Thủ tướng: Xây dựng pháp luật phải lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Xây dựng tuân thủ quy định chống tham nhũng trong xây dựng pháp luật |
Phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2025, ngày 17/12, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nêu rõ, xây dựng, hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, trong đó, ngành tư pháp là một lực lượng nòng cốt, tham mưu trực tiếp.
Qua báo cáo của Bộ Tư pháp và trực tiếp chỉ đạo, theo dõi việc thực hiện các nhiệm vụ, công việc của Bộ Tư pháp, ngành tư pháp cũng như các ý kiến phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đánh giá cao các kết quả mà Bộ Tư pháp đã đạt được và nhấn mạnh một số nội dung nổi bật.
Đó là Bộ Tư pháp đã phát huy vai trò cơ quan thường trực Tổ công tác rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, theo đó, đã tham mưu, đề xuất việc một luật sửa 9 luật trong lĩnh vực tài chính, một luật sửa 4 luật về đầu tư. Kết quả nổi bật nữa là việc cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID. Công tác thi hành án dân sự đạt nhiều kết quả tích cực với trên 621.000 việc được thi hành xong, thu được trên 117.000 tỷ đồng (tăng hơn 45.000 việc và hơn 27.000 tỷ đồng so với năm 2023).
Phó Thủ tướng Lê Thành Long nêu rõ, xây dựng, hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, trong đó, ngành tư pháp là một lực lượng nòng cốt, tham mưu trực tiếp. Ảnh; VGP |
Phó Thủ tướng nhìn nhận, ngành tư pháp đã đóng góp một cách rất trách nhiệm, hiệu quả và có bản lĩnh trong việc giải quyết một số việc đã tích tụ từ lâu. Công tác pháp luật quốc tế và hợp tác quốc tế về pháp luật, tư pháp đạt nhiều kết quả quan trọng. Bộ Tư pháp đã tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ của cơ quan đại diện pháp lý cho Chính phủ trong các tranh chấp đầu tư quốc tế.
Năm 2025 là năm có nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta phải tiến hành đồng thời 3 việc là chuẩn bị nội dung và nhân sự để tổ chức Đại hội Đảng các cấp, phải đạt tăng trưởng hơn 7% để hoàn thành được mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra và triển khai việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Bối cảnh đó đặt nhiều nhiều khó khăn, thách thức đối với tất cả các ngành, lĩnh vực, trong đó có ngành tư pháp.
Trước các nhiệm vụ đối với ngành tư pháp trong năm 2025, Phó Thủ tướng yêu cầu quán triệt nghiêm túc, đẩy mạnh thực hiện các chỉ đạo của Tổng Bí thư trong cuộc làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp, trong đó, lưu ý việc đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm". Công tác xây dựng pháp luật phải bảo đảm khả thi, hiệu quả, chi phí tuân thủ thấp, đến được với ngươi dân, doanh nhiệp, nâng cao năng suất và chất lượng; tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính.
Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2025. Ảnh; VGP |
Trong năm 2025, thực hiện yêu cầu của Tổng Bí thư Tô Lâm về chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp sẽ xây dựng, trình Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về "Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới". Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tư pháp làm tốt công tác này, trong đó cần lưu ý lấy ý kiến của các tầng lớp, cơ quan, bộ, ngành.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng nêu rõ cần chủ động rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến sắp xếp, tinh gọn bộ máy để nền hành chính không bị gián đoạn.Khối lượng công việc đồ sộ, cần xác định rõ đầu bài, việc gì khả thi, việc gì làm trước, việc gì làm sau để bảo đảm kịp thời gian, chất lượng; cần quan tâm hơn nữa đến công tác chuyển đổi số, coi đây là điều kiện tiên quyết để thực hiện tốt, tròn vai đối với các chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành tư pháp.
Đặc biệt, Bộ Tư pháp, ngành tư pháp được yêu cầu cần nghiêm túc, khẩn trương tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, đề xuất đổi mới, sắp xếp, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, theo định hướng là giảm tối thiểu 15-20% đầu mối tổ chức bên trong. Không sắp xếp một cách cơ học, không để gián đoạn trong thực hiện nhiệm vụ.
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, năm 2024, Bộ Tư pháp, cùng các bộ, ngành đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua 28 luật, 5 nghị quyết quy phạm. Riêng tại Bộ Tư pháp đã chủ trì, xây dựng, trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua 3 luật, 1 nghị quyết. Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp (LLTP) đã được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đến nay, tất cả 63 tỉnh, thành phố đã triển khai thí điểm cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID và được người dân đón nhận tích cực. Trong gần 2 tháng thực hiện thí điểm, đã cấp 70.000 Phiếu LLTP điện tử (chiếm tỉ lệ hơn 50% tổng số hồ sơ cấp Phiếu LLTP trên toàn quốc). |