảo đảm tiến độ và hoàn thiện dự thảo Luật với chất lượng tốt nhất.